Đạt được giải thưởng nghệ thuật thời nay bằng việc vận dụng kỹ pháp truyền thống từ thế kỷ 19
Họa sĩ vẽ chân dung và nhân vật Alessandra Marrucchi chia sẻ về niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật theo trường phái hiện thực.
Họa sĩ người Florentine, bà Alessandra Marrucchi tiếp tục vẽ tranh theo truyền thống của các nghệ sĩ có dòng dõi trực hệ từ họa sĩ kiêm điêu khắc gia nổi tiếng người Pháp Jean-Léon Gérôme (1824–1904).
Bà Marrucchi đã đạt được nhiều giải thưởng [hội họa] bằng cách vận dụng các kỹ pháp nghệ thuật lâu đời, trong đó có giải nhì hạng mục tranh chân dung không yêu cầu chủ đề của “Cuộc thi Chỉ dành cho Các Thành viên của Hiệp hội Chân dung Hoa Kỳ năm 2021” cho tác phẩm “A Self Portrait With a Pearl Earring” (Bức Chân Dung Tự Họa với Đôi Bông Tai Ngọc Trai). Và mới đây nhất, tác phẩm này cũng nhận được giải thưởng kỹ pháp xuất sắc tại “Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế NTD lần thứ sáu (NFPC).” NTD là hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
Bà Marrucchi tin rằng các nghệ sĩ có trách nhiệm truyền lại những kỹ năng mà họ đã học được, nếu không chúng ta sẽ đánh mất các truyền thống nghệ thuật. Bà biết ơn những họa sĩ đã dạy mình vào thời điểm mà nghệ thuật hiện đại đang bắt đầu làm lu mờ nghệ thuật hiện thực.
Học nghệ thuật truyền thống
Năm mươi năm trước, bà Marrucchi ao ước được học vẽ chân dung và nhân vật truyền thống ở thành phố Florence, nước Ý. Tuy nhiên, điều đáng nói là bà thấy khó khăn trong việc tìm kiếm giáo viên. Bà giải thích trong một cuộc phỏng vấn rằng, hội họa hiện đại và trừu tượng đã bắt đầu thay thế các truyền thống hội họa lâu đời, và không có nhiều người dạy ngay cả những kỹ pháp hội họa cơ bản. Sau đó, bà tìm thấy Xưởng vẽ Simi, một xưởng vẽ được họa sĩ kiêm điêu khắc gia Filadelfo Simi (1849–1923) thành lập vào năm 1886.
Nổi tiếng vào thời của mình, ông Simi từng học nghệ thuật ở Florence, đồng thời ông cũng dành bốn năm ở Paris và thường xuyên lui tới xưởng vẽ của họa sĩ nổi danh Gérôme. Vào thời điểm đó, ông Gérôme dạy phong cách hội họa thế kỷ 19, được biết đến là nghệ thuật hàn lâm tại các trường Ecole des Beaux-Arts (Trường Mỹ thuật) của thành phố. Phong cách học thuật này kết hợp các yếu tố của nghệ thuật Tân cổ điển và lãng mạn.
Họa sĩ Simi đã truyền thụ kiến thức nghệ thuật của mình cho các con, là ông Renzo và bà Nerina. Bà Nerina đã cống hiến cả cuộc đời để giảng dạy các kỹ pháp nghệ thuật truyền thống cho thế hệ nghệ sĩ tiếp theo của Xưởng vẽ Simi. Và các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới cũng đến học hỏi bà.
Suốt sáu năm, họa sĩ Nerina đã chỉ dẫn bà Marrucchi tại Xưởng vẽ Simi, nơi các học viên sáng tạo tất cả các tác phẩm nghệ thuật trực tiếp từ cuộc sống, sử dụng người mẫu của xưởng vẽ. Bà Nerina nói với các học trò của mình rằng: “Hãy nhớ rằng, tôi chỉ là người hướng dẫn các bạn, thiên nhiên mới là giáo viên của các bạn.”
Bà Marrucchi giải thích rằng trong ba năm đầu tiên, các học viên chỉ vẽ bằng chì than trước khi được phép chuyển sang vẽ tranh sơn dầu. Vào buổi sáng, họ sẽ vẽ phác thảo một người mẫu khỏa thân, còn buổi chiều thì họ sẽ tạo nên các bức chân dung cũng từ các người mẫu trong xưởng vẽ.
Lớp học buổi sáng sẽ nghiên cứu cùng một tư thế trong hai tuần để thực sự hiểu rõ về giải phẫu học, quan sát từng chi tiết nhỏ nhất, đồng thời phát triển khả năng phối hợp giữa tay và mắt của người họa sĩ. Bà Marrucchi giải thích rằng một nghiên cứu tốt có thể giúp hoàn thành bức vẽ nhanh chóng. Nhưng bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận tỉ mỉ ở xưởng vẽ khi phác họa hình thể con người rằng: “Mỗi lần bạn quan sát, bạn sẽ lại thấy thêm nhiều điều.”
Bảo tồn hội họa truyền thống
Đã năm mươi năm kể từ ngày học ở đó, bà Marrucchi vẫn trung thành với các nguyên tắc của Xưởng vẽ Simi. Bà mất ba tuần để vẽ bức tranh đạt nhiều giải thưởng “A Self Portrait With a Pearl Earring” (Bức Chân Dung Tự Họa với Đôi Bông Tai Ngọc Trai). Đây là khung thời gian tối thiểu cho các bức chân dung của bà. “Tôi nghiên cứu về người đó, và tôi trò chuyện với họ, bởi vì bạn cần nhìn thấy nhiều biểu cảm của họ trước khi có thể chọn lấy một biểu cảm,” bà cho hay. Điều này bao gồm cả việc truyền tải được “vẻ đẹp và sự bình yên” vốn có của một người. “Khi tôi vẽ, tôi cố gắng tìm ra tất cả những điều tốt đẹp,” bà chia sẻ.
Bà làm việc tám tiếng một ngày trong xưởng vẽ của mình, chỉ sử dụng ánh sáng tự nhiên chiếu vào từ phía bắc. Bà giải thích rằng ánh sáng mặt trời từ phía bắc duy trì sự ổn định gần như cả ngày. Và tất nhiên, bà luôn khắc họa từ cuộc sống.
Bà khuyên các họa sĩ trẻ hãy đắm mình vào việc phác thảo từ cuộc sống. Đáng tiếc là, bà thấy nhiều họa sĩ thời nay quá phụ thuộc vào việc vẽ tranh từ các bức ảnh, mà không hiểu rõ hoặc thậm chí là [có hiểu biết] cơ bản về giải phẫu học. Bà cho rằng các bức ảnh chỉ nên được sử dụng làm tư liệu tham khảo cho những họa sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về cuộc sống.
Trong nhiều năm, bà cũng giảng dạy các kỹ pháp nghệ thuật truyền thống mà bà học được trong suốt cuộc đời mình. Bà tin rằng tất cả các họa sĩ triển vọng nên nghiên cứu các kỹ pháp đã được tôn vinh lâu đời.
Nay ở tuổi 72, bà Marrucchi đã nghỉ dạy học nhưng vẫn nỗ lực cải thiện bản thân với tư cách là một họa sĩ. Bà xem các cuộc thi như NIFPC là rất quan trọng đối với sự phát triển nghệ thuật của mình. Đây là cơ hội để gặp gỡ các họa sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới, cũng như được tiếp xúc với nhiều phong cách và ý tưởng khác nhau. Bà đặc biệt mong chờ được thưởng lãm các tác phẩm của những họa sĩ trẻ để bắt kịp cách họ nhìn nhận thế giới, và cập nhật nghệ thuật của chính mình.
Qua việc nghiên cứu chân dung của bà Marrucchi trong tác phẩm “A Self Portrait With a Pearl Earring” (Bức Chân Dung Tự Họa với Đôi Bông Tai Ngọc Trai), chúng ta có thể thấy vẻ đẹp vốn có và sự bình yên mà bà muốn truyền tải trong tất cả các bức chân dung của mình, cùng sự kiên định của một họa sĩ luôn sẵn sàng hoàn thiện bản thân hơn nữa.
Để tìm hiểu thêm về nghệ thuật của họa sĩ Alessandra Marrucchi, vui lòng truy cập AlessandraMarrucchi.com.
Thiên Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times