Một người biểu tình Hồng Kông bị chính quyền Trung Quốc đe dọa làm ‘biến mất’ khỏi mặt đất
Vào ngày 01/07/2019, một số người biểu tình Hồng Kông đã xông vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp. Nhiều người bị buộc tội phạm tội, bao gồm bạo loạn. Vụ án vẫn đang được tiếp tục xét xử tại Tòa Sơ thẩm Tây Cửu Long (Tòa án Quận Lâm thời) hôm 13/06/2023.
Một trong các bị cáo, anh Lâm Cẩm Quân (Lam Kam-kwan), đã không nhận tội và bác bỏ một lời thú tội không tự nguyện. Bên bào chữa nêu rằng khi anh Lâm đến Trung Quốc để thăm người thân vào ngày 13/08/2019, và bắt giữ và bị buộc tội về “tội gây gổ và gây rối.” Anh bị giam giữ ở Thâm Quyến trong khoảng hai tháng. Trong thời gian đó, Cảnh sát Hồng Kông đe dọa anh Lâm phải sớm thú nhận, nếu không anh sẽ phải ở lại Trung Quốc. Anh Lâm cũng bị chính quyền Trung Quốc đe dọa rằng anh sẽ bị khiến cho “biến mất” khỏi mặt đất.
Công an đại lục đe dọa khiến anh Lâm biến mất
Trong thời gian bị giam giữ ở Trung Quốc, anh Lâm đã bị chính quyền đại lục thẩm vấn, và bị đối xử bất công, không cho nghỉ ngơi trong vòng 14 giờ.
Khi anh Lâm được giao cho Cảnh sát Hồng Kông, anh cũng bị đối xử tương tự: Cảnh sát trưởng đe dọa anh Lâm phải hợp tác, nếu không cảnh sát sẽ dẫn độ anh về Trung Quốc một lần nữa.
Bên bào chữa nói thêm rằng anh Lâm buộc phải viết một bức thư hối cải, thừa nhận đã tham gia vào Sự kiện Hội đồng Lập pháp ngày 01/07, chống lại cảnh sát bên ngoài Hội đồng Lập pháp, và chuyển các vật dụng như nón và kính bảo hộ cho những người biểu tình khác.
Ngoài ra, anh Lâm được yêu cầu thừa nhận hành vi sai trái của mình và hứa sẽ phục vụ đất nước bằng hết khả năng của mình.
Chính quyền Hoa Lục cũng cảnh báo anh Lâm rằng nếu anh từ chối hợp tác, anh sẽ bị “biến mất” khỏi mặt đất và khuyên anh Lâm hợp tác với cảnh sát Hồng Kông.
Bên bào chữa cũng chỉ ra rằng vào ngày 20/09/2019, Chánh thanh tra Cảnh sát Hồng Kông Ôn Khải Minh (Wan Kai-ming) và hai nhân viên của ông, Thanh tra cao cấp Diệp Kiếm Bằng (Yip Kim-pang) và Trung úy Cảnh sát điều tra 2828, đã đến trại tạm giam ở Thâm Quyến để tìm anh Lâm.
Ông Ôn tuyên bố dấu vân tay của anh Lâm được tìm thấy trên một tấm chắn sắt bên trong Hội đồng Lập pháp và buộc anh Lâm phải thú nhận.
“Anh chỉ có một cơ hội. Không ai có thể giúp anh bây giờ. Nếu anh không thừa nhận tội ác của mình, thì anh có thể tiếp tục ở lại đây và hãy quên việc trở lại Hồng Kông đi,” ông Ôn nói thêm.
Đó là thời điểm anh Lâm rốt cuộc thừa nhận anh đã đập vào một số kính gương.
Diễn tập thú tội
Hôm 18/10/2019, anh Lâm đã bị bàn giao và dẫn độ cho Cảnh sát Hồng Kông tại Cảng Phúc Điền, Thâm Quyến.
Vào thời điểm đó, Nhân viên Cảnh sát số 11245 đã công bố lệnh bắt giữ anh Lâm.
Trong khi đó, Trung úy Cảnh sát điều tra 2828 đã đe dọa anh rằng, anh phải hợp tác với cảnh sát nếu không muốn bị đưa trở lại Trung Quốc một lần nữa.
Trung úy Cảnh sát điều tra 2828 yêu cầu anh Lâm đọc lại “lời thú tội” của mình, trong đó viết: “Hôm 01/07/2019, tôi đã không vào và phá hủy Hội đồng Lập pháp. Tôi chỉ đập vào một số kính gương bên ngoài ở tầng trệt, sau đó bỏ đi.”
Bên bào chữa đề cập rằng trong cuộc thẩm vấn video được thực hiện tại Sở cảnh sát trung tâm, cảnh sát đã yêu cầu anh Lâm thêm thắt nội dung bằng cách sử dụng lời thú tội ban đầu như là một kịch bản.
Nội dung cảnh sát yêu cầu anh Lâm thêm vào gồm có:
- Dùng một rào sắt đập vào cửa kính của Hội đồng Lập pháp
- Chạm vào một tấm khiên sắt
- Từ chối trợ giúp pháp lý hoặc liên lạc với gia đình sau khi bị bắt.
Ngoài ra, trước khi anh Lâm được đưa đến Hội đồng Lập pháp để dựng lại hiện trường vụ án, anh bày tỏ rằng mình không được khỏe và yêu cầu cảnh sát cho uống thuốc. Tuy nhiên, cảnh sát đã từ chối trợ giúp y tế và nói rằng sau khi anh Lâm hoàn thành việc dựng lại hiện trường, thì anh có thể được tại ngoại và lệnh bắt giữ sẽ được dỡ bỏ khỏi tòa án vào ngày hôm sau.
Khi anh Lâm đến Hội đồng Lập pháp, anh bày tỏ rằng anh không biết cửa kính ở đâu. Cảnh sát nói với anh một cách bâng quơ, “Chỉ cần chỉ vào một cái ngẫu nhiên là được.”
Cảnh sát phủ nhận việc đe dọa người bị bắt giữ
Tòa án đã triệu tập Cựu Thanh tra Cao cấp Diệp Kiếm Bằng, Chánh thanh tra Ôn Khải Minh, và Nhân viên Cảnh sát số 11245 Từ Văn Đạt (Tsui Man-tat).
Ông Diệp cho biết ông được chỉ định gặp bị cáo Lâm Cẩm Quân ở Thâm Quyến. Ông Diệp đã biết về lệnh bắt giữ anh Lâm vào thời điểm đó, nhưng ông đã không thiết lập hoặc điều tra vụ án. Ông Diệp lập luận rằng cảnh sát Hồng Kông không có quyền chấp pháp.
Do đó, ông chỉ xác nhận danh tính của anh Lâm.
Mặt khác, ông Ôn cho biết ông không gặp anh Lâm vào cùng ngày hôm đó.
Trong quá trình đối chất, cả hai sĩ quan cảnh sát này đều phủ nhận đã đe dọa hoặc dụ dỗ để lường gạt anh Lâm. Họ thông báo với anh Lâm rằng anh sẽ bị điều tra khi trở về Hồng Kông.
Nhân viên Cảnh sát 11245 Từ Văn Đạt, người đã bắt giữ bị cáo Lâm Cẩm Quân, cũng phủ nhận việc cảnh sát yêu cầu anh Lâm giả mạo lá thư hối cải của anh hoặc thêm thắt nhiều tình tiết.
Vụ án vẫn đang tiếp tục được thụ lý.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times