Các công ty Nga gia nhập khi Hoa Kỳ rút vốn đầu tư, gây ra sự rung chuyển lớn trong môi trường kinh doanh quốc tế ở Hồng Kông
Trước các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ áp đặt đối với các quốc gia độc tài như Nga và Trung Đông, Hồng Kông đã trở thành cửa ngõ chính để các quốc gia này tìm cách tránh luật.
Theo một nghiên cứu do tổ chức cơ sở “Liber Research Society” (Viện nghiên cứu Bản Thổ) tiến hành, số doanh nghiệp Nga ghi danh tại Hồng Kông vào năm 2022 đã cao gần gấp đôi so với cùng thời kỳ năm 2021. Ngược lại, nhiều công ty Âu Châu và Mỹ đã bày tỏ sự không đồng tình bằng cách rút đầu tư từ Hồng Kông và chuyển hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ ra khỏi thành phố này.
Hồng Kông tăng cường tình hữu nghị với Nga và Iran
Theo báo cáo mới nhất về “Cho thuê Nhà ở Hồng Kông” quý 3/2023 do Savills công bố, thị trường cho thuê nhà ở Hồng Kông đã thể hiện sự gia tăng trong hoạt động từ tháng Bảy đến tháng Tám năm nay. Đặc biệt đáng lưu ý là sự quan tâm ngày càng tăng từ những khách thuê có hầu bao rủng rỉnh hơn, bao gồm cả công dân ngoại quốc đến từ Nga và Trung Đông, những người đang xem xét thành lập văn phòng tại Hồng Kông. Xu hướng này đã khiến nhu cầu về căn hộ và nhà phố sang trọng trên Đảo Hồng Kông tăng lên, dẫn đến chỉ số cho thuê nhà phố nhìn chung tăng 4.2%.
Trên thực tế, số lượng công ty ngoại quốc thuộc sở hữu của các quốc gia độc tài như Nga, Iran, và Afghanistan thành lập tại Hồng Kông đang gia tăng. Theo một cuộc khảo sát do “Liber Research Society” thực hiện năm ngoái, có tới 35 công ty mới ghi danh ở Hồng Kông với tên có chứa “俄罗斯” (phiên âm “Nga La Tư”, là từ tiếng Trung chỉ Nga), tăng đáng kể so với 13 công ty được ghi nhận trong cùng thời kỳ vào năm 2021. Trong số này, 4 công ty là công ty năng lượng của Nga, được ghi danh trong sáu tháng sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Một số công ty Nga đã chọn đặt trụ sở ở Hồng Kông do hậu quả trực tiếp của các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên họ sau khi Nga xâm lược Ukraine. Hồng Kông đã trở thành cửa ngõ chính để né tránh các biện pháp trừng phạt này. Ngay cả những nhân vật như Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) và Huawei cũng đã sử dụng một công ty vỏ bọc ở Hồng Kông là “Skycom” để bán thiết bị máy điện toán cho một công ty viễn thông Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran.
Hôm 18/10, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 10 cá nhân và 8 tổ chức có liên quan đến chương trình hỏa tiễn đạn đạo và phi cơ không người lái của Iran, trong đó có các cá nhân và công ty ở Hồng Kông.
Việc Hồng Kông ‘tuân theo’ ĐCSTQ làm giảm bớt lo ngại đầu tư của Nga
Theo một báo cáo gần đây của Nikkei Asia, hơn sáu luật sư giàu kinh nghiệm ở Hồng Kông giải quyết các tranh chấp liên quan đến các công ty Nga đã tiết lộ rằng, sau xung đột Nga-Ukraine, nhiều công ty luật lớn của phương Tây đã bỏ rơi các khách hàng Nga của họ. Kết quả là, các công ty Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang Hồng Kông để thuê dịch vụ trọng tài, và ngày càng có nhiều công ty Nga ký kết hợp đồng.
Báo cáo cũng dẫn lời Giáo sư Julien Chaisse, chuyên gia luật thương mại của Đại học Thành phố Hồng Kông, chuyên về luật kinh tế quốc tế và trọng tài. Ông đề cập rằng các công ty Nga, bằng cách giải quyết tranh chấp tại các khu vực pháp lý có uy tín như Hồng Kông, có thể bảo đảm khả năng thực thi hợp đồng của họ ở nhiều quốc gia khác nhau. Ngay cả khi phải đối mặt với các lệnh trừng phạt, họ vẫn có thể mở ra cơ hội thuận lợi cho các giao dịch kinh doanh. Hệ thống trọng tài của Hồng Kông đã gián tiếp trợ giúp các công ty bị trừng phạt thực hiện các giao dịch thương mại.
Ông Julien Chaisse giải thích thêm rằng việc chính quyền Hồng Kông không giám sát các hoạt động của Nga trong khu vực giúp các công ty Nga tự tin hoạt động ở Hồng Kông và duy trì kết nối với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu. Họ cũng yên tâm trước sự tuân thủ của chính quyền Hồng Kông với ĐCSTQ, khiến Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế quan trọng của Nga trong phản ứng của Trung Quốc trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ngược lại, các nhà đầu tư của Mỹ và châu Âu không hài lòng với việc Hồng Kông trở thành “con rối dưới sự điều khiển của ĐCSTQ” và cũng đã bày tỏ lập trường với nguồn vốn của mình, dẫn đến việc rút vốn đầu tư liên tục. Theo một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hồng Kông thực hiện trong nửa đầu năm, kết quả cho thấy trong số các thành viên được khảo sát, có tới 38% cho rằng “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” có tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp Mỹ. Trong số này, 68% đề cập đến những tác động gián tiếp, trong khi 23% nêu lên những hậu quả trực tiếp, chẳng hạn như việc nhân viên tại Hồng Kông rời bỏ và sự thay đổi địa điểm của trụ sở chính.
Trên thực tế, nhiều đại công ty ở Wall Street, chẳng hạn như Morgan Stanley (NYSE: MS) và JPMorgan (NYSE: JPM), trước đây đã cắt giảm nhân sự ngân hàng đầu tư của họ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả nhân viên ở Hồng Kông. Tập đoàn khách sạn quốc tế Mandarin Oriental Hotel Group và công ty rượu vang và rượu mạnh thứ hai thế giới Pernod Ricard, cũng đã có báo cáo về việc các giám đốc điều hành cao cấp đi chuyển khỏi Hồng Kông. Deutsche Bank, Standard Chartered (Mã chứng khoán: 02888), và BNP Paribas đã rút các văn phòng hoặc chuyển các hoạt động cốt lõi ra khỏi Hồng Kông để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, trụ sở Châu Á-Thái Bình Dương của FedEx, công ty chuyển phát nhanh của Mỹ, cũng đã chuyển từ Hồng Kông sang Singapore.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times