Phong trào hồi sinh hội họa truyền thống
Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế của Đài truyền hình Tân Đường Nhân giới thiệu các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo.
NEW YORK — Ngay sau khi các nghệ sĩ tề tựu cho Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế của Đài truyền hình Tân Đường Nhân năm 2019, cộng đồng [nghệ sĩ] đã tràn đầy háo hức với cuộc thi tiếp theo cùng triển vọng thúc đẩy sứ mệnh đề cao nghệ thuật thông qua tôn chỉ “thuần chân, thuần thiện, thuần mỹ.” Nhưng rồi đại dịch ập đến, và tiếp theo là các cuộc chiến tranh. Phải mất nhiều năm, khi có đủ các nghệ sĩ có thể di chuyển trở lại, thì vòng thi tiếp theo mới được diễn ra.
Vào hôm 15/01, Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế của Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NIFPC) lần thứ 6 đã được tổ chức, với một cuộc triển lãm trưng bày 60 bức tranh của 54 thí sinh lọt vào vòng chung khảo tại Câu lạc bộ nghệ thuật Salmagundi trên Đại lộ Năm và Đường số 12 đến hết ngày 19/01. Vì đây là cuộc thi tôn vinh hội họa truyền thống, nên các tác phẩm bắt buộc phải được vẽ bằng chất liệu sơn dầu và thể hiện được sự tinh thông về hình thể con người.
Những người tham dự lễ khai mạc bao gồm các nghệ sĩ đã tham gia nhiều lần và cả những nghệ sĩ mới, chẳng hạn như cô Alexandra Telgmann đến từ Đức. Cô mới nghe nói về Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế NTD này hồi năm ngoái.
“Cuộc thi này chú trọng vào vẻ đẹp, đó là điều tôi yêu thích — vẻ đẹp của nhân loại và vẻ đẹp của nghệ thuật,” cô cho hay. “Tôi rất vui vì [mọi người] sẽ có cái nhìn mới mẻ, sâu sắc hơn về loại hình nghệ thuật này, và cả các nghệ sĩ nữa.”
Cô Telgmann thấy sự kiện này là điều hiếm có và quý giá. Cô giải thích rằng ở Đức, việc chú trọng vào nghệ thuật trừu tượng khiến cô có rất ít diễn đàn để chia sẻ tác phẩm của mình.
Cô Telgmann là một chuyên gia [trong lĩnh vực] vẽ tranh phong cảnh đại dương, và đã gửi một tác phẩm miêu tả con gái cô đang bơi ở Biển Bắc. Cô giải thích rằng, để giữ được một tư thế đẹp dưới nước không phải là việc dễ dàng. May mắn thay, con gái cô Telgmann là một vũ công ballet được đào tạo bài bản nên có đủ sức lực để giữ được tư thế đĩnh đạc dưới nước hệt như khi trên sân khấu. Họa sĩ này đã chụp khoảng 800 bức ảnh khi theo con gái mình dưới nước, ghi lại nhiều khoảnh khắc khác nhau của ánh sáng, bong bóng nước, hơi thở, và chuyển động, để sau này khai thác trong một bức tranh tĩnh nhằm gợi lên chuyển động êm đềm của đại dương đầy sức sống.
“Xã hội có rất nhiều quan điểm khác nhau về nghệ thuật. Đối với tôi, đó là việc triển hiện vẻ đẹp, lòng tốt, đồng thời nâng cao nhận thức về thiên nhiên, về con người, và hơi thở, để tạo ra một khoảnh khắc đặc biệt trong dòng thời gian,” cô nói. “Trên thế giới có rất nhiều điều không mấy tốt đẹp. Vì vậy, ở chiều ngược lại, chúng ta cần có người tái hiện vẻ đẹp, bởi vì đây là điều mà con người hằng khao khát.”
Cô Telgmann đã xúc động đến rơi lệ khi đọc lời tựa do giáo sư Trương Côn Luân (Kunlun Zhang), thành viên ban giám khảo kiêm nhà sáng lập cuộc thi viết, được đặt gần lối vào của buổi triển lãm.
Ông Trương được biết đến là người có đức tin kiên định; từng là nhà điêu khắc đương đại nổi tiếng ở Trung Quốc, ông đã có bước ngoặt lớn khi chuyển sang nghiên cứu, thuần thục, và hồi sinh con đường nghệ thuật truyền thống sau khi có đức tin. Ông tin rằng sứ mệnh bảo tồn vẻ đẹp có sức ảnh hưởng này là nhờ những gì ông học hỏi và lĩnh ngộ về cái đẹp, cuộc sống, và vũ trụ, sau khi thực hành môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công. Môn tu luyện tinh thần này truyền dạy ba nguyên lý là chân, thiện, và nhẫn.
Giáo sư Trương cho hay, các nghệ sĩ đến với thế giới này cùng một sứ mệnh, và nhiều người có thể đã lãng quên sứ mệnh đó vì vô số dục vọng và truy cầu những điều dễ dàng, sẵn có trong xã hội. Nhưng suốt hơn 17 năm tổ chức cuộc thi này, ông cảm thấy được khích lệ khi nhóm những nghệ sĩ có trái tim thuần khiết tham dự ngày càng tăng. Họ [đến đây] vì mong muốn theo đuổi cái đẹp, sự lương thiện, và tính chân thực một lần nữa.
Anh Ken Goshen, người gửi hai tác phẩm “Portrait of Alexandra” (Chân dung Alexandra) và “Portrait of Alan” (Chân dung Alan) cho biết, sứ mệnh của cuộc thi là rất quan trọng đối với cộng đồng nghệ thuật rộng lớn hơn.
“Những ai nhìn vào nghệ thuật cổ điển và cho [rằng] những nghệ sĩ trong chúng ta chọn tận tâm với nghề, cống hiến hết mình và thực hành [loại hình nghệ thuật truyền thống] đều đang mắc kẹt trong quá khứ theo một cách nào đó, thì họ đang hiểu sai về những gì cần thiết để xây dựng tương lai,” anh Goshen bày tỏ. “Nếu chúng ta muốn xây dựng tương lai một cách khôn ngoan, chúng ta phải xây dựng nó dựa trên trí huệ của tiền nhân.”
Kế thừa trí huệ của tiền nhân
Mặc dù những kiệt tác tranh sơn dầu từ các thời kỳ nghệ thuật quan trọng vẫn còn lưu lại, nhưng những kỹ pháp phức tạp đã bị thất truyền, hoặc, không còn được sử dụng, ít được biết đến và khó nắm bắt được. Tuần diễn ra các sự kiện từ lúc khai mạc triển lãm đến lễ trao giải bế mạc thường có các hoạt động theo lịch trình như các buổi thảo luận, hội thảo, và năm nay là chuyến tham quan có hướng dẫn viên tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan và Phòng trưng bày Nghệ thuật Đại học Yale.
Bà Alessandra Marrucchi đến từ Ý đã vẽ tranh gần 50 năm và cho biết bà trân trọng các kỹ thuật bậc thầy. Năm 23 tuổi, bà bắt đầu theo học [hội họa] tại Xưởng vẽ Simi ở thành phố Florence; đây là xưởng vẽ duy nhất dạy dòng tranh truyền thống vào thời điểm đó, vì chủ nghĩa hậu hiện đại, vốn theo đuổi nghệ thuật phi truyền thống, đang dốc sức tiến về phía trước. Bà Marrucchi muốn học giải phẫu cơ bản và cách xử lý sơn dầu. Bà học trực tiếp với bà Nerina Simi, con gái của nhà sáng lập xưởng vẽ Filadelfo Simi, và chương trình giảng dạy gồm ba năm nghiên cứu về chì than trước khi học viên được phép cầm đến cọ vẽ. Vẽ tranh sơn dầu chỉ được thực hiện với bột màu [tinh khiết] pha dầu và không có chất phụ gia nào khác, và học viên sẽ làm việc với những người mẫu thật, những người giữ nguyên tư thế trong hai tuần trước khi chuyển sang bước tiếp theo.
Ngày nay, có một số xưởng vẽ khác ở thành phố Florence đang theo đuổi con đường truyền thống, bà Marrucchi nói, và không có gì ngạc nhiên khi họ chọn Florence là nhà, vì nơi đây lưu giữ vô số các tác phẩm nghệ thuật cả từ thời kỳ Phục Hưng Cổ điển lẫn thượng Phục Hưng để nghiên cứu học hỏi.
“Khi chúng ta đến bảo tàng, chúng ta không biết tại sao nhưng có một số bức tranh mang lại cho chúng ta rất, rất nhiều cảm xúc. Vì vậy, tôi cũng muốn làm điều tương tự,” bà cho hay. “Tôi cố gắng tìm kiếm vẻ đẹp bên trong con người, sự mỹ hảo, sự thanh bình, và tâm hồn. Tôi biết thế giới có nhiều tranh chấp, nhiều điều xấu, nhưng khi tôi vẽ, tôi thích nhìn ngắm, cố gắng tìm thấy tất cả những điều tốt đẹp.”
Bà Marrucchi đã gửi một bức chân dung tự họa, có tên là “A Self-Portrait with Pearl Earrings” (Bức chân dung tự họa với đôi bông tai ngọc trai). Bà nói, ở độ tuổi 72 [như bà], điều này có nghĩa là phải nhìn nhận một cách trung thực về bản thân, chấp nhận những cảm xúc phức tạp khác nhau về sự lão hóa, và vẽ ra những nếp nhăn mà có lẽ trước đây không có, nhưng đồng thời cũng tìm kiếm và tôn vinh tất cả những điều tốt đẹp ở chính mình.
“Tất nhiên là tôi đã thay đổi rất nhiều. Nhưng đó là một sự thay đổi cần thiết,” bà cười nói.
Dưới đây là một số bức tranh vào đến vòng chung khảo hiện đang được trưng bày.
Triển lãm “Các tác phẩm vào đến vòng chung khảo Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế của Đài truyền hình Tân Đường Nhân lần thứ 6” diễn ra tại Câu lạc bộ nghệ thuật Salmagundi, ở Thành phố New York, kéo dài đến hết ngày 19/01. Để tìm hiểu thêm thông tin, vui lòng truy cập Salmagundi.org
Nam Anh - Hòa Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times