‘Tôi không phải là một anh hùng’: Người tố giác bệnh SARS của Trung Quốc, hiện đã qua đời ở tuổi 91, từng nói
Cho dù đó là đại dịch SARS, là thu hoạch nội tạng sống, hay là vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn, thì ông Tưởng Ngạn Vĩnh (Jiang Yanyong) là một người đàn ông rất dũng cảm khi kiên quyết nói lên sự thật ở Trung Quốc. Ngay cả khi điều đó có nghĩa là trực tiếp chống lại lãnh đạo cộng sản. Bài viết này là một bản cáo phó gửi đến ông.
Theo một người bạn lâu năm của ông Tưởng cũng như theo truyền thông Hồng Kông đưa tin, bác sĩ phẫu thuật quân y nổi tiếng, ông Tưởng Ngạn Vĩnh đã qua đời vì bệnh viêm phổi ở tuổi 91. Ông Tưởng không phải là nhân vật xa lạ với công chúng. Năm 2003, ông thu hút sự chú ý của quốc tế với những tiết lộ về bệnh phổi SARS. Vào thời điểm đó, ông là bác sĩ đầu tiên báo cáo về tình hình thực tế của dịch bệnh. Trước đó, ông cũng đã bị quản thúc tại gia sau khi lên án vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Năm 2015, ông Tưởng đã có một cuộc phỏng vấn rất ấn tượng với đài truyền hình cáp Cable TV của Hồng Kông, trong đó ông xác nhận điều mà các nhà điều tra ngoại quốc đã nghi ngờ trong nhiều năm: rằng các bệnh viện quân đội của Trung Quốc đang điều hành hoạt động kinh doanh bất hợp pháp thu hoạch nội tạng từ tù nhân — và rằng những “người hiến tạng” không tự nguyện của Trung Quốc hầu hết vẫn còn sống trong khi nội tạng của họ bị lấy đi.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn giữ im lặng về sự ra đi của ông Tưởng, nhấn mạnh rằng ông vẫn được xem là một nhân vật nhạy cảm về chính trị, ngay cả khi ông đã về già. Ông Tưởng đang làm bác sĩ phẫu thuật chính tại Bệnh viện 301 của Quân Giải phóng Nhân dân ở Bắc Kinh vào thời điểm xảy ra vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn. Vào thời điểm đó, quân đội Trung Quốc đã sử dụng vũ lực mạnh nhất để đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ kéo dài hàng tuần trên Quảng trường Thiên An Môn. Hàng ngàn thường dân và sinh viên không vũ trang đã thiệt mạng trong cuộc biểu tình này.
Tức giận trước tin giả
Tháng 03/2003, ông Tưởng, vốn dĩ khi ấy đã về hưu, biết được rằng các trường hợp mắc Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng (SARS) đang gia tăng tại các bệnh viện quân đội của Bắc Kinh, bao gồm cả ở bệnh viện nơi ông từng làm việc. Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cố gắng che đậy sự bùng phát dịch SARS và che đậy thông tin về sự lây lan của loại virus rất dễ lan truyền này.
Vào ngày 03/04/2003, Bộ trưởng Y tế Trung Quốc đương thời Trương Văn Khang (Zhang Wenkang) đã đưa ra các số liệu cho thấy mức độ bùng phát dịch bệnh đang giảm xuống tại một cuộc họp báo. Theo thông tin đưa ra, thì chỉ có 12 ca nhiễm và 3 ca tử vong ở Bắc Kinh vào cuối tháng Ba cùng năm. Ông Khang đã bảo đảm với cộng đồng quốc tế rằng dịch bệnh đang “được kiểm soát.” Ông Khang cũng cho biết tại thời điểm đó rằng, “làm việc, sinh hoạt, và thậm chí đi du lịch ở Trung Quốc — có hay không dùng khẩu trang” đều là an toàn.
Ông Tưởng cảm thấy khó tin vào lời tường thuật của các quan chức y tế cao cấp của ĐCSTQ trên truyền hình. Vào ngày 04/04/2003, ông đã viết một lá thư lưu ý rằng chỉ riêng hai bệnh viện ở Bắc Kinh đã điều trị cho hơn 100 bệnh nhân mắc bệnh SARS. Trong thư, ông viết: “Khi tôi đến bệnh viện hôm nay, tất cả các bác sĩ đều tức giận trước thông tin ông Khang đưa ra.” Ông cho rằng các hãng thông tấn nên đưa tin về mức độ thực sự của đợt bùng phát để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân.
Bức thư của ông Tưởng gây sức ép lên ĐCSTQ
Sau đó ông Tưởng đã gửi bức thư dài 800 từ này qua thư điện tử cho đài truyền hình nhà nước CCTV và một cơ quan truyền thông của Hồng Kông. Cả hai cơ quan truyền thông này đều phớt lờ bức thư của ông Tưởng. Sau đó, bức thư này đã được chuyển cho các hãng thông tấn phương Tây, và truyền thông phương Tây đã đăng công khai toàn văn bức thư của ông.
Kể từ sau bức thư của ông Tưởng, quốc tế đã theo dõi sát sao nhà cầm quyền Trung Quốc. Vào thời điểm đó, các nhà điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang ở tỉnh Quảng Đông, nơi các ca nhiễm SARS đầu tiên được ghi nhận. Vì ngày càng có nhiều thông tin cho thấy số ca nhiễm ở Bắc Kinh đang tăng lên, cao hơn nhiều so với số liệu chính thức được đưa ra, nên WHO đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc cho phép họ tiếp cận thủ đô để điều tra về sự bùng phát của dịch bệnh này.
Vào ngày 20/04/2004, ĐCSTQ đã cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế và Thị trưởng Bắc Kinh.
Cùng năm đó, ông Tưởng được trao Giải thưởng Ramon Magsaysay của Philippines dành cho những người có đóng góp lớn cho cộng đồng. Giải thưởng này được xem là phiên bản châu Á của giải Nobel Hòa bình. Trong bằng khen, ông Tưởng được ca ngợi vì đã phá trừ “thói quen im lặng của Trung Quốc và phơi bày sự thật về dịch bệnh SARS.” Tuy nhiên, ông Tưởng không được phép rời khỏi Trung Quốc, nên con gái ông đã thay mặt ông nhận giải thưởng cao quý này.
Vụ thảm sát Thiên An Môn và những gì ông Tưởng chứng kiến
Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc đã quản thúc tại gia hai vợ chồng ông Tưởng. Và lý do là gì? Là vì ông Tưởng đã yêu cầu các nhà lãnh đạo Bắc Kinh thừa nhận rằng, cuộc đàn áp quân sự năm 1989 đối với sinh viên và những người biểu tình khác là sai. Trong một bức thư, vị bác sĩ quân y này đã mô tả những gì bản thân mình đích thân chứng kiến vào đêm ngày 03/06/1989 trong phòng cấp cứu. Đó là sau khi chính quyền ĐCSTQ sử dụng xe tăng và quân đội vũ trang chống lại những người biểu tình tay không tấc sắt ở Quảng trường Thiên An Môn.
“Nằm sõng soài trên sàn và trên bàn khám là bảy thanh niên, mặt và người bê bết máu. Hai người trong số họ được xác nhận là đã tử vong sau khi được kiểm tra điện tâm đồ,” ông Tưởng viết trong một bức thư vào năm 2004. “Đầu óc tôi quay cuồng. Tôi gần như muốn xỉu. Tôi đã làm bác sĩ phẫu thuật trong hơn 30 năm. Nhưng lần này, người dân của chúng ta nằm trước mặt tôi, người dân bị sát hại bởi chính hậu duệ của người dân Trung Quốc, bằng vũ khí mà người dân trao cho họ.”
Bốn tháng sau khi viết bức thư vào năm 2004 này, vị bác sĩ đã bị bắt tại phòng khám của mình và bị giam giữ trong 294 ngày. Điều này được ông Tưởng tiết lộ trong một bức thư vào năm 2009. Năm 2007, ông Tưởng được trao Giải thưởng Nhân quyền Heinz R. Pagels dành cho Các nhà khoa học, từ Viện Hàn lâm Khoa học New York. Ngay cả ở tại thời điểm đó, ông Tưởng cũng không thể nhận giải thưởng trực tiếp, vì ông không có được giấy phép xuất cảnh từ chính quyền Trung Quốc.
Tuy nhiên, áp lực từ ĐCSTQ đã không thể ngăn cản ông Tưởng nói ra suy nghĩ của mình. Năm 2015, vị bác sĩ phẫu thuật đã về hưu này tiết lộ cách các bệnh viện quân y kiếm tiền từ hoạt động kinh doanh ghép tạng mờ ám của Trung Quốc, và cách các bác sĩ lấy nội tạng của các tù nhân còn sống và khỏe mạnh. Trong những năm gần đây, công chúng hầu như không nghe thêm tin tức gì về ông Tưởng. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục được nhắc đến trên mạng xã hội Trung Quốc, đặc biệt là trong đại dịch COVID.
Ông Tưởng: ‘Tôi không phải là một anh hùng’
Ông Tưởng sinh năm 1931 trong một gia đình chủ ngân hàng giàu có ở tỉnh ven biển Chiết Giang. Sau khi chứng kiến dì của mình qua đời vì bệnh lao, ông Tưởng theo học ngành y tại Đại học Yên Kinh. Sau khi tốt nghiệp, ông Tưởng gia nhập quân đội vào năm 1954 và được bổ nhiệm vào Bệnh viện 301 ba năm sau đó.
Khi cuộc Cách mạng Văn hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu vào năm 1967, ông Tưởng bị cầm tù và sau đó bị đưa đến tỉnh Thanh Hải ở phía tây Trung Quốc để làm việc trong các trại quân sự. Năm 1972 ông được trở lại Bệnh viện 301.
Sau khi tin tức về việc ông Tưởng từ trần được công bố, đã có rất nhiều lời khen ngợi dành cho vị bác sĩ này. “Ông Tưởng Ngạn Vĩnh là một bác sĩ có lương tâm,” một người dân sống ở vùng hẻo lánh thuộc tỉnh Quảng Tây cho biết.
Bảo Bình biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức