Kinh tế Trung Quốc: Giảm lạm phát ‘ngập ngừng’, tăng trưởng công nghiệp bị kìm hãm do chính sách ‘giảm rủi ro’ toàn cầu
Nền kinh tế Trung Quốc đã bị rơi vào tình thế khó khăn trong một loại giảm lạm phát “ngập ngừng”: một mặt, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của quốc gia này bị đình trệ do chiến lược “làm giảm rủi ro” toàn cầu do nhóm các quốc gia G-7 dẫn đầu chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ); mặt khác, hành động tăng nguồn cung tiền của Bắc Kinh đã không giúp thúc đẩy nền kinh tế khi tiền không chảy đến người dân và tiêu dùng vẫn trì trệ.
Dữ liệu từ Ngân hàng Trung Quốc, hay cũng là ngân hàng trung ương của Trung Quốc, cho thấy hồi cuối tháng Tư, số dư tiền rộng (M2) — một thước đo lượng tiền lưu thông trong một nền kinh tế — là 252.7 ngàn tỷ nhân dân tệ (35.4 ngàn tỷ USD), tăng 12.4% so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong khi tỷ trọng cho vay bằng nhân dân tệ (RMB) là 226.2 ngàn tỷ nhân dân tệ (31.7 ngàn tỷ USD), tăng 11.8% so với cùng thời kỳ năm ngoái; và nguồn tài chính xã hội lên tới 359.95 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 50.5 ngàn tỷ USD), tăng 10% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Những con số này phản ánh một hiện tượng trong đó nhà cầm quyền ĐCSTQ đã sử dụng nguồn cung tiền mới được bổ sung nhiều hơn để giải quyết các khoản vay của chính quyền và trái phiếu tài chính xã hội.
Trong khi đó, nền kinh tế đang xấu đi của Trung Quốc không có dấu hiệu dừng lại, với tỷ lệ thất nghiệp trong cuộc khảo sát đô thị toàn quốc hồi tháng Tư ở mức 5.2% và tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi 16–24 đạt 20.4% — mức cao nhất kể từ khi được đưa vào thống kê năm 2018.
Một cấu trúc kép
Hôm 09/06, cổng thông tin Trung Quốc Tencent đưa tin, tại một hội nghị thượng đỉnh doanh nhân diễn ra hồi tháng Tư, giáo sư Tôn Lập Bình (Sun Liping) thuộc Khoa Xã hội học tại Đại học Thanh Hoa cho biết rằng một cấu trúc kép mới đang hình thành trong toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc: một bên có thể được gọi là “kế hoạch quốc gia,” và bên kia là “sinh kế của người dân.”
Ông Tôn cho biết phần “kế hoạch quốc gia” bao gồm cơ sở hạ tầng quan trọng, công nghệ cao, công nghiệp sản xuất tân tiến, công nghiệp quân sự, và nền tảng tài chính chính quyền, vốn là trọng tâm phân bổ nguồn lực của một quốc gia, trong khi phần “sinh kế của người dân” đề cập đến hầu hết các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ liên quan chặt chẽ đến cuộc sống của người dân, vốn cũng tạo ra phần lớn cơ hội việc làm ở Trung Quốc.
Ông so sánh hai phần này như là “phần thân trên” và “phần thân dưới,” nói rằng “phần thân trên” giống như một “kế hoạch quốc gia” nuôi sống số lượng dân số và lực lượng nhân sự ít hơn, nhưng lại chiếm nhiều tài nguyên hơn, trong khi “phần thân dưới” giống như “sinh kế của người dân” vốn có thể trợ giúp cho nhiều người và lực lượng nhân sự hơn mà lại được cung cấp ít tài nguyên hơn.
Ông Tôn cho biết dữ liệu cho thấy xuất cảng ngày càng tập trung vào “phần thân trên,” và tỷ lệ liên quan đến “phần thân dưới” đang giảm dần. Theo Tổng cục Hải quan, từ tháng Một đến tháng Năm, xuất cảng các sản phẩm điện và cơ khí, như thiết bị xử lý dữ liệu tự động, điện thoại di động, và xe hơi, lên tới 5.57 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 781.21 tỷ USD), chiếm 57.9% tổng kim ngạch xuất cảng. Ngược lại, xuất cảng các sản phẩm thâm dụng nhân công (labor-intensive), như quần áo và dệt may, đã chỉ đạt 1.65 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 231.42 tỷ USD), chiếm 17.2% tổng giá trị xuất cảng.
Cục Thống kê đã công bố rằng từ tháng Một đến tháng Tư, đầu tư tài sản cố định của quốc gia (không bao gồm các gia đình ở nông thôn) là 14.7 ngàn tỷ nhân dân tệ (2.06 ngàn tỷ USD), tăng 4.7% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Trong số đó, đầu tư tài sản cố định tư nhân là 7.96 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.12 ngàn tỷ USD), chỉ tăng 0.4% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Đầu tư vào các ngành công nghệ cao tăng 14.7% so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong đó đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tăng lần lượt là 15.3% và 13.4%.
Theo ông Tôn, tiền và tài nguyên ở thị trường Trung Quốc chủ yếu chảy vào một số phần trong kế hoạch quốc gia của ĐCSTQ, và hiện nay “nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng của một loại ‘giảm phát ngập ngừng.’”
Ông Tôn trích dẫn dữ liệu chính thức về tài chính xã hội trong quý đầu tiên cho biết trong số 14 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.96 ngàn tỷ USD) tài trợ xã hội, thì lĩnh vực sản xuất tương đối tân tiến đã chiếm hơn 70%, và sau đó trái phiếu chính phủ chiếm 12.6% để trả nợ cũ của chính quyền. Nói ngắn gọn, “mặc dù lượng cung tiền đang tăng lên nhanh chóng, nhưng chủ yếu được sử dụng cho ‘phần thân trên [kế hoạch quốc gia],’ chứ không phải ‘phần thân dưới [sinh kế của người dân].’”
Ông Tôn nói, “Tuy nhiên, [nếu tiền chỉ được tiêu thụ] ở phần thân trên, thì không thể đạt được toàn bộ chu kỳ lưu thông, và do đó, chu kỳ của phần thân trên sẽ không di chuyển được.”
Theo Báo cáo thường niên năm 2022 của China Merchants Bank, 2.25% khách hàng của Golden Sunflower — tức là những người có tổng tài sản trong trương mục cá nhân lên tới 500,000 nhân dân tệ (khoảng 7,000 USD) — có 81.44% tài sản thực của ngân hàng, trong đó 0.07% các khách hàng ngân hàng tư nhân chiếm 31.27% tài sản. 97.75% khách hàng phổ thông còn lại chỉ có tài sản bình quân đầu người là 12,500 nhân dân tệ (khoảng 1,753.2 USD).
Theo bản tin của hãng truyền thông tài chính Yicai của Trung Quốc, tại một hội nghị về chủ đề tài chính hôm 07/04, ông Lưu Dục Huy (Liu Yuhui), một giáo sư tại Viện Nghiên cứu Kinh tế của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết, dựa trên dữ liệu từ ngân hàng trung ương Trung Quốc, Trung Quốc hiện có 700 triệu người mắc nợ và tổng nợ của khu vực gia đình cao tới 137.9% thu nhập khả dụng.
ĐCSTQ đối mặt với những khó khăn về tăng trưởng công nghiệp
Hôm 05/05, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Tài chính Trung ương lần thứ XX, nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy chuyển đổi và nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống, vốn không thể bị giảm dần như “các ngành công nghiệp cấp thấp.”
Hôm 28/04, Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương đã thừa nhận rằng “Nền kinh tế Trung Quốc chưa có sức mạnh nội sinh mạnh mẽ, nhu cầu vẫn chưa đủ, và việc chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế phải đối mặt với sự phản kháng mới.”
Từ tháng Một đến tháng Năm, nhập cảng và xuất cảng các sản phẩm vi mạch bán dẫn của Trung Quốc đã giảm mạnh lần lượt là 24.2% và 17.2% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Cái gọi là “sự phản kháng mới” sẽ liên quan đến ảnh hưởng của cách tiếp cận “làm giảm rủi ro” của cộng đồng quốc tế nhắm vào ĐCSTQ do Nhóm G7 (G7) dẫn đầu với các cường quốc công nghiệp Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản, Ý, và Canada.
Ông Thạch Sơn (Shi Shan,) chuyên gia Trung Quốc và nhân viên truyền thông kỳ cựu nói với The Epoch Times hôm 03/06 rằng, cách tiếp cận này có thể bao gồm ba phương diện, “Thứ nhất, về nghiên cứu và phát triển công nghệ cao và cung cấp chất bán dẫn chính xác, liên minh Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, và Hà Lan đang tìm cách cô lập ĐCSTQ hoàn toàn.”
“Thứ hai, trong sản xuất chính xác và các khoáng sản thô quan trọng, các đồng minh G-7 sẽ áp đặt các hạn chế có liên quan đối với Trung Quốc và tìm kiếm các nguồn thay thế.”
Ông Thạch nói, “Thứ ba, đối với các lĩnh vực như quần áo, giày dép, nón và đồ chơi, cũng như các mặt hàng tiêu dùng khác, các đồng minh G-7 sẽ duy trì thái độ hợp tác cởi mở với Trung Quốc.”
Ông Thạch tin rằng chiến lược “làm giảm rủi ro” đã giáng một đòn mạnh vào giới cầm quyền ĐCSTQ bằng cách tấn công vào phần quan trọng nhất mà ĐCSTQ cần để chuyển đổi nền kinh tế của mình, đặc biệt là cho tăng trưởng công nghiệp trong tương lai.
Ông Thach nhận định rằng, tăng trưởng công nghiệp “dựa vào công nghệ và cộng đồng quốc tế đã áp đặt một sự phong tỏa công nghệ đối với ĐCSTQ. Sự phong tỏa này khiến ĐCSTQ bị mắc kẹt giữa việc chuyển đổi và nâng cấp các ngành công nghiệp của mình và việc duy trì cái gọi là ‘các ngành công nghiệp cấp thấp.’”
Các tổ chức kinh tế toàn cầu ‘làm giảm rủi ro’ từ ĐCSTQ
Hội nghị thượng đỉnh G7, đã kết thúc tại Hiroshima, Nhật Bản, hôm 21/05, mở rộng quy mô các nước tham gia, với Ấn Độ, Brazil, Nam Hàn, Việt Nam, Úc, Comoros, Chủ tịch luân phiên AU, Quần đảo Cook, Chủ tịch Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương, và Indonesia, nước chủ tịch ASEAN, được mời tham dự cuộc họp.
Một thông cáo chung nêu rõ tại hội nghị thượng đỉnh này rằng về các vấn đề kinh tế, các thành viên G-7 đã sẵn sàng “giảm sự phụ thuộc quá mức trong chuỗi cung ứng quan trọng của chúng ta [với Trung Quốc].”
Tuyên bố này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “làm giảm rủi ro và đa dạng hóa” trong chuỗi công nghiệp, kêu gọi tăng cường kiểm soát xuất cảng công nghệ và đầu tư vào Trung Quốc, và đã quyết định tiến hành việc thành lập một “Nền tảng Điều phối về Cưỡng bách Kinh tế” để tăng cường “đánh giá, chuẩn bị, răn đe, và phản ứng trước sự cưỡng bách kinh tế” từ ĐCSTQ.
Các đồng minh G-7 đã tuyên bố: “Chúng ta sẽ tìm cách giải quyết những thách thức do các chính sách phi thị trường và các hoạt động làm méo mó nền kinh tế toàn cầu của Trung Quốc đặt ra. Chúng ta sẽ chống lại các hành vi xấu, chẳng hạn như chuyển giao công nghệ bất hợp pháp hoặc tiết lộ dữ liệu. Chúng ta sẽ thúc đẩy khả năng phục hồi trước sự cưỡng bách kinh tế.”
Reuters đưa tin, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói sau hội nghị thượng đỉnh rằng “Trung Quốc đặt ra thách thức lớn nhất trong thời đại của chúng ta đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu.” Ông nói: “Với G-7, chúng ta đang thực hiện các biện pháp để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng biện pháp cưỡng bách kinh tế để can thiệp vào các vấn đề chủ quyền của quốc gia khác.”
Chủ tịch Ủy ban EU Von der Leyen cho biết, thâm hụt thương mại giữa EU và Trung Quốc đã tăng gấp ba lần trong 10 năm. “Sự mất cân đối này một phần là do các hoạt động phi thị trường như trợ cấp ẩn, phân biệt đối xử trong đấu thầu công khai, và các biến dạng khác do hệ thống tư bản nhà nước của Trung Quốc tạo ra.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times