Trùm băng đảng Trung Quốc mua biệt thự trị giá 450 triệu HKD ở Hồng Kông, bị bắt ở Trung Quốc
Hôm 06/05, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt giữ 17 thành viên của một Hội Đen Trung Quốc (băng đảng) hoạt động ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, trong đó có ông trùm khét tiếng Hoàng Đại Phát (Hoàng Dafa) và Hùng Đại Hỷ (Hùng Daxi). Cả hai ông Hoàng và Hùng đều có chứng minh thư Hồng Kông (HKID). Năm 2018, ông Hùng mua một căn nhà biệt lập trên đường Repulse Bay với giá khoảng 496 triệu HKD (63 triệu USD) trước khi bán căn nhà đó cho ông Hoàng với giá 450 triệu HKD (57 triệu USD) vào tháng Tư năm nay. Tuy nhiên, ông Hùng đã bị bắt một ngày sau khi các tài liệu ghi danh được nộp. Một số nhà bình luận tin rằng giao dịch quan trọng này đã làm dấy lên lo ngại về việc rút vốn khỏi đại lục và được ĐCSTQ coi là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Ông Hoàng, 61 tuổi và ông Hùng, 60 tuổi, được cho là sống ở Vũ Hán nhưng cư trú tại Hồng Kông. Hồi tháng Tư, ông Hoàng đã mua ngôi nhà số 7, khu dân cư số 90 Đường Repulse Bay từ ông Hùng với giá 450 triệu HKD. Được biết ông Hoàng đã trả một khoản thuế trước bạ 4.25% trên giá căn nhà, cho thấy đây là lần mua địa ốc đầu tiên của ông với tư cách là một thường trú nhân Hồng Kông.
Tại Hồng Kông, thủ tục tiêu chuẩn để mua nhà đất lần đầu tiên với tư cách là một thường trú nhân Hồng Kông yêu cầu phải khai báo với một công ty luật rằng thương vụ này được thực hiện cho bản thân cá nhân đó và họ không sở hữu nhà đất nào khác. Điều này có nghĩa là ông Hoàng vẫn ở Hồng Kông vào cuối tháng trước để hoàn tất các thủ tục cần thiết. Không loại trừ khả năng Hoàng có ý định chuyển tiền đến Hồng Kông nhưng bị các hạn chế chuyển tiền của Hoa lục cản trở, vì vậy ông đã phải dùng đến một giao dịch trực tiếp để nộp đơn cho chính quyền đại lục.
Năm 2009, ông Hùng mua một biệt thự ở The Vineyard La Maison Vineyard của Viên Long bằng một sổ thông hành Hoa lục và một Giấy phép Xuất nhập cảnh đến và đi giữa Hồng Kông và Ma Cao (giấy phép hai chiều) với giá 18.5 triệu HKD (2.3 triệu USD). Tuy nhiên, khi mua biệt thự Repulse Bay hồi tháng 06/2018, ông đã đứng tên căn nhà này bằng chứng minh thư Hồng Kông của mình. Cùng ngày, một người tên Lưu Thanh (Liu Qing) đã mua một căn nhà biệt lập khác liền kề với căn nhà trên với giá 508 triệu HKD (64.9 triệu USD). Cả ông Lưu và ông Hùng đều cho biết địa chỉ của họ là cùng một đơn vị ở The Reach, Viên Long. Điều này cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa hai cá nhân đã mua các căn nhà liền kề ở Repulse Bay với giá 1 tỷ HKD (128 triệu USD) này.
Cựu Đại biểu Quốc hội Nhân dân Vũ Hán và trùm băng đảng
Theo báo chí đại lục đưa tin, ông Hoàng, sinh năm 1961, quê gốc ở Vũ Hán, nhập ngũ năm 18 tuổi trước khi trở về quê hương và trở thành bí thư chi bộ thôn Tỉnh Cương Sơn (Jinggangshan), thị trấn Hồng Sơn (Hongshan), Vũ Hán. Năm 2001, ông thành lập một công ty bất động sản và ký kết được một số dự án đáng chú ý trong thập niên tiếp theo. Trong suốt quá trình này, ông Hoàng liên tục tuyển dụng những người thuộc giới thi hành luật và gây ảnh hưởng đến các hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp, kể cả việc phá dỡ bằng bạo lực và trấn áp các đối thủ cạnh tranh.
Tháng 05/2016, “Thời báo Kinh tế Trung Quốc” đã đưa tin rằng hồi tháng 07/2014, ông Hoàng và anh trai của mình là Hoàng Đại Tài (Hoang Dacai) lợi dụng việc chuyển đổi các làng đô thị đã chiếm giữ đất nông nghiệp trái phép và cưỡng chế mua lại Nhà máy Dược phẩm Nhân Phúc trên Đại lộ Hùng Sở và Đường Sái Thủy ở Vũ Xương, Vũ Hán, khiến hàng chục nhân viên phải nghỉ việc. Vào tháng 02/2016, Trường Âm nhạc Aile Vũ Hán và các tòa nhà khác ở Làng Bản Kiều đã bị cưỡng chế phá hủy, với hơn 200 tên côn đồ được trang bị dao, lao móc, ống thép, và súng cầm tay thực hiện hành vi bạo lực, khiến một người tử vong và hàng chục người bị thương nặng.
Việc phơi bày các vụ cưỡng chế phá dỡ bằng bạo lực đã khiến cả nước chấn động, nhưng ông Hoàng vẫn bình an vô sự. Theo một nguồn tin từ văn phòng công an được truyền thông đại lục trích dẫn, ông Hoàng là người duy nhất có thể huy động 200 người cưỡng chế phá dỡ và gây gổ ở Vũ Hán vì “có sự hậu thuẫn đắc lực” và “không ai có thể kiểm soát được ông ta.”
Trớ trêu thay, trước khi bị bắt, ông Hoàng đã được chính quyền thăng chức như một nhân vật chủ chốt trong sự thay đổi của làng Tỉnh Cương (Jinggang), được ca ngợi là “người lãnh đạo con đường dẫn đến thịnh vượng và cuộc sống sung túc của làng.” Tập đoàn Giang Hồng (Jianghong) của ông Hoàng mệnh danh là một “doanh nghiệp nổi tiếng ở Hồ Bắc” và là một trong “mười doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường.” Các bản tin của Hoa lục chỉ ra rằng hồi tháng 11/2011, ông Hoàng cũng từng là đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Vũ Hán.
Tiến sĩ Triệu Thiện Hiên (Gavin Chiu Sin-hin): “Tháo chạy vốn” hiện được coi là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia
Hôm 10/05, học giả và là nhà bình luận Hồng Kông Triệu Thiện Hiên đã nêu ra trên kênh YouTube “Gavinchiutalk” của mình rằng trong cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc năm 2018, nhiều công ty Hoa lục đã cố gắng “tháo chạy vốn” thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường và Hồng Kông, mua địa ốc, bảo hiểm, cổ phiếu, và các công ty ở Hồng Kông để chuyển tiền bất hợp pháp từ đại lục sang. Cất giữ hoặc sử dụng hợp pháp 1 tỷ nhân dân tệ là điều khó khăn ở Hoa lục nhưng có thể được sử dụng để “mua hai căn hộ ở Hồng Kông.”
Ông Triệu tin rằng với tư cách là người đứng đầu nhóm, ông Hoàng đã mua các căn nhà từ cấp dưới của mình là ông Hùng hồi tháng Tư và bị bắt nửa tháng sau đó. Ông phân tích rằng việc quá lộ liễu trong việc “tháo chạy vốn” vào thời điểm này, kết hợp với tình hình hậu đại dịch và viễn cảnh rạn nứt Trung-Mỹ cũng như khả năng xảy ra chiến tranh Đài Loan, thì việc “tháo chạy vốn” đã trở thành một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Lấy ông Châu Trác Hoa (Alvin Chau Cheok Wa), biệt danh Tây Mễ Hoa (Sai Mai-wa) làm ví dụ, ông Triệu cho biết ông Châu có liên quan đến các sòng bạc trực tuyến ở Philippines và Campuchia và đã được chính quyền công nhận, trở thành một thành viên của cơ quan cố vấn của ĐCSTQ Quảng Đông. Chính quyền Ma Cao cũng đã nhiều lần khen ngợi ông này. Tuy nhiên, mới đây ông ta vẫn bị bắt vì những thay đổi sau đại dịch. Trung Quốc đã từ một “quốc gia mở cửa” sang một “quốc gia bế quan tỏa cảng” để chuẩn bị cho chiến tranh, và “những gì có thể được thực hiện trước đây không có nghĩa là có thể làm bây giờ.”
Việc mua địa ốc của ông Hùng có thể giúp ông trở thành một cư dân Hồng Kông
Hồi tháng 10/2003, chính phủ Hồng Kông đã giới thiệu Chương trình Nhà Đầu tư Vốn (CIES), cho phép các cá nhân cư trú tại Hồng Kông bằng cách đầu tư 6.5 triệu HKD vào các loại tài sản khác nhau, bao gồm địa ốc, tài sản tài chính, và các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Theo yêu cầu của chương trình này, các ứng viên Hoa lục trước tiên phải có được quyền cư trú ở nước thứ ba và có tài sản ròng tối thiểu là 6.5 triệu HKD (880,000 USD) trong ít nhất hai năm trước khi nộp đơn chính thức. Sau khi được chấp thuận, những người nộp đơn thành công mua các tài sản đủ điều kiện đó đã được cấp giấy phép nhập cảnh, mà giấy phép này có thể được chuyển đổi thành thẻ căn cước thường trú nhân Hồng Kông và sổ thông hành Hồng Kông sau bảy năm.
Đầu năm 2009, ông Hùng đã mua một biệt thự ở The Vineyard La Maison Vineyard của Viên Long với số tiền một lần là 18.5 triệu HKD (2.3 triệu USD), sử dụng sổ thông hành Hoa lục và giấy phép ghi danh hai chiều. Tuy nhiên, khi mua một biệt thự ở Repulse Bay vào tháng 06/2018, ông đã đứng tên ngôi nhà đó với chứng minh thư Hồng Kông.
Đến năm 2010, ngày càng có nhiều lo ngại rằng các nhà đầu tư Hoa lục đang đẩy giá địa ốc lên cao thông qua việc nhập cư vào Hồng Kông. Đáp lại, Đặc Khu trưởng đương thời, ông Tăng Âm Quyền (Donald Tsang Yam-Kuen), đã thông báo trong Báo cáo Chính sách rằng ngưỡng đầu tư tối thiểu cho chương trình này sẽ được nâng lên 10 triệu HKD, và tùy chọn đầu tư vào địa ốc sẽ chấm dứt.
Dữ liệu từ năm 2010 cho thấy rằng kể từ khi khai triển chương trình này, khoảng 8,200 người nộp đơn và 15,500 người phụ thuộc đã được phép nhập cảnh vào Hồng Kông, với khoảng 80% là công dân Trung Quốc có quốc tịch ngoại quốc. Những cá nhân này đã mang lại tổng vốn đầu tư 58 tỷ HKD cho Hồng Kông. Tuy nhiên, toàn bộ Chương trình Ghi danh Nhà Đầu tư Vốn cuối cùng đã bị đình chỉ vào năm 2015.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times