Lệnh cấm ca khúc ‘Nguyện Vinh quang cho Hồng Kông’ có thể có tác động toàn cầu
Nhiều nhóm nhân quyền kêu gọi các đại công ty công nghệ phản đối lệnh cấm này
Gần đây, hai mươi bốn tổ chức nhân quyền toàn cầu đã viết một lá thư cho Tổng giám đốc của sáu nền tảng trực tuyến, bao gồm Apple, Google, và Meta, kêu gọi họ phản đối yêu cầu của chính quyền Hồng Kông về một lệnh cấm ca khúc biểu tình “Nguyện Vinh quang cho Hồng Kông” (sau đây gọi tắt là bài “Nguyện Vinh Quang”), tuyên bố rằng lệnh cấm này sẽ có một “tác động tai hại” đối với quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin ở Hồng Kông và thậm chí là trên toàn thế giới. Điều quan trọng là các công ty mạng xã hội phải đoàn kết chống lại sự kiểm duyệt thông tin ở Hồng Kông.
Chính quyền Hồng Kông đang tìm kiếm một lệnh cấm ca khúc “Nguyện Vinh Quang”, cấm phát sóng, biểu diễn, hoặc phổ biến bài hát này dưới mọi hình thức, kể cả thông qua các phương tiện như mạng Internet. Họ cũng cung cấp một tài liệu liệt kê 32 video của bài “Nguyện Vinh Quang” trên YouTube. Người ta lo ngại rằng một khi lệnh cấm đó được thực hiện, thì bài hát này có thể sẽ biến mất hoàn toàn trên mạng Internet. Hiện tại, một số video được đề cập trong biểu mẫu tài liệu của Bộ Tư pháp Hồng Kông không thể xem được hoặc đã bị người tải lên gỡ xuống.
Hầu hết trong số 24 nhóm nhân quyền ở hải ngoại đã khởi xướng bức thư tập thể này đều là các tổ chức quan tâm đến nhân quyền ở Hồng Kông hoặc các tổ chức của người Hồng Kông ở hải ngoại, chẳng hạn như Human Rights Watch (Tổ chức Theo dõi Nhân quyền), Hong Kong Watch (Tổ chức Theo dõi Hồng Kông), Hội đồng Dân chủ Hồng Kông, và tổ chức We The Hongkongers (Chúng tôi là người Hồng Kông); Ngoài ra còn có Electronic Frontier Foundation quan tâm đến quyền riêng tư trong công nghệ điện tử, tự do ngôn luận và sự đổi mới, và Chiến dịch vì người Duy Ngô Nhĩ, quan tâm đến nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ.
Bức thư chung này đã được gửi tới Tổng giám đốc của sáu đại công ty công nghệ internet đa quốc gia là Spotify, Apple, Alphabet, Google, Twitter, và Meta Platforms (nhà điều hành của Facebook), kêu gọi họ phản đối lệnh cấm bài hát “Nguyện Vinh Quang.” Lệnh cấm này ảnh hưởng đến Hồng Kông và sẽ có một “tác động tai hại” đối với quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin toàn cầu.
Theo bức thư chung này, lệnh cấm đó sẽ cấm bất kỳ ai phát sóng, biểu diễn, in ấn, phát hành, bán, chào bán, phân phối, phổ biến, hiển thị hoặc sao chép bài hát và lời bài hát dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích … xúi giục người khác ly khai, với ý đồ xúi giục nổi loạn, hoặc theo cách … mà bài hát này có khả năng bị hiểu nhầm là bài quốc ca của Hồng Kông, nhắc nhở mọi người rằng Hồng Kông là một quốc gia độc lập … với ý định xúc phạm bài quốc ca của thành phố.
Tuy nhiên, định nghĩa về những hành vi này quá rộng và mơ hồ. Theo Luật An ninh Quốc gia, tội ly khai không cần phải sử dụng vũ lực hoặc cưỡng chế bằng vũ lực, và các hành động ôn hòa như bài diễn văn hoặc bài hát có thể bị hình sự hóa; các quy định về tội xúi giục cũng rất rộng, và có ngưỡng hình sự hóa thấp. Kể từ năm 2020, chính quyền Hồng Kông đã sử dụng các luật này để truy tố những người bất đồng chính kiến và vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân Hồng Kông.
Các nhóm viết bức thư chung còn nói thêm rằng lệnh cấm này “sẽ được sử dụng để kiểm duyệt bài hát ‘Nguyện Vinh quang cho Hồng Kông’ trên toàn cầu, dựa trên xu hướng ngày càng tăng của chính quyền Hồng Kông trong việc áp dụng các luật lạm dụng đối với các hành động được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Hồng Kông.”
Bức thư chung cũng tuyên bố rằng chính quyền Hồng Kông phải chịu trách nhiệm về việc Meta bị cưỡng chế gỡ bỏ nội dung 50 lần trong khoảng thời gian từ tháng 07/2020 đến tháng 06/2022. Ngoài ra, một phụ nữ Hồng Kông 23 tuổi đã bị buộc tội “xúi giục nổi loạn” khi trở về Hồng Kông sau khi đăng các bình luận về “sự độc lập của Hồng Kông” trên Facebook khi đang học tập tại Nhật Bản.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times