Sức mạnh của đức tin: Chữa lành nhờ chân, thiện, và nhẫn
Ngoảnh đầu nhìn lại gần bốn mươi năm cuộc đời của mình, cô Jami Smith đã phải rất khó khăn để tìm ra được một khoảnh khắc mà cô cảm thấy thực sự hạnh phúc.
Cô có một tuổi thơ đầy biến động tràn ngập sự lạm dụng và quấy rối từ những người mà cô yêu quý. Từ năm chín tuổi, cô bắt đầu xuất hiện những cơn đau kinh niên. Càng lớn bệnh tình của cô càng nhiều lên. Ở tuổi 40, danh sách các vấn đề sức khỏe của cô dài đến mức cô nói rằng các bác sĩ đã phải kinh ngạc khi xem hồ sơ bệnh án của cô.
Cô sinh được sáu người con nhưng hầu như không có đủ sức lực để chăm sóc các con của mình. Chứng đau nửa đầu hành hạ cô hàng tuần liền, có những lúc tình trạng nghiêm trọng đến mức chỉ cần đứng dậy là cô bắt đầu nôn mửa. Cơ thể cô dễ bị bầm tím ngay cả khi làm những việc đơn giản như nhấc một cái nồi hoặc bắt chéo chân. Thực phẩm bổ sung khiến cô phát ốm. Đến đêm, cô nằm nghiêng người sang bên trái và lắng nghe nhịp tim của mình. Nhịp tim yếu đến nỗi nhiều lần cô tự hỏi liệu nó có ngừng đập trong khi cô đang ngủ không.
Ngày qua ngày, cô Smith vẫn cố gắng gượng. Cô dậy sớm để làm bữa sáng cho ba bé nhỏ mà cô tự dạy tại nhà và giao bài vở cho các bé. Sau đó, cô lại quay về giường, nhăn nhó vì đau đớn.
Điều khiến cô Smith phiền lòng là cô không thể ngồi dậy để chăm sóc những người thân yêu của mình và “ở bên cạnh họ.” Cô tự hỏi liệu mình có điều gì đáng để sống không.
“Có lúc tôi đau đớn tưởng chừng như muốn chết đi. Thật là khốn khổ. Tôi không hiểu mục đích cuộc đời mình là gì. Tôi không thể chăm sóc gia đình, vậy thì sống tiếp để làm gì?” cô nói với The Epoch Times.
Một ngày nọ, ngồi trên sàn phòng ngủ, cô òa khóc nức nở và cầu xin sự giúp đỡ của trời cao, xin được trở thành một người mẹ tốt hơn, một người khỏe mạnh và hạnh phúc hơn, và lý giải được vì sao cuộc đời cô lại đau khổ như vậy.
Cô chia sẻ, “Sao tôi cứ khổ mãi thế này? Vì sao cuộc sống này lại khó khăn với tôi đến vậy? Vì sao cuộc đời của tôi lại khốn đốn như vậy? Tôi đang cố gắng trở thành một người tốt, tôi có mong muốn được làm điều đó, nhưng tôi hoàn toàn không thể hiểu được làm thế nào để làm điều đó.”
Lời giải đáp đã đến — thế nhưng vào thời điểm đó cô Smith vẫn chưa nhận thức được ngay.
Khoảng một hoặc hai tuần sau khi cô nói lời thỉnh cầu, cô Smith ghé qua một sự kiện văn hóa bên ngoài thị trấn, nơi gia đình cô được tặng mấy bông hoa sen và một tờ rơi về Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần gồm một bộ công pháp khoan thai và các bài giảng dựa trên các giá trị là chân, thiện, và nhẫn.
Lần đầu tiên được Ngài Lý Hồng Chí truyền giảng tại Trường Xuân quê hương ông, một thành phố phía đông bắc Trung Quốc vào năm 1992, Pháp Luân Công đã nhanh chóng trở nên phổ biến ở quốc gia này.
Tờ rơi đó đã nằm yên trong gian bếp của cô Smith hàng tháng trời trong khi cô tiếp tục thử các phương pháp chữa bệnh khác nhau, chẳng hạn như thái cực quyền, mặc dù không có phương pháp nào có tác dụng lâu dài đối với cô. Trong quá trình tiếp tục tìm kiếm phương pháp chữa trị, cô đã xem được một video nói sự thật về Pháp Luân Công với ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người ở Trung Quốc tu luyện, đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại.
Cô Smith đã tìm thấy tờ rơi vẫn đang nằm ở đó và nhận ra cái tên này. Điều tiếp theo cô biết là cô đang đọc một cuốn sách giải thích các nguyên lý của Pháp Luân Công và thử tập các bài công pháp. Cô nói, trong cả lúc đọc sách và luyện công, cô đều cảm thấy có điện chạy qua tay và cánh tay của mình.
“Đối với tôi, đó là một điều gì đó rất vĩ đại — một sự thừa nhận to lớn rằng đây là một điều gì đó có thực,” cô nói. Và tất cả những lần đó, “Tôi tiếp tục tìm kiếm mà không nhận ra điều mà tôi đang tìm kiếm lại đang treo trong gian bếp của nhà mình.”
‘Mọi thứ đều có câu trả lời’
Nếu như câu chuyện cuộc đời của cô Smith, hiện đang làm việc tại gia trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng ở Springville, Utah, không rơi vào một kết cục thống khổ hơn những gì mà hầu hết người Mỹ đã trải qua — thì hành trình tìm kiếm ý nghĩa nhân sinh của cô sẽ không như vậy.
Vào một thập niên trước câu chuyện về cô Smith, ở Quận Sonoma, San Francisco, bà Linda Campbell, một nhà trị liệu bấm huyệt, lần đầu biết đến Pháp Luân Công và cuộc bức hại thông qua một khách hàng. Sau đó ba năm, khi bà nhìn thấy một lớp học thiền định của Pháp Luân Công được liệt kê trong quyển catalog hàng tháng của mình, bà Campbell đã quyết định thử tham gia.
Bà Campbell vẫn còn nhớ lớp học này nằm ở trung tâm cộng đồng gần nhà bà, nhìn ra một khu vườn kiểu phương Đông xanh mướt với những tảng đá cuội. Sau khi học các bài công pháp, phụ đạo viên ở đó đã đưa cho bà cuốn sách nhập môn Pháp Luân Công mà bà đã đọc xong trong vòng ba ngày. Sau đó, bà đọc cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của môn tu luyện này.
Việc đọc hết cuốn sách đó mất nhiều thời gian hơn, nhưng khi đọc xong, bà “thực sự cảm thấy kính nể.”
“Cuốn sách đề cập đến rất nhiều điều,” bà kể với The Epoch Times. “Cả cuộc đời tôi, tôi đã nghiên cứu và tìm hiểu các loại sự vật siêu hình khác nhau” để tìm câu trả lời về cuộc sống và vũ trụ, “và tất cả đều có trong Chuyển Pháp Luân.”
Cuốn sách đã giúp bà cảm thấy vững vàng và nhẹ nhàng hơn với cuộc sống — như thể bà đã được “trở về nhà với điều gì đó.”
“Khi bất cứ việc gì xảy ra, tôi chỉ biết rằng mọi thứ đều có câu trả lời và sẽ có cách vượt qua,” bà cho biết.
Đối với bà Campbell, nói về việc đó bây giờ dễ dàng hơn nhiều so với tám năm trước, khi một thử thách ập đến và khảo nghiệm bà trong nhiều tháng.
Sự việc bắt đầu với việc người hàng xóm của bà yêu cầu xây dựng lại một hàng rào gỗ chung đã mục nát. Bà Campbell đồng ý với kế hoạch đó và chịu một nửa chi phí, nhưng khi chiếc hàng rào hoàn tất thì bà lại thấy khó chịu: thay vì hàng rào thẳng tắp như trước thì lại là một hàng rào nhấp nhô xiêu vẹo, trông chẳng ăn nhập gì khi nhìn từ cửa sổ nhà bếp của bà.
Đối với bà Campbell, vốn đã từng làm việc ở nhà trong phần lớn cuộc đời mình và ưa thích sự hài hòa và cân đối về mặt hình ảnh, cái hàng rào này là nguồn cơn thường xuyên gây khó chịu. Bà cảm thấy bị xúc phạm và tuyệt vọng, nghĩ là người thợ xây và người hàng xóm đã hợp tác với nhau để làm cho cuộc sống của bà trở nên khốn khổ.
Sự việc này khiến bà suy nghĩ đến tám tháng trời. Không thể thuyết phục người hàng xóm làm lại hàng rào; bà đã nghĩ ra nhiều cách để vượt qua chuyện này từ phía mình: lắp một tấm che chắn cửa sổ tùy chỉnh để có thể đóng ở giữa, nhằm che khuất tầm nhìn về phía hàng rào và trồng cây bụi xung quanh hàng rào để che nó lại.
Khi bà ngừng tập trung vào cảm xúc của chính mình, hàng rào không còn là vấn đề nữa. Cuối cùng, người hàng xóm đã từ chối lấy tiền của bà và chi trả toàn bộ chi phí — và khoản tiền đó cũng tương đương với số tiền mà bà đã chi trả cho việc che chắn cửa sổ.
“Mọi việc kết thúc theo kiểu dường như đó chỉ là một vấn đề nhỏ, có nhiều giải pháp cho tất cả các phần của vấn đề,” bà nói. “Đó không phải là một vấn đề gì to tát, vậy mà tôi lại chuyện bé xé ra to.”
Nếu một thách thức tương tự xuất hiện ngày hôm nay, thì bà Campbell có một cách khác để giải quyết vấn đề.
“Sự việc đó có thể khiến tôi phiền não, nhưng tôi sẽ tìm cách giải quyết,” bà nói. “Tôi sẽ xem xét liệu tôi có đang đặt bản thân mình lên hàng đầu hay tôi đang nghĩ đến người khác, và liệu tôi có đang ích kỷ hoặc chấp trước vào cách làm của mình hay không.”
Chữa lành vết thương tâm hồn
Một tháng trước khi đại dịch xảy ra, anh Nick Haley, sinh viên năm cuối đại học ngành khoa học y sinh tại Đại học Cincinnati ở Ohio, đang tính bỏ học.
Vào mùa hè năm trước đó, anh Haley đã thực hiện một chuyến đi xuyên quốc gia từ Ohio đến California, băng qua những ngọn núi phủ đầy tuyết và sa mạc để trốn tránh thế giới, với hy vọng tìm ra những gì bản thân anh muốn làm với cuộc sống này.
Mặc dù đã đặt chân đến tất cả các điểm danh lam thắng cảnh trong danh sách của mình, nhưng anh Haley cảm thấy chuyến đi không được như anh mong đợi.
“Tôi cảm thấy nếu có được trải nghiệm này, tôi sẽ cảm thấy mãn nguyện, nhưng chuyến đi chưa bao giờ mang lại cảm giác thỏa mãn như tôi mong đợi,” anh nói với The Epoch Times.
Anh Haley vẫn cứ mải miết tìm kiếm mà không biết chính xác mình đang tìm kiếm điều gì. Anh tìm hiểu về yoga, tham gia một lớp học về Phật giáo, đọc về chủ nghĩa khắc kỷ và cuốn cổ thư Đạo Đức Kinh của Trung Quốc.
Sau đó, vào học kỳ mùa xuân năm 2020 đó, cũng trong tuần sau khi anh bỏ học, một đồng nghiệp đã giới thiệu cho anh biết về Pháp Luân Công.
“Cảm giác gần giống như là được sống lại vậy,” anh nhớ lại lần đầu tiên đọc một bài giảng Pháp Luân Công trên điện thoại của mình. “Thật sự rất nhẹ nhõm và tôi cảm thấy như mình vừa ngoi lên hít thở không khí sau khi ở dưới nước trong một thời gian dài.”
Ngay khi đọc đoạn thứ hai, anh đã tìm thấy câu trả lời mà bấy lâu nay mình vẫn tìm kiếm.
“Tất cả chỉ là quán xét tâm tính của chính quý vị,” anh cho biết. “Rõ ràng, nó chính là như vậy. Đó là hướng vào nội tâm của chính mình. Và đó là mục đích của cuộc đời.”
Ở trường trung học, anh Haley đã cảm thấy thất vọng khi giáo viên tôn giáo của mình không thể giải thích tại sao mọi người lại đau khổ như vậy nếu các vị thần đang chăm sóc, bảo hộ cho họ. Khi còn đi học, cha mẹ của Haley đã bắt đầu cuộc chiến ly hôn kéo dài nhiều năm khiến cả hai không thể tham dự cùng một sự kiện trong nhiều năm.
Khi anh lớn lên, anh đã phải rất khó khăn để có thể tha thứ cho cha mẹ của mình. Nhưng kể từ khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, anh nói, suy nghĩ của mình đã thay đổi.
“Tôi nhận ra rằng thật khó để thay đổi suy nghĩ của mình về mọi thứ và sự không hoàn hảo của bản thân, và điều đó đã giúp tôi trút bỏ được rất nhiều sự oán giận mà tôi có về sự không hoàn hảo của cha mẹ tôi và về những sai lầm mà họ đã mắc phải,” anh chia sẻ, và nói thêm rằng những nỗi đau như thế đã giúp anh trở nên đồng cảm hơn với người khác.
“Nó gần giống như kiểu muốn giúp được những người khác, thì tôi cần phải hiểu thế nào là khổ đau,” anh bày tỏ.
‘Điều này thật mới mẻ’
Khi đang mang thai được sáu tháng vào năm 1997, cô Smith đã bị một chiếc xe hơi đâm khi băng qua đường. Chiếc xe đâm vào phía sau cô mạnh đến nỗi cô bị hất tung lên không trung, sau đó ngã dập mông xuống đất.
Bé trai trong bụng cô Smith mặc dù đã không cử động trong vài giờ sau đó, thế nhưng thật may mắn là cậu bé vẫn chào đời bình an vô sự. Tuy nhiên, cô Smith đã bị chấn thương nghiêm trọng ở phần lưng dưới khiến cô phải nằm trên giường trong nhiều tuần và khiến cô gặp những vấn đề ở lưng kéo dài. Lưng của cô bị đau nặng đến nỗi có lúc cô ngã xuống sàn trong nhà bếp, cô không thể cử động chân của mình.
Cái lưng đau, bên cạnh những vấn đề sức khỏe khác của cô, đã khiến bản thân việc tập các bài công pháp trở nên không hề đơn giản.
Cô Smith đã tập các bài công pháp của Pháp Luân Công trong khoảng thời gian từ 10 đến 20 phút, rồi tăng dần lên cho đến khi cô có thể ngồi thiền suốt một giờ với tư thế song bàn. Có lúc cô đã khóc vì “quá đau.”
Cô Smith mất khoảng một năm để ngồi được bài thiền dài một giờ đồng hồ. Khoảng thời gian đó, mặc dù cô cố gắng không nghĩ đến những cơn đau của mình, nhưng thỉnh thoảng cô lại chợt nhận ra rằng mình không còn bị đau lưng nữa và có thể ngồi chơi với các con mà không cảm thấy đau đớn.
“Tôi chợt nhận ra: ‘Ồ, tôi cảm thấy khá tốt. Điều này thật mới mẻ. Điều này đang khởi tác dụng,’ cô cho biết.
Các vấn đề sức khỏe khác cũng dần biến mất, và cô Smith thấy mình cuối cùng đã có thể “là một phần của gia đình tôi”: nấu cơm cho mọi người ăn, cười đùa cùng nhau, chơi trò chơi, và ra ngoài mua sắm, những điều từng khiến cô lo lắng.
Vụ tai nạn xe hơi năm 1997 đã để lại cho cô hội chứng sợ lái xe. Nếu có ai đó cắt ngang đường cô lái xe, cô sẽ hoảng loạn nắm chặt tay lái, sợ rằng họ sẽ mất mạng. Nỗi sợ hãi đó cuối cùng cũng tan biến.
Khi lái xe đến Thành phố Salt Lake vào mùa đông vừa qua cùng với bốn người con của mình, cô Smith đã gặp phải một trận bão tuyết lớn khiến nhiều xe bị mất lái. Gió rất lớn, tầm nhìn hạn chế, còn các con thì tranh luận ra rả. Cô Smith, thay vì hoảng sợ, đã khuyên các con hãy nghĩ về điều gì đó tốt đẹp mà các con đã làm cho nhau.
“Điều đó đã thay đổi cả chuyến đi,” cô Smith nói. “Mọi người đều vui vẻ trong suốt quãng đường còn lại.”
Cô Smith đã tự làm mình ngạc nhiên trong những tình huống như thế bằng cách áp dụng một tư duy: “suy nghĩ cho người khác bằng thiện niệm và nhắc nhở nhau về điều đó.”
“Đó là một trong những khoảnh khắc thông suốt mà tôi vừa nói, ‘Chà, mọi người biết đấy, tôi đã làm được điều đó rồi,’” cô nói, hồi tưởng lại. “Tôi đã thiện đãi hơn và sự việc đã không trở thành một cuộc cãi cọ, và cũng không leo thang thành một thứ gì đó chưa từng xảy ra trước đó. Chuyện đó thường xuyên xảy ra.”
Hiểu được ý nghĩa của cuộc đời
Vào giữa mùa hè năm 2020, anh Haley quyết định quay lại trường học.
“Tôi muốn hoàn thành những gì tôi đã bắt đầu,” anh nói. “Tôi cảm thấy mình chỉ cần đặt tâm huyết vào điều đó thay vì cố gắng lập kế hoạch cho cả cuộc đời mình.”
Là một nhà nghiên cứu và nhân viên truyền thông của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp ở New York, anh tin rằng tấm bằng của mình vì đã dạy cho anh những kỹ năng cần thiết để làm những gì anh cần: đi sâu vào những chủ đề xa lạ mà không cảm thấy nản chí, nhưng biết rằng anh có thể học những gì mình cần biết trên hành trình của mình.
Anh vẫn thích có những trải nghiệm mới, nhưng đó không còn chỉ là về trải nghiệm nữa.
“Hạnh phúc của tôi không còn phụ thuộc vào điều đó nữa,” anh nói. “Đó chỉ là một trải nghiệm làm phong phú thêm cuộc sống, giống như một phần thưởng, hơn là thứ mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của tôi.”
Bà Campbell, hiện đã về hưu, gần đây đã tham dự một sự kiện ở San Francisco để kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới, đánh dấu kỷ niệm 31 năm môn tu luyện này được hồng truyền cho đến nay, cũng như sinh nhật của nhà sáng lập Pháp Luân Công, ngài Lý Hồng Chí.
“Tôi cảm thấy như thể là tôi có được một gia đình tuyệt vời vậy,” bà nói và cho biết thêm rằng bà cảm thấy “trong thâm tâm rất vui” khi biết rất nhiều người — bất kể họ đang ở đâu trong cuộc đời này — đều “đang tu luyện đề cao tinh tấn.”
“Tất cả những điều này đơn thuần là một điều tuyệt vời trong cuộc đời tôi.”
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times