Hoa Kỳ xác định Hồng Kông là ‘địch thủ ngoại bang’
Hôm 14/12, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2024, chỉ định Trung Quốc, Hồng Kông, và Ma Cao là “các địch thủ ngoại bang”, cùng với Bắc Hàn, Cuba, Iran, và Venezuela.
Hôm 22/12, Tổng thống Biden đã ký đạo luật NDAA, báo hiệu việc tăng 3% ngân sách quốc phòng, trong đó có các khoản tiền đáng kể hướng tới việc tăng cường khai triển quân sự của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm chống lại ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Hồng Kông, và Ma Cao hiện đã bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách “các địch thủ ngoại bang”, cùng với Bắc Hàn, Nga, Cuba, Iran, và Venezuela. Dự luật này xem Hồng Kông và Ma Cao như một phần của Trung Quốc, là hai đặc khu xem thường nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ.” Dự luật này cũng phân bổ kinh phí để điều tra các tội ác tiềm ẩn như diệt chủng, tội ác chiến tranh, và tội ác phản nhân loại do các quan chức và doanh nhân Hồng Kông gây ra.
Dự luật này tiếp tục dành 14.7 tỷ USD cho các chiến lược răn đe và cạnh tranh của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, tăng tần suất và quy mô hoạt động của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng mở rộng của ĐCSTQ trong khu vực này. Tổng thống Biden đã ký ban hành dự luật này thành thành luật.
Dân biểu Mike Rogers (Cộng Hòa-Michigan), Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, nhấn mạnh tầm quan trọng chưa từng có của việc ban hành đạo luật NDAA hôm nay. Hoa Kỳ và các đồng minh phải đối mặt với các mối đe dọa đang gia tăng nhanh chóng từ ĐCSTQ, Nga, Iran, Bắc Hàn, và nhiều tổ chức khủng bố toàn cầu khác nhau. Ông Rogers nhấn mạnh tính cấp thiết của việc hành động ngay lập tức để bảo vệ an ninh quốc gia và tăng cường trợ giúp quân sự.
Khi Hoa Kỳ thông qua đạo luật NDAA, Hồng Kông, Ma Cao, và các quốc gia khác như Bắc Hàn, Cuba, Nga, Iran, và Venezuela bị xếp vào phe “trục ma quỷ”.
Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Hồng Kông
Vào tháng Mười, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã công bố một loạt lệnh trừng phạt mới nhắm vào các cá nhân và tổ chức trợ giúp các chương trình phi đạn và phi cơ không người lái của Iran. Trong số các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt này có ba công ty có trụ sở tại Hồng Kông và một cư dân Hồng Kông.
Hôm 18/10, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã mở rộng các lệnh trừng phạt, tập trung vào 11 cá nhân, 8 công ty, và một tàu liên quan đến việc trợ giúp Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo Iran và sản xuất phi đạn và phi cơ không người lái. Các hoạt động này trải rộng khắp Iran, Venezuela, Trung Quốc, và Hồng Kông. Có ba công ty và một cá nhân từ Hồng Kông đã bị cáo buộc có hành động trợ giúp cho một công ty Iran mua linh kiện điện tử từ Hoa Kỳ và Nhật Bản, với sự tham gia của một phụ nữ Trung Quốc.
Theo Bộ Ngân khố, các công ty có liên kết với Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo, đã sử dụng các đại lý địa phương ở Iran để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển các linh kiện điện tử có công dụng kép từ Hoa Kỳ và Nhật Bản đến Iran thông qua Hồng Kông. Một cá nhân của công ty TNHH Công nghệ Nam Khê Cốc (Nanxigu), ghi danh tại Hồng Kông, bị cáo buộc là một đặc vụ Iran liên quan đến việc mua linh kiện điện tử của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Công ty TNHH Công nghệ Đại Lập (Dai Li RF Technology Co., Limited) có trụ sở tại Hồng Kông, bị cáo buộc nhận các khoản chuyển ngân liên quan đến khách hàng của Nam Khê Cốc và Iran.
Công ty TNHH Điện ICGOO, một công ty khác của Hồng Kông, bị buộc tội cung cấp các linh kiện nhạy cảm, trong đó có cả hàng hóa có nguồn gốc từ Hoa Kỳ, cho các công ty Trung Quốc bị trừng phạt trước đây.
Các quan chức Bộ Ngân khố Hoa Kỳ khẳng định rằng việc Iran tiếp tục phát triển những sản phẩm mang tính hủy diệt như phi cơ không người lái và vũ khí sẽ góp thêm phần vào những cuộc xung đột toàn cầu đang diễn ra, trong đó có cả việc cung cấp phi cơ không người lái cho Nga để Nga dùng đánh bom dân thường ở Ukraine.
Hôm 05/12, Bộ Ngân khố đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với mạng lưới do doanh nhân người Bỉ Hans De Geetere kiểm soát, cáo buộc vị doanh nhân này mua các sản phẩm điện tử quân sự cho Nga. Mạng lưới này có các tổ chức và cá nhân ở Nga, Bỉ, Cộng hòa Cyprus, Thụy Điển, Hà Lan, và Hồng Kông, trong đó có cả công ty “M&S TRADING” của Hồng Kông. Trong các cáo buộc, có việc mạng lưới này liên tục vận chuyển các thiết bị điện tử dùng cho mục đích quân sự sang Nga thông qua Hồng Kông, Trung Quốc, và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông De Geetere phải đối mặt với cáo buộc từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vì xuất cảng trái phép công nghệ quân sự nhạy cảm sang Trung Quốc và Nga.
Hôm 12/12, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Ngoại quốc (OFAC) của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ tiết lộ rằng một công dân Trung Quốc tên Hồ Hiểu Tấn (Hu Xiaoxun) đã sử dụng công ty quốc phòng tư nhân của mình, công ty TNHH Jarvis (HK) có trụ sở tại Trung Quốc, để bán vũ khí và công nghệ được sản xuất tại Trung Quốc cho Nga thông qua các quốc gia bên thứ ba và các công ty trung gian. Các mặt hàng bao gồm đạn dược, phi cơ không người lái tự sát, và thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn, tổng giá trị hàng triệu dollar.
Đề cập đến các biện pháp trừng phạt đáng kể ảnh hưởng đến tài sản ngoại hối của Nga và loại nước này khỏi hệ thống SWIFT, ông Thạch Sơn (Shi Shan), nhà bình luận chính trị của The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ, tin rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ không dễ dãi với các công ty Hồng Kông do những thách thức trong việc phân biệt lý lịch và mối liên quan của họ với chính quyền Trung Quốc và ĐCSTQ.
Ông Thạch cho biết “cường độ cạnh tranh hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông đã đến đỉnh điểm.” Nếu Hồng Kông được ví von một cách ẩn dụ là một cây cầu thì “trước khi bất kỳ cuộc chiến nào nổ ra, thứ đầu tiên bị nổ tung là cây cầu nối liền hai bên thù địch, và từ nay trở đi, Hồng Kông không còn được xem là một trung tâm tài chính quốc tế độc lập nữa.”
Ông Thạch tin rằng điều này được thể hiện qua các lệnh trừng phạt mà Hoa Kỳ áp đặt đối với các công ty và cá nhân Hồng Kông.
ĐCSTQ chuyển hoạt động ‘ngàn nhân tài’ sang Hồng Kông
Ông Quý Đạt (Ji Da), nhà bình luận chính trị và cộng tác viên của The Epoch Times, cho biết rằng để theo đuổi nhân tài công nghệ cao, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chuyển hướng nỗ lực này sang Hồng Kông, đặc biệt là sau cuộc điều tra của Hoa Kỳ về “Kế hoạch Ngàn nhân tài” của ĐCSTQ.
“Kế hoạch Ngàn nhân tài” được bắt đầu vào tháng 12/2008 nhằm thu hút các nhà khoa học ưu tú được đào tạo ở ngoại quốc, khiến Hoa Thịnh Đốn lo ngại về các mối đe dọa đối với lợi ích và lợi thế công nghệ của Hoa Kỳ. Năm 2018, các cơ quan Hoa Kỳ đã điều tra nhiều cá nhân được tuyển dụng qua kế hoạch này.
Theo một bản tin ngày 24/08 của Reuters, có ba nguồn tin ẩn danh tiết lộ rằng ĐCSTQ đã âm thầm khôi phục “Kế hoạch Ngàn nhân tài” dưới tên gọi và hình thức mới.
Reuters đã phân tích hơn 500 tài liệu của chính phủ từ năm 2019 đến năm 2023, tiết lộ thông tin chi tiết về chiến lược tuyển dụng của ĐCSTQ. Dự án lớn thay thế “Kế hoạch Ngàn nhân tài” có tên là “Khải Minh” (Qiming) và được Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin của ĐCSTQ tài trợ.
Các nguồn tin tiết lộ rằng dự án “Khải Minh” nhắm đến các tài năng khoa học và công nghệ, tập trung vào các lĩnh vực “nhạy cảm” hoặc “bí mật” như chất bán dẫn. Trong ba năm, chương trình này đã thu hút thành công hơn 1,500 nhân tài cao cấp ở ngoại quốc, vượt tổng số tuyển dụng được trong 30 năm trước đó.
Ông Dean Boyd, phát ngôn viên của Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NCSC), nhấn mạnh rằng việc các địch thủ ngoại quốc nhận ra tầm quan trọng của việc tiếp cận các tài năng hàng đầu của Hoa Kỳ và phương Tây đã gây ra rủi ro cho nền kinh tế và an ninh quốc gia Hoa Kỳ khi các hoạt động tuyển dụng tạo ra xung đột lợi ích.
Sau cuộc điều tra về “Kế hoạch Ngàn nhân tài” của ĐCSTQ, The Epoch Times phát hiện ra rằng thông tin công khai cho thấy có hơn một trăm học giả ở Hồng Kông có liên quan đến kế hoạch này.
Nhiều dự án do chính phủ Hồng Kông khởi xướng, trong đó có Khu vực Vịnh Lớn (Greater Bay Area), các sáng kiến về công viên công nghệ, và các dự án công nghệ cao đổi mới đều chịu ảnh hưởng của các học giả thuộc “Kế hoạch Ngàn nhân tài” này. Trong đó có cả người vừa qua đời cách đây không lâu là ông Thang Hiểu Âu (Tang Xiao’ou), nhà lãnh đạo trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, người sáng lập Sense Time và là người được chọn vào “Kế hoạch Ngàn nhân tài.”
Trước khi qua đời, ông Thang từng là Trưởng khoa Kỹ thuật Thông tin tại Đại học Trung Văn Hồng Kông (CUHK) và Phó Trưởng khoa Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Tiên tiến Thâm Quyến thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Một số trường đại học ở Hồng Kông có chi nhánh ở Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy “Kế hoạch Ngàn nhân tài.” Vào tháng 03/2018, Mạng lưới Chuyên gia Giáo sư Trung Quốc Hoa Kỳ đã công bố lời mời từ Đại học Trung Văn Hồng Kông (chi nhánh Thâm Quyến) để công bố “Kế hoạch Ngàn nhân tài” cho năm 2018.
Năm năm sau, vào tháng 01/2023, Đại học Trung Văn Hồng Kông (chi nhánh Thâm Quyến) đã mời những tài năng xuất chúng ở ngoại quốc ghi danh tham gia dự án này. Trường đại học này nêu bật thành công của mình trong việc giới thiệu hơn 520 giáo viên nổi tiếng thế giới, bao gồm những người đạt giải Nobel, những người đạt giải Turing, những người đạt huy chương Fields, và các chuyên gia tài năng cấp quốc gia.
Sau những thất bại mà “Kế hoạch Ngàn nhân tài” của ĐCSTQ phải đối diện, Hồng Kông chuyển sang khai triển “Kế hoạch Vạn nhân tài.” “Liên minh Đại học Thượng Hải-Hồng Kông”, được thành lập vào tháng 11/2018, nhằm mục đích thấm nhuần danh tính Trung Quốc trong sinh viên và cung cấp nhân tài cho khu vực.
Ông Quý đề cập rằng ĐCSTQ trước đây “sử dụng Hồng Kông làm căn cứ để thực hiện Kế hoạch Ngàn nhân tài,” nhưng dưới các lệnh trừng phạt của chính phủ Hoa Kỳ, cả nguồn tài trợ và việc thu hút nhân tài đều bị hạn chế nghiêm ngặt.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times