Đài Loan: Trung Quốc và Nga phá vỡ, đe dọa trật tự thế giới
TAIPEI, Đài Loan — Hôm thứ Sáu (26/08), lãnh đạo Đài Loan cho biết Trung Quốc và Nga đang “phá vỡ và đe dọa trật tự thế giới” bằng các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn mới đây của Bắc Kinh gần đảo quốc này và cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine.
Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đã thảo luận trong một cuộc họp ở Đài Bắc với Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee), người đang thực hiện chuyến thăm thứ hai của các thành viên Quốc hội kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi có chuyến công du đến Đài Loan hồi đầu tháng này. Chuyến thăm đó đã khiến cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khởi động các cuộc tập trận, trong đó họ đã bắn nhiều hỏa tiễn và điều động hàng chục chiến đấu cơ và tàu hải quân hầu như bao vây hòn đảo. Một số tàu đã vượt qua đường trung tuyến ở Eo biển Đài Loan vốn từ lâu đã trở thành vùng đệm giữa hai bên.
ĐCSTQ tuyên bố Đài Loan tự trị là lãnh thổ riêng của họ, sẽ được kiểm soát bằng vũ lực nếu cần thiết. Bắc Kinh cũng đã tăng cường bang giao với Nga và được xem là hỗ trợ ngầm cho cuộc tấn công của Moscow vào Ukraine.
Bà Thái nói: “Những diễn biến này chứng tỏ các quốc gia độc tài đang phá vỡ và đe dọa trật tự thế giới như thế nào.”
Bà Blackburn, một thành viên Đảng Cộng Hòa từ Tennessee, tái khẳng định các giá trị chung giữa hai chính phủ và cho biết bà “mong tiếp tục hỗ trợ Đài Loan.”
Trong bài diễn văn sau đó tại Viện Ngoại giao và Các vấn đề Quốc tế của Bộ Ngoại giao, bà Blackburn đã chỉ trích các nhà lãnh đạo mà bà không nêu danh tính vì đã không đủ nghiêm túc để xem xét mối đe dọa từ các chế độ độc tài.
Tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích chuyến thăm của bà Blackburn và thúc giục bà chấm dứt mọi hình thức trao đổi chính thức với Đài Loan.
ĐCSTQ coi các chuyến thăm cao cấp từ ngoại quốc tới Đài Loan là sự can thiệp vào công việc của họ và trên thực tế là sự công nhận chủ quyền của Đài Loan. Các cuộc tập trận quân sự gần đây của chính quyền Trung Quốc được một số người xem là một cuộc diễn tập hành động quân sự trong tương lai chống lại đảo quốc này, điều mà các nhà lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ cho rằng có thể diễn ra trong vòng vài năm tới.
Cùng với việc tổ chức các cuộc tập trận, chính quyền Trung Quốc đã cắt đứt liên hệ với Hoa Kỳ về các vấn đề quan trọng, trong đó có các vấn đề quân sự và hợp tác khí hậu quan trọng, làm dấy lên lo ngại về cách tiếp cận hung hăng hơn của Bắc Kinh. Họ còn cho triệu Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns để chính thức trách cứ. Sau đó, vị đại sứ nói rằng ĐCSTQ đã phản ứng thái quá để tạo ra một cuộc khủng hoảng.
Do sự phân tách quyền lực trong chính phủ Hoa Kỳ, cơ quan hành pháp không có thẩm quyền ngăn cản các nhà lập pháp thực hiện các chuyến công du ngoại quốc như vậy và Đài Loan được hưởng lợi từ sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng ở Hoa Thịnh Đốn. ĐCSTQ từ chối thừa nhận nguyên tắc căn bản đó.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel cho biết các thành viên Quốc hội và các quan chức dân cử “đã đến Đài Loan trong nhiều thập niên và sẽ tiếp tục như vậy” và điều đó phù hợp với chính sách của Hoa Kỳ là chỉ duy trì bang giao chính thức với Bắc Kinh.
Trong một thông báo hôm thứ Ba (23/08), ông Patel cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp ôn hòa và kiên quyết để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như hỗ trợ Đài Loan theo chính sách lâu đời của chúng tôi.”
Trong khi đó, hôm thứ Sáu (26/08), Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) nói với các phóng viên rằng, “Động cơ của Trung Quốc là phá hủy hiện trạng Eo biển Đài Loan và sau đó họ muốn cắt giảm không gian phòng thủ của Đài Loan.”
Đài Loan đang tìm kiếm hợp tác quốc phòng tăng cường và vũ khí bổ sung từ Hoa Kỳ, cùng với các mối bang giao kinh tế chặt chẽ hơn.
Trong cuộc họp của họ, bà Thái và bà Blackburn nhấn mạnh tầm quan trọng của các liên kết kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực chất bán dẫn, trong đó Đài Loan là quốc gia dẫn đầu thế giới và Hoa Kỳ đang tìm kiếm đầu tư lớn hơn trong nước.
Bà Blackburn đã đến Đài Bắc vào cuối ngày thứ Năm (26/08) sau khi đến thăm Fiji, Quần đảo Solomon và Papua New Guinea như một phần trong nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm “mở rộng dấu ấn ngoại giao của chúng tôi trong khu vực,” văn phòng của bà cho biết trong một tuyên bố.
“Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là biên giới tiếp theo cho trục ma quỷ mới,” bà Blackburn trích dẫn khi nói. “Chúng ta phải chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
ĐCSTQ đã và đang xâm nhập vào Tây Thái Bình Dương, ký một thỏa thuận an ninh sâu rộng với Quần đảo Solomon mà Hoa Kỳ và các đồng minh như Úc coi là một nỗ lực nhằm lật đổ trật tự an ninh truyền thống trong khu vực.
Bà Pelosi là thành viên cao cấp nhất của chính phủ Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan trong vòng 25 năm qua. Phản ứng của ĐCSTQ là thông báo tiến hành diễn tập quân sự tại sáu khu vực xung quanh đảo quốc này bao gồm bắn hỏa tiễn qua hòn đảo, một số trong đó đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Sau chuyến công du của bà Pelosi, một phái đoàn gồm các thành viên Hạ viện và Thượng viện đã đến thăm. Tuần này, thống đốc tiểu bang Indiana đã có một chuyến thăm tập trung vào hợp tác kinh doanh và học thuật. Các chính trị gia Hoa Kỳ đã gọi các chuyến thăm của họ là một sự ủng hộ đối với hòn đảo.
Bà Blackburn với chuyến thăm kéo dài ba ngày, cũng đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ngô và Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Wellington Koo, cùng với các thành viên của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Hoa Thịnh Đốn không có bang giao chính thức với Đài Bắc vì tôn trọng Bắc Kinh, nhưng vẫn là quốc gia bảo đảm an ninh lớn nhất cho đảo quốc này theo luật pháp Hoa Kỳ trong đó yêu cầu quốc gia này bảo đảm cho Đài Loan có phương tiện để tự vệ và coi các mối đe dọa đối với hòn đảo là vấn đề “quan tâm quan trọng.”
Các chuyến thăm của Quốc hội Hoa Kỳ tới đảo quốc này đã tăng tần suất trong năm vừa qua.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times