Hồng y 90 tuổi đứng trước vành móng ngựa ‘như bóng tối đợi chờ ánh bình minh’
Hồng y Trần Nhật Quân, Giám mục danh dự của Giáo phận Công giáo Hồng Kông, là cấp bậc cao nhất trong Giáo hội Công giáo La Mã, người đã bị chính quyền Hồng Kông (HKgov) bắt giữ, đã ra hầu tòa hôm 26/09. Sự im lặng từ phía Thành quốc Vatican (hay còn gọi là Tòa thánh Vatican) đã bị cả trong và ngoài Giáo hội Công giáo chỉ trích, đồng thời cũng làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi về mối bang giao giữa Trung Quốc và Vatican.
Một số nhà bình luận cho rằng Hồng y Trần đã bị “Giáo hoàng bỏ rơi”; Một số người cho rằng do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhìn thấy sự yếu nhược hiện tại của Vatican nên đã không ngần ngại bắt giữ Hồng y Trần theo một phương thức bắt giữ công khai. Trên thực tế, cả Giáo phận Công giáo Hồng Kông và Giáo hoàng đều ngần ngại chỉ trích ĐCSTQ khi đối mặt với sự việc này.
Với tư cách là một trong những người được ủy thác của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612 ở Hồng Kông, Hồng y Trần Nhật Quân, người bị buộc tội âm mưu thông đồng với ngoại quốc hoặc thế lực ngoại quốc, đã bị bắt sau khi Phòng An ninh Quốc gia thuộc Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông cáo buộc ông vi phạm “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông”. Đây là lần đầu tiên một vị hồng y đương nhiệm bị bắt giữ dưới thời ĐCSTQ.
Hồng y Trần chủ trì thánh lễ hôm 28/05 sau lần bị bắt hồi đầu tháng Năm đã nói với giáo đoàn rằng việc bắt giữ ông chỉ là một trải nghiệm khác đối với ông và nói rằng, “Tử vì đạo là điều bình thường trong Giáo hội của chúng tôi.”
Hồng y Trần cảm nhận sâu sắc cảnh ngộ của Giáo hội ở Trung Quốc
Hồng y Trần Nhật Quân là một người có quan điểm chính trị rõ ràng vì ông đã từng trải qua một thời kỳ rất dài đối kháng với ĐCSTQ. Ông Trần sinh ra ở Thượng Hải và đã chuyển đến Hồng Kông để học thần học vào năm 1948. Sau đó, ông sang Rome học, nơi ông được phong linh mục vào năm 1961. Sau khi lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Giáo hoàng Sa-lê-diêng ở Rome vào năm 1964, Cha Trần Nhật Quân sau đó đã phụng sự như một giáo sư thần học tại các chủng viện Công giáo ở Hồng Kông vào năm 1971. Từ năm 1978 đến năm 1983, ông là Tân Giám Tỉnh Dòng Sa-lê-diêng, cai quản các địa phận bao gồm Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan, và Trung Quốc.
Từ năm 1989 đến năm 1996, ông Trần trở lại đại lục để giảng thuyết trong các buổi hội thảo được chính phủ cho phép một năm hai lần, tại bảy giáo phận khác nhau bao gồm Thượng Hải, Tây An, Vũ Hán, Thạch Gia Trang (Hà Bắc), Thẩm Dương, và tỉnh Chiết Giang, cũng như tại Chủng viện Giáo phận Quốc gia ở Bắc Kinh.
“Trong bảy năm giảng thuyết ở Trung Quốc, tôi đã hết sức cố gắng tuân thủ các quy định và chưa từng công khai lên án những điều kiện không lý tưởng vào thời điểm đó. Tôi cần phải giữ im lặng vì tôi không muốn để mất đi cơ hội được giáo dục cho các em học sinh trẻ tuổi trong chủng viện của Trung Quốc. Trong giai đoạn này, trách nhiệm quan trọng nhất của tôi là tìm tòi, quan sát, và liễu giải được hoàn cảnh thực tế của thời đại này.”
ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ quyền tự do tôn giáo, và cuộc đàn áp tôn giáo của đảng này đang diễn ra phổ biến và lan rộng.
Theo một báo cáo năm 2020 của tổ chức nhân quyền Freedom House, ở Trung Quốc, mọi hoạt động của các nhóm tôn giáo dẫn đầu đều bị kiểm soát chặt chẽ, và họ phải chấp nhận sự lãnh đạo của ĐCSTQ như một điều kiện để tồn tại. Trung Quốc bảo đảm hệ tư tưởng được nhà nước hậu thuẫn bằng cách kiểm soát tất cả các hoạt động tôn giáo và tín ngưỡng. Do đó, những người không công nhận các giám mục được chính quyền chấp thuận đã xây dựng các nhà thờ ngầm, và ngày nay ước tính có khoảng 12 triệu người Công giáo ở Trung Quốc đang bị chia thành hai phe, một phe theo nhà thờ được nhà nước hậu thuẫn và một phe theo nhà thờ ngầm từ chối liên đới đến chính quyền và chỉ phục tùng Rome.
Trong suốt bảy năm kinh nghiệm ở Trung Quốc, ông cảm nhận sâu sắc cảnh ngộ của các giáo hội tại đại lục. Kể từ đó, ông đã tích cực phản đối chủ nghĩa toàn trị của ĐCSTQ và đấu tranh đòi quyền tự do tôn giáo cho 12 triệu người Công giáo ở đại lục.
Hồng y Trần phản đối việc ĐCSTQ tước đoạt quyền tự do của người dân Hồng Kông
Năm 1997, chủ quyền của Hồng Kông được bàn giao lại cho Trung Quốc và ĐCSTQ bắt đầu cố gắng hạn chế quyền tự do của người dân Hồng Kông từng chút một. Kể từ đó, Hồng y Trần, người vốn thẳng thắn bộc trực, đã lựa chọn cái thiện và kiên định trên con đường ấy. Ông cam kết bảo vệ quyền tự do của người dân Hồng Kông và trong nhiều năm qua, ông đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ các sự kiện xã hội và chỉ trích một số quyết định của chính quyền Hồng Kông, trong đó có cuộc tranh nghị về quyền cư trú tại Hồng Kông năm 2001.
Trong tranh chấp này, trẻ em là con của cha mẹ là thường trú nhân ở đại lục nhưng được sinh ra ở Hồng Kông được xác định là không có quyền cư trú tại ở Hồng Kông. Trong khi họ đấu tranh cho quyền được cư trú thông qua các kênh hợp pháp, thì HKgov tuyên bố rằng trẻ em không được phép đến trường trước khi có phán quyết. Ông Trần, với tư cách là một giám mục phụ tá của Hồng Kông, đã công khai kêu gọi các trường Công giáo nhận những trẻ em bị cấm đến trường vì không có tư cách thường trú nhân. Sau đó HKgov đã cảnh báo ông rằng ông có thể đã vi phạm pháp luật.
Năm 2002, ông Trần được vinh thăng làm tổng giám mục của Hồng Kông và rời khỏi vị trí này vào năm 2009. Ông được vinh thăng lên chức Hồng y vào năm 2006.
Năm 2011, ông Trần phản đối việc chính phủ áp đặt Sắc lệnh Giáo dục (Sửa đổi) liên quan đến chính sách quản lý dựa vào nhà trường, tin rằng điều lệnh này sẽ làm suy yếu quyền tự chủ của các cơ quan bảo trợ, và đã kiện chính phủ vì điều này. Sau khi thua kiện, ông đã tuyệt thực ba ngày để bày tỏ sự đau buồn của mình.
Năm 2006, ông Trần đã chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Bắc Kinh về việc cấm pháp môn tu luyện tự thân Pháp Luân Công, và cáo buộc họ có âm mưu lật đổ [chính quyền] Trung Quốc. Ông nói, “Nếu quý vị định lên tiếng cho những người dễ bị tổn thương, những người không có cơ hội diễn ngôn trước công chúng, thì quý vị phải nói lớn hơn, nếu không công chúng sẽ không nghe thấy tiếng của quý vị.”
Ông cũng ủng hộ các cuộc biểu tình Chiếm lĩnh Trung Hoàn năm 2014 để đấu tranh cho cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu cho vị trí đặc khu trưởng của Hồng Kông. “Không có dân chủ thì không có tự do, người dân không có tự do thì chẳng khác nào nô lệ”, ông nói thêm, “Không có dân chủ thì sẽ không có tự do tôn giáo”.
Sau Phong trào phản đối Dự luật Sửa đổi Luật Chống Dẫn độ vào năm 2019, ý định đàn áp người dân Hồng Kông của ĐCSTQ đã bị lộ tẩy. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Epoch Times vào tháng 12/2019, ông Trần đã mô tả tình huống lúc bấy giờ như một cuộc chiến, “Bởi vì những gì chúng tôi đang đối mặt là một nhà nước độc tài — ĐCSTQ. Vì vậy, không chỉ đơn thuần là đối mặt với HKgov vốn có thể chỉ là một con rối;” mà HKgov còn đi xa hơn ý muốn của chính quyền trung ương, không muốn trao cho Hồng Kông nền dân chủ thực sự, và thậm chí tước quyền tự do ngôn luận của công dân bằng cách sửa đổi Pháp lệnh về Tội phạm Đào tẩu.
Ông Trần đã nói thẳng vào thời điểm đó rằng nếu người dân Hồng Kông bị tước bỏ mọi quyền tự do, thì Hồng Kông sẽ giống hệt như các thành phố khác ở Trung Quốc. “Tất cả chúng ta đều biết những gì đã xảy ra ở đó [Trung Quốc]. Có thể bây giờ họ đã đạt đến một mức độ thịnh vượng nhất định. Có thể điều đó đã giúp nhiều người thoát khỏi đói nghèo, nhưng sự băng hoại đạo đức của toàn bộ đất nước vẫn đang xảy ra. Đó là thực sự là một chế độ nô lệ. Chúng tôi cũng biết Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc đang bị đàn áp ngày càng tồi tệ như thế nào.”
Năm 2020, ĐCSTQ đã ban hành Luật An ninh Quốc gia vượt trên quyền hạn của cơ quan lập pháp Hồng Kông. Ông Trần đã công khai phản đối, đặc biệt là các tội gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia được định nghĩa một cách mơ hồ trong bộ luật này.
Sau khi Hồng y Trần bị bắt, Giáo phận Công giáo Hồng Kông đã phản ứng vào ngày hôm sau
Sau Đệ nhị Thế chiến, có rất ít trường hợp hồng y bị bắt, nhưng khi đối mặt với một ĐCSTQ độc tài toàn trị, thì phản ứng chính thức của Công giáo lại trở nên rụt rè do dự. Sau khi ông Trần bị bắt, Giáo phận Công giáo Hồng Kông đã đưa ra một thông cáo báo chí dài khoảng 120 từ để phản hồi vào ngày hôm sau, nói rằng họ vô cùng lo lắng cho tình hình và sự an toàn của ông Trần, đồng thời kêu gọi cảnh sát và các cơ quan tư pháp phản ứng một cách hợp tình hợp lý. Vụ việc này nên được giải quyết theo các nguyên tắc của công lý, và cho biết thêm, Giáo phận Công giáo Hồng Kông “tha thiết cầu nguyện cho Đức Hồng y.”
Giáo phận Công giáo Hồng Kông đã thu hút sự chỉ trích từ các tín hữu và cư dân mạng vào thời điểm đó, nói rằng: “Cảm ơn vì giáo phận đã tiếp tục gây thất vọng trong quá khứ và cả đến hiện tại. Tôi biết rằng thực ra giáo phận và đức tin có thể đang bị tách rời, và chỉ ngày hôm nay tôi mới có thể thoát khỏi những hành động của giáo phận làm ảnh hưởng đến đức tin của tôi”, “Tuyên bố này còn vô ích hơn lời cầu nguyện”, v.v.
Giáo hoàng từ chối bình luận về sự cố hoặc nền dân chủ ở Trung Quốc
Phản ứng từ Vatican và thậm chí cả Giáo hoàng cũng đã thu hút nhiều chỉ trích. Cho đến nay, các quan chức Vatican vẫn chưa bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với ông Trần. Khi Giáo hoàng Francis được hỏi về vụ việc này trước đó, ông đã chỉ ra rằng Hồng y Trần rõ ràng có một số hạn chế trong việc bày tỏ suy nghĩ của chính mình; Tuy nhiên, Giáo hoàng không thể đưa ra phán xét của mình, nói rằng cần phải nhìn vấn đề này từ nhiều góc độ khác nhau và ông luôn ủng hộ truyền thông.
Giáo hoàng Francis cũng chỉ ra rằng ông không có quyền bình luận về việc liệu Trung Quốc đại lục (ĐCSTQ) là dân chủ hay phản dân chủ, “bởi vì đây là một quốc gia phức tạp,” nhưng “có một số điều mà chúng tôi nghĩ là phi dân chủ.”
Hồng y người Đức: “Chúng ta đã bỏ rơi ông ấy”
Việc Vatican không ủng hộ ông Trần đã thu hút sự chỉ trích từ Hồng y Công giáo người Đức Gerhard Muller, người nói rằng “chúng ta đã bỏ rơi ông ấy”.
Hồng y Muller cho biết, “Hồng y Trần đã vắng mặt ở Rome vì ông ấy bị quản thúc tại gia do đã lên tiếng chống lại Bắc Kinh, bảo vệ nhân quyền ở cả Hồng Kông lẫn Trung Quốc.”
Hồng y Mueller tiếp tục nói rằng Tòa Thánh Vatican đã không giúp đỡ ông Trần do vấn đề bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc và thỏa thuận đã ký với ĐCSTQ. Ông thẳng thừng tuyên bố rằng thỏa thuận đó không phục vụ cho lợi ích của Tòa Thánh.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 05/2022, ông Hoàng Vĩ Quốc (Wong Wai-kwok), một cựu phụ tá giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Baptist Hồng Kông, chỉ ra rằng Tòa Thánh luôn tỏ ra yếu nhược trước ĐCSTQ, và thậm chí một số lãnh đạo của Tòa Thánh còn ảo tưởng muốn phát triển Công giáo ở Trung Quốc như một giải pháp cho số lượng tín đồ ngày càng giảm trên thế giới. ĐCSTQ nhìn thấy sự yếu ớt đó của Vatican, nên họ không ngần ngại bắt giữ ông Trần theo một phương thức bắt giữ công khai. Ở một mức độ nào đó, điều này là do sự kém cỏi và thiếu hiểu biết của Vatican.
Ông Trần chỉ trích thỏa thuận của Tòa thánh với Trung Quốc, là ‘bắt tay với ma quỷ’
Mặc dù Bộ trưởng Ngoại giao Vatican Pietro Parolin cho biết hồi tháng 05/2022 rằng ông rất buồn về việc Hồng y Trần bị bắt, nhưng ông là người bị ông Trần cáo buộc kiểm soát Giáo hoàng và thúc đẩy “chính sách thỏa hiệp” trong thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm giám mục.
Ngày 22/09/2018, ĐCSTQ và Thành quốc Vatican đã bí mật ký một thỏa thuận tạm thời có thời hạn hai năm về việc bổ nhiệm giám mục và thiết lập một cuộc đối thoại chính thức giữa hai bên. Chi tiết của thỏa thuận này đã được giữ bí mật, nhưng thế giới bên ngoài đều biết rằng đó là thỏa thuận hợp tác với ĐCSTQ về việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc đại lục. Thỏa thuận có hiệu lực vào ngày 22/10/2018 và có hiệu lực trong vòng hai năm.
Các cuộc hội đàm bí mật giữa phái đoàn Vatican và các nhà chức trách Trung Quốc đã diễn ra tại Thiên Tân. Tờ AsiaNews của Ý đưa tin, phái đoàn Vatican đã đến thăm Giám mục 92 tuổi của Thiên Tân, ông Thạch Hồng Trinh (Shi Hongzhen), người đã bị quản thúc trong một thời gian dài vì từ chối gia nhập giáo hội chính thức (Hội Giáo hữu Công giáo Trung Quốc Yêu nước) được ĐCSTQ công nhận.
Vào thời điểm đó, ông Trần cũng chỉ ra rằng trong hai năm kể từ khi đạt được thỏa thuận này, cuộc đàn áp tín đồ của ĐCSTQ càng mạnh bạo hơn, bao gồm việc loại bỏ các nhà thờ ngầm, và cấm trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi vào nhà thờ cũng như tham gia vào các hoạt động tôn giáo. Cái gọi là “Hán hóa Công giáo” đã biến Công giáo thành tôn giáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó đảng và nhà nước là người lãnh đạo.
Ngày 22/10/2020, Trung Quốc và Vatican đã gia hạn thỏa thuận tạm thời này và quyết định kéo dài thời hạn có hiệu lực thêm hai năm. Thỏa thuận cho phép Giáo hoàng có tiếng nói cuối cùng đối với các giám mục do Trung Quốc bổ nhiệm và chính quyền Trung Quốc cho phép tất cả các giám mục, trong đó có những người thuộc Giáo hội chính thức, công nhận thẩm quyền của Vatican và Giáo hoàng.
Vào đêm trước lần gia hạn này, trong giai đoạn đầu của đại dịch virus Trung Cộng, ông Trần đã đích thân đến Vatican hôm 23/09/2020, yêu cầu được gặp Đức Giáo hoàng, nhưng ông đã đợi bốn ngày mà không có kết quả. Ông Trần chỉ trích ý tưởng của Tòa Thánh về việc gia hạn thỏa thuận bổ nhiệm giám mục với ĐCSTQ là “điên rồ”, không khác nào đang “bắt tay với ma quỷ”. Nhiều phương tiện truyền thông Ý cũng lên tiếng ủng hộ ông.
Ông Trần công khai buộc tội Hồng y Quốc vụ khanh Parolin là ‘kẻ nói dối táo bạo và trơ trẽn’
Khi Vatican gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc vào năm 2020, Hồng y Quốc vụ khanh Parolin tuyên bố rằng thỏa thuận này “giúp bình thường hóa cuộc sống của các tín đồ Công giáo và Giáo hội ở Trung Quốc,” đồng thời nói rõ rằng ông từ chối diễn giải thỏa thuận này dưới góc độ chính trị, và nói rằng vấn đề nhân quyền và quyền tự do tôn giáo ở Trung Quốc không thể được giải quyết một cách vội vàng.
Hồng y Trần đã công khai cáo buộc Hồng y Parolin vào thời điểm đó, “Điều đó hoàn toàn không phải vì đức tin, mà có thể chỉ vì sự phù phiếm. Tôi không biết liệu có những giao dịch bí mật khác với ĐCSTQ hay không, tôi không biết về điều này, và tôi không dám nói về nó,” và nói rằng Hồng y Parolin đã bảo vệ thỏa thuận đó mặc dù ông Parolin biết về những tuyên bố sai lệch trong thỏa thuận, khi nói rằng thỏa thuận đã được cựu Giáo hoàng Benedict XVI chấp thuận, điều đó thật “đáng khinh”. Ông Trần gọi ông Parolin là “kẻ nói dối, không chỉ trơ trẽn mà còn táo bạo”.
Giờ đây lại sắp đến lần gia hạn tiếp theo của Thỏa thuận Giám mục Trung Quốc-Vatican. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Reuters hôm 05/07/2022, Giáo hoàng cho biết ông hy vọng thỏa thuận tạm thời đó sẽ tiếp tục được gia hạn trong tháng Mười này, khi nói rằng thỏa thuận đã được thực hiện tốt, và ông mô tả nó như một thành tựu ngoại giao.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 16/09, Hồng y Parolin chỉ ra rằng Tòa Thánh đã sẵn sàng chuyển văn phòng ở Hồng Kông đến Bắc Kinh. Tiến sĩ Tạ Điền (Frank Tian Xie), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc và là giáo sư biên chế tại Đại học Aiken South Carolina, tin rằng Tòa Thánh đang cố gắng tìm cách lấy lòng và cầu cạnh ĐCSTQ. “Đó là khúc nhạc dạo đầu cho sự tiêu diệt hoàn toàn những tín ngưỡng tự do cuối cùng mà người dân Hồng Kông đang được hưởng,” ông nói.
Sau khi ông Trần bị bắt và được tại ngoại hồi tháng 05/2022, ông đã chủ trì một buổi thánh lễ cầu nguyện cho giáo hội Trung Quốc, nói rằng sau khi Tòa Thánh và ĐCSTQ ký một thỏa thuận về việc bổ nhiệm giám mục, dường như là giáo hội Trung Quốc đã đạt được những tiến triển. Toàn bộ giám mục ở Trung Quốc đều đã được Giáo hoàng công nhận. Các giám mục cũng công nhận Giáo hoàng. Nhưng ông mô tả thỏa thuận này là việc “Tòa Thánh đã không sáng suốt trong một số lĩnh vực nhất định mặc dù họ có ý định tốt”.
Ông cho là việc hợp nhất giữa Giáo hội ngầm và Hội Giáo hữu Công giáo Trung Quốc Yêu nước sẽ khó thành hiện thực, và ông không thể thấy “sự hiệp nhất trong sự thật” giữa giáo hội Trung Quốc và Giáo hoàng.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times