Khảo sát: 30% người Hồng Kông không có ý định di cư
Học giả: Lựa chọn ở lại Hồng Kông có thể không liên quan trực tiếp đến lòng trung thành
Hồi đầu năm nay, Tiến sĩ Đặng Kiện Nhất (Gary Tang Kin Yat), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công tại Đại học Hằng Sinh của Hồng Kông, và Tiến sĩ Viên Vĩ Hy (Samson Yuen Wai Hei), Giáo sư Phụ tá Khoa học Chính trị tại Khoa Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Baptist Hồng Kông đã cùng nhau tiến hành một cuộc khảo sát, kết quả cho thấy 30% người Hồng Kông không có ý định di cư, lý do chính là “gia đình và bằng hữu,” cũng như “cảm giác thân thuộc với nơi này.”
Tiến sĩ Đặng đã viết về cuộc khảo sát này trên một tờ báo Hoa ngữ địa phương có tên là Minh Báo (Ming Pao), cho thấy một số người trả lời không có ý định di cư chỉ đơn giản là muốn kiếm thêm tiền hoặc ở bên những người thân yêu; lý do họ ở lại có thể không liên quan trực tiếp đến bất kỳ sự gắn bó nào về mặt tình cảm với Hồng Kông.
Nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Đặng và Tiến sĩ Viên dẫn đầu đã thực hiện một cuộc khảo sát vào đầu năm 2023 về ý định di cư và lý do ở lại Hồng Kông. Trong số 1,977 người được hỏi, 44.2% người bày tỏ mong muốn di cư mà không có thời gian cụ thể, 11.1% người có ý định di cư trong vòng 5 năm tới, 14% trả lời họ muốn rời đi trong vòng 2 năm tới, và 30.8% được hỏi cho biết họ không có ý định di cư.
Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu thêm sâu hơn về lý do tại sao những người “không có ý định di cư” chọn ở lại thành phố này. Cuộc khảo sát đưa ra sáu lựa chọn, bao gồm “thân nhân ở Hồng Kông,” “bằng hữu ở Hồng Kông,” “sự nghiệp đã cố định ở Hồng Kông,” “đời sống vật chất ở Hồng Kông,” “có người cần giúp đỡ ở Hồng Kông,” và “Hồng Kông là nơi tôi lớn lên.”
Người trả lời có thể chọn tối đa hai đáp án. Kết quả khảo sát cho thấy đa số người được hỏi chọn “gia đình và bằng hữu (lựa chọn 1 và 2)” (chiếm 77.7%), tiếp theo là “cảm giác thân thuộc với nơi này (lựa chọn 5 và 6)” (chiếm 69.2%), trong khi “đời sống vật chất (lựa chọn 3 & 4)” được ít người chọn nhất (30%).
Tiến sĩ Đặng tin rằng đối với hầu hết những người muốn ở lại Hồng Kông, thì các yếu tố vật chất chỉ xếp ở vị trí thứ yếu. Phần lớn các câu trả lời đều có một lựa chọn cho liên quan đến “gia đình và bằng hữu” và “cảm giác thân thuộc với nơi này.”
Ngoài ra, khoảng 10% số người được hỏi xem “gia đình và bằng hữu” cũng như “cảm giác thân thuộc với nơi này” là những yếu tố quan trọng nhất khiến họ quyết định ở lại Hồng Kông. Tiến sĩ Đặng cũng đề cập đến tác phẩm kinh điển “Exit, Voice, and Loyalty” (Rời đi, Lên tiếng, và Trung thành) của nhà kinh tế học Albert Hirschman, trong đó gợi ý rằng khi các cá nhân không hài lòng với một tổ chức, họ sẽ phản ứng khác nhau: một số chọn rời đi, một số vẫn trung thành, còn một số thì lên tiếng về những lo ngại của họ.
Nếu áp dụng kết cấu này để phân tích quyết định di cư, “Rời đi” được thể hiện qua việc bỏ phiếu bằng đôi chân của một người, tức là di cư, “lên tiếng” đề cập đến sự tham gia vào chính trị với hy vọng chính quyền có thể cải thiện cách quản trị, còn “trung thành” ngụ ý là ở lại.
Tiến sĩ Đặng tin rằng trong ngữ cảnh này “trung thành” là một yếu tố rất đáng để suy ngẫm bởi vì “không rời đi” không nhất thiết là biểu hiện của sự trung thành. Lấy ví dụ, một số cá nhân ở lại chỗ làm của họ chỉ có thể tạm thời làm như vậy vì không có lựa chọn nào tốt hơn. Một số người có thể chọn ở lại Hồng Kông vì những lý do như “kiếm được nhiều tiền hơn” hoặc ở bên những người thân yêu của họ, điều này có thể không nhất thiết có liên quan trực tiếp đến tình cảm gắn bó của họ với Hồng Kông.
Nghiên cứu cũng cho thấy những cá nhân quyết định ở lại Hồng Kông vì lý do gia đình và bằng hữu ít quan tâm đến chính trị và các vấn đề thời sự, tin tức liên quan đến các vụ kiện (chủ yếu từ phong trào chống dẫn độ và đòi dân chủ năm 2019), tin tức cộng đồng hay tin tức về cuộc sống bình thường của mọi người trong xã hội. Tiến sĩ Đặng gợi ý rằng gia đình và bằng hữu là những vấn đề cá nhân; việc mọi người ưu tiên các mối quan hệ này lên hàng đầu có thể ít chú ý đến các loại tin tức nói trên là điều bình thường.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times