Thống đốc cuối cùng của Hồng Kông Chris Patten: ĐCSTQ đang cố gắng viết lại lịch sử
Hôm 08/06, ông Chris Patten đã nói chuyện tại một buổi ra mắt trực tuyến bản dịch Hoa ngữ của cuốn sách mới ‘Nhật ký Hồng Kông’ (‘The Hong Kong Diaries’) của ông
Bản dịch Hoa ngữ cuốn sách “Nhật ký Hồng Kông” của tác giả Chris Patten, thống đốc cuối cùng của Hồng Kông, gần đây đã được xuất bản tại Đài Loan. Nhà xuất bản Black Body Culture đã mời ông Patten tham dự một buổi chia sẻ trực tuyến hôm 08/06. Trong buổi chia sẻ này, ông Patten đã chỉ trích ĐCSTQ giống như một cường quốc thực dân của thế kỷ 19 và thiếu khả năng cải cách kinh tế và chính trị. Ông cáo buộc ĐCSTQ đã bóp méo lịch sử bằng cách tuyên bố rằng “Hồng Kông chưa bao giờ là một thuộc địa của Anh.”
“Nhật ký Hồng Kông” là một tuyển tập các bài nhật ký của ông Patten trong nhiệm kỳ thống đốc của ông từ năm 1992 đến năm 1997. Cuốn sách mô tả việc quản lý Hồng Kông với tư cách là thuộc địa của Anh và các sự kiện dẫn đến việc chuyển giao chủ quyền Hồng Kông. Trong nhật ký của mình, ông ghi lại các cuộc đàm phán với các đại diện Trung Quốc và cảm xúc của mình khi rời Hồng Kông vào năm 1997. Khi đó, ông không chắc liệu Hồng Kông có thể duy trì vị thế là một thành phố quốc tế hay không.
Ông Patten viết trong cuốn sách của mình rằng trở thành thống đốc Hồng Kông là một trong những vị trí quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông và chia sẻ những điều đã xảy ra trong nhiệm kỳ thống đốc của ông cũng như với người dân Hồng Kông. Ông kêu gọi mọi người tiếp tục bày tỏ mối lo ngại của của họ về Hồng Kông và lên tiếng cho người dân của Hồng Kông về “quyền tự do ngôn luận, quyền hội họp, hoặc quyền lựa chọn chính phủ của họ, như họ đã từng có trong quá khứ.”
Trong cuốn sách của mình, ông mô tả nhiệm kỳ Thống đốc Hồng Kông là một phần rất quan trọng trong sự nghiệp phục vụ công của mình, có lẽ là vị trí quan trọng nhất mà ông từng nắm giữ trong đời. Ông tin rằng “những gì xảy ra ở Hồng Kông trong vài năm tới có tính chất quan trọng mang tính sống còn đối với tất cả chúng ta,” vì vậy chúng ta phải tiếp tục bày tỏ mối lo ngại và tiếng nói của mình cho Hồng Kông, “để cho thấy rằng chúng ta chia sẻ các giá trị của người dân Hồng Kông trong cuộc tranh đấu dũng cảm của họ cho tự do và dân chủ.”
Tại buổi ra mắt trực tuyến, ông Patten nói rằng Đài Loan là một xã hội tự do, và Hồng Kông đã từng như vậy. Ông kể lại rằng khi lần đầu tiên giữ chức Thống đốc Hồng Kông, ông cảm thấy đó là một “công việc phi thường và rất khác biệt”. Ông tin rằng rất khó để giao Hồng Kông cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, tức là trao Hồng Kông, một xã hội tự do cho một xã hội không có tự do. Khi chính phủ Anh cố gắng thúc đẩy nền dân chủ ở Hồng Kông nhanh hơn, họ đã bị ĐCSTQ phản đối vì ĐCSTQ sợ rằng Hồng Kông sẽ trở nên độc lập như Singapore hoặc Malaysia. Ông Patten thừa nhận rằng người Anh đã chậm chạp trong việc thúc đẩy sự phát triển dân chủ ở Hồng Kông, nhưng lại đi trao một xã hội “tự do và cởi mở” cho Trung Quốc.
Ông Patten chỉ ra rằng ĐCSTQ đã hứa trong Tuyên bố chung Trung-Anh và Luật Cơ bản rằng lối sống hiện tại, xã hội cởi mở, và mức độ tự trị cao của Hồng Kông sẽ được duy trì trong 50 năm sau năm 1997, điều mà nhà lãnh đạo ĐCSTQ đương thời Đặng Tiểu Bình đã gọi là “Một Quốc gia, Hai Chế độ.” Khẩu hiệu này hiện nay rất quen thuộc ở Đài Loan vì ban đầu chính sách đó được sử dụng để giải quyết mối quan hệ của Bắc Kinh với Đài Loan. Ông nói thêm rằng những gì đang xảy ra ở Trung Quốc cho thấy sự khác biệt giữa “pháp quyền” và “pháp trị”.
Ông Chris Patten: ĐCSTQ cố gắng viết lại lịch sử
Ông Patten nói rằng cường quốc thực dân duy nhất hiện nay là Trung Quốc, quốc gia này hành động giống như một cường quốc thực dân của thế kỷ 19 ở nhiều khía cạnh, không có khả năng cải cách kinh tế và chính trị. Ông cho biết chính ĐCSTQ đang cố gắng can thiệp vào lịch sử bằng cách tuyên bố rằng “Hồng Kông chưa bao giờ là một thuộc địa của Anh, và chưa bao giờ được đế chế thực dân Anh cai trị,” và đó là một lãnh thổ bị chiếm đóng.”
Ông Patten cho biết Hồng Kông đã bị những người tị nạn Hoa lục chạy trốn khỏi Nạn đói lớn, Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa, “chiếm đóng”. Những người như ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), hiện đang bị cầm tù, đã trốn sang Hồng Kông, một thiên đường và là thuộc địa của Anh, để trốn khỏi ĐCSTQ, đó là một sự sỉ nhục đối với ĐCSTQ.
Ông Patten nói rằng trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển giao chủ quyền vào năm 1997, ĐCSTQ “gần như đã để Hồng Kông tự lập”, nhưng tình hình bắt đầu thay đổi từ năm 2010 đến năm 2012. ĐCSTQ đã thất hứa và sợ mất quyền kiểm soát đối với Hồng Kông.
Ông Tăng Phổ (Sang Pu): Ông Patten là thống đốc xuất sắc nhất của Hồng Kông
Các khách mời của buổi chia sẻ trực tuyến bao gồm ông Tăng Phổ (Sang Pu), Chủ tịch Hiệp hội Hồng Kông Đài Loan, ông Lô Bình (Ping Lu), nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Văn hóa Quang Hoa, ông Lã Diệu Trí (Tristan Y J Liu), Chủ tịch Thinktank Đài Loan, và ông Lai I-chung, nguyên Phó Chủ tịch Thinktank Đài Loan.
Ông Tăng Phổ cho biết ông sinh ra ở Hồng Kông và hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học và trung học dưới sự quản lý của ông Chris Patten. Ông ca ngợi ông Patten là thống đốc xuất sắc nhất mà ông từng thấy và rất xúc động trước cuốn sách “Nhật ký Hồng Kông”.
Ông Tăng Phổ đã hỏi rằng Vương quốc Anh có thể giúp đỡ bao nhiêu cho Hồng Kông và người Hồng Kông thuộc Anh, vì chính phủ Anh đã giúp đỡ Hồng Kông bằng cách gia hạn thị thực BNO và các biện pháp khác, và hơn 100,000 người Hồng Kông đã nhập cư vào Vương quốc Anh.
Ông Patten trả lời rằng khoảng 140,000 người Hồng Kông đã nhập cư vào Vương quốc Anh trong một hoặc hai năm qua, trong đó có các giáo viên, luật sư, cựu công chức, và doanh nhân và họ đã có những đóng góp to lớn. Ví dụ, trường cũ của ông Patten gần đây đã tuyển dụng một giáo viên hóa học mới là một người mới nhập cư từ Hồng Kông đến Vương quốc Anh. Vài ngày trước tại Oxford, ông đã gặp một cặp vợ chồng đến từ Hồng Kông có con trai vừa tốt nghiệp ngành y và đang nộp đơn xin việc tại Dịch vụ Y tế Quốc gia, vì vậy Vương quốc Anh đã được hưởng lợi rất nhiều từ những người nhập cư Hồng Kông, những người sở hữu rất nhiều tài năng.
Ông Patten tiết lộ rằng gần đây ông đã viết thư cho Ngoại trưởng Anh hỏi trong hoàn cảnh nào thì Anh sẽ đàm phán trực tiếp với ĐCSTQ về trường hợp của ông Lê Trí Anh. Về lý do tại sao ĐCSTQ lại ghét ông Lê đến vậy, ông Patten tin rằng lý do thứ nhất là vì ông Lê là một người tị nạn chạy trốn khỏi ĐCSTQ và sau này đã đạt được thành công lớn trong một xã hội tự do và một lý do khác là ông Lê có thể mang theo tiền của mình trốn khỏi Hồng Kông bất cứ lúc nào để đến Anh, Hoa Kỳ, hay Đài Loan, nhưng ông chọn ở lại Hồng Kông.
Nie Law, Shan Lam và Nathan Amery thực hiện
Đào Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times