Các nhà phân tích lo ngại ĐCSTQ lợi dụng Hồng Kông để né tránh các hạn chế của ngoại quốc đối với hoạt động ghép tạng
Từ khi ông Lư Sủng Mậu (Lo Chung-mau), Cục trưởng Y tế của Cục Quản lý Bệnh viện Hồng Kông, bày tỏ hy vọng sẽ tích hợp các bệnh viện Hồng Kông vào Hệ thống Đáp ứng Ghép Tạng Trung Quốc (COTRS) hồi tháng 12/2022, thì số người hủy ghi danh hiến tạng đã tăng vọt trong cùng tháng.
Các nhà bình luận hoài nghi rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng sử dụng Hồng Kông để “quốc tế hóa hoạt động cấy ghép nội tạng của họ” trong khi né tránh các hạn chế của ngoại quốc đối với việc cấy ghép nội tạng ở Hoa lục.
Gần đây, những người Hồng Kông vừa hủy bỏ ghi danh hiến tặng nội tạng của họ cho biết việc chính quyền đưa ra thông cáo báo chí hôm 22/05 là giọt nước làm tràn ly khiến họ quyết định làm như vậy.
Chính quyền Hồng Kông đã chỉ trích một số công dân kêu gọi mọi người hủy ghi danh hiến tạng.
Chính quyền cũng đổ lỗi cho những cá nhân không tin tưởng vào chương trình chia sẻ nội tạng giữa Trung Quốc và Hồng Kông mà cho rằng chương trình này không bảo vệ hoặc bảo đảm rằng nội tạng của người Hồng Kông không rơi vào tay những người có quyền thế ở Hoa lục.
Tạo thuận lợi cho hoạt động cấy ghép nội tạng cho người nước ngoài
Nhà bình luận chính trị Thạch Sơn (Shi Shan) của The Epoch Times giải thích trong chương trình của mình rằng chính quyền có kế hoạch vận chuyển và trao đổi nội tạng giữa Trung Quốc và Hồng Kông. Ông Thạch Sơn cũng đề cập rằng việc Hoa lục tỏ ra mờ ám và bí mật với hầu hết mọi việc đã khiến người dân Hồng Kông hoài nghi.
Trung Quốc là điểm đến bị các chính phủ ngoại quốc cấm trong việc cấy ghép nội tạng
Ông Thạch Sơn chỉ ra rằng hệ thống vận chuyển nội tạng ở Hoa lục được cho là có vấn đề, dẫn đến việc hầu hết các quốc gia ngoại quốc có hành động lập pháp và cấm người dân của họ cấy ghép nội tạng không rõ nguồn gốc ở hải ngoại.
Ví dụ, một khi bệnh nhân được cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc, thì dịch vụ chăm sóc y tế hoặc bảo hiểm của chính phủ Israel sẽ không công nhận các thủ tục cũng như không cung cấp các phương pháp điều trị tiếp theo cho bất kỳ trường hợp thải ghép nào.
ĐCSTQ mở rộng hoạt động kinh doanh cấy ghép nội tạng sang Hồng Kông
Ông Thạch tin rằng nhiều hạn chế khác nhau đã ảnh hưởng đến ngành kinh doanh ghép tạng của Trung Quốc; ông nghi ngờ rằng “hệ thống chia sẻ nội tạng” giữa Hồng Kông và Trung Quốc là âm mưu của ĐCSTQ nhằm sử dụng Hồng Kông như một con đường để mở rộng hoạt động kinh doanh cấy ghép nội tạng của mình.
“Nhiều quốc gia đã hạn chế và chặn ĐCSTQ, khiến nhà cầm quyền này khó kiếm tiền. Nhưng Hồng Kông vẫn chưa bị chặn hoặc bị ngoại quốc hạn chế. Vì vậy, nội tạng lấy từ Hoa lục có thể được vận chuyển đến các bệnh viện ở Hồng Kông để cấy ghép.”
Ông Thạch Sơn nói thêm rằng Trung Quốc có thể đưa các bác sĩ và đội ngũ y tế đến các bệnh viện khác để cấy ghép nội tạng bằng nhiều cách. Do đó, ông nghi ngờ ĐCSTQ có ý định cung cấp các thủ thuật cấy ghép cho người ngoại quốc để kiếm ngoại hối.
Tiến sĩ Jacob Lavee, một bác sĩ phẫu thuật ghép tim nổi tiếng kiêm giáo sư của Trường Y Đại học Tel Aviv ở Israel, đã thảo luận về hệ thống chia sẻ hiến tạng giữa Trung Quốc và Hồng Kông với The Epoch Times hồi tháng Năm năm 2023.
Ông Lavee cho biết hệ thống này có thể đồng nghĩa với việc lôi kéo Hồng Kông vào hoạt động thu hoạch nội tạng sống.
Tiến sĩ Lavee cũng khuyên các quốc gia phương Tây chung tay trong các nỗ lực ngoại giao và kinh tế để phản đối những hành vi tàn bạo và việc sử dụng nội tạng thu hoạch sống ở Hồng Kông.
Cấm các cơ quan nội tạng khả nghi
Hồi tháng Tư năm 2014, Israel đã ban hành luật và cấm tất cả mọi công dân Israel tiến hành thủ thuật cấy ghép nội tạng ở ngoại quốc từ các nguồn không xác định hoặc bất hợp pháp.
Chính phủ Israel cũng cấm các công ty bảo hiểm chi trả cho những công dân thực hiện thủ thuật ghép tạng ở hải ngoại.
Đằng sau thành công ban hành luật cấm của Israel là những nỗ lực của Tiến sĩ Lavee. Theo trang web tin tức Axios.com của Hoa Kỳ, năm 2005 là thời điểm Tiến sĩ Lavee lần đầu tiên biết về việc Trung Quốc thu hoạch nội tạng của những người bị giam giữ còn sống.
Vào thời điểm đó, một bệnh nhân của ông đã bay đến Trung Quốc trước hai tuần để ghép tim.
Ông nhớ đã đặt câu hỏi, “Ai có thể bảo đảm chắc chắn có một trái tim cho ông vào một ngày cụ thể chứ? Có người sẽ phải tử vong vào đúng hôm đó để ca phẫu thuật có thể diễn ra.”
Sau khi người bệnh này đến Trung Quốc, ông ấy đã được ghép tim vào đúng ngày đã hứa. Câu chuyện này đã thuyết phục giúp lệnh cấm mà ông Lavee đang thúc đẩy được thông qua.
Thế giới chống lại hoạt động thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ
Nhiều cuộc điều tra quốc tế đã xác nhận hoạt động thu hoạch nội tạng của chính quyền Trung Quốc là có thật kể từ khi sự việc bị phơi bày năm 2006.
Ông David Matas, một luật sư nhân quyền quốc tế, đã nói với ông Jan Jekielek, biên tập viên cao cấp của The Epoch Times, về vấn đề thu hoạch nội tạng sống như sau: “Vấn đề không phải là thiếu bằng chứng. Mà là ngược lại, có quá nhiều bằng chứng.”
Ông Matas là đồng tác giả và là điều tra viên của các báo cáo năm 2006 và 2016 về những cáo buộc thu hoạch nội tạng sống đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc cũng như cuốn sách “Thu Hoạch Đẫm Máu/Đại Thảm Sát: Phần Cập Nhật.”
Các báo cáo của ông Kilgour và ông Matas kết luận về hoạt động thu hoạch nội tạng trên diện rộng của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công.
Hoa Kỳ
Hôm 27/03, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Chấm dứt Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức năm 2023 để xử phạt những người tham gia buôn bán thu hoạch nội tạng sống, với mức phạt dân sự tối đa lên tới 250,000 USD, phạt hình sự lên tới 1 triệu USD và 20 năm tù giam.
Dự luật đang chờ Thượng viện Hoa Kỳ thông qua và chờ chữ ký của Tổng thống.
Canada
Hôm 14/12/2022, Quốc hội Canada đã đồng thuận thông qua Đạo luật S-223, một dự luật chống khai thác và buôn bán nội tạng người bất hợp pháp.
Ngoài ra, Israel, Đài Loan, Ý, Tây Ban Nha, và Vương quốc Anh cũng đã cấm du lịch ghép tạng.
Nam Hàn
Hôm 06/03/2020, Nam Hàn đã sửa đổi Đạo luật Cấy ghép Nội tạng Nam Hàn. Sửa đổi có hiệu lực từ ngày 08/10/2020 này quy định rằng, bất kỳ người nào được cấy ghép nội tạng ở hải ngoại đều phải nộp các tài liệu và thông tin cần thiết về ca phẫu thuật cho Bộ Y tế và Phúc lợi Nam Hàn trong vòng 30 ngày kể từ khi về nước.
Châu Âu
Hội đồng Âu Châu đã thông qua Công ước của Hội đồng Âu Châu về Chống Buôn bán Nội tạng Người năm 2014.
Công ước xác định việc buôn bán nội tạng là một tội hình sự và bất kỳ thủ phạm nào cũng phải bị trừng phạt.
Các quốc gia đã ký Công ước bao gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Pháp, Bỉ, Albania, Costa Rica, Croatia, Cộng hòa Séc, Montenegro, Latvia, Malta, Bồ Đào Nha, Moldova, và Slovenia.
Đài Loan
Hôm 12/06/2015, Đài Loan đã thông qua Bản sửa đổi Đạo luật Cấy ghép Nội tạng Người, trong đó quy định rằng nội tạng cấy ghép phải là miễn phí hoặc là được hiến tặng mà không có phần thưởng.
Những người vi phạm sẽ bị kết án tới 5 năm tù và bị phạt 1.5 triệu Đài tệ. Nếu bác sĩ bị phát hiện có liên quan đến các cá nhân hoặc tổ chức làm trung gian môi giới, thì giấy phép của họ có thể bị thu hồi như một hình phạt tối đa.
Khi luật được thông qua, bà Vưu Mỹ Nữ (Yu Mei-nu), một thành viên lập pháp của Đảng Tiến Bộ Dân Chủ, tuyên bố rằng nhiều người sẽ đến Hoa lục để nhận nội tạng cấy ghép bất hợp pháp do tình trạng thiếu nội tạng ở Đài Loan.
Bà Vưu cho biết ĐCSTQ đã thực hiện hoạt động môi giới và buôn bán các cơ quan nội tạng bất chính thu hoạch từ các học viên Pháp Luân Công. Bà hy vọng việc sửa đổi luật có thể chấm dứt hoạt động môi giới và buôn bán nội tạng khủng khiếp này.
Bệnh viện Đài Loan quyết định không bổ nhiệm lại 2 bác sĩ
Hôm 10/06/2023, Bệnh viện Cơ Đốc Giáo Chương Hóa (Changhua Christian Hospital) của Đài Loan thông báo, hai bác sĩ trong nhóm ghép tạng của bệnh viện này đã nhiều lần đến Trung Quốc để tiến hành các ca phẫu thuật cấy ghép mà không báo cáo với bệnh viện, vi phạm tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc nội tạng cũng như vi phạm đạo đức y tế.
Sau khi cân nhắc kỹ các nguyên tắc về y đức, bệnh viện quyết định không bổ nhiệm lại hai bác sĩ này.
Bệnh viện nhấn mạnh rằng mặc dù người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, và thành viên của các nhà thờ Cơ Đốc Giáo tại gia là những đối tượng cho hoạt động thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ, nhưng mục tiêu chính của chính quyền này lại tập trung vào các học viên Pháp Luân Công.
Hoàn toàn không tin tưởng vào hệ thống cấy ghép tạng của ĐCSTQ
Khi người Hồng Kông hủy ghi danh thẻ hiến tạng, nhà bình luận về các vấn đề thời sự Tào Gia Siêu (Cho Ka-chiu) nhận xét trên chương trình trực tuyến của mình rằng xu hướng này bắt nguồn từ sự mất lòng tin và nghi ngờ của người Hồng Kông đối với Trung Quốc.
“Nếu có người nghèo ở đại lục cần ghép tim nhưng không đủ khả năng chi trả cho các ca phẫu thuật, thì đó không phải là do Hồng Kông từ chối hiến tặng. Mà đó là do đại lục từ chối điều trị.”
Ông Tào nói thêm rằng nội tạng có thể sẽ rơi vào tay những người giàu có và những người có quyền lực.
“Một khi hệ thống cấy ghép nội tạng được tích hợp và chia sẻ, nếu một đứa trẻ qua đời ở Hồng Kông, thì liệu có quy chế nào bảo đảm rằng trẻ em Hồng Kông có nhu cầu nhận được nội tạng trước tiên không?”
Ông Tào đặt nghi vấn về việc liệu chính quyền có ưu tiên nghị trình chính trị của mình trước hay không.
“Liệu chính quyền này có làm việc chiếu lệ đối với con của một người có quyền lực và xem nhẹ một đứa trẻ ở Hồng Kông đang chờ được cấy ghép tạng không?”
Tẩy chay ghi danh hiến tạng
Anh H (bí danh) là một người dân Hồng Kông đã ghi danh hiến tạng trong hệ thống Hồng Kông hồi đầu năm 2019.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 01/06, anh H cho biết anh đã muốn trở thành một người hiến tặng nội tạng cách đây nhiều năm từ những ngày còn ngồi trong ghế nhà trường.
Anh thông báo với gia đình về mong muốn của mình và sẽ mang theo thẻ ghi danh hiến tặng của mình đi khắp nơi.
Anh H luôn cho rằng mình đã làm đúng khi ghi danh, nhất là sau khi Cục Y tế gọi điện xác nhận việc ghi danh của anh vào năm 2019.
Chàng trai trẻ này đã không ngần ngại trở thành một người hiến tạng vì anh tin rằng làm như vậy thì những người có nhu cầu sẽ nhanh chóng nhận được các cơ quan nội tạng sống còn nhanh hơn.
Cuối năm 2022, Hồng Kông đã trải qua ca ghép tạng đầu tiên từ Hoa lục.
Một bé gái bốn tháng tuổi tên Chỉ Hy (Tsz-hay) mắc chứng cơ tim giãn nở, và bệnh đã tiến triển thành suy tim cấp tính. Tình trạng của bé gái vẫn nguy kịch và vô phương cứu chữa mặc dù các thành viên trong gia đình và bệnh viện nhi đồng đã kêu gọi công chúng hiến tim.
Ông Lư Sủng Mậu, Cục trưởng Y tế tại Cục Quản lý Bệnh viện Hồng Kông, cho biết trên blog của mình rằng ông đã liên hệ và yêu cầu sự trợ giúp từ Ủy ban Y tế Quốc gia và Tổng cục Hải quan của ĐCSTQ. Ông Lư kêu gọi vận chuyển suôn sẻ giữa hai nơi để cứu sống bé gái bốn tháng tuổi này nếu có trái tim từ một người hiến tặng chết não ở Trung Quốc mà không có người nhận phù hợp ở Hoa lục.
Tại thời điểm đó, hãng truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã tuyên bố rằng chính quyền Bắc Kinh rất quan tâm đến yêu cầu này.
Cục Ứng phó Khẩn cấp Y tế của Ủy ban Y tế và bộ phận quốc tế đã hợp tác với sự giúp đỡ đầy đủ từ các cơ quan hải quan ở Trung Quốc.
Các phòng ban đã yêu cầu Hệ thống Đáp ứng Ghép Tạng Trung Quốc thành lập một trung tâm điều phối để lập kế hoạch khẩn cấp và liên lạc.
Cuối cùng, ca ghép tim của cô bé đã thành công nhờ công sức của 65 chuyên gia y tế và quản lý đến từ Hồng Kông và Trung Quốc.
Tân Hoa Xã cho biết vào thời điểm đó rằng trái tim được một đứa trẻ chết não ở Trung Quốc hiến tặng “miễn phí.”
Cơ quan ngôn luận nhà nước Trung Quốc này cũng dẫn lời ông Lư Sủng Mậu để thể hiện mong muốn “Các bệnh viện Hồng Kông có thể được đưa vào COTRS dựa trên câu chuyện thành công của bé Chỉ Hy.”
Anh H không nghĩ đến việc hủy ghi danh hiến tạng lúc đó, vì anh không nghĩ vấn đề này có liên quan đến mình hoặc không việc gì phải vội.
Anh nói thêm rằng anh biết rõ về lịch sử cấy ghép nội tạng tai tiếng ở Trung Quốc.
“Quá khứ đối xử tàn bạo với người dân của ĐCSTQ là quá rõ ràng. Trên thực tế, tôi cũng có thể cảm nhận được sự hung hăng càn quấy của những người nắm quyền ở Trung Quốc.”
Anh nghi vấn: Làm thế nào mà một nơi như vậy lại có thể gắn liền với các yếu tố hiến tạng “công bằng” hoặc “miễn phí” chứ?
Việc chính quyền Hồng Kông chỉ trích người dân gây tác dụng ngược lại
Trong một bản tin hôm 22/05, chính quyền Hồng Kông đã chỉ trích những người kêu gọi hủy ghi danh hiến tạng.
Nhận thấy các bản tin lan truyền trên khắp các hãng truyền thông, anh H quyết định xem “chính quyền sẽ hành xử điên rồ như thế nào.”
Anh H dẫn lời chính quyền: “Một số ít cá nhân đã lên mạng để bóp méo giá trị đạo đức và lòng vị tha quên mình của việc tận tâm hiến tạng.”
“Hành động đó hoàn toàn đi ngược lại tinh thần vị tha trong hiến tạng; một số cá nhân còn cố ý phỉ báng ý nghĩa xây dựng của việc hai nơi đề xướng thành lập quy chế hỗ trợ lẫn nhau thường trực cho việc cấy ghép tạng, chắc chắn là coi thường mối quan hệ không thể tách rời giữa cư dân Hồng Kông và đại lục cũng như các hoạt động hiến tạng và những sự trợ giúp vị tha khác nhau từ đại lục.”
“Một số cá nhân đã hoàn toàn coi thường sức khỏe của bệnh nhân đang chờ ghép tạng ở hai nơi, và đã hiểu sai sự phát triển của hoạt động hiến và ghép tạng cũng như hệ thống phân bổ tạng ghép ở đại lục.”
Sau khi đọc được những dòng đó, anh H đã ngay lập tức hủy ghi danh hiến tạng qua mạng.
“Mặc dù đóng góp của tôi không tính là lớn, nhưng tôi sẽ không cho phép chính quyền làm hỏng nó như thế này.”
Một người bạn của anh H, người đang chờ được ghép phổi, đã truyền cảm hứng cho anh trở thành người hiến tạng trong nhiều năm.
Tuy nhiên, kế hoạch đưa Hồng Kông vào chương trình chia sẻ nội tạng của ĐCSTQ cuối cùng đã làm mai một thiện chí đã được xây dựng trong nhiều năm này.
“Chính quyền hứa hẹn điều gì không quan trọng. Lời nói của chính quyền có bao giờ đáng tin chứ? Như những gì họ đã nói về ‘Một quốc gia, Hai chế độ’ và tự do báo chí ấy?”
Anh H nói thêm rằng vấn đề nằm ở sự thiếu minh bạch trong cách Hoa lục quản lý các việc. Vì vậy, anh đã hủy ghi danh thẻ hiến tạng của mình trước khi “quy chế chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong ghép tạng” bắt đầu.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times