Cựu lãnh đạo cơ quan tình báo ĐCSTQ được thăng chức Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương
Mới đây, ông Trần Văn Thanh (Chen Wenqing), Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã trở thành Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương.
Bộ Chính trị là cơ quan ra quyết định hành pháp của ĐCSTQ, nằm dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình. Các ủy viên của Bộ Chính trị thường đảm nhận các vị trí điều hành khác. Nói chung, họ đưa ra các quyết định về luật pháp và chính sách và cũng là nhóm người quyền lực nhất ở Trung Quốc Cộng sản. Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của ĐCSTQ chỉ đóng vai trò như một cơ quan lập pháp bù nhìn.
Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương là cơ quan hành pháp chính của Trung Quốc. Việc bổ nhiệm ông Trần làm người đứng đầu cơ quan này có vẻ bất thường bởi vì trước đây ông này từng là người đứng đầu Bộ An ninh Quốc gia (MSS), cơ quan chuyên trách giám sát, tình báo, và cảnh sát mật. MSS cũng nổi tiếng về hoạt động gián điệp mạng, theo dõi những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc và ở ngoại quốc, và cuộc đàn áp những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc. Từ các trại tập trung dành cho người Duy Ngô Nhĩ, cho đến các cuộc đàn áp ở Tây Tạng và cuộc đàn áp Pháp Luân Công, MSS đứng sau những hoạt động này, vốn đàn áp bất kỳ ai bất đồng hoặc công khai chỉ trích ĐCSTQ.
Thuật ngữ “an ninh quốc gia” ở Trung Quốc chỉ đơn giản có nghĩa là duy trì sự cai trị độc tài của ĐCSTQ và không liên quan gì đến quốc phòng.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc duy trì một ngân sách an ninh nội địa cao hơn ngân sách quân sự của họ, có nghĩa là ĐCSTQ sẵn sàng bỏ ra bất kỳ giá nào để đàn áp người dân và duy trì quyền lực. Nhiều người tin rằng việc bổ nhiệm ông Trần đánh dấu một kỷ nguyên mà cảnh sát mật sẽ thống trị ở Trung Quốc, mở rộng hơn nữa quy mô hoạt động an ninh nội địa của Trung Quốc và với mục tiêu duy nhất là duy trì quyền lực cho ĐCSTQ.
Hôm 28/10, giới truyền thông nhà nước của ĐCSTQ đưa tin rằng ông Trần đã đảm nhận chức vụ Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương. Ông này đã làm việc trong các ngành công an, an ninh quốc gia, và công tố.
Lý lịch công khai của ông Trần cho thấy ông đã tốt nghiệp Đại học Khoa học Chính trị và Luật Tây Nam Trung Quốc với một bằng về luật. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1984 ở tuổi 24, ông Trần trở thành một cảnh sát cấp cơ sở ở thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. Năm 1994, ông Trần chuyển sang hệ thống An ninh Quốc gia của ĐCSTQ và trở thành Phó giám đốc Sở An ninh Quốc gia tỉnh Tứ Xuyên, chuyên trách tình báo và liên lạc ngoại quốc.
Năm 2002, ông Trần chuyển từ làm việc trong Bộ phận An ninh Quốc gia sang Viện Kiểm sát ở Trung Quốc và trở thành kiểm sát viên cấp tỉnh trẻ nhất trong ĐCSTQ vào thời điểm đó. Trong hệ thống luật dân sự Trung Quốc, kiểm sát viên đại diện cho nhà nước, chịu trách nhiệm điều tra và truy tố tội phạm. Ông Trần đã làm việc trong các ủy ban kỷ luật cấp tỉnh trong hệ thống pháp luật của Trung Quốc từ năm 2006 cho đến khi được thăng chức lên làm người đứng đầu MSS hồi năm 2016.
Bắt đầu thời kỳ cai trị của cảnh sát mật
Ông Trần Kình Tùng (Chen Jinsong), nhà bình luận về các vấn đề thời sự người Mỹ gốc Hoa, đã rất ngạc nhiên khi ông Trần Văn Thanh trở thành Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương của ĐCSTQ vì ông ấy có lý lịch tương đối thấp kém và phải nhảy qua một vài cấp bậc lúc được thăng chức. Ông Trần nói rằng việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia của ĐCSTQ làm người đứng đầu Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương báo hiệu sự khởi đầu của thời kỳ cai trị của cảnh sát mật trong ĐCSTQ.
Ông Trần Kình Tùng đã bày tỏ những quan điểm này trong chương trình YouTube hôm 02/11 của mình. Ông cũng ví đường hướng của ĐCSTQ ngày nay với Liên Xô trong thời đại Stalin. Sau khi những người Bolshevik lên nắm quyền ở Nga hồi năm 1917, Stalin là một trong bảy thành viên của Bộ Chính trị. Sau khi Liên Xô thành lập, Stalin trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Ông Trần Kình Tùng nói rằng Stalin đã thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia, hay còn gọi là KGB, nhằm duy trì sự cai trị độc tài của mình. Kết quả là một số lượng lớn các quan chức cao cấp trong Đảng Cộng sản Liên Xô sau đó đã bị thanh trừng và hành quyết.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times