Độc giả bài viết ‘Vì Sao Có Nhân Loại’ rất thích những lý giải nguyên gốc về tu luyện
Độc giả bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại” của Đại Sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công, nói rằng bài viết tiết lộ những lý giải nguyên gốc về tu luyện vượt ra ngoài các tôn giáo có tổ chức. Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, khuyến khích học viên sống theo các nguyên lý phổ quát là chân, thiện, và nhẫn, đồng thời dạy các bài công pháp thiền định.
“Đã tới lúc mọi người bắt đầu nói lên sự thật từ một góc nhìn khác hơn là tôn giáo,” bà Mary Bevan, một cư dân tiểu bang Utah chia sẻ với The Epoch Times. “Tôi cảm thấy đây là một bài viết hữu ích tỏa ra sự thật giống như Chúa Jesus từng truyền dạy và mọi người đã hiểu lầm. Điều đó thật cơ bản, và đã tới lúc thế giới thức tỉnh trước điều đó.”
Bà Bevan, một giáo viên dạy thế 73 tuổi ở trường công lập, cho biết bà đã từng nghiên cứu về bát quái và Kinh Dịch — một cuốn cổ thư của Trung Quốc — trong 20 năm. Tuy nhiên, đối với bà, tri thức này [chỉ dừng] ở chỗ giao thoa giữa khoa học và tâm linh, chứ không liên quan gì với tôn giáo.
Bà nói rằng bà hiểu bài viết của Đại Sư Lý là chân lý. “Có những chân lý cơ bản cần được truyền dạy trước khi bạn có thể sống theo những thông điệp mà bài viết này ngụ ý, hoặc không ngụ ý mà thực sự đang chỉ rõ,” bà chia sẻ, đồng thời nói thêm rằng nghiệp lực và luân hồi là hai khái niệm mà bà gọi là “sự thật không được tiết lộ trong các tôn giáo dòng chính hay nền văn hóa phương Tây.”
Bà chia sẻ nếu trẻ em được dạy về nghiệp lực và luân hồi, thì các em sẽ biết, “Đối xử với người khác như các em muốn người khác đối xử với mình.”
“Nếu có nhiều người hơn nữa biết sự thật đó, thì thế giới sẽ thay đổi. Và tôi tin rằng, đó là tình huống hiện nay chúng ta đang trải qua,” bà nói thêm. “Và khi được biết ngày tận thế sắp tới, thì sẽ lập tức có biến đổi. Đó sẽ là một sự thay đổi to lớn cần thiết để thức tỉnh nhân loại về hành vi của họ, hành vi vô thức của họ.”
‘Chân, Thiện, Nhẫn’
Bà Debi Preston, 59 tuổi, cho hay rằng bà “thực sự, thực sự rất thích” bài viết của Đại Sư Lý. “Điều tối quan trọng là chân, thiện, và nhẫn, đặc biệt đối với những gì đang diễn ra hôm nay,” bà chia sẻ với The Epoch Times. “[Chúng ta] có thể cảm nhận được rất rõ những gì đang diễn ra với nhân loại.”
“Bạn có thể thấy cơn thịnh nộ của họ, bộc phát từ sự bực bội, vì cơ bản là họ chỉ tập trung vào những việc họ phải làm nhưng hiện họ rất khó làm được, chẳng hạn như mua thực phẩm, hay mua xăng, hay những vấn đề về hệ thống trường học. Ý của tôi là, mọi người quá dính mắc vào tất cả những thứ đó, và tôi nghĩ họ đã quên điều quan trọng thực sự chính là ân điển của Chúa.”
Cư dân Florida này đã tìm thấy các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn của Pháp Luân Công phản ánh trong bài viết của Đại Sư Lý: “Và ở nơi không có sự thật này, con người có thể đạt được sự thăng hoa của tâm hồn, bằng cách tuân theo những chân lý cao hơn mà Thần răn dạy cũng như kiên trì làm người tốt và tử tế.”
Bà cho biết chân, thiện, và nhẫn không có gì là khẩu hiệu cả. Đối với bà, đó là điều khả thi, bà nói thêm rằng bất kỳ ai cũng có thể vận dụng các nguyên lý này vào cách hành xử của mình. “Tôi không nghĩ đây phải là một khẩu hiệu. Tôi nghĩ đây là một phong cách sống. Về phương diện sức khỏe, [các nguyên lý này] cũng rất hữu ích.”
Trong suốt 23 năm qua, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã đang bị giam giữ trong các trại lao động, bệnh viện tâm thần, trung tâm cai nghiện, các hắc lao bí mật, hay các cơ sở tạm giam khác. Tuy nhiên, các học viên vẫn bền bỉ kháng nghị ôn hòa đối với cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhiều học viên cho biết có được dũng khí ấy là do họ kiên định tín tâm và nhờ vào uy lực của đức tin của họ.
Bà Preston nói, bà tin rằng “dù bạn thực sự trải qua các giai đoạn khó khăn, thì bạn vẫn phải giữ niềm vui trong tín ngưỡng của mình.” Và bài viết của Đại Sư Lý đã củng cố những suy nghĩ này của bà.
Bà nhìn nhận bản thân là một Cơ Đốc nhân nhưng không quan tâm tới tôn giáo. “Tôn giáo do con người lập ra thực sự không phải là điều tôi [quan tâm].” “Nhà thờ muốn bảo bạn phải tin vào điều gì. Nên tất cả những điều đó đều là diễn giải.” Bà nói thêm rằng thậm chí một số kinh sách cũng là diễn giải từ một diễn giải khác.
Tuy nhiên, bà Preston thấy bài viết của Đại Sư Lý là một bản tư duy gốc, không phải là diễn giải. “Tôi nghĩ bài viết gần như đến từ một ơn gọi cao hơn, một quyền năng mà tác giả có thể thấy và đưa vào thực tiễn để giúp nhân loại mở mang,” bà nói thêm.
Minh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times