Nỗ lực của ĐCSTQ nhằm khôi phục hình ảnh quốc tế của Hồng Kông chỉ là sự hời hợt bề ngoài
Sau khi các thành viên của Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ giới thiệu “Đạo luật Trừng phạt Hồng Kông” lưỡng đảng hồi đầu tháng này, nêu đích danh 49 nhân viên chính trị và pháp lý Hồng Kông, “Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc” (USCC) đã công bố báo cáo thường niên hôm 15/11, nhắc đến Đặc khu trưởng Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu), mô tả ông là “người thi hành các lợi ích của ĐCSTQ.” Báo cáo này cũng tuyên bố rằng mặc dù Bắc Kinh đang cố gắng khôi phục hình ảnh quốc tế của Hồng Kông, nhưng nỗ lực này hóa ra chỉ là hời hợt trên bề mặt và không gì khác hơn là để thu hút đầu tư ngoại quốc.
Báo cáo cũng khuyến nghị chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt những cá nhân liên quan đến việc hạn chế quyền tự do di cư của người Hồng Kông, trong đó có cả những người hạn chế cư dân Hồng Kông ở ngoại quốc lấy lại tiền lương hưu của họ. Báo cáo này cũng đề nghị Quốc hội Hoa Kỳ nên cân nhắc hành động để ngăn chặn các tổ chức tài chính của Hoa Kỳ nghe theo yêu cầu của chính phủ Hồng Kông, từ đó xâm phạm quyền tự do nhập cư của Hồng Kông, đồng thời cam kết thực hiện các hành động như giữ lại tiền lương hưu hợp pháp của họ, bao gồm cả Quỹ Tiết kiệm Bắt buộc (MPF). Báo cáo này cũng yêu cầu Quốc hội Hoa Kỳ đánh giá các hạn chế đối với tính độc lập tư pháp của Hồng Kông, và áp đặt các biện pháp trừng phạt tương ứng đối với các cá nhân có liên quan, trong đó có cả các thẩm phán ngoại quốc làm việc tại Chung thẩm Pháp viện (tức Tối cao Pháp viện) của Hồng Kông.
Báo cáo này có sáu chương (năm chương chính cộng với một chương về các khuyến nghị), bắt đầu với Chương 1: Tổng kết năm để xem xét quan hệ kinh tế, thương mại, và ngoại giao Hoa Kỳ-Trung Quốc trong năm qua, các chương tiếp theo từ chương 2 tới chương 5 là nói về tác động của Trung Quốc trong việc phá vỡ các chuẩn tắc và khai thác các xã hội mở; những rủi ro tiềm ẩn đối với khả năng cạnh tranh kinh tế trong tương lai của Trung Quốc; việc Trung Quốc tìm kiếm ảnh hưởng và năng lực tân tiến trong quân sự; thay đổi trong bang giao với Âu Châu, Đài Loan và Hồng Kông; và kết thúc bằng một danh sách đầy đủ các khuyến nghị của Ủy ban này.
Đặc khu trưởng Hồng Kông được xem là người thi hành lợi ích của ĐCSTQ
Liên quan đến Hồng Kông, báo cáo này trực tiếp xướng tên Đặc khu trưởng Hồng Kông Lý Gia Siêu là “người thi hành các lợi ích của ĐCSTQ.” Vai trò này của ông Lý đã làm đảo lộn hệ thống dân chủ và xã hội dân sự mà Hồng Kông từng được hưởng, cho phép ĐCSTQ nắm được quyền kiểm soát đối với toàn bộ hệ thống chính trị, tư pháp, tôn giáo, và giáo dục của Hồng Kông.
Báo cáo này cho biết Hồng Kông hiện nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Hoa lục. Với quyền hành sẵn có, Bắc Kinh tiếp tục thay đổi hệ thống của Hồng Kông theo ý muốn, xóa bỏ xã hội dân sự năng động một thời của Hồng Kông, đồng thời bổ nhiệm các thẩm phán và quan chức chủ chốt là những người trung thành với Bắc Kinh. Và bằng cách siết chặt Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông (NSL), việc giải thích và thực thi Luật An ninh Quốc gia đã “vượt quá thẩm quyền” của Bắc Kinh và phá hủy hệ thống pháp luật của Hồng Kông. Báo cáo này trích dẫn vụ án của ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) cùng trường hợp của 47 người khác trong cuộc bầu cử sơ bộ ủng hộ dân chủ cho cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp làm ví dụ, nói rằng hành động [của chính quyền Hồng Kông] phản ánh sự suy yếu của hệ thống tư pháp và sự xói mòn hoàn toàn các quyền tự do dân sự ở thành phố này.
Tư pháp thoái trào, quyền tự do dân sự bị xói mòn hoàn toàn
Đồng thời, báo cáo nêu rõ các cộng đồng tôn giáo, công đoàn, và ký giả ở Hồng Kông cũng đang phải đối mặt với sự đàn áp và đe dọa ngày càng gia tăng, đồng thời họ còn bị hạn chế khả năng tham gia vào xã hội dân sự.
Báo cáo này đề cập rằng sự thao túng quá mức và chuyên quyền của Bắc Kinh đã thúc đẩy làn sóng di cư của người dân Hồng Kông. Những người chọn ở lại phải quyết định tự kiểm duyệt hay mạo hiểm tiến hành các thủ tục pháp lý chính trị. Đây từng là một việc làm phổ biến và được luật pháp Hồng Kông bảo vệ, giờ đây nếu người dân làm việc này có thể phải đối mặt với sự trừng phạt.
Báo cáo này cũng tuyên bố rằng chính quyền Hồng Kông đang tiến hành thực thi pháp luật ngoài lãnh thổ, lấy lý do an ninh quốc gia để buộc tội các cá nhân ở ngoại quốc, phát lệnh truy nã đỏ (yêu cầu truy bắt nhằm mục đích dẫn độ tội phạm) đối với các nhà hoạt động dân chủ ở ngoại quốc, và tìm cách đe dọa gia đình họ.
Hai khuyến nghị kêu gọi Quốc hội và chính phủ Hoa Kỳ hành động
Báo cáo này cũng đưa ra hai khuyến nghị dành cho Quốc hội Hoa Kỳ về các hành động tiếp theo.
Đầu tiên, Quốc hội nên chỉ thị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào báo cáo thường niên thông tin về các hạn chế của chính phủ Hồng Kông đối với quyền truy cập vào tài khoản tài chính ở Hồng Kông của cư dân Hồng Kông đã di cư sang hải ngoại, trong đó có cả quỹ MPF do chính quyền điều hành, vốn đã bị hạn chế rút tiền, theo yêu cầu của Đạo luật Tự trị Hồng Kông được thông qua năm 2020. Chính phủ Hoa Kỳ sau đó nên áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân liên quan đến việc hạn chế quyền tự do di cư, theo quy định của Đạo luật Tự trị Hồng Kông. Đồng thời, Quốc hội Hoa Kỳ có thể xem xét các bước tiếp theo để ngăn chặn việc các tổ chức tài chính có trụ sở tại Hoa Kỳ, những tổ chức liên quan đến việc quản lý quỹ của những người Hồng Kông, tránh tiếp tay cho những hành vi xâm phạm quyền tự do di cư, như là giữ lại quỹ hưu trí hợp pháp của họ theo yêu cầu của chính phủ Hồng Kông.
Thứ hai, Quốc hội nên sửa đổi Đạo luật Tự trị Hồng Kông để đưa vào báo cáo thường niên bản đánh giá về những hạn chế đối với sự độc lập tư pháp của Hồng Kông và kiểm tra cụ thể xem liệu có phải Đặc khu trưởng Hồng Kông hoặc bất kỳ cơ quan nào khác đang thay mặt cho chính quyền Trung Quốc để gây ảnh hưởng quá mức đến hệ thống tư pháp của Hồng Kông như là vi phạm quyền được xét xử công bằng và độc lập được bảo đảm theo Luật Cơ bản của Hồng Kông hay không. Dựa trên những phát hiện của báo cáo này, Quốc hội có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân phục vụ trong ngành tư pháp Hồng Kông, bao gồm cả các thẩm phán ngoại quốc đang làm việc tại Chung thẩm Pháp viện của Hồng Kông.
Hồng Kông trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ Hoa Kỳ sang Nga
Báo cáo này cũng tin rằng khi các công ty ngoại quốc ở Hồng Kông và người Hồng Kông di tản và chuyển đến các khu vực khác, thì Hồng Kông cũng đang tìm cách thu hút thêm nhiều doanh nghiệp và nhân tài từ Hoa lục hơn nữa để giúp khôi phục nền kinh tế hiện đang tụt hậu của Hồng Kông. Khi Hoa lục đổ nhân lực, rót vốn đầu tư vào Hồng Kông và tăng cường sự độc quyền của quốc gia này đối với môi trường kinh doanh của Hồng Kông, thì Hồng Kông sẽ ngày càng phụ thuộc vào đại lục để củng cố vị thế của mình như một thành phố khác của Trung Quốc chứ không phải là một thành phố quốc tế.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times