Chuyên gia: Xung đột Trung Quốc-Đài Loan sẽ trở thành ‘điểm nóng’ trong thị trường tài chính
Một tháng sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đến thăm Đài Loan, những lo ngại của thị trường tài chính toàn cầu về một cuộc xung đột tiềm ẩn ở Á Châu đang dần mờ nhạt trong bối cảnh lạm phát và suy thoái tiếp tục thống trị trên các mặt báo.
Tuy nhiên, với những căng thẳng địa chính trị gia tăng và nhiều diễn biến khu vực xảy ra trong những tuần gần đây, các nhà phân tích thị trường và nhà đầu tư đang đánh giá hậu quả kinh tế tiềm tàng của việc Trung Quốc xâm nhập Đài Loan và những ảnh hưởng có thể có trên thị trường chứng khoán.
Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã dẫn đến sự gián đoạn lớn trên thị trường quốc tế vào năm 2022. Giá dầu thô, khí đốt tự nhiên, và than đá tăng vọt. Âu Châu đang trên bờ vực suy thoái trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng cao. Tình trạng thiếu lương thực trở nên ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo khó phụ thuộc vào các mặt hàng nhập cảng từ Nga hoặc Ukraine.
Liệu chiến tranh Trung Quốc-Đài Loan có tác động nhiều lắm đến các thị trường trên toàn cầu và làm xáo trộn nền kinh tế toàn cầu không?
Nhiều chuyên gia tin như vậy, chủ yếu là vì tổng giá trị hàng hóa xuất cảng của Bắc Kinh ước tính khoảng 3.5 ngàn tỷ USD mỗi năm, và ngành công nghiệp sản xuất của quốc gia này có mối liên hệ với các quốc gia trên toàn cầu. Chỉ tính riêng thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc đã trị giá hơn 650 tỷ USD hàng năm, trong đó nhiều loại hàng hóa và linh kiện đều có liên quan đến nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Nếu chiến tranh Trung Quốc-Đài Loan xảy ra, thì đợt suy thoái kinh tế toàn cầu này có lẽ sẽ là đợi suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau Đệ nhị Thế chiến.
Một ‘điểm nóng’ cho mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc
Ông Darin Tuttle, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Thông tin và Công nghệ (CIO) của công ty đầu tư Tuttle Ventures, đã cảnh báo từ tháng 12/2021 rằng xung đột ở Biển Đông là một yếu tố rủi ro lớn mà “thị trường đang đánh giá thấp”. Đối với thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc, đây sẽ là một “điểm nóng” khiến mối bang giao song phương tiếp tục xấu đi.
Ông lưu ý rằng một số kết quả có thể liên quan đến việc hủy niêm yết thêm các tài sản của Trung Quốc đang được niêm yết ở hải ngoại trên các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ và tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
“Cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang thúc đẩy sự phân mảnh toàn cầu khi cả hai nước đều tập trung vào việc thúc đẩy khả năng tự lực, giảm thiểu các lỗ hổng và tăng khả năng độc lập trong các lĩnh vực công nghệ của họ,” ông Tuttle giải thích với The Epoch Times. “SEC đang tăng cường yêu cầu công bố thông tin đối với các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc đang làm suy yếu các lệnh trừng phạt của nước này đối với Nga, đồng thời Hoa Kỳ cũng đang xem xét các biện pháp kiểm soát đối với hoạt động đầu tư trực tiếp của ngoại quốc vào Trung Quốc, bằng luật hoặc hành động hành pháp.”
Theo ông Kunal Sawhney, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu đầu tư chứng khoán Kalkine Group, lịch sử cho thấy một cuộc xung đột vũ trang và bất ổn giữa các quốc gia thường dẫn đến sự sụt giảm từ 10% đến 20% trên thị trường chứng khoán, trong đó các nền kinh tế yếu hơn sẽ là bên chịu ảnh hưởng lớn nhất.
“Khi đồng dollar Mỹ chi phối các dòng tài chính toàn cầu, các biện pháp trừng phạt chặt chẽ hơn có thể ảnh hưởng nặng nề đến chứng khoán Trung Quốc,” ông Sawhney nói với The Epoch Times. “Các vấn đề địa chính trị như chiến tranh luôn có hại cho các tài sản rủi ro, trong đó có các chứng khoán của thị trường mới nổi. Vì vậy, hai thị trường nên tránh xa hiện nay là Trung Quốc và Đài Loan. Nếu thị trường Trung Quốc và Đài Loan giảm mạnh, thì sự sụt giảm này cũng có thể lan sang thị trường chứng khoán ở Nam Hàn, Mỹ Latinh, Nam Phi, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, những thị trường có mối tương quan cao với hai thị trường trên.”
Trong nhóm thị trường mới nổi, các nền kinh tế lớn và là đồng minh của Hoa Kỳ duy trì thặng dư tài khoản vãng lai, chẳng hạn như Ấn Độ và Mexico, có thể giành chiến thắng trong một môi trường đầy tranh chấp, ông nói thêm.
Về căn bản, các chiến lược gia của Goldman Sachs đã đánh giá thấp khả năng xảy ra một cuộc xung đột, giữ vững lập trường kỳ vọng giá tăng của họ đối với chứng khoán Trung Quốc. Các nhà phân tích của ngân hàng này dự đoán rằng những mối đe dọa địa chính trị có thể khiến sự biến động trong ngắn hạn thêm phần tồi tệ, nhưng các nỗ lực kích thích tài chính và tiền tệ cho phép triển vọng kinh tế Trung Quốc vẫn tươi sáng.
“Do đó, chúng tôi tiếp tục tăng tỷ trọng chứng khoán Trung Quốc và dự báo lợi nhuận tiềm năng 24% trong 12 tháng tới,” các chiến lược gia này viết trong một ghi chú hồi tháng Tám. “Nhưng con đường để đạt được mục tiêu chỉ số 12 tháng của chúng tôi có thể vẫn còn gập ghềnh chừng nào kết thúc các sự kiện chính trị quan trọng ở Hoa Kỳ và Trung Quốc và việc hủy niêm yết ADR trở nên rõ ràng hơn cũng như các quy định ở địa phương xuất hiện.”
Bài toán hóc búa về chất bán dẫn
Ông Richard Gardner, Giám đốc điều hành của công ty dịch vụ chiến lược công nghệ tài chính, cảnh báo rằng, nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan thì “chính sách của trái đất xem như bị thiêu rụi”, phá hủy cơ sở hạ tầng trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông Gardner nói với The Epoch Times: “Mặc dù cuộc xâm lược Đài Loan sẽ gây ra những hậu quả trên toàn cầu, nhưng các quỹ có liên hệ chặt chẽ với chất bán dẫn sẽ có thêm rủi ro khi tình huống này xảy ra.”
Ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan là yếu tố sống còn đối với nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu. Quốc đảo này đại diện cho gần 2/3 doanh thu sản xuất chất bán dẫn. Nam Hàn đứng thứ hai, với ít hơn 1/5 thị phần trên toàn thế giới. Trung Quốc chỉ sở hữu 10% lĩnh vực bán dẫn do nước này duy trì năng lực sản xuất vi mạch bán dẫn ở mức tối thiểu. Các chuyên gia cho rằng đây là lý do tại sao Bắc Kinh lại chỉ hạn chế nhập cảng cá và các loại quả mọng của Đài Loan.
Nhưng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ ngoại quốc có thể không lâu dài vì Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết chi khoảng 1.4 ngàn tỷ USD vào năm 2025 cho các ngành công nghệ cao, trong đó có chất bán dẫn, như một phần của chiến dịch “Sản xuất tại Trung Quốc” (Made in China) của chính quyền nước này.
Ông Lưu Đức Âm (Mark Liu), chủ tịch hãng sản xuất vi mạch bán dẫn TSMC, gần đây đã nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn CNN rằng chiến tranh sẽ tàn phá nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn vì nhà máy này phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Không ai có thể kiểm soát TSMC bằng vũ lực. Nếu quý vị sử dụng quân lực hoặc xâm lược, quý vị sẽ khiến [nhà máy] TSMC không thể hoạt động được,” ông Lưu nói. “Bởi vì đây là một cơ sở sản xuất phức tạp, nó phụ thuộc vào kết nối thời gian thực với thế giới bên ngoài, với Âu Châu, với Nhật Bản, với Hoa Kỳ, từ vật liệu đến hóa chất, phụ tùng thay thế cho đến nhu liệu kỹ thuật và chẩn đoán”.
“Chiến tranh không đem lại vinh quang cho một ai, mà là sự bại trận cho tất cả các bên,” ông nói thêm.
Những yếu tố khác
Viện Brookings cảnh báo rằng Đài Loan đang trở nên phụ thuộc quá mức vào lĩnh vực bán dẫn của mình, gọi đó là “hội chứng hoa tulip Hà Lan”. Kết quả là, với các điều kiện kinh tế vĩ mô toàn cầu suy yếu, triển vọng của nền kinh tế Đài Loan cũng có thể theo đó mà giảm đi.
Ông Ryan Hass, một thành viên cao cấp tại Viện Brookings, viết: “Khi những thách thức từ Trung Quốc ngày càng tăng đối với khả năng của Đài Loan trong việc duy trì quyền tự chủ chính trị, quản trị dân chủ, sự sôi động kinh tế, và không gian quốc tế, thì chiến lược chung của Đài Loan cũng cần phải thích ứng.”
Đồng thời, chiến lược zero COVID của Trung Quốc đang đè nặng lên nền kinh tế nước này. Sản xuất công nghiệp và chế tạo của Trung Quốc đang trở nên yếu kém, doanh số bán lẻ tăng trưởng kém hơn dự kiến trong tháng Bảy, và bong bóng địa ốc có khả năng sắp vỡ. Gần đây, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã công bố gói kích cầu trị giá 146 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng, các công ty tư nhân, và tài sản. Lãi suất cũng đã được cắt giảm hồi tuần trước (22-28/08) để thúc đẩy hoạt động cho vay trên toàn nền kinh tế.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times