CEO Huawei kêu gọi công ty duy trì dòng tiền để ‘sinh tồn’ trong thời kỳ kinh tế khó khăn
Theo một bản ghi nhớ nội bộ bị rò rỉ, người sáng lập đại tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei được cho là đã nói với công ty rằng phải chuẩn bị gồng mình để “sinh tồn” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm.
Khi đã vươn cao trên làn sóng toàn cầu hóa, hãng viễn thông thành công này nắm giữ một trong những thị phần lớn nhất toàn cầu về các lô hàng thiết bị truyền thông. Tuy nhiên, công ty này được cho là đã thay đổi quan điểm sau khi bị Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác trừng phạt nặng nề.
Giờ đây, công ty đang nói với các nhân viên của mình rằng hãy từ bỏ mọi ý niệm viển vông rằng bằng cách nào đó công ty sẽ trở lại trạng thái huy hoàng trước đây mà thay vào đó hãy “tập trung vào dòng tiền và lợi nhuận” để tiếp tục sinh tồn.
Theo Nam Hoa Tảo Báo (SCMP), ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), giám đốc điều hành và người sáng lập Huawei, đã viết trong bản ghi nhớ bị rò rỉ: “Mười năm tới sẽ là một giai đoạn đau đớn trong lịch sử, khi nền kinh tế thế giới đi vào suy thoái … Huawei cần hạn chế bất kỳ dự báo quá lạc quan nào và biến sự sinh tồn của mình trở thành tín điều quan trọng nhất trong ba năm tới.”
Nhận xét của ông Nhậm lần đầu tiên được tờ Yicai, một ấn phẩm tin tức về kinh kế-tài chính của Trung Quốc đưa tin. Huawei đã từ chối xác nhận hoặc phủ nhận bản ghi nhớ nói trên, nhưng nhiều chuyên gia và các phương tiện truyền thông địa phương xem văn bản là xác thực. Tuy nhiên, bài báo này đã bị xóa khỏi Yicai và các trang tin tức địa phương khác.
Theo phóng viên của The Epoch Times, người đã xem lại bản ghi nhớ trước khi nó bị gỡ xuống, những từ như “sinh tồn hoặc tồn tại” đã xuất hiện bảy lần trong văn bản.
Tháng 05/2019, Hoa Kỳ đã đưa Huawei vào danh sách các tổ chức bị trừng phạt của mình, ngăn chặn các công ty Hoa Kỳ cung cấp sản phẩm cho Huawei mà không được Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho phép. Do đó, Google đã ngừng hợp tác với Huawei, và các thiết bị Huawei bị từ chối quyền truy cập vào các bản cập nhật Android.
Tháng 05/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa ra các quy định mới yêu cầu bất kỳ vi mạch bán dẫn nào được sản xuất bằng công nghệ và thiết bị của Hoa Kỳ trước tiên phải được Hoa Kỳ chấp thuận trước khi có thể bán cho Huawei.
Hầu hết các nhà máy sản xuất vi mạch trên toàn thế giới, bao gồm cả xưởng đúc hàng đầu của Trung Quốc SMIC và TSMC của Đài Loan, đều mua thiết bị từ các công ty Hoa Kỳ như Applied Materials, Lam Research, và KLA.
TSMC tiết lộ với công chúng hôm 16/07/2020 rằng họ đã ngừng nhận đơn đặt hàng từ Huawei hôm 15/05 do ảnh hưởng của lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với Huawei.
Ngoài ra, các quốc gia trong liên minh Ngũ Nhãn — Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Úc, New Zealand, và Canada — đều đã cấm thiết bị Huawei khỏi mạng 5G của họ, giáng một đòn lớn khác vào đại tập đoàn viễn thông Trung Quốc này.
Chiến lược ‘sinh tồn’ của ông Nhậm
Ông Nhậm, CEO Huawei, đề nghị giữ ngân sách của công ty ở mức hợp lý, “việc mở rộng và đầu tư mù quáng nên được thu gọn lại hoặc chấm dứt, và số nhân lực tiết kiệm đó nên được đưa lên tuyến đầu.”
Theo kế hoạch, ông Nhậm tìm cách giảm trọng tâm của công ty xuống chỉ còn cạnh tranh về cương liệu và nhu liệu, thu hẹp dòng sản phẩm, đồng thời tăng tỷ suất lợi nhuận và doanh thu. Ông nói thêm rằng “bất kỳ lĩnh vực nào không hoạt động tốt sẽ bị cắt giảm… và các khoản lỗ sẽ được khấu trừ vào gói phúc lợi bữa ăn của nhân viên.”
Ông Nhậm nói rằng Huawei đã từng theo đuổi ý tưởng toàn cầu hóa và đặt cược nhiều vào nền kinh tế thế giới, nhưng ý tưởng bây giờ là “trụ vững bằng cách kiếm được những gì mình có thể dù ít đến mấy.”
Ông cũng đề nghị rằng tiền thưởng và thăng chức nên gắn với kết quả hoạt động của công ty, điều mà ông khẳng định sẽ thúc đẩy nhân viên cạnh tranh vì lợi nhuận.
Lợi nhuận giảm đáng kể
Theo kết quả hoạt động của Huawei được công bố vào giữa tháng Tám, doanh thu bán hàng của công ty trong nửa đầu năm nay là khoảng 44 tỷ USD và lợi nhuận ròng là 5.0%, tương đương 2.2 tỷ USD.
Trong khi đó, doanh thu bán hàng của công ty trong cùng thời kỳ năm ngoái là 46.7 tỷ USD và lợi nhuận ròng là 9.8%, tương đương 4.6 tỷ USD.
Các con số cho thấy doanh thu bán hàng của Huawei trong nửa đầu năm nay đã giảm 5.9% tương đương 2.7 tỷ USD so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận ròng giảm 52% tương đương 2.4 tỷ USD.
Được thành lập vào năm 1987, Huawei hiện có 195,000 nhân viên và hoạt động tại hơn 170 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Tuy nhiên, công ty đang chịu các lệnh trừng phạt sâu rộng của Hoa Kỳ vì cung cấp thiết bị viễn thông cho Iran.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times