Trò chuyện cùng nhà soạn nhạc giao hưởng Shen Yun Cao Nguyên (Gao Yuan)
Tại trụ sở chính của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun ở New York, âm thanh diễn tập vang lên từ tất cả các phòng tập suốt ngày đêm. Các nhạc công của Shen Yun đặc biệt bận rộn. Ngoài việc chuẩn bị để đồng hành cùng đoàn vũ đạo lưu diễn năm 2019, họ cũng đang hoàn thiện công tác phối hợp để chuẩn bị cho mùa lưu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun vào mùa thu.
Thật không dễ dàng, nhưng chúng tôi đã cố gắng có được cuộc trò chuyện với một trong những người bận rộn nhất—nhà soạn nhạc Cao Nguyên (Gao Yuan)—để cung cấp cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về những gì sẽ diễn ra trong buổi hòa nhạc năm 2019 này.
Hỏi: Ông có thể cho biết Dàn nhạc Giao hưởng này có gì khác so với chương trình biểu diễn Shen Yun hàng năm?
GY: Trong chương trình biểu diễn Shen Yun thông thường, vũ đạo đóng vai trò trung tâm và dàn nhạc đệm trực tiếp. Khi dàn nhạc giao hưởng đi lưu diễn thì chúng tôi kết hợp các dàn nhạc của Shen Yun thành một dàn nhạc giao hưởng đầy đủ. Khi đó âm nhạc của chúng tôi là tâm điểm và chúng tôi dốc hết tâm sức để tạo ra những trải nghiệm âm nhạc trác tuyệt nhất có thể.
Các tác phẩm nguyên tác của chương trình hòa nhạc được chọn từ các tác phẩm đặc sắc của các tiết mục vũ đạo. Sau đó chúng tôi phối lại cho dàn nhạc giao hưởng đầy đủ của chúng tôi. Các giai điệu quý vị nghe trong những tác phẩm này được lấy cảm hứng từ những giai điệu dân tộc và dân gian cổ xưa được lưu truyền qua các thời đại.
Các nhạc cụ Trung Hoa mà quý vị thấy ở trung tâm dàn nhạc sẽ lĩnh tấu giai điệu trên nền dàn nhạc đầy đủ. Vì vậy, quý vị sẽ nghe thấy sự hùng tráng của âm nhạc giao hưởng phương Tây cộng hưởng với giai điệu dân tộc độc đáo của các nhạc cụ Trung Hoa truyền thống. Bí quyết là làm thế nào để tạo ra hòa âm mượt mà.
Ý tưởng sử dụng cơ cấu dàn nhạc phương Tây để thể hiện 5,000 năm văn hóa và âm nhạc của Trung Hoa thật mới mẻ mà trước đó chưa từng được thực hiện. Chúng tôi nghiên cứu các triều đại khác nhau và các nhóm dân tộc khác nhau. Vì vậy, những gì quý vị sẽ trải nghiệm là một chương trình giao thoa văn hóa đầy sống động.
Hỏi: Ông có thể cho chúng tôi biết một số điểm nổi bật của lịch sử âm nhạc Trung Hoa?
GY: Từ các nhạc cụ được khai quật, chúng ta biết rằng âm nhạc Trung Hoa xuất hiện cách đây hơn 9.000 năm. Theo thời gian, bốn thể loại nhạc đã phát triển: nhạc dân gian, nhạc cho giới văn sỹ, nhạc tôn giáo, và nhạc cung đình.
Trong thời nhà Hán (206 TCN-220 SCN), triều đình thành lập học viện âm nhạc hoàng gia, còn gọi là Nhạc Phủ, nơi chuyên dạy về âm nhạc cũng như sưu tầm những bản nhạc dân gian và thơ ca cổ. Việc giao lưu văn hóa với Tây Á khi đó cũng đã mang đến nhiều nhạc cụ mới cho nhà Hán. Điều này dẫn đến những tiến bộ hơn nữa trong âm nhạc Trung Hoa.
Sau đó, trong thời đại nhà Đường, Hoàng đế Huyền Tông (trị vì từ 712-756) là một nhạc sĩ tài hoa, đã sáng lập và trực tiếp quản học viện âm nhạc hoàng gia Lê Viên. Các học viện mà ông sáng lập đã đào tạo nhiều nghệ sỹ biểu diễn chuyên nghiệp, và đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của âm nhạc Trung Hoa.
Hỏi: Hiện nay người ta đang nhìn nhận lại một niềm tin cổ xưa cho rằng âm nhạc có năng lực chữa lành. Tư tưởng này xuất phát từ đâu, và áp dụng như thế nào đối với âm nhạc truyền thống Trung Hoa?
GY: Tổ tiên của chúng tôi tin rằng âm nhạc có năng lực bình hòa tâm hồn con người theo những cách mà y học không thể làm được. Thời Trung Quốc cổ đại, một trong những mục đích đầu tiên của âm nhạc là để chữa lành. Hán tự hay chữ “Dược” thực ra là bắt nguồn chữ “Nhạc”
Trong thời kỳ trị vì của Đại Hoàng Đế (2.698-2.598 TCN), người ta phát hiện ra mối liên hệ giữa ngũ âm, ngũ hành, ngũ tạng và ngũ giác. Vào thời Khổng Tử, các học giả vận dụng tính làm dịu của âm nhạc để nâng cao và củng cố nhân cách và hành vi của con người.
Ngày nay, nghiên cứu khoa học cũng đã xác nhận khả năng trị liệu của âm nhạc để làm giảm huyết áp, giảm lo lắng, tăng cường sức tập trung, ổn định nhịp tim, và còn nhiều công dụng khác nữa.
Hỏi: Một trong những khía cạnh độc đáo nhất của âm nhạc Shen Yun là sử dụng cả nhạc cụ Trung Hoa và phương Tây. Những nhạc cụ Trung Hoa nào sẽ xuất hiện trên sân khấu cùng Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun?
GY: Dàn nhạc của chúng tôi có bộ kéo, bộ gảy và bộ gõ của nhạc cụ Trung Hoa.
Đàn nhị hồ, đôi khi được gọi là vĩ cầm Trung Quốc, là một nhạc cụ kéo chỉ có hai dây. Tuy chỉ có hai dây, nhưng nó có thể tạo ra những âm thanh phong phú nhất và sầu bi nhất.
Đàn gảy tỳ bà, còn được gọi là đàn luýt Trung Quốc, là một nhạc cụ được ưa chuộng của hoàng cung.
Bộ gõ của chúng tôi bao gồm một loạt các nhạc cụ như xèng, trống, bính chuông, bát chuông, và cồng.
Các nhạc cụ đầy tính lịch sử này đã đóng vai trò quan trọng trong nền âm nhạc hàng ngàn năm của Trung Hoa. Chúng đại diện cho tinh thần, phong tục, và văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Hỏi: Các nhà soạn nhạc và nhạc công phải đối diện những khó khăn gì khi sản xuất chương trình này?
GY: Các tác phẩm này nguyên ban đầu được dùng để đệm cho các tiết mục vũ đạo, vì vậy tại thời điểm viết những bản nhạc này, công việc của những nhà soạn nhạc chúng tôi là phối hợp thật tốt với các biên đạo múa. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để hiện thực hóa những ý tưởng của họ. Công việc của chúng tôi sẽ chưa hoàn thành cho đến khi nhạc nền thỏa mãn đến chi tiết cuối cùng của vũ đạo, và đôi khi việc này kéo dài tới tận giai đoạn diễn tập. Đối với chương trình hòa nhạc này, chúng tôi phải điều chỉnh lại các bản nhạc để phù hợp với chương trình biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng, trong đó tất cả các hình ảnh sẽ chỉ được khắc họa thông qua âm nhạc.
GY: Ông hy vọng khán giả sẽ nhận được gì từ các buổi hòa nhạc?
GY: Tôi hy vọng họ sẽ được truyền cảm hứng. Được truyền cảm hứng từ những giai điệu mỹ diệu, từ năng lượng của buổi biểu diễn, từ nền văn hóa Trung Hoa cổ xưa, và từ một bước tiến mới trong âm nhạc cổ điển.
Thanh Hư biên dịch