Hán Vũ Đế thành tâm hướng Đạo, được Vương Mẫu ban chân cơ (Phần 1)
Giấc mộng kỳ lạ nói rõ nhân quả
Hán Vũ Đế Lưu Triệt là nhi tử của Hán Cảnh Đế Lưu Khải, ông nổi tiếng có tài trị quốc, có ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử Trung Hoa. Sở dĩ Vũ Đế có thể dùng đạo trị quốc như thế, quả thực không phải là chuyện của một người bình thường nơi nhân gian.
Trước khi Vũ Đế được sinh ra, Cảnh Đế nằm mộng thấy một con heo màu hồng từ trong mây hạ xuống, đi thẳng vào Sùng Phương Các ở nội cung. Cảnh Đế lập tức giật mình tỉnh giấc. Ông ngồi xe đến thẳng trước Sùng Phương Các, ngẩng đầu nhìn, quả nhiên trên không trung có một con Xích Long (rồng đỏ) cưỡi mây đạp gió, che phủ cửa Sùng Phương Các. Các phi tần trong cung cũng nhìn thấy có ráng mây màu hồng bao trùm trên Sùng Phương Các. Sau khi ráng mây hồng tản đi, chỉ thấy Xích Long đang chuyển lượn vòng quanh giữa các xà nhà trong cung.
Cảnh Đế lập tức cho mời Diêu Ông là một người xem bói đến thỉnh giáo. Diêu Ông tâu rằng: “Đây là điềm báo đại cát đại lợi. Bên trong Sùng Phương Các nhất định sẽ sinh ra một vị Chúa công nắm giữ vận mệnh quốc gia, người này sẽ bình định các dị tộc Di, Địch ở phương bắc, làm cho quốc vận hưng thịnh, là một vị minh chủ khiến cho Vương triều Lưu thị trở thành một thời kỳ hưng thịnh. Vị minh chủ này cũng sẽ tạo ra rất nhiều kỳ văn quái sự”.
Sau đó, Cảnh Đế lại mộng thấy một nữ Thần hai tay nâng mặt trời trao cho Vương hậu, Vương hậu đem mặt trời nuốt xuống. Vương hậu sau đó mang thai mười bốn tháng mới sinh ra Vũ Đế. Cảnh Đế nói: “Trẫm mộng thấy đám mây màu hồng hóa thành Xích Long, người coi bói nói là điềm báo cát tường. Đứa bé này có thể lấy tên là ‘Cát’”.
Lúc Vũ Đế ba tuổi, Cảnh Đế ôm nhi tử đặt trên đầu gối mình, biết đứa bé này rất có linh khí, liền hỏi có nguyện ý làm Hoàng Đế hay không. Vũ Đế thưa lại: “Việc này là do Trời cao an bài, không phải do con định đoạt. Nhưng con nguyện ý ngày ngày ở trong hoàng cung, trước mặt phụ thân mà chơi đùa, quyết sẽ không càn rỡ bất kính mà không làm tròn trách nhiệm của người làm con”.
Cảnh Đế nghe xong lời này, trong tâm càng thêm kinh ngạc, luôn đặc biệt chú ý giáo dục bồi dưỡng đối với người con này.
Qua vài ngày sau, Cảnh Đế lại ôm Lưu Triệt (lúc ấy đang có tên là Lưu Cát) đến trước bàn sách, hỏi Lưu Cát thích đọc sách gì, có thể nói tường tận một chút. Lưu Cát bắt đầu đọc thuộc lòng các tác phẩm của những thánh hiền từ thời Phục Hy đến nay, bao gồm một số sách về luận thuật âm dương ngũ hành và luận văn quốc sách nổi tiếng của các triều đại, đọc thuộc tác phẩm mấy vạn chữ không sót một chữ nào. Đến khi lên bảy tuổi, Cảnh Đế thấy Lưu Cát thông minh thấu triệt hơn người, đã đổi tên thành Lưu Triệt. Sau khi Lưu Triệt kế vị, ông đặc biệt yêu thích đạo thuật tu luyện Thần Tiên. Ông thường đến các vùng danh sơn đại xuyên ở trong nước và vùng núi Ngũ Nhạc để cầu Thần linh, cầu cho mình có thể đắc Đạo thành Tiên.
Thành kính hướng Đạo
Ngày mùng 1 tháng 9 năm Nguyên Phong thứ nhất thời Vũ Đế, Lưu Triệt lên núi Tung Sơn, dựng lên một tòa Đạo quán, trai giới bảy ngày, sau khi lễ bái xong thì ông trở về cung.
Vào một ngày tháng Tư năm Mậu Thìn, Vũ Đế ngồi chơi trong Thừa Hoa Điện, cùng Đông Phương Sóc và Đổng Trọng Quân nói chuyện phiếm, đột nhiên trông thấy một mỹ nữ mặc áo xanh vô cùng xinh đẹp. Vũ Đế lấy làm quái lạ, hỏi nàng là ai, mỹ nữ đáp: “Tôi là Ngọc Nữ của Vương Cung ở trên Trời, tên là Vương Tử Đăng. Tây Vương Mẫu phái tôi từ núi Côn Lôn đến thăm ngài. Nghe nói ngài không coi trọng cơ nghiệp của Đế Vương, chuyên tâm tìm Đạo cầu trường sinh, nhiều lần rời xa ngôi Vương của mình đến Tam Sơn Ngũ Nhạc để cầu khẩn Thần linh. Những người có tâm chịu khó cầu Đạo như ngài nên được truyền dạy chân Đạo. Từ hôm nay trở đi, xin ngài không nên hỏi đến chính vụ, hãy tĩnh tâm trai giới, cho đến ngày 7 tháng 7, Vương Mẫu sẽ giáng xuống thăm ngài”.
Vũ Đế nhanh chóng rời khỏi chỗ ngồi cúi lạy hành lễ, đáp ứng nhất định chiếu theo những lời chỉ dẫn dặn dò của Ngọc Nữ mà làm. Vừa mới lạy xong, Ngọc Nữ lập tức biến mất.
Vũ Đế hỏi Đông Phương Sóc rốt cuộc nàng là ai. Đông Phương Sóc đáp: “Nàng là Ngọc Nữ trong Cung Tử Lan của Tây Vương Mẫu, thường truyền đạt sứ mệnh của Tây Vương Mẫu, hay lui tới giữa Phù Tang ở Đông Hải và Linh Châu ở Tây phương. Nàng thay Huyền Đô Cung ở trên Trời truyền đạt lại mệnh lệnh cho con người ở thế gian”.
Vũ Đế lập tức đi lên đài quán, nơi được xây dùng để nghênh tiếp Thần Tiên, ăn chay thành tâm thành ý cầu khấn, đem chính vụ trong triều giao cho Tể tướng toàn quyền giải quyết. Đến ngày 7 tháng 7, ông lệnh cho quét dọn và đổi mới hoàn toàn trong ngoài cung đình. Trên đại điện ông cho đặt riêng ghế ngồi cho Tây Vương Mẫu. Dưới mặt đất ông cho trải thảm tơ tằm màu tím, thắp hương trăm nén, treo lên màn trướng gấm hoa, thắp lên đèn đuốc rực rỡ chiếu sáng tứ phía, bày ra táo ngọt do các bậc tôn quý tiến cống, rót sẵn rượu vang của Tây Vực, còn bày biện loại dưa thượng đẳng nhất của nội cung, làm thực phẩm tiếp đãi Thần Tiên ở Thiên Cung.
Đến canh hai đêm khuya, bỗng nhiên trên không trung phía Tây Nam mây cuồn cuộn dâng lên, hướng thẳng cung đình mà bay đến. Càng đến gần, người ta phảng phất còn nghe thấy trong mây có tiếng tiêu tiếng trống và tiếng người hô ngựa hí. Khoảng trong thời gian nửa bữa cơm, Tây Vương Mẫu đã đến trước điện, chư Tiên cũng như đàn chim cùng theo đến.
Vương Mẫu được hai thị nữ đưa lên đại điện, nhìn dáng dấp của thị nữ chừng 16, 17 tuổi, mặc y phục bằng gấm màu xanh, mắt tựa như làn thu thủy, dáng người xinh đẹp thướt tha, thực là mỹ nhân toàn vẹn. Trên vai Vương Mẫu khoác áo choàng rộng dệt từ hoàng kim, phát ra hào quang rực rỡ, dáng vẻ đoan trang. Trên áo buộc dải lụa Linh Phi chuyên dùng của Thần Tiên, bên hông đeo bảo kiếm có tên “Phân Cảnh”, tóc chải búi cao có hình Thái Hoa Sơn, đội mũ “Thái Chân Thần Anh” chuyên dùng của Thần Tiên, chân mang hài ngọc đen có khắc hoa văn hình phượng. Xem chừng Vương Mẫu khoảng độ 30 tuổi, vóc người cao vừa phải, dung nhan tú lệ, mỹ mạo tuyệt luân, thực đúng là một vị Tiên nhân.
Bài viết đăng lại từ trang báo Chánh Kiến.
Kiết Y biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ