Tổ chức tư vấn Trung Quốc thách thức chính sách zero COVID, cảnh báo đình trệ kinh tế
Một tổ chức tư vấn của Trung Quốc đã công khai thách thức các biện pháp zero COVID nghiêm ngặt của Bắc Kinh bằng một bài đăng trực tuyến trên mạng xã hội WeChat và Weibo của Trung Quốc, cảnh báo chính sách này sẽ gây ra một sự “đình trệ kinh tế.”
Hôm 28/08, Trung tâm Nghiên cứu Anbound cho biết, “Việc ngăn chặn nguy cơ kinh tế bị đình trệ nên là nhiệm vụ ưu tiên,” trong một báo cáo có nhan đề “Đã Đến Lúc Trung Quốc Phải Điều Chỉnh Các Chính Sách Phòng Chống Và Kiểm Soát Dịch Bệnh.”
“Nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ bị đình trệ” do “tác động của các chính sách phòng chống và kiểm soát dịch bệnh,” tổ chức tư vấn chính sách này cho biết. Tuy nhiên, bài đăng đó đã bị gỡ bỏ vào ngày hôm sau, theo một bài báo trên The Associated Press.
Tuy nhiên, bài đăng trực tuyến này có thể là một phần tiếp theo trong loạt báo cáo của Anbound cảnh báo về việc nền kinh tế Trung Quốc bị chững lại.
Thách thức của Bắc Kinh
Hôm 14/08, nhóm nghiên cứu đã công bố một bản tóm lược đề cập đến các mục tiêu của Trung Quốc là vừa kiểm soát dịch COVID-19 vừa ổn định nền kinh tế, vừa bảo đảm sự phát triển của đất nước.
Họ tuyên bố rằng “sự chững lại” đó mô tả thực tế đang xảy ra ở Trung Quốc ngay lúc này, là hệ quả của “các biện pháp nghiêm ngặt của nước này nhằm ứng phó các đợt bùng phát ca nhiễm COVID-19.”
Báo cáo cho biết, với việc áp dụng “quản lý tĩnh”, còn được gọi là biện pháp phong tỏa, chính sách này đã gây gián đoạn các hoạt động kinh tế, đồng thời những thiệt hại mà chính sách này gây ra có thể không kém những thiệt hại do chiến tranh gây ra.
Bị ảnh hưởng bởi tác động của đại dịch, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong nửa đầu năm chỉ đạt 2.5%.
Báo cáo nhấn mạnh rằng trong nửa cuối năm, Trung Quốc cần đạt được sự cân bằng giữa các biện pháp COVID-19 và sự phục hồi kinh tế. Nếu những sai lầm của nửa đầu năm lặp lại trong nửa cuối năm, thì nền kinh tế của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề ngay cả khi ở trong thời bình.
Báo cáo cho biết: “Cứ thực hiện nghiêm ngặt ‘quản lý tĩnh’ và ‘phong tỏa rập khuôn’ cũng không phải là hoạt động chính sách tốt.”
Chia sẻ của chính quyền địa phương
Ba ngày sau, một bài viết của Anbound đề cập đến lời kêu gọi gần đây của Thủ tướng Lý Khắc Cường gửi tới các tỉnh có tầm quan trọng kinh tế lớn để “gánh vác những trách nhiệm lớn hơn.”
Bài viết cho thấy rõ ràng là chính quyền trung ương đã bị áp lực phải dựa vào các chính quyền địa phương để chủ động “đạt được các mục tiêu được kỳ vọng về phát triển kinh tế và xã hội.” Tuy nhiên, các tỉnh có tiềm lực kinh tế này, chủ yếu nằm ở khu vực phía đông của Trung Quốc, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Do đó, áp lực chưa từng có đối với nền kinh tế và tài chính của Trung Quốc đang trở nên tồi tệ hơn ở khu vực phía đông Trung Quốc. Vì vậy, “sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc trở nên chậm chạp, với nền tảng tăng trưởng kém vững chắc của họ,” Anbound kết luận.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times