Phong vị cổ xưa triều Hán tái hiện hào khí nam nhân Trung Hoa
Hơn 2,000 năm trước, triều Hán đã mở ra thời kỳ hoàng kim đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa. Lúc bấy giờ, đất nước Trung Hoa với cương thổ rộng lớn, quốc lực cường thịnh, thành tựu khoa học kỹ thuật và văn hóa nổi bật. Bởi vậy mà có những danh từ như “Hán tộc”, “Hán tự”, “Hán phục”. Dẫu có thay triều đổi đại, nhưng phong vị của triều Hán vẫn được lưu truyền qua các thời đại, phản ánh một thời huy hoàng vĩ đại. Vở vũ đạo “Đại Hán Phong” (Tạm dịch: Uy phong Đại Hán) do Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun chế tác năm 2013 đã tái hiện sinh động sự huy hoàng này.
Bước lên sân khấu là những nam tử triều Hán nghiêm trang, thân mang áo màu xanh lá cây, phối hợp với quần hai lớp màu nâu và xanh lục nhạt, ống tay áo rộng được tô điểm bằng những hoa văn màu trắng thể hiện sự tiêu sái phóng khoáng. Họ đôi khi diễn theo hàng, đôi khi dừng lại hành lễ, lúc lại tung người bay nhảy trên không trung. Các động tác vừa khoan thai lại mạnh mẽ, thể hiện phong thái lịch lãm và khí chất của một đại quốc.
Kỹ xảo vũ đạo cao siêu cùng với sự kết hợp múa nhóm, múa đơn hoặc múa ba, đã thể hiện đầy đủ thân pháp và thân vận của múa cổ điển Trung Quốc, đồng thời truyền tải nội hàm của lễ nghĩa đạo đức truyền thống qua vẻ đẹp tinh tế của nghệ thuật.
Bối cảnh đằng sau là một cung điện cổ đại to lớn và hoa lệ, với những cây cột hình trụ màu nâu khổng lồ, sảnh trước màu xanh lá cây, tạo nên cảm giác uy nghi và huyền bí của hoàng gia. Những chi tiết và màu sắc này vừa vặn tương hợp với phục sức của các diễn viên trên sân khấu.
Xứng đôi với vở múa là bản nhạc được đặc biệt sáng tác. Giai điệu phong phú với nhiều cung bậc đã thành công trong việc làm nổi bật nội dung chính của tác phẩm: Các nhạc cụ gõ và bộ đồng ở phần mở màn tạo nên hiệu ứng trang nghiêm và cao quý; đoạn nhạc tiếp theo mang đặc trưng dân tộc của hý kịch; nhịp chậm của đàn tỳ bà giúp khắc họa nội tâm của các nhân vật, thể hiện những tấm lòng tinh trung báo quốc. Giai điệu của phần cao trào vô cùng du dương và sôi động, như khuấy động từng lớp cảm xúc của khán giả, cho đến phần cuối của tiết mục.
Tác phẩm này của Shen Yun lấy vũ đạo và âm nhạc làm ngôn ngữ, tái hiện khí thái nam tử hán đội trời đạp đất, cũng như sự huy hoàng rực rỡ của triều Hán cổ đại và 5,000 năm văn hóa Trung Hoa. Các động tác hình thể hào hùng, kết hợp với tiết tấu và nhịp điệu của các loại nhạc cụ phương Đông và phương Tây đã xúc động đến thính giác, thị giác và tâm hồn của khán giả, khiến họ vừa phấn chấn tinh thần, vừa rưng rưng nước mắt.
Nói đến thời kỳ hoàng kim của triều Hán, không thể không nói đến Hán Vũ Đế. Đường Thái Tông sau này có câu rằng: “Cận đại bình nhất thiên hạ, thác định biên phương giả, duy Tần Hoàng, Hán Vũ” (Thời cận đại thống nhất bình thiên hạ, xây dựng biên cương, duy chỉ có Tần Thủy Hoàng và Hán Vũ Đế).
Hán Vũ Đế Lưu Triệt là Hoàng đế thứ bảy của nhà Tây Hán, là bậc tài trí kiệt xuất, văn võ song toàn, văn chương lỗi lạc. Ông trị vì 54 năm, đã mở mang lãnh thổ và kiên quyết cải cách, sáng lập nên thời cực thịnh của nhà Tây Hán.
Về mặt quân sự, Hán Vũ Đế bắc phạt Hung Nô, viễn chinh Tây Vực, thu phục Tứ di. Trong thời gian ông tại vị, lãnh thổ triều Hán đã tăng gấp đôi so với những ngày đầu kiến quốc, đảo Hải Nam chính là được hợp nhất vào lãnh thổ của Trung Quốc vào thời điểm đó. Hán Vũ Đế đã phái Trương Khiên đến Tây Vực, mở ra con đường tơ lụa phục vụ cho việc giao lưu văn hóa giữa Tây Vực và Trung Nguyên.
Về mặt chính trị, Hán Vũ Đế đã khởi xướng hệ thống kiểm tra tuyển chọn quan lại, đây là chế độ tuyển chọn nhân tài có hệ thống đầu tiên thời Trung Quốc cổ đại, và có ảnh hưởng lớn đến các thế hệ về sau. Về giáo dục văn hóa, Hán Vũ Đế đã thành lập Thái học, mở ra Nhạc phủ, thúc đẩy tinh thần cầu học của bách tính, cũng như phổ truyền và bảo vệ văn hóa.
Hán Vũ Đế cũng là vị Hoàng đế đầu tiên sử dụng niên hiệu (các vị hoàng đế trước chỉ dùng số năm chứ không dùng niên hiệu). “Hán thư” ghi chép rằng vào tháng 10 năm 122 trước Công nguyên, Hán Vũ Đế khi đang đi săn đã bắt được một con Độc giác thú Bạch lân. Các quan đại thần cho rằng đây là thần thú cát tường, đáng để kỷ niệm, kiến nghị nên dùng nó để ghi nhớ năm, vậy nên đặt niên hiệu là “Nguyên thú”, năm đó là năm “Nguyên Thú” đầu tiên. (Ghi chú: trong giới học thuật có một quan điểm cho rằng “Nguyên Thú” là niên hiệu đầu tiên ở Trung Quốc, những niên hiệu trước đó đều là do Hán Vũ Đế truy ký. Tuy nhiên, quan điểm hiện tại cho rằng niên hiệu Kiến Nguyên khi Hán Vũ Đế lên ngôi mới là niên hiệu đầu tiên ở Trung Quốc).
Ngoài ra, Hán Vũ Đế còn thích tầm Tiên học Đạo, ông đã để lại không ít câu chuyện thần thoại trong dân gian. Ví như “Thái Bình Quảng Ký” có ghi chép lại một giai thoại về cuộc tao ngộ giữa Hán Vũ Đế và Tây Vương Mẫu. Năm nghìn năm văn hóa Trung Hoa quả thực là xứ xứ thần tích, Tiên khí phiêu diêu.
Hơn 2,000 năm sau, vở vũ kịch của Shen Yun đã tái hiện thành công khí thế huy hoàng triều Hán, với lực rung động khó có thể miêu tả bằng lời. Trên thực tế, mỗi điệu múa và âm nhạc nguyên bản của Shen Yun đều chứa đựng những nội hàm văn hóa lịch sử phong phú và sâu sắc, rất đáng để chúng ta thưởng thức nhiều lần và cảm nhận những ý vị sâu xa.
Mời quý vị thưởng thức vở diễn của Shen Yun – “Uy phong Đại Hán”
Video này là một phần trong bộ sưu tập gói cao cấp của Tác Phẩm Shen Yun.
Nhận quyền truy cập để xem video đầy đủ bằng cách đăng ký ngay hôm nay!
✓ Truy cập không giới hạn tất cả video nguyên tác của Shen Yun
✓ Thưởng thức trên tất cả thiết bị, mọi lúc, mọi nơi
✓ Bắt đầu 7 ngày dùng thử miễn phí
✓ Đăng ký tại: https://www.shenyuncreations.com/vi-VN/subscription
The Epoch Times tự hào là một nhà tài trợ của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun. Chúng tôi đã đưa tin về phản hồi của khán giả từ những ngày đầu thành lập Shen Yun vào năm 2006.
Hoan nghênh quý vị tìm hiểu thêm tại:
Tác giả: Cao Thiên Vận
Cao Tĩnh biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ