Sinh ra dưới cuộc bức hại của ĐCSTQ, những người sống sót nhớ lại nỗi đau, kêu gọi hành động tại buổi thắp nến tưởng niệm ở Hoa Thịnh Đốn
Các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, những người từng bị tước mất tuổi thơ như bao người nên có, hy vọng góp phần mang lại một tương lai tươi sáng hơn.
HOA THỊNH ĐỐN—Anh Lý Hồng Tường (Li Hongxiang) không biết cuộc sống gia đình bình thường là như thế nào—anh đã bị cướp mất gia đình từ khi mới chào đời.
Khi anh được 36 ngày tuổi thì chính quyền Trung Quốc đã bỏ tù cha anh. Lần họ đoàn tụ kế tiếp là khi anh lên 10 tuổi.
Khi bắt giữ cha và ông bà của anh, công an đã đánh mẹ anh, khi đó vẫn đang trong giai đoạn hậu sản. Họ yêu cầu được biết ai đã giúp treo biểu ngữ “Pháp Luân Đại Pháp Hảo” ở Thẩm Dương, thành phố quê hương của họ. Bà đã ôm con thơ mà trốn khỏi nhà.
Trong hầu hết 10 năm đó, cả hai mẹ con đã chuyển hết nơi này đến nơi khác. Sau khi mẹ anh đến thăm cha anh trong tù vào năm 2005, công an đã truy lùng bà và áp đặt án tù ba năm cho bà. Khi đó, anh mới được bốn tuổi.
Họ vốn dĩ không phạm tội gì cả. Điều khiến họ trở thành mục tiêu chính là đức tin của họ vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định dạy về các giá trị chân, thiện, và nhẫn. Giống như khoảng 70 triệu đến 100 triệu người khác ở Trung Quốc cộng sản, gia đình anh Lý nhận thấy mình bị nhấn chìm trong một chiến dịch thanh trừng không ngừng nghỉ từ trên xuống dưới.
Bắt giữ tùy tiện, lao động cưỡng bức, tra tấn tàn bạo, thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Vô số học viên, cả người cao niên lẫn người trẻ, đã phải chịu đựng đau khổ hoặc vong thân từ cuộc đàn áp trong một phần tư thế kỷ qua. Hôm 11/07 tại National Mall ở Hoa Thịnh Đốn, anh Lý và hàng ngàn học viên khác đã cùng nhau tổ chức buổi tưởng niệm để tưởng nhớ các nạn nhân và tôn vinh những người sống sót [trong cuộc bức hại này.]
Cách nơi anh đứng bên rìa đồng cỏ vài bước chân, từng hàng người ngồi lặng lẽ, ánh nến lung linh chiếu sáng mỗi khuôn mặt và những chiếc áo vàng tươi.
Đảng Cộng sản Trung Quốc “không coi trọng sinh mạng của người dân,” anh nói với The Epoch Times.
Sinh ra sau một năm kể khi cuộc đàn áp bắt đầu, anh Lý đã chứng kiến gia đình mình “hoàn toàn bị chia lìa” dưới chế độ này. Năm anh 10 tuổi, cha anh ra tù với tấm thân da bọc xương, chỉ còn lại ba cái răng, mắc bệnh lao, và nặng chỉ gần 80 pound (khoảng 36kg). Ông qua đời một năm sau đó.
Nhưng nỗi đau đó không chỉ của riêng anh — chàng trai 23 tuổi nói rằng anh còn biết nhiều gia đình đã phải chịu đựng những khốn khổ tương tự.
“Tôi đã trải qua quá nhiều và chứng kiến quá nhiều,” anh nói với The Epoch Times.
Thệ ước không quên
Chịu đựng nhiều đến mức anh thốt lên rằng anh cảm thấy gần như “chai sạn” trước đau khổ. Với chiều cao 6 foot 1 (khoảng 1.8m), anh Lý trông như thể đang chất chứa bên trong mình tất cả những ký ức đen tối đó. Cánh tay anh căng lên khi tạo dáng chụp ảnh. Anh bày tỏ rằng anh đã học cách đón nhận bất cứ điều gì xảy đến.
Anh Lý không được thảnh thơi trong những ngày lễ ở Trung Quốc. Đó là những ngày mà công an đến gõ cửa để gây áp lực buộc họ phải từ bỏ đức tin của mình, những ngày mà anh chỉ hy vọng rằng “hôm nay sẽ không có chuyện gì xảy ra.”
Kể từ khi đào thoát sang Thái Lan năm 13 tuổi và sau đó định cư ở Mỹ quốc, anh quan sát thấy những gia đình cùng bên nhau mỗi ngày, mà họ dường như rất hạnh phúc. Hẳn anh đã có thể là một trong số họ. Nhưng làm sao để họ được như vậy lại là điều mà giờ đây anh phải cố gắng tìm hiểu — bởi anh đã không lớn lên trong hạnh phúc. Chế độ này đã làm tiêu tan hạnh phúc của anh.
Khi lời nói không thể diễn tả được hết, anh Lý dường như đang bù đắp bằng hành động. Tại buổi thắp nến tưởng niệm này và một cuộc diễn hành trước đó, anh tham gia vận chuyển thiết bị đi khắp nơi, giúp sắp xếp mọi thứ ngăn nắp và gọn gàng.
Anh đã tham dự mọi sự kiện thường niên tại National Mall.
“Tôi liên tục nhắc nhở mình không được quên,” anh nói.
Một phần là để tưởng nhớ những người đã khuất, trong đó có cha anh.
“Những người đã bị bức hại đến vong thân cần phải được tưởng nhớ,” anh nói. “Bởi vì họ đã trải qua những điều mà nhiều người trong chúng ta có thể không trải qua trong đời.”
‘Chúng tôi không đáng phải chịu sự bức hại như vậy’
Anh không phải là người duy nhất lớn lên trong sự hắc ám của thế lực khủng bố nhà nước.
Cô Trương Hoa Kỳ (Zhang Huaqi), vào năm cô chào đời, cũng chịu cảnh chia lìa người cha của mình khi cô chỉ mới được vài tháng tuổi. Làm các biểu ngữ Pháp Luân Công là hành vi phạm tội được nêu trong bản kết án một năm tù của ông.
Trong 16 năm đầu đời của cô cho đến khi đào thoát sang Hoa Kỳ, cô Trương không dám nói một lời nào với người khác về đức tin của mình. Cha mẹ và ông bà của cô có nguy cơ phải ngồi tù bất cứ lúc nào, và cô sợ bị tẩy chay ở trường vì tin vào một tín ngưỡng mà chính quyền đã bôi nhọ hết sức tinh vi.
Ở trường cấp hai, cô nhớ mình đã cảm thấy không dễ chịu khi ngồi trong lớp học, nghe giáo viên lặp đi lặp lại những tuyên truyền thù hận trong sách giáo khoa về vụ tự thiêu—mà sau đó được phát hiện là đã được dàn dựng cẩn thận—tại Quảng trường Thiên An Môn.
Cảm giác tội lỗi và nỗi buồn ập đến với cô cùng lúc các bạn cùng lớp đang chen vào, “tin vào những lời dối trá.”
“Tôi biết điều gì là sự thật, nhưng tôi không dám đứng lên,” cô nói với The Epoch Times.
Cái giá phải trả có thể là rất lớn. Với sự khuyến khích công khai từ Bắc Kinh, ai đó có thể giao nộp cô và báo cáo vụ việc lên ban giám hiệu trường hoặc công an, tất cả đều theo lệnh “xóa sổ” tín ngưỡng này.
Khi cô lên tám tuổi, một làn sóng vây bắt trước thềm Thế vận hội Bắc Kinh 2008 đã khiến mẹ cô bị bắt.
Trong một lần vào thăm mẹ trong tù, cô nhìn thấy mẹ mình với khuôn mặt gầy gò, mái tóc dài bị cắt lởm chởm đến tai.
Phải tám năm sau, cô Trương mới biết được bức tranh đầy đủ hơn về một năm tù đó: mẹ cô lao động gần 10 tiếng mỗi ngày để làm những con búp bê bằng vải vụn dành riêng cho [thị trường] Nhật Bản, mắt bà bị dính keo, cai ngục la mắng những người lao động chậm chạp hơn, và bữa ăn kéo dài không quá vài phút.
“Các học viên Pháp Luân Công đều là những người tốt,” cô Trương nói. “Chúng tôi không làm điều gì xấu cả, và chúng tôi không đáng phải chịu sự bức hại như vậy.”
Giờ đây, việc lên tiếng, bằng những quyền tự do mà họ tìm thấy ở Mỹ quốc, là một cách mà họ hy vọng sẽ khiến cho hoàn cảnh của những người vẫn còn ở Trung Quốc trở nên tốt hơn.
“Tôi không thể thay đổi quá khứ,” anh Lý nói. “Điều tôi có thể làm là giúp đỡ những nơi cần tôi làm — để làm phần bổn phận của mình.”
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times