Hoa Kỳ có thể giải quyết xung đột trên 3 mặt trận?
Ông Mearsheimer khẳng định rằng các yếu tố quyết định quốc gia nào sẽ giành chiến thắng trong một cuộc chiến, đặc biệt là những cuộc chiến tranh tiêu hao như ở Ukraine, đó là nhân lực và năng lực sản xuất.
Theo nhà khoa học chính trị lỗi lạc John Mearsheimer, Hoa Kỳ cần chuyển hướng phòng thủ từ châu Âu sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, để đối phó với Trung Quốc, đối thủ chiến lược số một của quốc gia này, nhưng sẽ gặp khó khăn khi thực hiện điều đó vì Hoa Kỳ đang vướng [các cuộc chiến] ở Ukraine và Trung Đông.
Ông Mearsheimer, khách mời của Trung tâm Nghiên cứu Độc lập, đang diễn thuyết tại Brisbane, Úc. Ông là người theo trường phái quan hệ quốc tế “thực tế,” nghĩa là ông cho rằng các cường quốc nên và chỉ hành động vì lợi ích của chính mình.
Thật đáng tiếc Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã không thể nghe thấy ông diễn thuyết và lúc đó đang trên đường đến Hoa Thịnh Đốn để vận động cho AUKUS.
Quan điểm của ông Mearsheimer rằng Hoa Kỳ cần phải đổi hướng được các chính phủ Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và nhiều chính phủ châu Á nhỏ hơn khác chia sẻ, trong đó đặc biệt là Đài Loan.
Ông Mearsheimer công nhận 3 siêu cường: Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nga. Ông đề cập đến các điểm yếu chính trị của Nga sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin hồi năm 1989 và tình trạng nghèo đói của Trung Quốc đã tạo ra thời điểm đơn cực trong khoảng 30 năm khi Hoa Kỳ thống trị.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa nước Nga trở lại từ địa ngục, và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tập trung quyền lực tại một đất nước rộng lớn để trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và giờ đây có thể phô diễn sức mạnh của họ.
Ngày nay, Hoa Kỳ đang bị lôi kéo vào một cuộc chiến ở Ukraine và gần như chắc chắn là một cuộc chiến ở Trung Đông. Trong thế giới ba phân cực, họ đã chọc giận cường quốc mà quyết định của nước này mang tính quyết định chung cuộc là Nga, để rồi giờ đây cục diện là hai chọi một.
Tốt nghiệp trường West Point, ông Mearsheimer khẳng định các yếu tố quyết định ai thắng trong một cuộc chiến, đặc biệt là những cuộc chiến tranh tiêu hao như ở Ukraine, đó là nhân lực và năng lực sản xuất.
Trên cơ sở này, ông suy luận rằng Ukraine sẽ thua trận, điều đó có nghĩa là người Nga sẽ chiếm thêm 20% quốc gia này ngoài 20% mà họ đã sẵn có, và đây sẽ vẫn là một cuộc chiến tranh chưa được giải quyết, tương tự như Chiến tranh Triều Tiên — một sự bế tắc không có hiệp ước hòa bình và các mối đe dọa thù địch mới luôn hiện hữu.
Vì Hoa Kỳ vẫn còn 70,000 quân nhân ở Nam Hàn, ông cho rằng quốc gia này sẽ cần phải có quân số lớn ở Ukraine trong nhiều thập niên.
Ông cũng nhìn thấy một tương lai ảm đạm cho nhà nước Israel.
Vấn đề đối với cả Ukraine và Israel là kẻ thù của họ đông dân hơn. Ukraine có 36.7 triệu dân và Nga có 144 triệu — lợi thế 4 chọi 1. Tính bằng đô la Mỹ, quy mô nền kinh tế Ukraine là 173 tỷ USD, và của Nga là 1.862 ngàn tỷ USD (để so sánh với Nga, quy mô nền kinh tế Úc là 1.688 ngàn tỷ USD).
Israel có nền kinh tế gấp bốn lần quy mô của Ukraine, nhưng ở một khu vực mà ông Mearsheimer gọi là “Greater Israel” (chỉ các biên giới lịch sử hoặc mong muốn của Israel) là Israel, Gaza, và Bờ Tây, người Do Thái đại diện cho khoảng 7.2 triệu sinh linh và người Ả Rập có khoảng 7.2 triệu người.
Trong cả hai trường hợp này, nếu không có viện trợ quân sự từ bên ngoài, gồm cả việc cung cấp trang thiết bị, vị thế của các đồng minh của Hoa Kỳ là đáng lo ngại.
Điều này đồng nghĩa với việc khi Hoa Kỳ cố gắng xoay trục thì quốc gia này sẽ hoạt động trên ba mặt trận.
Vấn đề về năng lực sản xuất
Tôi nghĩ mọi thứ còn tồi tệ hơn những phân tích mà ông Mearsheimer đưa ra bởi vì khi nói đến sản xuất, phương Tây đang ở vào tình thế thảm hại.
Trong hơn 20 năm qua, chúng ta đã giao phần lớn hoạt động sản xuất của mình cho Trung Quốc. Điều này đã biến Trung Quốc thành một cường quốc, gia tăng giá trị bảng cân đối kế toán của các công ty khai thác Úc, đồng thời lấp đầy kệ hàng điện tử của các hộ gia đình.
Cho đến nay mọi thứ vẫn ổn. Tuy nhiên, điều đó cũng làm suy giảm khả năng sản xuất của chúng ta, cũng như khiến một số yếu tố chiến lược được tập trung sản xuất ở Trung Quốc.
Chẳng hạn, Trung Quốc thống trị thị trường đất hiếm với 84% sản lượng thế giới, và chúng được sử dụng cho thế hệ vũ khí công nghệ cao mới nhất.
Năng lực sản xuất quân sự của Hoa Kỳ cũng suy giảm đến mức người ta nghi ngờ rằng liệu Úc có thể mua tàu ngầm hạt nhân AUKUS từ Hoa Kỳ hay không vì quốc gia này có thể không đáp ứng được nhu cầu về tàu của mình chứ chưa nói đến việc cung cấp cho các nước khác.
Đồng thời với hoạt động sản xuất bị sụt giảm, chúng ta cũng đang làm tê liệt tính hiệu quả chi phí của ngành sản xuất bằng cách nỗ lực vận hành một nền kinh tế hiện đại dựa trên cối xay gió và các tấm pin quang năng.
Trung Quốc đang tăng cường tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện cùng lúc với việc ngăn chặn những tổn thất lớn liên quan đến hạt nhân. Năng lượng tái tạo chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng sản lượng điện của họ.
Năng suất lao động của Trung Quốc cũng phát triển đến mức quân đội nước này đang nhanh chóng vượt qua Hoa Kỳ về quy mô.
Năm 2005, hải quân Trung Quốc chỉ sở hữu hơn 200 chiến hạm chính, còn Hoa Kỳ chỉ sở hữu chưa đến 300 chiếc. Chưa đầy 20 năm sau, Hoa Kỳ sở hữu 294 chiếc, trong khi Trung Quốc sở hữu 351 chiếc.
Đồng thời, phương Tây đã khiến cho việc khai thác nhiên liệu hóa thạch trong nước khó khăn hơn, đẩy giá cả lên và làm gia tăng sự phụ thuộc của phương Tây vào Trung Đông Ả Rập (điều mà xét đến cuộc chiến tranh Trung Đông hiện nay là một sự chuyển giao quyền lực tiềm tàng cho kẻ thù của Israel), cũng như các nhà cung cấp không mấy thân thiện như Venezuela.
Khả năng xảy ra chiến tranh Đài Loan thì sao?
Ông Mearsheimer dự đoán Trung Quốc sẽ không tấn công Đài Loan do trở ngại khi tấn công trên biển.
Tôi không đồng ý.
Ông Tập đã tuyên bố rõ ràng rằng ông ta muốn có khả năng thống nhất Đài Loan với Trung Quốc vào năm 2027.
Tại sao không tin lời ông ấy chứ? Hầu hết những gì ông ấy nói, ông ấy sẽ thực hiện, hoặc chí ít là nỗ lực thực hiện.
Và tại sao ông ấy lại phải nỗ lực tấn công? Đến năm 2027, ông ấy sẽ có lực lượng hải quân lớn hơn nhiều so với Hoa Kỳ.
Trong khi Hải quân Hoa Kỳ sẽ hoạt động cách bến cảng của mình nửa vòng trái đất thì Hải quân Trung Quốc sẽ ở gần các cảng tại quê nhà của họ.
Hải quân Hoa Kỳ cũng sẽ được khai triển khắp thế giới, với hai nhóm hàng không mẫu hạm vừa mới chuyển đến Trung Đông trong những ngày gần đây.
Tại sao Trung Quốc lại không thực hiện lệnh phong tỏa và “bỏ đói” Đài Loan khiến họ bại trận chứ?
Mặc dù có thể tự túc về lương thực nhưng 97.7% nguồn cung cấp năng lượng của quốc gia này [Đài Loan] được nhập cảng (và phần lớn trong số đó đến từ Úc).
Một vấn đề nữa đối với Hoa Kỳ đó chính là “Hoa Kỳ hiện gần như hoàn toàn phụ thuộc vào các nguồn cung cấp ngoại quốc để sản xuất chất bán dẫn tân tiến vốn cung cấp năng lượng cho tất cả các thuật toán AI quan trọng cho hệ thống phòng thủ và mọi thứ khác” (pdf) — chủ yếu là từ Đài Loan.
Hoa Kỳ cũng đang chứng kiến nguồn cung cấp đạn dược hiện có sụt giảm. Nguồn này đang được viện trợ cho Ukraine và giờ đây là cho Israel.
Trong khi nhu cầu của cả hai quốc gia ở một mức độ nào đó có thể bổ sung cho nhau, thì năng lực sản xuất bị suy giảm của Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp cho Ukraine, chưa nói đến việc duy trì nguồn cung cấp ở mặt trận thứ ba.
Những thập niên tự mãn
Những thập niên đơn cực đã mang lại cho cả Hoa Kỳ và Úc một cảm giác an toàn sai lầm. Quân đội của chúng ta đã suy yếu cùng lúc với năng lực quân sự của chúng ta, và chúng ta làm giàu cho một đối tác thương mại có mưu đồ trở thành một đối thủ cạnh tranh chiến lược.
Giờ đây chúng ta đang cố gắng bắt kịp (mặc dù chính phủ Úc hiện tại đang chi tiêu cho quốc phòng thậm chí còn ít hơn so với chính phủ tiền nhiệm).
Chúng ta đang đưa hoạt động sản xuất khoáng sản chiến lược về nước, đầu tư chuyển giao một phần năng lực sản xuất vi mạch bán dẫn của Đài Loan sang Hoa Kỳ, và đa dạng hóa hoạt động sản xuất gia công của chúng ta bên ngoài Trung Quốc.
Một trong những yếu tố còn thiếu trong phân tích của ông Mearsheimer là vai trò mà Ấn Độ có thể đảm nhận. Nền kinh tế của nước này chỉ bằng 1/5 Trung Quốc, nhưng trong năm nay họ vừa vượt qua Trung Quốc về quy mô dân số.
Quy mô nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi cứ sau 10 năm. Nếu hoạt động sản xuất và đầu tư chuyển hướng sang Ấn Độ, thì quy mô này sẽ tăng tốc.
Những thập niên tiếp theo hứa hẹn sẽ ít bình dị hơn những thập niên trước. Úc đã đặt cược an ninh lục địa của mình vào Hoa Kỳ.
Đã đến lúc chúng ta bắt đầu chấm dứt những thập niên tự mãn đó bằng cách đầu tư trực tiếp vào quốc phòng của mình và dành một phần cho các liên minh khu vực khác.
Các thỏa thuận như AUKUS và quan hệ đối tác an ninh Ngũ Nhãn sẽ chỉ có hiệu quả với cam kết thực sự. Tham gia vào các cam kết này thì khá dễ dàng, nhưng thực hiện được chúng thì không.
Thủ tướng Anthony Albanese cần phải ghi nhớ điều đó khi ông đến thăm cả hai “triều đình” thời hiện đại của chúng ta ở Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times