Công tố viên cuối cùng trong các phiên tòa ở Nürnberg qua đời ở tuổi 103
Ông Benjamin Ferencz là vị công tố viên cuối cùng còn sống từng tham dự các phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh ở Nürnberg. Giờ đây, luật gia người Mỹ này đã qua đời ở tuổi 103 vào ngày 07/04/2023. Vậy mà chỉ hơn một năm rưỡi về trước, bộ luật liên quan lại một lần nữa trở thành chủ đề của một cuộc tranh luận đang diễn ra.
Là công tố viên trưởng tại các phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh ở Nürnberg, ông Ferencz đã qua đời hôm thứ Sáu tại một cơ sở chăm sóc người cao niên ở Florida, theo thông tin từ truyền thông Hoa Kỳ, trích dẫn lời người con trai tên Don Ferencz của ông. Vậy là vị công tố viên cuối cùng còn sống của các phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh đã ra đi ở tuổi 103.
“Hôm nay thế giới đã mất đi một nhà lãnh đạo trong cuộc tìm kiếm công lý cho các nạn nhân của tội ác diệt chủng và các tội ác liên quan,” Bảo tàng Holocaust Hoa Kỳ đã viết những dòng này trên Twitter.
Ông Ferencz sinh năm 1920 tại vùng Transylvania của Hungary, là con trai của một gia đình người Do Thái chính thống và cùng cha mẹ di cư đến Hoa Kỳ khi còn nhỏ. Ông lớn lên trong hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả ở New York và sau đó theo học Trường Luật Harvard sau khi nhận được một học bổng từ trường đại học danh giá này. Luật sư Ferencz thậm chí còn chưa tròn 30 tuổi khi ông tham dự các phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh của Đức Quốc Xã ở Nürnberg.
Kể từ ngày 20/11/1945, lần đầu tiên trong lịch sử, những người theo chủ nghĩa xã hội quốc gia (Nationalsozialist, hay còn gọi là Nazi) hàng đầu, những người đại diện cho một chế độ bất công, đã phải trả lời trước tòa án ở Nürnberg. Các cường quốc Đồng Minh thắng trận đã xét xử 21 tội phạm chiến tranh cấp cao – trong đó có phó lãnh tụ Đảng Quốc Xã Rudolf Heß, cấp dưới trực tiếp của Adolf Hitler cùng Thống chế Đế chế Hermann Göring — trước một tòa án quốc tế. Phiên tòa đã kết thúc sau khi kéo dài gần một năm với 12 bản án tử hình được tuyên.
‘Tôi cảm thấy như mình đang nói thay cho các nạn nhân’
Ông Ferencz là công tố viên trưởng của một trong mười hai phiên tòa được gọi là các phiên tòa tiếp theo được tổ chức sau phiên tòa xét xử các tội phạm chiến tranh chính kể trên, diễn ra từ năm 1946 đến năm 1949. Ông Ferencz đã buộc tội 24 lãnh đạo trong hàng ngũ các sĩ quan SS (viết tắt của tên tiếng Đức Schutzstaffel, có nghĩa là ‘Đội phòng vệ’) về tội ác phản nhân loại và tội ác chiến tranh, cùng những tội ác khác. Trước khi tham dự các phiên tòa, ông Ferencz từng là một lính Mỹ tham gia giải phóng một số trại tập trung. Việc chuộc tội, giảm bớt những những tội ác chiến tranh do Đức gây ra đã trở thành sứ mệnh chính trong cuộc đời của ông.
“Đức Quốc Xã có chỉ thị rằng nếu một bà mẹ mà đang bế con, thì quý vị phải bắn xuyên qua đứa bé vì chỉ với cách đó quý vị mới có thể sát hại cả hai mẹ con cùng một lúc. Đây là những câu chuyện man rợ, nhưng những câu chuyện này đều là chuyện thật và chúng ta phải giải quyết tận gốc để những chuyện như thế không thể diễn ra lần nữa,” ông Ferencz nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Deutsche-Presse Agentur vào năm 2020. “Tôi cảm thấy như mình đang nói thay cho các nạn nhân, những người đàn ông, phụ nữ, và trẻ em bị sát hại. Những đứa trẻ thơ mới chỉ chập chững biết đi, nhưng lại bị đập đầu vào cây một cách tàn nhẫn, vô nhân đạo.”
Vào thời điểm đó, ông Ferencz nhấn mạnh rằng những gì ông nói là đặc biệt quan trọng đối với công chúng Đức: “Tôi thấy rằng những người thực sự tử tế cũng có thể trở thành những kẻ sát nhân hàng loạt. Chiến tranh có thể làm điều kinh khủng đó. Chiến tranh phá hủy mọi quy phạm đạo đức, tuy vậy lại được ca ngợi trong nhiều thế kỷ qua. Tôi đã dành cả cuộc đời mình để xoay chuyển quan điểm đó và để bảo đảm rằng, những thứ từ trước đến nay vẫn luôn được tôn vinh này sẽ bị coi là tội ác khủng khiếp.”
Bộ luật Nürnberg
Bộ luật Nürnberg cũng được soạn thảo trong quá trình diễn ra các phiên tòa ở Nürnberg. Đây là một tập hợp các nguyên tắc đạo đức cho việc tiến hành nghiên cứu y học trên thân thể người. Đặc biệt, bộ luật này đã được phát triển trong lúc diễn ra thủ tục truy tố gọi là phiên tòa xét xử các bác sĩ vào năm 1946, và theo bản tin của đài phát thanh Đức Deutschlandfunk thì có đến 23 bác sĩ và quản lý đã bị buộc tội tham gia vào các thí nghiệm y tế vô nhân đạo dưới thời Đảng Quốc Xã.
Năm 1947, các thẩm phán trong phiên tòa xét xử các bác sĩ đã công bố Bộ luật Nürnberg. Bộ luật này đã định ra mười nguyên tắc căn bản cho việc đối xử có đạo đức đối với những người tham gia thử nghiệm trong nghiên cứu y học.
Bộ luật Nürnberg đã có tác động lớn đến việc phát triển các hướng dẫn và quy định về đạo đức cho nghiên cứu y học trên toàn thế giới. Luật được xem là cơ sở cho các văn kiện đề ra các nguyên tắc căn bản cho thời hiện đại như Tuyên bố Helsinki và Báo cáo Belmont.
Trong đại dịch virus corona vừa qua, nhiều người chỉ trích các biện pháp của chính phủ nước họ liên quan đến vấn đề này và nghi ngờ chính phủ họ vi phạm Bộ luật Nürnberg. Luận điểm này càng được đưa ra bàn tán sôi nổi trong cuộc tranh luận về chủng ngừa nói chung. Tuy nhiên, vào thời điểm đó mạng lưới thông tin Đức Redaktionsnetzwerk Deutschland (RND) cho biết, các nhà chức trách cho rằng các vaccine corona nhìn chung đều đáp ứng các nguyên tắc của Bộ luật Nürnberg. Chưa có một loại vaccine nào được thử nghiệm trên người mà không được chính phủ trước hết bảo đảm rằng, vaccine đó đã được chứng minh là an toàn và có thể chịu nhận được trong các thí nghiệm trên động vật.
Tuy nhiên, một lượng lớn các trường hợp tổn thương do chích ngừa xảy ra ngày nay ngày càng cho thấy vaccine corona kém an toàn và khó chịu nhận hơn so với những gì chính phủ và nhiều phương tiện truyền thông đã nói với người dân vào thời điểm đó. Ngoài ra, ngành công nghiệp dược phẩm được cho là đã cố ý gây ảnh hưởng đến các cơ quan quản lý.
‘Cha đỡ đầu’ của Tòa án Hình sự Quốc tế
Vai trò lịch sử của vị luật gia này đã vượt xa tầm quan trọng của ông trong các phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh ở Nürnberg. Bởi ông Ferencz đã không chỉ đưa thuật ngữ “diệt chủng” vào các thủ tục thực tiễn của tòa án này, mà ông còn được xem là một trong những người “cha đỡ đầu” của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Năm 2009, ở độ tuổi gần 90, ông Ferencz đã mở đầu một cách tượng trưng tuyên bố đầu tiên của bên công tố cho tòa án ICC ở La Haye, một thành phố tọa lạc ở phía nam Hà Lan.
“Cuộc tìm kiếm và đấu tranh bền bỉ của ông Ferencz vì một thế giới hòa bình và công bằng đã kéo dài gần tám thập niên qua và đã cho chúng ta thấy cách thức phản ứng trước những tội ác tồi tệ nhất của nhân loại,” nữ giám đốc của viện Bảo tàng Holocaust Hoa Kỳ cho biết. “Ông Ferencz đã làm nên lịch sử ở Nürnberg và ông ấy đã tiếp tục làm như thế trong suốt cuộc đời huyền thoại của mình.”
Do Maurice Forgeng thực hiện
Mộc Miên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức