Trung Quốc: Chỉ trong hơn 2 tháng đã có hơn 2,000 blogger bị thẩm vấn
Chiến dịch ‘chấn chỉnh’ của nhà cầm quyền cũng mang lại bầu không khí sợ hãi cho giới hài kịch, và nghệ thuật biểu diễn
Hôm 27/05, chiến dịch thanh lọc không gian mạng gần đây nhất của Trung Quốc đã phát hành một bản báo cáo, nêu chi tiết hai tháng nhắm mục tiêu vào các blogger (người chuyên đăng tải các bài viết chia sẻ kinh nghiệm, sự hiểu biết của mình lên các trang web và mạng xã hội) và các trương mục mạng xã hội khác.
Là một phần trong chiến dịch, các nhà chức trách đã thẩm vấn 2,089 blogger, khóa 66,600 trương mục mạng xã hội, và xóa 1.41 triệu bài đăng.
Trong khi đó, sự kiểm duyệt ngày càng hà khắc — được thể hiện qua vụ bắt giữ một diễn viên hài độc thoại nổi tiếng hôm 18/05 — đã tạo bầu không khí sợ hãi bao trùm nền hài kịch và nghệ thuật trực tiếp của Trung Quốc, theo bản tin của BBC trong tuần này.
Mặc dù chiến dịch này đã phủ một tấm màn đen lên những gì còn sót lại của quyền ‘tự biểu đạt’ ở Trung Quốc, nhưng các chuyên gia cho rằng chiến dịch kiểm duyệt này thực sự là một dấu hiệu cho thấy sự tuyệt vọng. Họ nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền ngày càng cảm thấy mất tự tin vào khả năng cai trị của mình, và các hạn chế ngày càng được siết chặt trên không gian mạng để lộ sự sợ hãi tột độ đối với dư luận.
Nhắm mục tiêu vào các phóng viên độc lập
Mới đây, vào ngày 10/03, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã phát động “chiến dịch chấn chỉnh”. Mục tiêu của họ là ngăn chặn người dùng mạng xã hội “lan truyền tin đồn và thông tin sai lệch, mạo danh các tổ chức chính thức, phương tiện truyền thông, và nhân viên cụ thể, cũng như tham gia vào thổi phồng các vấn đề nổi cộm, theo đuổi sự nổi tiếng và quyền lực một cách bất chấp, và trục lợi bất hợp pháp.”
Chiến dịch mới nhất này đẩy mạnh hơn nữa những nỗ lực trong Chiến dịch Thanh Lãng — có nghĩa là “Chiến dịch Thanh lọc” [môi trường mạng] — một hoạt động kiểm duyệt do CAC khai triển hồi năm 2021.
Chiến dịch này đã nhắm mục tiêu vào trương mục của nhiều blogger trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc như Weibo, Tencent, Douyin, và Kuaishou.
Tính đến ngày 22/05, chính quyền đã phạt khoảng 930,000 trương mục mạng xã hội, với các hình phạt từ xóa người theo dõi đến đình chỉ hoặc hủy bỏ các đặc quyền kiếm tiền trên nền tảng.
Khoảng 67,000 trương mục đã bị khóa vĩnh viễn.
Các tội danh bị cáo buộc bao gồm lan truyền tin đồn, mạo danh ĐCSTQ, cơ quan công quyền, hoặc cơ quan quân sự, giả mạo các doanh nghiệp, truyền bá thông tin sai lệch, hoặc thổi phồng các vấn đề nổi cộm.
Trước đó trong tháng này, khi tập trung vào các trương mục mạng xã hội lan truyền “tin giả”, chính quyền báo cáo rằng họ đã khóa hơn 100,000 trương mục trực tuyến vì xuyên tạc các bản tin của các cơ quan truyền thông và xướng ngôn viên tin tức.
Nhiều thập niên gia tăng kiểm duyệt
Ông Ngô Thiệu Bình (Wu Shaoping), một luật sư nhân quyền Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, nói rằng chế độ này bắt đầu nhắm vào các blogger Trung Quốc ngay sau khi ông Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư ĐCSTQ vào năm 2012.
Ông giải thích, một trong những vụ việc đáng chú ý đầu tiên là vụ bắt giữ nhà đầu tư mạo hiểm người Mỹ gốc Hoa và cũng là người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Charles Xue, được biết đến nhiều hơn với nghệ danh Tiết Man Tử (Xue Manzi), vào năm 2013. Một nhà hoạt động và cũng là người trong giới “Big V” — là những người có ảnh hưởng ở Trung Quốc nổi tiếng với các trương mục trực tuyến đã được xác thực của họ trên Weibo — đã lên tiếng về các chủ đề như nạn buôn bán trẻ em và hoàn cảnh của những người nghèo khổ, thách thức các giới hạn của quyền biểu đạt trực tuyến ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Ngô cho biết hoạt động kiểm duyệt không gian mạng của ĐCSTQ gần đây đã lan rộng từ việc nhắm mục tiêu vào những người nổi tiếng trên mạng sang nhắm mục tiêu vào những người dùng bình thường cấp cơ sở.
Ông cho biết ông tin rằng sự kiểm duyệt tự do ngôn luận của ĐCSTQ sẽ ngày càng bành trướng. Ông nói, mục tiêu cuối cùng của nỗ lực kiểm duyệt này là bao phủ toàn bộ xã hội Trung Quốc và mọi tầng lớp xã hội.
Vụ bắt giữ diễn viên hài độc thoại trở thành một ví dụ khắc nghiệt
Ông Ngô cho hay, vụ bắt giữ diễn viên hài độc thoại Lý Hạo Thạch (Li Haoshi) gần đây là một minh chứng cho thấy các những chiếc vòi bạch tuộc của cơ quan kiểm duyệt đã vươn tới giới giải trí như thế nào.
Anh Lý, thường được biết đến với nghệ danh “House”, đã bị bắt sau khi một trong những hoạt động hài kịch của anh bị chính quyền để mắt đến.
Trong buổi biểu diễn ngày 13/05 ở Bắc Kinh — sau đó được đăng lên Weibo — anh Lý đã mô tả đoạn tấu hài với những chú chó mà anh nhận nuôi khi chúng đuổi theo một con sóc. Trong lúc chúng đuổi theo loài gặm nhấm này, anh chợt nhớ đến tám từ, đó là: “Tác phong tốt đẹp, quyết chiến quyết thắng.”
Thật không may, màn hài kịch đó đã đề cập đến một câu khẩu hiệu nổi tiếng của ĐCSTQ dành cho Quân Giải phóng Nhân dân. Cụm từ này đã trở nên nổi tiếng nhờ ông Tập.
Diễn viên hài này đã bị giam giữ vào ngày 18/05 mặc dù anh đã gửi rất nhiều lời xin lỗi tới công chúng vì câu đùa đó.
Câu nói đùa của anh Lý đã khiến công ty của anh bị phạt 2 triệu USD. Công ty đã sa thải anh và đưa ra lời cáo lỗi của riêng họ, nhưng văn phòng của họ ở Bắc Kinh và Thượng Hải đã bị đóng cửa, theo một bản tin của Đài NBC. Một người dùng mạng xã hội đăng bài phản đối quyết định sa thải anh Lý cũng đã bị bắt.
Theo một bản tin của đài BBC, mức phạt đối với công ty đã mời diễn viên hài này cao đến mức có suy đoán rằng hài độc thoại có thể thực sự bị xóa sổ ở Trung Quốc vì lo ngại sự trừng phạt tương tự.
Bầu không khí sợ hãi bao trùm ngành nghệ thuật và hài kịch Trung Quốc
Những ảnh hưởng dây chuyền từ vụ bắt giữ anh Lý đã được cảm nhận ngay lập tức. Hôm 22/05, một diễn viên hài nổi tiếng người Malaysia đã bị đình chỉ trương mục mạng xã hội Trung Quốc vì chế nhạo Trung Quốc.
Vlogger nổi tiếng Hoàng Cấn Du (Nigel Ng) — người có nghệ danh là “Uncle Roger” (Chú Roger) — đã đăng một video clip hôm 18/05 từ một bộ phim hài đặc biệt sắp ra mắt, trong đó anh đã nhạo báng sự giám sát của Trung Quốc và các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với Đài Loan.
Đoạn video cho thấy anh Hoàng trò chuyện với một người trong số khán giả nói rằng anh ấy đến từ Quảng Châu, một đô thị ở miền nam Trung Quốc.
“[Trung Quốc], đất nước tuyệt vời, đất nước tuyệt vời, chúng ta phải nói điều đó ngay bây giờ, phải vậy không?” anh Hoàng Cấn Du nói. “Toàn bộ những chiếc điện thoại này đều đang nghe lén.”
Trương mục Weibo của anh Hoàng cho biết anh bị cấm đăng bài vì “vi phạm các luật và quy định có liên quan.”
Hành động này không chỉ khiến giới nghệ sĩ hài của Trung Quốc thất kinh, mà còn phủ bầu không khí sợ hãi lên lĩnh vực âm nhạc trực tiếp của đất nước, trong đó BBC đưa tin hôm Chủ Nhật (04/06) rằng chính quyền đang nhắm mục tiêu vào các buổi biểu diễn nhạc sống, vốn chỉ mới bắt đầu sôi động trở lại sau thời gian phong tỏa vì COVID-19.
‘Cách mạng Văn hóa 2.0’
Ông Ngô gọi sự kiểm soát tăng cường này của ĐCSTQ là “Cách mạng Văn hóa phiên bản 2.0”, trong đó ngay cả tiếng cười cũng bị kiểm duyệt. “Nhà độc tài này sợ tiếng cười của người dân,” ông nói.
Cùng với việc báo cáo kết quả nỗ lực “chấn chỉnh”, CAC khuyến khích cư dân mạng ủng hộ một không gian mạng trong sạch bằng cách “tích cực giám sát và tố cáo” các blogger cũng như bài viết của họ.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press, Trình Tĩnh, và Lạc Á
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times