Cựu cố vấn ngoại trưởng Dư Mậu Xuân: Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp rắc rối lớn, các nhà đầu tư nên rút lui
Ông Dư Mậu Xuân (Mile Yu), một thành viên cao cấp và giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Hudson, cho biết các công ty Mỹ nên xem xét lại khoản đầu tư của họ vào Trung Quốc, vì nền kinh tế của quốc gia này đang gặp khó khăn nghiêm trọng do lĩnh vực ngoài nhà nước đang gặp khó khăn.
Ông Dư nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “American Thought Leaders: NOW” (Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ: NGAY BÂY GIỜ) của EpochTV: “Trung Quốc đã chơi rắn trong vài tháng qua và họ không chịu nói chuyện. Giờ đây họ đã dịu đi và đồng ý nói chuyện với các thành viên nội các cao cấp của Mỹ về các vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế của cả hai quốc gia.”
Cuộc phỏng vấn diễn ra khi Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen tới Bắc Kinh để gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, người gần đây được người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình giao nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế bị phong tỏa do đại dịch COVID-19 của Trung Quốc.
Ông Dư nói với người dẫn chương trình Jan Jekielek: “Lý do khiến họ chùn bước là vì nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn lớn. Họ cần phương Tây hơn nhiều so với phương Tây cần Trung Quốc. Vì vậy, lần này họ thực tế hơn một chút.”
Thực tiễn kinh tế của Trung Quốc
Theo ông Dư, điểm khác biệt chính giữa mô hình kinh tế của Hoa Kỳ và Trung Quốc là ĐCSTQ sẵn sàng đàn áp khu vực ngoài nhà nước để bảo đảm sự kiểm soát của nhà nước, kể cả khi sự đàn áp đó có nghĩa là đóng cửa động lực phát triển chính của nền kinh tế Trung Quốc.
“Nền kinh tế Trung Quốc khá có tính săn mồi. Kinh tế Trung Quốc hưởng lợi từ hệ thống thương mại tự do quốc tế, và gần như toàn bộ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 20 đến 30 năm qua đều đến từ các lĩnh vực ngoài nhà nước,” ông giải thích. “Giờ đây, định chế tài chính của Trung Quốc đang sụp đổ. Vì vậy, chính quyền Trung Quốc — cụ thể là các chính quyền địa phương — đang cố gắng siết chặt các lĩnh vực ngoài nhà nước và đẩy họ ra khỏi hoạt động kinh doanh thông qua các chính sách, chẳng hạn như phong tỏa do COVID-19 và đủ mọi loại đánh thuế nặng nề.”
Trong gần ba năm, với danh nghĩa kiềm chế sự lây lan của COVID-19, chính quyền Trung Quốc đã phong tỏa toàn bộ các thị trấn và thành phố khi họ báo cáo chỉ một vài trường hợp nhiễm bệnh. Hàng triệu người bị buộc phải vào các trại cách ly đông đúc chỉ vì sống trong cùng một tòa nhà chung cư với người nhiễm bệnh. Các cá nhân phải xuất trình “Mã Xanh” của họ — một bằng chứng số hóa cho thấy họ có khả năng cao là không bị nhiễm bệnh — trước khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, vào cửa hàng bách hóa, hoặc chỉ đơn giản là rời khỏi hoặc quay lại khu dân cư của họ.
Những hạn chế zero COVID đó — vốn khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân không thể tồn tại — chỉ được loại bỏ dần vào cuối năm 2022 và đã không chính thức được dỡ bỏ cho đến tháng Ba vừa rồi, khi ông Lý Cường, người được cho là thông cảm với lĩnh vực ngoài nhà nước hơn lãnh đạo của mình, trở thành thủ tướng.
“Nhiều lĩnh vực ngoài nhà nước của Trung Quốc — khu vực sôi động nhất, sáng tạo nhất của nền kinh tế Trung Quốc hiện đang gặp rắc rối lớn,” ông Dư nói với ông Jekielek. “Trong ba năm phong tỏa do COVID, hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa và nhỏ đã ngừng hoạt động.”
Kể cả những công ty ngôi sao của Trung Quốc, như đại công ty thương mại điện tử và công nghệ Alibaba và Tencent, cũng không khấm khá hơn. Có thông tin rộng rãi rằng chính quyền Trung Quốc sẽ chiếm 1% “cổ phần quản lý đặc biệt”, số cổ phần sẽ trao cho chính quyền các quyền đặc biệt đối với một số quyết định kinh doanh nhất định trong các công ty đó.
Bong bóng nhà ở xì hơi
Ông Dư cho biết, với việc thời zero COVID đi vào dĩ vãng, các nhà đầu tư vẫn cần xem xét các vấn đề nghiêm trọng cố hữu trong cách Trung Quốc phát triển nền kinh tế của mình.
Ông giải thích, lưu ý rằng việc chính quyền địa phương vay tiền nhanh chóng là nuôi dưỡng một ảo tưởng về sự thịnh vượng, “Mô hình phát triển của Trung Quốc về căn bản là phát hành một lượng lớn các khoản cho vay cho một số dự án không hoạt động, đặc biệt là trong ngành nhà ở, nhưng hiện tại thị trường địa ốc đang sụp đổ.”
Ở Trung Quốc, toàn bộ đất đai ở đô thị và nông thôn lần lượt đều thuộc về sở hữu nhà nước hoặc hợp tác xã nông nghiệp. Các công ty và cá nhân không thực sự mua đất, mà thay vào đó mua quyền sử dụng đất từ chính phủ trong thời hạn lên tới 70 năm, sau đó thời gian cho thuê có thể được gia hạn. Không có gì ngạc nhiên khi hệ thống này khiến việc bán đất trở thành nguồn thu nhập hàng đầu của chính quyền địa phương, bên trở thành nhà thầu lớn nhất cho các nhà phát triển Trung Quốc trong 20 năm qua.
“Phần lớn nguồn tài chính chi tiêu của chính quyền địa phương đến từ việc bóc lột ngành công nghiệp nhà ở, bởi vì họ kiểm soát đất đai. Họ có thể bán đi bán lại đất đai,” ông Dư nói với ông Jekielek. “Nhưng giờ đây, khi nhà đất sập, thì họ không thể làm thế được nữa. Vì vậy, đó là lý do tại sao hầu như mọi tỉnh của Trung Quốc đều có thâm hụt lớn.”
“Với sự sụp đổ của ngành nhà ở và những khoản vay đó không thể thu hồi được, ngành ngân hàng đang mất rất nhiều tiền và chính quyền các cấp đang cạn kiệt tiền, bởi vì các ngân hàng của Trung Quốc đều thuộc sở hữu của nhà nước,” ông Dư nói tiếp. “Khi ngành ngân hàng gặp khó khăn, quý vị sẽ có một cuộc khủng hoảng tín dụng, và sau đó quý vị có nhiều doanh nghiệp đóng cửa hơn, và vì vậy đó là một phản ứng dây chuyền.”
“Đó là lý do tại sao Trung Quốc mong muốn có thêm nhiều tổ chức ngân hàng quốc tế hơn vào cuộc để cứu vãn nền kinh tế đang sụp đổ,” ông tiếp tục. “Tôi hy vọng rằng các tổ chức tài chính và ngân hàng toàn cầu đủ thông minh để nhìn thấu điều này, rằng Trung Quốc đang có một vấn đề lớn.”
Xu hướng tách rời khỏi Trung Quốc
Khi được hỏi về sự “tách rời” giữa hai nền kinh tế của Hoa Kỳ và Trung Quốc, ông Dư trả lời rằng sự tách rời này đã bắt đầu rồi, mặc dù chưa có quốc gia nào chính thức áp dụng điều đó như một phần trong chiến lược của họ.
Ông Dư, cố vấn ngoại trưởng dưới thời ông Mike Pompeo, thời kỳ từng chứng kiến Mỹ quốc và các đồng minh chuyển hướng khỏi sự phụ thuộc vào hàng nhập cảng của Trung Quốc, cho biết: “Không ai nói về việc tách rời, nhưng nó đang diễn ra. Trên thực tế, sự tách rời đang diễn ra.”
Ông nói thêm: “Ở cấp độ tập đoàn, mọi tập đoàn lớn phải đánh giá các khoản đầu tư của mình vào Trung Quốc xem liệu những khoản đầu tư đó có an toàn, có lành mạnh hay không, hoặc liệu dự án đầu tư có nguy cơ bị một công ty Trung Quốc được nhà nước bảo trợ hoặc trợ cấp đàn áp hay không.”
Ông Dư cũng nói về một báo cáo phát hành hôm 05/07 của Goldman Sachs, trong đó ngân hàng đầu tư này cho biết họ đã hạ cấp khuyến nghị cho Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc từ “Trung lập” xuống “Bán”, đồng thời hạ cấp khuyến nghị cho Ngân hàng Công thương Trung Quốc từ “Mua” sang “Bán.”
“Hầu như mọi công ty lớn đầu tư lớn vào Trung Quốc đều đang xem xét lại việc đầu tư vào Trung Quốc và nghĩ đến việc rời khỏi Trung Quốc,” ông cho biết. “Các công ty Mỹ — nhiều công ty lớn — đang xem xét lại điều này chính xác là bởi kiểu thực tiễn về kinh tế như Goldman Sachs mô tả, như rất nhiều báo cáo chính sách về môi trường đầu tư của Trung Quốc mô tả.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times