Thiên cổ anh hùng – Vua Nghiêu, Thuấn, Vũ (P.9): Khai sáng kỷ nguyên mới cho Hoa Hạ
Hồng phạm cửu trù
Sau khi Đế Thuấn hồi thiên, Vũ để tang Đế Thuấn ba năm, sau đó nhường lại ngôi vị cho con trai của Thuấn là Thương Quân, rồi lui về ở ẩn tại Dương Thành. Nhưng chư hầu trong thiên hạ đều không đến triều bái Thương Quân, mà đến triều bái Vũ. Vũ kế vị lên ngôi Thiên tử, lấy quốc hiệu là Hạ.
Sau khi kế vị, đầu tiên Vũ tế cáo với Thiên địa Thần linh. Đại Vũ dập đầu cầu Trời, Trời ban cho Vũ “Hồng phạm cửu trù”.
Một hôm, Đại Vũ đến núi Hùng Nhĩ, là nơi đầu nguồn của sông Lạc Thủy, Thần Quy xuất hiện đi thẳng đến phía trước Vũ, trên lưng Thần Quy có đồ hình và văn tự, Vũ dùng bút vẽ theo mẫu hình trên đồ hình. Một bên là số, từ một đến chín, sắp xếp có trật tự, tính tổng theo chiều ngang và chiều dọc đều cho kết quả là 15. Một bên là văn tự, ghi tên các trù từ một đến chín: Ngũ hành, Kính dụng ngũ sự (Kính dùng năm việc), Nông dụng bát chính (Dùng cho đầy đủ tám điều chính yếu), Hiệp dụng ngũ kỷ (Dùng đủ năm điều ghi chép để định mùa màng), Kiến dụng hoàng cực (Dựng lên những mực thước về đạo làm Vua), Nghĩa dụng tam đức (Cai trị dùng ba đức tốt), Minh dụng kê nghi (Sáng suốt dùng những cách để xét kỹ các việc nghi ngờ), Niệm dụng thứ trưng (Xét dùng những việc trưng nghiệm về thời tiết), Hướng dụng ngũ phác uy dụng lục cực (Hứa trước và dùng năm điều phúc lành, ra oai trước và dùng sáu điều tai vạ rất cực).
Khi rảnh rỗi, Vũ thường đem Lạc thư này ra nghiên cứu, đem nó xếp lại theo trật tự, phân thành chín loại, và giải thích thêm cho hoàn thiện, chính là “Hồng phạm cửu trù”.
“Hồng phạm cửu trù”, là chín trách nhiệm của Thiên tử, cũng là chín lương trị hạ. Cụ thể: trù thứ nhất là Ngũ hành, trù thứ hai là Kính dụng ngũ sự, trù thứ ba là Nông dụng bát chính, trù thứ tư là Hiệp dụng ngũ kỷ, trù thứ năm là Kiến dụng Hoàng cực, trù thứ sáu là Nghĩa dụng tam đức, trù thứ bảy là Minh dụng kê nghi, trù thứ tám là Niệm dụng thứ trưng, trù thứ chín là Hướng dụng ngũ phác uy dụng lục cực.
Ý nghĩa: (Tham khảo sách “Thượng thư”)
Trù thứ nhất là Ngũ hành: Đấng quân vương phải am tường vật lý, phải khéo léo vận dụng tài nguyên đất nước để lo cho dân no ấm.
Trù thứ hai là Kính dụng ngũ sự: Đấng quân vương phải biết phương pháp tu thân, đầu tiên là dáng điệu phải nghiêm trang kính cẩn, thứ hai là nói năng phải hợp lý, thứ ba là trông nhìn phải cho sáng suốt, nghe ngóng phải cho tinh tế, cuối cùng là nghĩ ngợi phải cho thấu triệt. Đạt được ngũ sự thì đấng quân vương sẽ hội tụ được trang nghiêm, oai vệ, lý sự, đàng hoàng, khôn ngoan, sáng suốt, tinh tường, mưu lược, thánh thiện và đạo đức.
Trù thứ ba là Nông dụng bát chính: Đấng quân vương phải biết phương pháp trị dân, cương lĩnh trị dân gồm tám điểm, thứ nhất là phải lo cho dân no ấm, thứ hai là phải sung túc và tiện nghi, thứ ba là có lễ nghi và biết tế tự, thứ tư là có nhà cửa và đất đai, thứ năm là có một nền giáo hóa tốt đẹp, thứ sáu là cho dân không bị bọn gian ác và bất lương quấy nhiễu, thứ bảy là phải biết đường tiếp nhân xử thế, thứ tám là dân phải được bảo vệ tính mạng, tài sản và thoát được nạn ngoại xâm.
Trù thứ tư là Hiệp dụng ngũ kỷ: Đấng quân vương phải am tường ý nghĩa của lịch pháp, sự chuyển động của nhật nguyệt cùng với các hành tinh, có kiến thức như vậy thì mới biết cách dạy dân điều hòa công tác cho hợp thời, hợp tiết để được ấm no và thịnh vượng, tạo cho trời đất và người cùng hòa tấu một bản nhã ca thanh bình và thái thịnh.
Trù thứ năm là Kiến dụng hoàng cực: Đấng quân vương sẽ ở ngôi Hoàng cực thay Trời trị dân, muốn được vậy thì đấng quân vương phải có đức hạnh tuyệt vời, siêu phàm và thoát tục, lúc ấy mới xứng đáng là trung gian giữa Trời và muôn dân.
Trù thứ sáu là Nghĩa dụng tam đức: Thuật trị dân phải dựa vào ba đức là chính trực, cương và nhu, nói thế tức là muốn trị dân chính trực chưa đủ, còn phải dựa vào cương và nhu tùy thời.
Trù thứ bảy là Minh dụng kê nghi: Đấng quân vương phải biết suy nghĩ, bàn bạc và hỏi han khi gặp trường hợp nan giải, đứng trước một công việc trọng đại thì phải hội ý của chư hầu, khanh sĩ, thứ dân và Trời. Hỏi Trời bằng cách bói cỏ thi hoặc mai rùa, sau đó phối kiểm lại thì sẽ biết thế nào là tốt và thế nào là xấu, cuối cùng sẽ tìm ra được đường lối đẹp đẽ nhất để xử sự.
Trù thứ tám là Niệm dụng thứ trưng: Đấng quân vương phải nhìn vào các điềm tượng của Trời mà soát xét lại đường lối cai trị của mình, xem tuần tiết độ lượng gió mưa và nóng lạnh của Trời mà suy ra mình đã cai trị tốt hay không tốt. Lý do là đấng quân vương đúng danh hiệu sẽ cảm ứng được với đất trời và hiểu được tiếng nói thầm lặng của đất trời cùng các biến thiên của thời tiết. Ví dụ nếu thấy quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt dồi dào thì cách cai trị dân nước đã khôn khéo, dân thịnh nước yên, nếu quanh năm thời tiết gàng quải, lúa má hư hao thì chắc là việc trị dân đã tối tăm kém cỏi, dân suy nước khổ.
Trù thứ chín là Hướng dụng ngũ phác uy dụng lục cực: Đấng quân vương phải nhìn vào tình cảnh nhân dân để nhận định giá trị nền cai trị của mình, nếu cai trị hay thì dân chúng sẽ hưởng được ngũ phúc là thọ, giàu, yên vui, ham chuộng nhân đức và chết già yên ổn; nếu cai trị dở dân sẽ lao lung tật bệnh, tảo vong, yểu tử, khổ sở, bất lương, thế là dân lại lâm vào vòng lục cực như chết non, bệnh tật, lo buồn, nghèo khổ, tội ác và yếu ớt.
Đúc Cửu đỉnh thống nhất Hoa Hạ
Sau khi Vũ lên ngôi, chư hầu trong thiên hạ tụ họp về Đồ Sơn. Để kỷ niệm lần thịnh hội này, Đại Vũ quyết định đem đồng đen do các nơi cống nạp đúc thành chín vạc lớn (Cửu đỉnh). Lấy đồng của châu cống nạp để đúc thành một đỉnh của châu đó, lại cho khắc lên đỉnh hình thế núi sông của châu đó; đồng thời cũng cho khắc lên đỉnh những đồ vật và cầm thú kỳ lạ gặp được lúc trị thủy trước đây ở châu đó, dùng đỉnh đó làm biểu tượng cho một châu, Cửu đỉnh biểu tượng cho Cửu Châu. Trong đó, đỉnh của Dự Châu làm đỉnh lớn ở giữa. Cửu đỉnh được đặt ở đô thành triều Hạ, biểu tượng Đại Vũ chính là chủ nhân của Cửu Châu, thiên hạ từ đây thống nhất. Sau đó Cửu đỉnh trở thành biểu tượng của “Thiên mệnh”, là bảo vật trấn quốc, tượng trưng cho quyền lực do Thần ban cho Hoàng Đế. Nhà Hạ diệt vong, Cửu đỉnh chuyển cho nhà Thương, nhà Thương diệt vong, Cửu đỉnh chuyển sang nhà Chu, ba triều đại Hạ Thương Chu trao truyền cho nhau.
Tại đại hội trên núi Đồ Sơn, Vũ đã giết kẻ kiêu ngạo, không chịu thần phục là Phòng Phong, khiến chư hầu bội phục.
Đại Vũ đi tuần về phía Nam, đến sông Tế Giang, lúc đang đến giữa dòng thì có hai con rồng vàng cõng thuyền lên, mọi người trên thuyền thảy đều kinh sợ. Vũ cười nói: “Ta nhận mệnh Trời ban, chỉ biết tận lực phụng dưỡng nhân dân. Được sống là cái điều tự nhiên, phải chết là vận mệnh định sẵn. Sao phải lo lắng về rồng vậy!” Thế rồi rồng vẫy đuôi sau đó biến mất.
Mô thức quản lý thống nhất thiên hạ
Thời kỳ trước Hạ Vũ, bao gồm cả thời kỳ Nghiêu – Thuấn, là thuộc về thời kỳ liên minh các bộ lạc, là một khối thống nhất lỏng lẻo, các tù trưởng của thị tộc và bộ lạc sẽ tự vận hành và quyết định những việc của các thị tộc. Khi triều Hạ kiến lập đã đưa ra rất nhiều biện pháp để thống nhất mệnh lệnh và ổn định trật tự xã hội, tránh xâm phạm lẫn nhau.
(1) Phân thành các châu để trị. Ban đầu tất cả các thị tộc và bộ lạc đều thực hiện theo cách thức thị tộc tự quản lý, giữa các thị tộc bộ lạc không có quan hệ lãnh đạo và bị lãnh đạo, chỉ có quan hệ thông hôn và liên minh với nhau. Phương thức gọi là “Chủ chung của thiên hạ” áp dụng từ thời Hoàng Đế cho đến vua Nghiêu cũng không có tính quan hệ lệ thuộc và nghĩa vụ mạnh mẽ. Sau khi triều Hạ thành lập đã chuyển đổi từ hình thức thị tộc thành hình thức địa khu. Người đứng đầu các châu được gọi hoặc là Quốc quân phong quốc, hoặc là Quốc quân phương quốc, tất cả đều do Hạ Vũ đích thân phê chuẩn và chịu sự lãnh đạo và quản lý của triều đình.
(2) Định ra năm quy định về cống nạp. Trước đây, các vật phẩm do các thị tộc, bộ lạc cống nạp cho “Chủ chung của liên minh” đều mang tính chất dâng biếu, báo đáp và kết nối, không có tính nghĩa vụ và pháp định. Sau khi triều Hạ kiến lập, triều đình sẽ căn cứ vào tình hình thực tế sản vật của các châu, mà xác định số lượng và chủng loại vật phẩm cần cống nạp của mỗi châu, ngay cả thời gian và tuyến đường đi cống nạp cũng đều có quy định. Đây là trách nhiệm và nghĩa vụ mà các phong quốc phải hoàn tất, là một loại quy định mang tính pháp luật, không thể thương lượng.
“Thượng Thư – Vũ Cống” ghi lại rằng, Vũ đưa ra luật “Ngũ phục cống phú”. Phú tức là thu thuế, triều đình ban hành quy định mang tính cưỡng chế để thu thuế từ người dân. Cống tức là các chư hầu tự giác cống nạp lên triều đình.
“Vũ cống” quy định rằng ngoài kinh thành nhà vua, bốn mặt 500 dặm đều gọi là Điện Phục, tức là vùng đất Thiên tử thu thuế ruộng. Cụ thể từ kinh thành ra đến 100 dặm, thuế ruộng nộp toàn thân cây lúa. Từ 100 đến 200 dặm nộp cả bông lúa. Từ 200 đến 300 dặm, nộp cả thân bông lúa bỏ bì rồi phải đi phục dịch việc công nữa. Từ 300 dặm đến 400 dặm nộp thóc. Từ 400 đến 500 dặm nộp gạo.
Khu vực 500 dặm ngoài Điện Phục là Hầu Phục, Hầu Phục là phục dịch cho quốc gia và Thiên tử. Khu vực 100 dặm ngoài Điện Phục là đất của Khanh Đại phu, phạm vi ngoài 200 dặm là đất phong cho những nước nhỏ, tiếp đến phạm vi ngoài 300 dặm là đất phong của chư hầu. Khu vực 100 dặm gần Điện Phục nhất sẽ nhận sai dịch của Thiên tử, khu vực 200 dặm đảm nhận sai dịch của quốc gia, khu vực 300 dặm đảm nhận việc trinh sát.
Khu vực 500 dặm bên ngoài Hầu Phục là Tuy Phục, tức là địa khu được sự vỗ về và giáo hóa của Thiên Tử. Khu vực 300 dặm gần Hầu Phục, Thiên Tử sẽ truyền bá pháp độ lễ nhạc, giáo dục, v.v.; tiếp đến phạm vi bên ngoài 200 dặm phải rèn luyện võ bị để bảo vệ Thiên Tử.
Khu vực 500 dặm bên ngoài Tuy Phục là Yêu Phục, tức là địa khu chịu sự ước thúc và phục tùng Thiên Tử. Khu vực 300 dặm bên Tuỳ Phục phải tuân thủ giáo hóa, chung sống hòa bình; khu vực 200 dặm tiếp theo phải tuân thủ các điều ước của Vương pháp.
Khu vực 500 dặm bên ngoài Yêu Phục là Hoang Phục, tức là địa khu hoang vắng xa xôi bảo vệ cho Thiên Tử. Khu vực 300 dặm gần Yêu Phục, duy trì quan hệ lệ thuộc; khu vực 200 dặm tiếp theo, việc tiến cống hay không có sự linh hoạt không cố định.
(3) Thống nhất lịch pháp. Lịch pháp bắt nguồn từ việc quan trắc thiên văn, thiên tượng, từ thời Phục Hy cho đến Nghiêu – Thuấn – Vũ, đều đặt việc quan trắc thiên tượng, nắm vững quy luật vận hành của trời đất nhật nguyệt tinh tú, điều hòa âm dương bốn mùa là ưu tiên hàng đầu. Cách ghi ngày, tháng, năm theo can chi của truyền thống Trung Hoa đã bắt nguồn từ rất sớm, và cho đến thời kỳ Nghiêu – Thuấn lịch pháp đã được đổi mới và thống nhất. Sự hưng khởi của mỗi một triều thời cổ đại đều có sự liên quan đến việc “cải chính sóc” (tức là việc đặt ra ngày đầu tiên của một năm) và thống nhất lịch pháp. Sau khi triều Hạ thành lập đã ban bố “Hạ lịch” cho các nước, đây chính là “Hạ Tiểu Chính”. Căn cứ theo phương vị mà chuôi Sao Bắc Đẩu chỉ khi xoay chuyển mà xác định tháng, lấy vị trí chuôi Sao Bắc Đẩu chỉ về hướng Đông nghiêng về phương Bắc để đánh dấu tháng “Kiến Dần” tức tháng Giêng, mỗi 12 tháng tính là một năm. Lịch của triều Hạ dựa theo trình tự 12 tháng, mô tả nông sự và chính sự nên làm của mỗi tháng ứng với tinh tượng, khí tượng, vật tượng, để thuận tiện cho sản xuất nông nghiệp. Cứ ba năm, lại có thêm một tháng nhuận, năm đó còn gọi là năm nhuận, năm nhuận có 13 tháng, để điều chỉnh phù hợp lại lịch theo mối quan hệ giữa chu kỳ Mặt Trời và chu kỳ thiên văn. Lịch của triều Hạ về cơ bản vẫn được dùng cho đến hiện nay.
(4) Xây thành đào hào. Vào thời cổ đại, thành chính là quốc gia. Thành quách thời Hạ đã có hệ thống nhất định, cổng thành, đường ngõ, phòng xá, đều có bố cục nhất định.
(5) Chế định Vũ hình. Theo ghi chép, hệ thống pháp luật của triều Hạ chủ yếu bao gồm hình pháp và quân pháp. Người đời sau nghiên cứu thuật lại rằng, vào triều Hạ đã có 3,000 điều hình pháp.
Công thành viên mãn, Đại Vũ hồi thiên
Đại Vũ trị lý Cửu Châu, bình ổn thủy thổ, sáng lập mảnh đất Thần Châu, đúc Cửu đỉnh thống nhất Hoa Hạ, xác lập chế độ cống nạp, kiến lập và hoàn thiện thể chế quản lý, vương đạo đầy đủ. Đại Vũ đối với việc tu đạo cũng rất có tâm đắc, ông đã viết ba bộ sách: “Chân linh bảo yếu tập”, “Thiên quan bảo thư” và “Linh bảo trường sinh pháp”.
Còn một số việc ông vẫn chưa hoàn thành, đó là rất nhiều bảo vật tìm được trong quá trình trị thủy cần được xử lý, có cái cần trả về chỗ cũ, có cái cần phong kín cất giấu, không thể để những bảo vật đó phân tán trên thế gian. Cuối cùng Đại Vũ quyết định, ngoài cuốn bảo thư do Tây Thành Vương Quân năm đó tặng sẽ được ông mang trả về chỗ cũ ở sơn động Vương Ốc ra, thì các bảo vật khác, bao gồm cả ba bộ sách mà ông viết, tất cả đều đem đi cất giấu trong núi ở các nơi, để chờ đợi người có duyên.
Về người kế vị Đế Vũ làm Thiên tử, ông chọn Cao Dao làm người kế vị, để tiến cử với Thượng thiên, và trao truyền việc quốc chính, nhưng Cao Dao đã là nguyên lão của ba triều đại, tuổi tác so với Vũ còn lớn hơn, chưa kịp kế vị thì đã qua đời. Vũ lại chọn Ích, Ích có công phò tá Vũ trị thủy, nhưng không có kinh nghiệm cai quản bá quan.
Sau bảy năm, Vũ Đế đến phương Đông thị sát, đến Cối Kê. Tại đó, Thượng thiên phái một vị Thiên Thần cưỡi rồng nghênh đón Đại Vũ hồi thiên.
Sau ba năm để tang, Ích cũng như Vũ và Nghiêu, muốn nhượng vị cho con của Vũ là Khải, tới ẩn cư ở phía Nam núi Cơ. Khải – con trai của Vũ, là người hiền đức, lòng người trong thiên hạ đều quy hướng về. Tuy rằng Vũ truyền ngôi cho Ích, nhưng Ích chỉ phò tá Vũ trong thời gian ngắn, cho nên, chư hầu đều rời khỏi Ích mà đi triều bái Khải, nói rằng: “Đây là con trai của Vũ Đế, bậc quân vương của chúng tôi”. Thế nên Khải đã kế thừa ngôi vị Thiên tử, đó chính là Hạ đế Khải.
* * *
Những điều mà ba vị Thánh quân Nghiêu – Thuấn – Vũ cùng nhau diễn dịch là cảnh tượng mỹ hảo có thể đạt được khi con người có đạo đức cao thượng: con người kính Thiên trọng đức, Thần tích thường triển hiện ở thế gian; Đế vương nhường ngôi mà kế vị, người được bổ nhiệm dựa trên đức, phải trải qua nhiều khảo nghiệm, còn phải tiến cử với Trời, khi đạt được hồi đáp điềm lành của Thượng Thiên thì mới long trọng cử hành nghi lễ truyền ngôi kế vị. Con người tu thân dưỡng tính, thường tìm đến các bậc cao nhân đắc đạo để xin thỉnh giáo, thậm chí có thể được các Thần Tiên trực tiếp chỉ đạo; con người dưới sự trợ giúp và chỉ dẫn trực tiếp của Thần mà vượt qua quan nạn, và đạt được những kỳ tích mà thậm chí đến ngày nay cũng khó tưởng tượng được…
Vì thế mà mọi người đều biết đích xác rằng đây là thời đại Thần – nhân đồng tại, Thần Châu thật sự là nơi Thần qua lại, văn hóa Trung Hoa là văn hóa Thần truyền cấp cho con người.
Kết luận
Nghiêu phụng Thiên mệnh, lấy nhân từ bác ái gieo tấm lòng son khắp thiên hạ, dùng đức bao bọc chúng sinh trăm họ. Dưới sự cảm hóa và giáo hóa của ông, bách tính cửu tộc truyền đời gắn bó với nhau, bá quan đồng lòng tạo nên thành tích trác việt, vạn bang hòa thuận, thiên hạ thái bình. Vạn quốc vạn dân ngưng tụ thành một thể, thiên hạ quy về để cùng nhau hợp thành đại liên minh các bộ lạc Trung Nguyên, đặt nền móng để thống nhất thiên hạ. Nghiêu định ra bốn mùa, lập ra lịch pháp, khiến cho thiên địa bốn mùa có trật tự, âm dương điều hòa. Hậu Nghệ bắn chín Mặt Trời, quét sạch yêu ma, tịnh hóa hoàn cảnh sinh tồn của nhân loại. Trời ban Hà đồ, Lạc thư cho Nghiêu, khai thị sự hưng vong của các triều đại Ngu, Hạ, Ân, Chu, Tần, Hán. Thánh đức cảm động trời xanh, Trời giáng 10 điềm lành để giúp Nghiêu Đế. Sao Cảnh hiển báo điềm lành, tỏ rõ Nghiêu chính là Thần đến thế gian, khai sáng tân vũ, khai sáng nền văn hóa Thần truyền 5,000 năm.
Đế Thuấn ở vào thời kỳ giữa Nghiêu và Vũ, phẩm đức cao thượng và tấm lòng nhân ái hiếu đễ mà ông triển hiện ra đã khiến chim hồng tước bay đến hiển điềm lành, đã truyền lại tấm gương cho hậu thế. Luân lý đạo đức mà ông khởi xướng và phổ biến đã trở thành quy phạm đạo đức và chuẩn tắc hành vi của con người. Văn hóa truyền thống lấy đạo đức làm hạch tâm mà ông đặt định vẫn luôn sáng ngời như vầng nhật nguyệt, truyền phúc âm cho muôn đời sau. Chế độ khảo hạch thưởng phạt quan viên, chư hầu mà ông lập ra đã củng cố quan hệ phụ thuộc và liên hệ giữa triều đình và chư hầu, từ đó kiến lập một bộ thể hệ hoàn chỉnh về đạo đức, pháp luật, giáo dục, khảo hạch thưởng phạt, xác lập bố cục và cấu trúc của một thiên hạ thống nhất. Ngũ điển mà ông lập nên vạn dân vui vẻ noi theo, công lao sáng lập giáo dục truyền đến vạn đời sau; ông thiết lập nên hình pháp phân thành chương mục để dễ dàng chiểu theo. Cuối cùng ông tu thành chính quả, đắc Đạo thăng thiên.
Vũ trị thủy thổ, an định Cửu Châu, từ đây thiên địa đồng nhịp, vũ trụ có trật tự, kiến lập trật tự vận hành mới của thiên địa, cuối cùng hoàn tất quá trình sáng lập Thần Châu. Vạn dân trong thiên hạ đều được sống trên mảnh đất yên bình, uy đức giáo hóa tỏa đến tận biên thùy xa xôi, công đức cao như nhật nguyệt. Xác lập chế độ cống nạp, kiến lập một thể chế quản lý hoàn chỉnh, Đế Đạo đủ đầy. Công lao trị lý Cửu Châu như trời đất, đúc Cửu đỉnh trấn giữ bát phương, hưng khởi Đế Đạo khiến tứ hải thần phục, mở ra tân vũ, thống nhất vạn bang. Thần Vũ cuối cùng viên mãn hồi thiên.
(Hết)
Tổ nghiên cứu Nhân vật Thiên cổ anh hùng của Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5,000 năm
Bài viết đăng lại từ Chánh Kiến Việt ngữ
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ