Nhà hàng Trung Quốc thông báo đóng cửa khi Nam Hàn điều tra đồn công an bí mật của Trung Quốc
Một nhà hàng Trung Quốc ở Nam Hàn đã quyết định đóng cửa hoạt động sau khi có tin tức cho rằng nhà hàng này từng là một đồn công an bí mật của Trung Quốc bị Bắc Kinh sử dụng để đàn áp những người bất đồng chính kiến ở hải ngoại.
Nhà hàng này, nằm ở thành phố Gangnam của Seoul, đã phủ nhận các cáo buộc trên. Quản lý nhà hàng cho biết tiệm ăn sẽ kết thúc hoạt động vào tháng tới và việc đóng cửa không liên quan đến các báo cáo đó, Yonhap News Agency đưa tin.
“Việc đóng cửa theo kế hoạch không liên quan đến tin tức về các đồn công an bí mật. Chúng tôi sẽ đóng cửa kinh doanh vì vụ kiện kéo dài cả năm nay đã kết thúc,” quản lý nhà hàng này cho biết, đồng thời nói thêm rằng họ đã nhận được một yêu cầu trục xuất từ chủ cho thuê nhà trước ngày 01/01.
Nhà hàng này ban đầu đã thông báo rằng họ sẽ tạm thời đóng cửa từ tháng Một năm sau để “sửa chữa nội thất.” Họ cũng đưa ra một thông báo nói rằng “chỉ những khách đã đặt trước mới được chấp nhận” vào nhà hàng.
Truyền thông địa phương đưa tin cho biết, các nhà chức trách Nam Hàn đang kiểm tra nhà hàng Trung Quốc này và các điều kiện kinh doanh của nhà hàng này vì nghi ngờ đây là một căn cứ của một đồn công an Trung Quốc bí mật ở thủ đô Seoul.
Diễn biến này xảy ra khi một báo cáo của tổ chức giám sát nhân quyền Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha tiết lộ rằng Trung Quốc đang điều hành 102 đồn công an trên 53 quốc gia, chủ yếu ở phương Tây, được cho là được sử dụng để nhắm vào công dân Trung Quốc sống ở hải ngoại.
Hôm thứ Ba (20/12), Bộ Ngoại giao Nam Hàn cho biết rằng các nhà chức trách đang điều tra vấn đề này nhưng họ vẫn chưa phát hiện ra “điều gì đáng kể.”
Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Hàn đã bác bỏ các cáo buộc trên là “vô căn cứ” và phủ nhận sự tồn tại của các đồn công an như vậy. Họ đã kêu gọi các phương tiện truyền thông chấm dứt mọi “hành vi bịa đặt” và thay vào đó tập trung vào “tình hữu nghị” giữa Trung Quốc và Nam Hàn.
Nhật Bản cũng được liệt kê trong báo cáo trên và đang xem xét các tuyên bố tương tự.
Cộng đồng Hoa kiều ‘sống trong sợ hãi’
Một số cơ quan công an khu vực của Trung Quốc đang thành lập và điều hành các tiền đồn Trung Quốc ở hải ngoại với sự cộng tác của các hiệp hội Hoa kiều và một số cộng đồng doanh nghiệp.
Safeguard Defenders đã xác định bốn khu vực pháp lý khác nhau của công an địa phương Trung Quốc. Họ tuyên bố rằng sở công an Trung Quốc ở tỉnh Giang Tô đã thành lập ít nhất một đồn công an ở Nam Hàn, nhưng chưa thể xác nhận được vị trí của đồn này.
Đối với trường hợp của Nhật Bản, báo cáo trên nói rằng sở công an Phúc Châu của Trung Quốc đã thiết lập một quầy dịch vụ ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, trong khi công an Nam Thông có một quầy tương tự ở một nơi khác bên trong đất nước này.
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng các trung tâm này do các tình nguyện viên điều hành để cung cấp các dịch vụ hành chính cho công dân Trung Quốc, chẳng hạn như gia hạn hộ chiếu.
Báo cáo trên lưu ý rằng các đồn công an bí của Trung Quốc ở hải ngoại này là phần mở rộng của sự kiểm soát của nhà cầm quyền đối với những người nhập cư và người Trung Quốc sinh sống ở hải ngoại. Công an Trung Quốc đã thừa nhận rằng các tiền đồn này là để “dùng Hoa kiều trị Hoa kiều.”
Hà Lan, Ireland, và Canada đã ra lệnh điều tra các đồn công an Trung Quốc trên lãnh thổ của họ. Họ xem việc các đồn công an Trung Quốc thành lập ở hải ngoại như vậy, bất kể mục đích của các đồn đó là gì, thì đều là bất hợp pháp và vi phạm Công ước Vienna.
Nhà sáng lập Safeguard Defenders Peter Dahlin đã viết trong bài báo phân tích của mình cho The Epoch Times rằng “cộng đồng người Hoa trên khắp Hoa Kỳ, Canada, và các nơi khác sẽ sống trong sợ hãi, không thể tự do lên tiếng, và bị từ chối các quyền dân chủ của họ trên quê hương mới,” cho đến khi tất cả các đồn công an của Trung Quốc ở hải ngoại bị đóng cửa.
Bản tin có sự đóng góp của ông Alex Wu và Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times