Đạo hạnh của người cầm bút trong thời kỳ hỗn loạn
Khi Lưu Hi Đồng được đoàn làm phim yêu cầu viết bốn chữ bằng thư pháp Trung Quốc, ông đã đồng ý ngay lập tức, một cách sẵn lòng và vì những lý do mà đoàn làm phim lúc đó chưa thể hiểu được.
Từng là một nhà thư pháp nổi tiếng ở Trung Quốc, ông Lưu rời khỏi quê hương khi bị Trung Cộng bức hại vì đức tin của mình. Sau khi di cư sang Hoa Kỳ, ông đã tạm gác bút để theo đuổi công lý.
Vào ngày bấm máy, ông Lưu và các nhà làm phim tài liệu đã thảo luận về một cảnh thư pháp khi họ chuẩn bị trường quay. Bộ phim tài liệu “Khi đại dịch đến,” được sản xuất bởi Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTD), nói về nhân loại đang ở ngã ba đường trong thời kỳ hỗn loạn của đại dịch.
Trong phim, các sự kiện lịch sử được sắp xếp diễn ra song song với thời hiện đại. Dịch bệnh đã đẩy các nền văn minh cổ đại ở cả phương Đông và phương Tây vào tình trạng hỗn loạn, không chỉ mang lại chết chóc và loạn lạc mà còn phản ánh rõ rệt một xã hội không còn đề cao đạo đức của con người.
Ông Lưu sẽ viết một câu thành ngữ tiếng Trung gồm 4 từ được lấy từ văn tự cổ của Trung Quốc “Tứ thư”, mà Chu Hi đã dịch là cuốn “Những lời suy ngẫm của Khổng Tử”.
4 từ đó có nghĩa là “Vật cực tất phản” – “Khi mọi thứ hỗn loạn đến cực điểm, trật tự phải được khôi phục.”
Tác phẩm hiện được rao bán tại: InspiredOriginal.org
Sau đó, ông Lưu đã chia sẻ câu chuyện của mình. Vì thực hành các nguyên lý Chân, Thiện và Nhẫn của Pháp Luân Công giống như 70 triệu công dân Trung Quốc khác, ông là mục tiêu trong chiến dịch bức hại của Trung Cộng.
Một xã hội hỗn loạn và tà ác
“Tôi đã bị kết án và giam giữ bất hợp pháp ba năm trong trại lao động của Trung Cộng và ở tù bốn năm,” ông Lưu nói trong một cuộc phỏng vấn sau khi bộ phim hoàn thành. Đó là những tháng ngày đau khổ. “Tôi mất tự do và môi trường sáng tạo, học tập và viết thư pháp. Tôi đã phải chịu sự đánh đập, bạo lực và lăng mạ từ các cai ngục của Trung Cộng và những tù nhân. Tôi đã phải xét nghiệm máu do bị họ đánh dấu lấy nội tạng, và những tháng năm đó giống như một cuộc chạy đua giữa sự sống và cái chết.”
Năm ngoái, sự xuất hiện của COVID-19 và việc Trung Cộng xử lý sai tình hình dịch bệnh cũng khiến toàn cầu chú ý đến các hành vi sai trái khác của chế độ này – cuộc đàn áp tàn bạo kéo dài hàng thập kỷ đã ảnh hưởng đến cuộc đời của ông Lưu là một ví dụ.
Sau khi Trung Cộng cấm Pháp Luân Công vào ngày 20/07/1999, hàng ngàn học viên đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện, và ông Lưu cũng có mặt ở đó. Sau đó, các nhân viên cảnh sát xông vào nơi làm việc của ông, còng tay và bắt cóc ông để thẩm vấn trước khi tống ông vào trại lao động. Tại đây, ông phải trải qua các phương pháp “cải tạo,” hoặc tẩy não từ năm 2000 đến năm 2003. Việc bắt giam bỏ tù ông Lưu là một hành vi bất hợp pháp, thậm chí là bất hợp pháp theo luật của Trung Cộng. Cuối cùng, vào năm 2004, ông đã được tha bổng.
Nghệ thuật có khả năng hàn gắn
Ông Lưu cho biết, sau khi được thả, ông đã bắt tay vào sáng tạo nghệ thuật như thể cá gặp nước. Kể từ ngày 20/07/1999, nhiệm vụ chính của ông là nói rõ sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công trong khi Trung Cộng ra sức bôi nhọ. Ngoài thời gian đó, mỗi giây phút còn lại ông lại dành hết mình cho nghệ thuật thư pháp, và ông đã sáng tác hàng nghìn tác phẩm.
Trong lúc này, ông cũng nghe thấy những tin đồn kỳ lạ về mình: rằng danh tiếng của ông với tư cách là một nghệ sĩ đã suy giảm mạnh từ khi ông tu luyện, rằng ông đã bị cha mẹ từ hoặc ông đã tự tử. Tất nhiên không điều nào trong số đó là đúng, nhưng thay vì tranh luận để bác bỏ những lời đàm tiếu đó, ông Lưu đã mở một cuộc triển lãm thư pháp vào năm 2007.
Bất chấp những lời thị phi, hoặc có thể vì nó mà cuộc triển lãm đã chật cứng người, khán giả rất kinh ngạc trước những tác phẩm của ông. Họ bày tỏ rằng cuộc triển lãm của ông khác biệt so với những cuộc triển lãm họ từng tham gia. Một số người tham dự cho biết toàn bộ khán phòng như tỏa ra năng lượng của sự từ bi và hòa ái, và nó đã để lại một ấn tượng khó quên đối với họ. Mặc dù báo chí nhà nước Trung Quốc vẫn xuất bản những bài báo tuyên truyền chống lại Pháp Luân Công và các tín đồ, cuộc triển lãm của ông Lưu vẫn được báo chí ca ngợi và họ cũng đăng tải những bình luận của ông về nghệ thuật và đạo đức truyền thống.
Nhưng vài ngày sau cuộc triển lãm, ông Lưu bị cảnh sát giam giữ, và vợ của ông cũng bị cảnh sát bắt giữ sau khi họ lục soát nhà ông. Ông bị thẩm vấn và giam cầm trong một tháng. Sau đó vào năm 2008, ông bị kết án phi pháp bốn năm tù, trong thời gian đó ông phải đối mặt với những đòn tra tấn dữ dội — tất cả chỉ vì ông không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.
Ông Lưu lên tiếng cho Pháp Luân Công vì đã mở rộng tầm mắt của ông đối với đức hạnh, đạo đức, phẩm giá của con người, tầm quan trọng của Thần, và điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến công việc của ông. Trên thực tế, trước khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, nghệ thuật của ông mang một phong cách hoàn toàn khác.
Món quà từ Thần
Sinh ra trong một gia đình không biết chữ, ông Lưu là người duy nhất trong 5 anh chị em biết viết. Từ năm 3 tuổi, ông đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật khi bắt đầu vẽ lại những kiệt tác. Ở trường, cậu bé Lưu đã thể hiện tài năng của mình về hội họa, điêu khắc và thư pháp.
“Tôi đã được ban phước từ khi còn nhỏ,” ông Lưu nói qua email. Ông đắm mình trong những tác phẩm cổ xưa vĩ đại, như những tác phẩm thời Hoàng đế Khang Hy nhà Thanh và Hoàng đế Thái Tông nhà Đường, đồng thời nghiên cứu các bản thảo lụa từ triều đại nhà Tần và nhà Hán, các bản khắc bằng đồng và nhiều chữ viết khác nhau. Ông giải thích rằng đối với ông, đó là những kho báu hàng nghìn năm tuổi, mỗi thời đại và mỗi học giả xuất sắc đều thấm nhuần nghệ thuật bằng nét riêng của họ. Và khi nghiên cứu những tác phẩm lớn, ông đã phát triển một phong cách và lối đi riêng cho mình.
Ông Lưu nói: “Thư pháp Trung Quốc không chỉ là một kho tàng văn hóa truyền thống của Trung Quốc được truyền lại bởi các vị Thần, mà nó là một nghệ thuật đỉnh cao có một không hai trên thế giới này. Nó có một lịch sử phát triển lâu đời và phong phú.”
Nhưng khi trưởng thành, ông ngày càng vỡ mộng trong thế giới quan của chính mình. Ông đắm chìm trong thứ văn hoá ngang ngược và ích kỷ, bị bủa vây bởi những Đảng viên Trung Cộng và làm việc trong những cơ quan của Đảng. Những điều này nhanh chóng ngấm vào các tác phẩm nghệ thuật của ông, thay vì đi theo truyền thống, ông đã chọn chạy theo mốt và xu thế. Ông tạo ra các tác phẩm theo phong cách thư pháp hiện đại hay còn gọi là “chữ thảo”. Công chúng đón nhận các cuộc triển lãm của ông, báo chí ngợi ca và vinh danh ông cùng các giải thưởng.
Nhưng vào những năm 1990, ông đã bắt đầu thức tỉnh.
Pháp Luân Công đã được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, chỉ sau vài năm đã có hàng triệu người tu tập. Năm 1996, ông Lưu bước vào tu luyện.
Pháp Luân Công đã dạy các bài tập thiền và ba nguyên lý Chân, Thiện, Nhẫn. Đây là một phần trong văn hóa tu luyện truyền thống của Trung Quốc. Hàng triệu người đã tham gia thực hành môn tập và nhận thấy sự cải thiện rõ rệt về sức khỏe thể chất và tinh thần. Pháp môn cũng nhanh chóng lan rộng thông qua việc truyền miệng từ người này sang người khác. Đó là sự trở lại với nền văn hóa và đạo đức truyền thống của Trung Quốc mà nhiều người khao khát tâm linh mong đợi.
Ông Lưu nói rằng những nguyên tắc này là tấm gương phản chiếu tâm hồn ông và khiến thế giới quan của ông thay đổi đáng kể. Ông cảm thấy mình đã lạc xa khỏi các nguyên tắc và thẩm mỹ truyền thống của nghệ thuật thư pháp. Bản thân ông đã từng trở thành một kẻ ích kỷ, không có lý tưởng cao đẹp hay đạo đức truyền thống, và điều này phản ánh rất rõ ràng trong tác phẩm nghệ thuật của ông.
Ông Lưu đã không đoán trước được sự hiển linh của Thần — ông đã đốt hết các tác phẩm hiện đại của mình và thề sẽ một lần nữa duy trì những lý tưởng truyền thống. Nghệ thuật thư pháp là đỉnh cao của một nền văn hóa được cho là lấy cảm hứng từ Thần, và tài năng của ông là một phước lành; ông dự định sẽ tôn vinh điều đó.
“Nếu một nghệ sĩ tuân theo chỉ dẫn của Thần và vận dụng các kỹ năng được Thần ban cho để thể hiện vẻ đẹp của Thiên quốc, để kết nối con người hòa hợp với thế giới, để theo đuổi đức hạnh và sự lương thiện… thì các tác phẩm sẽ phản ánh một vẻ đẹp thực sự lay động lòng người,” ông Lưu nói.
Ông muốn các tác phẩm của mình phản ánh sự thật và vẻ đẹp của vũ trụ. Và thư pháp, môn nghệ thuật phản ánh tâm hồn nghệ sĩ, đòi hỏi ông Lưu phải cống hiến hết mình cho điều đó. Ông đã quyết định để Chân, Thiện, Nhẫn dẫn đường.
Thư pháp không phải là một nghệ thuật thu lợi từ một trạng thái bế tắc và tâm trí điên cuồng. Thay vào đó, bạn cần một tâm hồn trong sáng và đức hạnh, ông Lưu giải thích.
Ông Lưu nói: “Quá trình viết thư pháp là quá trình biểu đạt tính bí ẩn và khoa học của đời sống và vũ trụ một cách tinh tế, nó thể hiện qua ngòi bút. Thư pháp là sự kết hợp tuyệt vời giữa khả năng thiên bẩm và nỗ lực của con người trên nền giấy.”
Vài năm trước, ông Lưu cuối cùng cũng có thể rời Trung Quốc. Khi đến Hoa Kỳ, ông đã gác lại niềm đam mê nghệ thuật để tập trung hơn vào sứ mệnh nói rõ sự thật về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Trung Cộng. Nhưng khi những lời truyền miệng về tài năng của ông Lưu đến tai một nhà sản xuất phim tài liệu, ông cảm thấy hạnh phúc khi có thể sử dụng món quà của mình để tiếp tục sứ mệnh.
“Tôi luôn mong ước được tiếp tục con đường tu dưỡng bản thân, quay trở lại với truyền thống và để lại một tham chiếu về nghệ thuật thư pháp cho hậu thế,” ông Lưu nói.
Catherine Yang biên tập
Thuần Thanh biên dịch
Xem thêm: