Có xuất thân và nền tảng văn hóa khác nhau — nhưng họ đều có chung thông điệp: Chúng ta cần sống theo chân, thiện, và nhẫn
Hàng chục triệu người với nền tảng văn hóa và tinh thần khác nhau đang chiểu theo các chuẩn mực đạo đức mang tính dẫn đường là “chân, thiện, và nhẫn.”
Những người này — đến từ hầu hết mọi lĩnh vực nghề nghiệp và giáo dục — tin rằng triết lý đạo đức này là nền tảng của nhân loại, và nếu được áp dụng trong đời sống thực tế, sẽ có thể làm cho thế giới của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.Thấm thoắt đã 31 năm trôi qua kể từ ngày Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) — một môn tu luyện tự thân bắt nguồn từ các chuẩn mực đạo đức truyền thống, đó là ba từ truthfulness (chân), compassion (thiện), và tolerance (nhẫn) — lần đầu tiên được truyền ra công chúng vào năm 1992. Suốt ba thập niên qua, nhiều chính phủ trên khắp thế giới đã công nhận các phương diện tích cực của hệ thống tu luyện Pháp Luân Công như đề cao đạo đức và truyền thống, đồng thời đã vinh danh môn tu luyện này với hàng trăm chứng thư và nhiều giải thưởng. Mới đây, hôm 25/04, việc Thượng viện tiểu bang New York đã thông qua Nghị quyết 821 để kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới thường niên lần thứ 24, được tổ chức trên toàn thế giới vào ngày 13/05 hằng năm, chỉ là một ví dụ.
Dưới đây là những gì mà một số học viên [Pháp Luân Công] đã chia sẻ với The Epoch Times về các giáo huấn đạo đức cốt lõi của môn tu luyện này cũng như cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài 24 năm dưới bàn tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
‘Pháp Luân Công đã làm nên một kỳ tích’
Vào năm 2003, người đàn ông gốc Hoa Tom Leung đã trốn thoát được sang New Zealand sau khi bị bức hại và bị giam giữ nhiều lần ở Trung Quốc. Ông Leung, người đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào đầu những năm 1990, nói rằng các nguyên lý chân, thiện, nhẫn đã trao cho mọi người một kim chỉ nam đạo đức để dẫn dắt cuộc đời họ đi “đúng hướng”. Ông cho rằng “Chân-thiện-nhẫn là nền tảng của thế giới, và sống theo những giá trị này có thể mang lại lợi ích cho xã hội.”
“‘Chân-thiện-nhẫn là nền tảng của thế giới,’” ông bày tỏ, và nói thêm rằng sống theo những giá trị này có thể mang lại lợi ích cho xã hội.
Ông Leung nói rằng chế độ cộng sản Trung Quốc đã sử dụng mọi phương tiện để bức hại Pháp Luân Công.
“Có rất nhiều [cách thức] tra tấn, ví dụ như, đánh đập tàn bạo, cấm ngủ, bức thực … và các kiểu tra tấn kỳ dị khác mà bạn không thể tưởng tượng nổi. Họ đổ đầy nước bẩn vào bồn cầu và ấn đầu bạn vào đó. Họ cưỡng chế bạn phải làm việc không lương trong một môi trường khủng khiếp tới hơn 20 tiếng một ngày. Họ gây áp lực lên gia đình bạn hoặc đột nhập vào nhà bạn và sách nhiễu bạn.”
“Họ có tiền, họ có quân đội, và họ kiểm soát giới truyền thông trong và ngoài nước để bức hại Pháp Luân Công. Họ cũng ép buộc hoặc mua chuộc các công ty truyền thông phương Tây, các công ty công nghệ thông tin, và thậm chí là cả các chính phủ. Vì vậy mà sau đó [những chính phủ đó] đã nhắm mắt làm ngơ trước cuộc bức hại này.”
Tuy nhiên, các học viên Pháp Luân Công “không hề bỏ cuộc, và họ cũng không bao giờ dùng đến bạo lực,” ông nói. Thay vào đó, họ bước về phía trước một cách ôn hòa để phản đối cuộc bức hại này và thức tỉnh mọi người về những mối nguy hiểm cận kề của chủ nghĩa cộng sản.
“Cả thế giới đều thấy rõ bản chất xấu xa và tà ác của ĐCSTQ. Chế độ đó hiện đang chống chọi trong một trận chiến thất bại,” ông nói. “Pháp Luân Công đã làm nên một kỳ tích trong lịch sử.”
‘Nếu mọi người tuân theo những nguyên lý này, liệu có còn chiến tranh không?’
Bà Marina, 67 tuổi, là một người gốc Nga di cư đến Hoa Kỳ vào 30 năm trước. Bà đã trải qua tuổi trưởng thành của mình ở Liên Xô trong suốt thời kỳ cầm quyền của Đảng cộng sản.
Bà Marina đã tu luyện Pháp Luân Công được 25 năm. Bà nói rằng việc tuân theo các nguyên lý và các giáo huấn này là “rất quan trọng” đối với thế giới ngày nay — [dù] “không có bất cứ hình thức tôn giáo nào, nhưng các học viên Pháp Luân Công tin rằng nguồn gốc của [nhân loại] là do Thần tạo ra.”
“Hãy tưởng tượng rằng nếu tất cả mọi người đều tuân theo những nguyên lý này, thì liệu có còn chiến tranh không? Mọi người còn cần đến những thứ vũ khí đáng sợ nữa không? Khi đó chúng ta sẽ được sống trong một thế giới kiền tịnh tươi đẹp,” bà nói.
Đối chiếu các [giá trị] đạo đức của Pháp Luân Công, bà Marina cho biết “các nguyên lý căn bản của Pháp Luân Công trái ngược hoàn toàn với những gì Đảng cộng sản tuyên truyền.”
“Bắt giữ, tra tấn, những lời vu khống, đó là cách mà đảng cộng sản vận hành — bất kể là nó cai trị quốc gia nào. Chế độ này không bao giờ thay đổi các cách thức của mình!” bà nói.
“Từ thời thơ ấu, tôi vẫn nhớ rõ tất cả các cách thức mà đảng cộng sản đã dùng để tẩy não người dân của mình. Báo chí, đài phát thanh, và truyền hình liên tục tẩy não người dân rằng Liên Xô là quốc gia hùng mạnh và công bằng nhất trên toàn thế giới, và rằng tất cả điều đó là nhờ vào những lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản … Tôi yêu quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên, và bằng tất cả trái tim mình, tôi mong muốn nước Nga chọn một con đường ngay chính và hòa bình. Tôi mong rằng các bạn không bao giờ đi theo con đường cộng sản đẫm máu một lần nữa.”
Một trong những mong ước chân thành của bà Marina là mọi người trên thế giới đọc được một bài viết ngắn do nhà sáng lập Pháp Luân Công, ngài Lý Hồng Chí, công bố với nhan đề “Vì sao có nhân loại.”
“Sau khi đọc bài viết này, tôi cảm nhận được uy lực của sự từ bi vĩ đại. Từ tận đáy lòng mình, tôi mong muốn tất cả mọi người đọc được bài viết này,” bà chia sẻ, và nói thêm rằng bà cảm thấy thông qua bài viết này, ngài Lý đã bày tỏ một niềm hy vọng, trong thời kỳ mà sự suy đồi đạo đức tràn lan, rằng nhân loại vẫn có thể giữ được sự thiện lương và “tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn khi đối mặt với sự xung đột giữa các quốc gia, các nhóm sắc tộc, và những hỗn loạn của xã hội.”
‘Nếu tâm trí của một người có học thức là không đúng đắn, thì một tên thổ phỉ còn tốt hơn anh ta’
Tiến sĩ Utpal Kumar Bit, 65 tuổi, trưởng khoa phẫu thuật tạo hình tại Đại học Y Khoa Kolkata, tiểu bang West Bengal, Ấn Độ, đã có nhiều thập niên kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y học. Tuy nhiên, điều khiến ông thấy buồn với vai trò là một bác sĩ, người thực hiện các ca cấp cứu gần như mỗi ngày, là ông không thể tự chữa lành một số vấn đề sức khỏe của bản thân, từ những bệnh dị ứng khác nhau cho đến chứng tăng huyết áp và viêm xương khớp mãn tính rồi cả hen suyễn nặng.
Ông đã cận kề cửa tử khi bệnh hen suyễn viêm phế quản của mình trở nên vô phương cứu chữa. Vì vô cùng khó chịu, nên ông phải ngồi thẳng khi ngủ, thậm chí việc đi lại cũng làm ông đau đớn.
“Tôi đã từng cận kề cửa tử mà không thể làm được gì. Tôi đã nhiều lần nhập viện, và đôi khi, tình trạng của tôi xấu đến mức tôi có thể ra đi bất cứ lúc nào. Tôi đã sử dụng steroid liều cao và ở trong trạng thái rất yếu ớt,” tiến sĩ Bit nói. “Rồi tôi tình cờ tìm thấy Pháp Luân Công. Pháp Luân Công đã ban cho tôi một cuộc đời mới.”
Một trong những người quen cũ của ông, định cư tại Hoa Kỳ, đã giới thiệu ông đến với môn tu luyện này qua một cuộc điện thoại sau khi đích thân vị ấy trải nghiệm được những lợi ích về sức khỏe. Tiến sĩ Bit có chút miễn cưỡng khi tập thử vì nghĩ rằng ông không còn hy vọng nào nữa, có thể ông sẽ sớm được đặt máy thở. Nhưng khi thấy đồng nghiệp của mình quả quyết, ông đã mua cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” và đến một điểm luyện công gần đó để học các bài công pháp tĩnh tại.
“Đêm đó, tôi đã ngủ rất ngon. Ngạc nhiên thay, từ ngày hôm sau trở đi, tôi không còn bị hen suyễn nữa,” ông nói. “Tôi đã hoàn toàn vô bệnh. Tôi hạnh phúc như một đứa trẻ. Đây thực sự là một cuộc đời mới đối với tôi.”
Tiến sĩ Bit — người đã giúp chuyển ngữ các sách của Pháp Luân Công sang ngôn ngữ Bengali — nói rằng các bài giảng vượt xa các phương pháp trị bệnh ở cấp độ bề mặt được dạy trong các liệu pháp thay thế khác, và các nguyên lý đạo đức của môn tu luyện này có thể thực sự dẫn dắt nhân loại quay trở về con đường của trí huệ truyền thống. “Nếu mọi người tuân theo các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, thì sức khỏe tinh thần của họ sẽ tốt lên, xã hội này cũng sẽ tốt đẹp, và sự tiến bộ đích thực của xã hội sẽ xảy ra.”
Tiến sĩ Bit tin tưởng rằng đạo đức ngay thẳng cũng quan trọng không kém việc thông thạo các kỹ năng chuyên môn. Trái tim ông luôn hướng về những nạn nhân đã mất đi sinh mạng trong nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của chính quyền Trung Quốc. “Bạn có thể gọi những bác sĩ Trung Quốc đó là bác sĩ, nhưng họ còn xấu hơn cả những kẻ tội phạm. Những gì họ đang làm thực sự là ghê tởm,” ông nói.
“Một người có thể thông minh, một người có thể nổi tiếng và đầy quyền lực, nhưng không hẳn là anh ta biết phân định đúng sai. Nếu một người có học thức mất đi khả năng phân định đúng sai, thì một tên thổ phỉ còn tốt hơn anh ta.”
‘Chúng ta hoàn toàn không thể làm việc trong ngành y nếu thiếu chân, thiện, và nhẫn’
“Không phải ngẫu nhiên hoặc trong chốc lát mà chúng ta có được một lối sống lành mạnh,” cô Swetlana Arhipenko, một y tá gây mê và hồi sức cao cấp với hơn 29 năm kinh nghiệm đến từ Nga, cho biết.
Tốt nghiệp từ chương trình “Mentoring in Health Care” (Cố vấn Chăm sóc Sức khỏe) của Bộ Y tế ở Moscow, nhà tâm lý học y khoa nổi tiếng này đã nhận được một giải thưởng vào năm 2022. Cô Arhipenko nói cô đã cống hiến cả cuộc đời mình cho “nghề nhân ái nhất” — y học.
Đối với cô Arhipenko, một “lối sống lành mạnh mới chính là cuộc sống.” Cô luôn tự hỏi làm thế nào để duy trì sức khỏe và tuổi trẻ của mình, và quan trọng nhất, là tìm được câu trả lời cho một trong những câu hỏi cốt yếu của cuộc sống: tại sao chúng ta tồn tại?
“Tôi luôn tin rằng sức khỏe tinh thần là một yếu tố quan trọng trong sức khỏe con người, và trong mọi chuyện, tôi đều đặt sức khỏe tinh thần lên trước tiên. Thế nhưng, dù cho tôi có kiến thức khá sâu về tâm lý học, tôi vẫn chưa tìm thấy những câu trả lời cần thiết cho bản thân,” cô bày tỏ.
Vào năm 2007, cô tình cờ đọc được cuốn sách “Zhuan Falun” (Chuyển Pháp Luân), và sau khi đọc vài câu đầu tiên, cô đã nhận ra rằng đây là những gì cô đang tìm kiếm, trong ngần ấy năm qua. “Kể từ đó, cuốn sách này đã là kim chỉ nam của tôi trong cuộc sống. Mọi khúc mắc của tôi đều được giải đáp,” cô nói.
“Trước đây tôi cho rằng khoan dung chính là kiên trì chịu đựng những đau khổ trong cuộc sống. Nhưng giờ đây, tôi hiểu khoan dung là nhẫn nại với mọi người xung quanh mình và cả thế giới này. Tương tự như vậy, lòng trắc ẩn đối với tôi là một cảm xúc xót thương. Giờ thì tôi nhận ra lòng trắc ẩn là khả năng đồng cảm với mọi người, thấu hiểu họ, và tương trợ họ.”
‘Có phải những giá trị đạo đức này không còn thực sự thiết thực trong thế giới ngày nay?’
Ông Victor Sia, 51 tuổi, làm việc trong lĩnh vực tiền bán hàng (presale) về an ninh mạng ở Singapore và đã tu luyện Pháp Luân Công từ năm 2005.
Ông nói rằng thế giới hiện đại của chúng ta đang ở trong tình trạng hỗn loạn, nơi mà khái niệm đúng hay sai đã bị bóp méo: giờ đây tiêu chuẩn đó dựa trên những gì mà một người có được hoặc mất đi, hoặc liệu những người khác có phù hợp với các quan điểm cá nhân của chúng ta hay không. Trong khi những người thời xưa có đạo đức ngay thẳng và tín Thần.
Suy ngẫm về câu hỏi liệu các giá trị đạo đức của Pháp Luân Công có thực sự phi thực tế trong thế giới thời nay hay không, ông cho rằng dường như sự tiến bộ của hệ thống giám sát CCTV tinh vi, AI, và công nghệ machine learning sẽ khiến chúng ta có thể giữ gìn luật pháp và trật tự trong xã hội. Tuy nhiên, ông băn khoăn là làm sao một thứ như vậy có thể ngăn chặn ai đó ngoan cố và tận dụng tri thức để lẩn trốn tất cả các công nghệ này?
Ông nói: “Ngược lại, điều gì sẽ xảy ra nếu tự bản thân mỗi người có thể bắt đầu hành xử có đạo đức – từng chút một, ngày qua ngày, rèn luyện để hướng tới chân, thiện, và nhẫn? Bạn có nghĩ rằng chúng ta vẫn cần nâng cấp công nghệ không ngừng để bắt kịp các tác nhân đe dọa tinh vi kia, đồng thời thực thi pháp luật và những chính sách toàn diện không?”
Cách đây hai mươi năm, trước khi hiểu được sự thật về Pháp Luân Công, ông Sia cũng giống như hầu hết những người đồng hương của mình, đã bị giới truyền thông ở Singapore lừa dối khi phát lại các tuyên truyền thù địch của kênh Tân Hoa Xã Trung Quốc. Sau đó, ông biết được lý do thực sự đằng sau sự tuyên truyền và bức hại này:
“Cơ sở lý lẽ của họ cho cuộc bức hại này là hệ tư tưởng vô thần luận và tranh đấu của Trung Quốc cộng sản không phù hợp với [các giá trị] ‘chân, thiện, nhẫn của Pháp Luân Công.’”
Một chỉ dẫn giúp tu dưỡng tâm tính
Anh Mårten Hernebring, 37 tuổi, là một lập trình viên tại một công ty công nghệ thông tin ở Gothenburg, Thụy Điển, và đã tu luyện Pháp Luân Công 13 năm. Anh nói rằng các bài giảng của Pháp Luân Công có thể hướng dẫn cho bất kỳ ai cách để trở thành một người tốt.
“Thế giới thời nay không có nhiều hình mẫu tốt, vì vậy cuốn sách ‘Chuyển Pháp Luân’ có thể đảm nhận vai trò dẫn dắt đó,” anh nói. “Chân, thiện, và nhẫn có thể soi đường cho chúng ta khi chúng ta cảm thấy nản lòng và đang tìm kiếm hy vọng. Những nguyên lý này có thể khiến bạn nhìn mọi thứ từ quan điểm của những người khác và mỉm cười ngay cả khi đối mặt với những rắc rối trong cuộc sống thường nhật.”
Là một chuyên gia công nghệ thông tin, anh Hernebring hiểu các mối đe dọa về bảo mật dữ liệu do các chế độ toàn trị gây ra. Anh tin rằng có một nhu cầu rất lớn về những lựa chọn thay thế cho các ứng dụng “Made-in-China” (Sản xuất-tại-Trung Quốc) như TikTok.
“Khi tôi còn là một cố vấn tại một công ty công nghệ thông tin khác, họ đã buộc mọi người ký kết rằng họ được phép gửi những bức ảnh được chụp đến Hoa lục. Tôi đã từ chối ký tại quầy lễ tân và nhân viên ấy nói rằng sau này tôi sẽ phải ký nhiều thỏa thuận không được tiết lộ, vì vậy chúng tôi đã quyết định ngừng hợp tác vì những vấn đề đó,” anh nói.
“Bản thân tôi sử dụng Gan Jing World và chưa bao giờ cần sử dụng đến bất cứ ứng dụng nào do Đảng Cộng sản Trung Quốc sản xuất. Nhưng dẫu vậy, tôi vẫn lo lắng về thị trường máy điện toán, bởi vì nhiều máy điện toán được sản xuất tại Trung Quốc khiến chúng trở nên kém an toàn hơn.”
‘Cuốn sách này đã cải biến hoàn toàn thế giới quan của tôi theo hướng tốt đẹp hơn’
Một nhà phát triển ứng dụng di động, anh Jin Ang, 38 tuổi, đến từ Singapore, đã bắt đầu thực hành môn tu luyện này cách đây ba năm. Anh cũng có một câu chuyện độc đáo để kể. Anh nói rằng giờ đây anh được trải nghiệm “các tầng năng lượng cao hơn” khi thực hiện các công việc hằng ngày của mình.
“Khi đọc ‘Chuyển Pháp Luân’ lần đầu tiên, tôi đã có được những hiểu biết sâu sắc về vũ trụ và mục đích chân chính của việc làm người. Cuốn sách đã hoàn toàn cải biến thế giới quan của tôi theo hướng tốt đẹp hơn. Trong những lần đọc tiếp theo, cuốn sách hiển lộ những ý nghĩa sâu xa hơn từng chút một. Đó thực sự là một cuốn sách tu luyện, giúp một người tu dưỡng sự thiện lương,” anh nói.
“Với việc xã hội và đạo đức nhân loại đang trượt dốc từng ngày, điều quan trọng là mọi người chiểu theo ‘chân, thiện, nhẫn’ làm kim chỉ nam cho mình. Làm như vậy sẽ mang lại lợi ích to lớn cho xã hội vì mọi người sẽ chiểu theo sự thật và trở nên tử tế và khoan dung hơn với nhau.”
‘Từ vị kỷ, tôi trở nên biết nghĩ cho người khác trước’
Anh Elliott Rodriguez, 27 tuổi, một lập trình viên đến từ St. Louis, làm việc tại Boulder, Colorado. Anh say mê triết học và nghiên cứu về tâm thức trong những năm học đại học và đã thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu về các triết gia và tôn giáo nổi tiếng.
Hồi năm 2021, anh tình cờ đọc được cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” khi đang lướt Internet. “Từng chữ và từng câu đều khiến tôi xúc động, và tôi cảm thấy rằng cuốn sách này chứa đựng những lời giải đáp cho mọi điều mà tôi có thể hỏi, và hơn cả thế,” anh nói.
Anh Rodriguez nói rằng ba chữ chân, thiện, và nhẫn, mặc dù nhìn trên bề mặt có vẻ rất đơn giản, nhưng lại chứa đựng những nguyên lý vô biên ở các tầng thứ sâu hơn.
“Nhận thức của tôi về việc thực hành tính chân là tìm hiểu điều gì là đúng đắn và sống theo điều đó. Có thể khó phân biệt được sự thật và giả dối giữa một xã hội tràn ngập thông tin sai lệch. Chỉ bằng cách xem trọng và bảo tồn sự thật, thì chúng ta mới có thể duy trì một xã hội có trật tự. Điều này đòi hỏi một người phải sống trung thực và đứng lên bảo vệ sự thật ngay cả khi vấp phải sự phản đối,” anh nói.
“Thiện là khả năng chúng ta yêu thương và phục vụ người khác. Nghĩ cho người khác trước có thể khó khăn khi phải đối mặt với tư lợi. … Và nhẫn là khi người ta nói những điều tiêu cực về bạn hoặc nói điều gì đó thực sự làm bạn tổn thương hoặc tức giận trong sâu thẳm tâm hồn, nếu có thể tha thứ cho người khác và không để điều đó đè nặng lên tâm trí mình, thì bạn sẽ thực sự trở thành một người tốt hơn.”
‘Những người có thể chiểu theo chân, thiện, nhẫn là những sinh mệnh may mắn nhất’
Nghệ sĩ thị giác Phạm Dương, đến từ Việt Nam, đã trải nghiệm những lợi ích sức khỏe ngoài sức tưởng tượng khi tập luyện thường xuyên năm bài công pháp tĩnh tại của Pháp Luân Công.
Anh Dương từng bị chấn thương cột sống trong một tai nạn, dẫn đến liệt nửa người. Anh nằm liệt giường do thoát vị đĩa đệm nhiều lần. Anh đã tìm kiếm các liệu pháp thay thế theo phương pháp truyền thống.
“Sau khi biết Pháp Luân Công là một môn khí công với 5 bài công pháp đơn giản, không mất nhiều thời gian tập, tôi cảm thấy hứng thú và bắt đầu tập luyện. Trong khoảng ba tháng, sức khỏe của tôi đột nhiên được cải thiện. Bệnh viêm xoang của tôi bớt nghiêm trọng hơn, thoát vị đĩa đệm ở lưng và cổ không còn đau nữa, và những cử động cơ thể của tôi cũng được cải thiện,” anh nói.
Mẹ của anh, vốn bị mất trí nhớ và bị liệt sau một cơn đột quỵ, “đã hoàn toàn bình phục chỉ trong vòng 10 ngày.”
Kể lại quá trình biết đến Pháp Luân Công, anh cho biết anh thấy một bài đăng trên mạng xã hội về môn tu luyện này vào năm 2015, với chú thích: “Dành cho những người hữu duyên.”
Anh nói: “Vì hiếu kỳ, nên tôi đã nhấp vào và tìm hiểu về môn khí công (năng lượng) của Pháp Luân Công. Những lời giải thích dễ hiểu và sâu sắc về những bí ẩn của vũ trụ và nhân loại của tác giả [ngài Lý Hồng Chí] đã gây ấn tượng với tôi. Tâm trí tôi trở nên thanh thản và tôi có một cảm giác bình yên sau khi đọc cuốn sách này.”
“‘Chuyển Pháp Luân’ là một cuốn thiên thư, và tôi cảm thấy thật may mắn khi tìm thấy cuốn sách này trong cuộc đời mình. Tôi là một người ham đọc sách, từ nhỏ tôi đã sưu tập nhiều sách và nghiên cứu nhiều lời giảng dạy, nhưng không cuốn sách nào giữ được niềm đam mê của tôi lâu dài. Tuy nhiên, cuốn ‘Chuyển Pháp Luân,’ một cuốn sách được viết một cách đơn giản và mạch lạc như vậy, đã khiến tôi kinh ngạc. Những bài giảng và lời dạy của Thầy Lý Hồng Chí đã khiến tôi muốn thay đổi suy nghĩ, các thói quen, và lối sống của mình.”
‘Phàm là điều gì trái với đạo đức, thì chắc chắn sẽ nhận lấy báo ứng tương xứng’
Cô Prema Narayani, 19 tuổi, đến từ Indonesia, cho biết cả gia đình cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2011 sau khi chứng kiến môn tu luyện này đã cải thiện sức khỏe của mẹ cô như thế nào.
“Mẹ tôi bị bệnh tim và viêm ruột thừa, và đã chạy chữa khắp nơi nhưng tình trạng của bà không có chuyển biến rõ rệt. Bà rất gầy và xanh xao, và đôi chân bà run rẩy mỗi khi đi lại,” cô nói.
Tuy nhiên, sau hai tuần thực hành các bài công pháp tĩnh tại, mẹ cô “đã có thể tự lái xe đến điểm luyện công.” “Vì tôi là người luôn đi cùng mẹ tôi khi bà ốm và cũng cùng bà đến điểm luyện công sau giờ học ở trường, nên tôi rất ngạc nhiên khi chứng kiến một sự thay đổi mạnh mẽ như vậy.”
Đối với cô Prema, cuốn “Chuyển Pháp Luân” là một cuốn sách có thể hướng dẫn cô đi theo một con đường chân chính trong khi cố gắng xây dựng một tương lai cho bản thân giữa xã hội xem trọng kim tiền bại hoại này. Và cô sinh viên đại học trẻ tuổi này nhận thức rõ về thực tế của các chế độ độc tài.
Nhóm Văn hóa-Nghệ thuật Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times