Safeguard Defenders: Phán quyết bước ngoặt của tòa án có thể chấm dứt việc dẫn độ từ Âu Châu sang Trung Quốc
Theo tổ chức nhân quyền phi chính phủ ở Âu Châu, Safeguard Defenders, Tòa án Nhân quyền Âu Châu (sau đây gọi là “Tòa án”) đã đồng thuận nhận thấy rằng việc dẫn độ một người Đài Loan đến Trung Quốc, điều mà các tòa án ở Ba Lan đã chấp thuận trước đó, sẽ khiến anh này có nguy cơ đáng kể bị tra tấn, ngược đãi, và bị tước đi quyền được xét xử công bằng.
Tổ chức phi chính phủ này chỉ ra rằng phán quyết đồng thuận kể trên là một sự bác bỏ rất rõ ràng đối với việc dẫn độ vì vi phạm Điều 3 của Công ước Âu Châu về Nhân quyền (ECHR) về tra tấn, và đối xử tệ bạc.
Báo cáo cho biết phán quyết quan trọng này cho thấy dấu hiệu rằng các nước Âu Châu sẽ gần như không thể dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc một lần nữa.
Theo báo cáo hôm 03/11 của tổ chức phi chính phủ này, luật sư của bị đơn, Giáo sư luật người Ba Lan Marcin Gorski đồng ý rằng phán quyết đồng thuận của Tòa án có tầm quan trọng và ý nghĩa trong việc giảm khả năng Ba Lan hoặc những nước khác sẽ kháng cáo phán quyết.
Báo cáo cho biết, bản án sẽ có hiệu lực sau ba tháng kể từ ngày ban hành vào hôm 06/10, trừ khi có đơn kháng cáo.
Dẫn độ sang Trung Quốc
Anh Lưu Hoành Đào (Hongtao Liu) là đương đơn trong án lệ Lưu kiện Ba Lan. Theo Safeguard Defenders, đây là phiên tòa đầu tiên được biết của Tòa án Nhân quyền Âu Châu xét đến một vụ án liên quan đến việc dẫn độ sang Trung Quốc.
Anh Lưu bị bắt tại Ba Lan vào năm 2017 theo một Thông báo Đỏ do Interpol ban hành năm 2016, liên quan đến một cuộc điều tra chung giữa Trung Quốc và Tây Ban Nha về một tổ chức gian lận viễn thông quốc tế.
Báo cáo giải thích rằng nhóm gần 260 người (bị bắt) chủ yếu là công dân Đài Loan. Một chiến dịch hợp tác chung giữa cảnh sát Tây Ban Nha và Trung Quốc đã bắt giữ nhóm này vào năm 2016 – 2017.
Báo cáo cho biết, các tòa án Tây Ban Nha đã bỏ qua những cân nhắc nghiêm túc về ECHR, và chấp thuận việc dẫn độ 208 người Đài Loan, theo nhiều đợt, sang Trung Quốc trong giai đoạn 2017 – 2018, bất chấp sự phản đối từ Đài Loan.
Tổ chức phi chính phủ này cũng chỉ ra rằng mối liên lạc với một số người bị dẫn độ đã bị mất, và các luật sư không thể tìm thấy họ hoặc cập nhật tình trạng hiện tại của họ.
Anh Lưu, một người Đài Loan sinh năm 1980, hiện đang bị giam giữ tại Nhà tù Warsaw-Białołęka, và được ông Gorski đại diện trước tòa.
Anh đã đệ đơn rằng việc dẫn độ mình sang Trung Quốc sẽ vi phạm Điều 3 và Điều 6 §1 của Công ước: Nếu bị dẫn độ và xét xử, anh sẽ có nguy cơ bị tra tấn và đối xử vô nhân đạo và bị từ chối xét xử công bằng.
Các nhà chức trách Ba Lan đề cập đến phán quyết của Tây Ban Nha để bào chữa cho [phán quyết của] mình, nhưng điều đó đã bị Tòa án bác bỏ, khi cho biết thêm (pdf) rằng “sự hợp tác của chính quyền Trung Quốc với các cơ quan bảo vệ nhân quyền quốc tế rõ ràng là bị hạn chế” và thực tế là “các cáo buộc nghiêm trọng về việc sử dụng rộng rãi hình thức tra tấn cũng như hành vi đối xử vô nhân đạo và hèn hạ trong các trại giam của Trung Quốc tiếp tục được nêu lên.”
Phán quyết này đặt ra một tiền lệ
ECHR là một công cụ tư pháp quốc tế có sự ràng buộc về mặt pháp lý và ràng buộc 46 quốc gia Âu Châu với một công ước có sự ràng buộc về mặt pháp lý. Theo báo cáo, công ước này đi xa hơn các công ước quốc tế tương tự.
Safeguard Defenders đã kết luận về hiệu lực của phán quyết có tính ràng buộc về mặt pháp lý kể trên của Tòa án như sau:
Một, tất cả các yêu cầu hiện tại để dẫn độ sang Trung Quốc đều nên bị từ chối;
Hai, các bộ tư pháp ở các nước liên quan nên cấm các yêu cầu tố tụng tư pháp từ Trung Quốc; và
Ba, các trường hợp dẫn độ đã được chấp thuận nhưng chưa được thi hành nên được dừng lại.
Tổ chức này cho biết, theo Tòa án, bất kể người nào, bị cáo buộc theo tội danh nào, hay các yếu tố bên ngoài khác, “tất cả mọi người đều sẽ phải đối mặt với một nguy cơ bị đối xử tệ bạc nếu bị dẫn độ sang Trung Quốc.”
Bản tin có sự đóng góp của Zhang Ting
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times