Vẽ tranh lịch sử trên hành trình dẫn dắt và nâng cao đạo đức nhân loại
Giới thiệu tác phẩm đạt giải của nghệ sĩ Đài Loan Giang Hân Nho.
Nghệ sĩ Đài Loan Giang Hân Nho tin rằng nhiều họa phẩm được sáng tác thời nay thể hiện khía cạnh lệch lạc hoặc buông thả của bản chất con người, gây hại cho chính người họa sĩ và bất kỳ ai thưởng lãm tác phẩm. Vì thế, cô vẽ các sự kiện lịch sử để dẫn dắt và nâng cao đạo đức cho nhân loại. “Nếu chủ đề của các bức tranh truyền tải năng lượng tích cực hoặc những suy nghĩ tốt đẹp, thì nó có thể đóng vai trò tốt hơn trong việc thúc đẩy bầu không khí của toàn xã hội,” cô nói với The Epoch Times.
Trong 12 năm, cô Giang đã học các kỹ pháp nghệ thuật truyền thống từ họa sĩ từng đạt giải thưởng Lý Viên. Trong sáu năm đầu tiên, cô tập trung hoàn toàn vào việc phác thảo thành thạo và chỉ sau đó cô mới chuyển sang vẽ tranh sơn dầu.
Quá trình kiên trì học tập của cô Giang theo phương pháp truyền thống này đã được đền đáp. Năm 2019, cô đạt giải đồng cho bức tranh sơn dầu đầu tiên của mình, “Plum Blossom in the Snow” (Hoa mai nở trong tuyết), tại Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế lần thứ năm (NIFPC) của Đài truyền hình NTD. Năm nay, cô đạt được giải thưởng nhân văn kiệt xuất cho bức tranh sơn dầu thứ hai của mình tại Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế lần thứ sáu của NTD. NTD, Tân Đường Nhân, là hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
Vẽ các sự kiện trọng đại
Cô Giang ví việc vẽ tranh lịch sử như làm phim tài liệu. Giống như một đạo diễn bảo đảm rằng kịch bản phải “chạm đến trái tim người xem” trên màn ảnh, họa sĩ cô đọng “sự phức tạp và tính trọng đại của một cảnh tượng thành hình ảnh duy nhất.” Cô nói thêm rằng một bức tranh có thể “bảo tồn tinh thần của những gì được bày tỏ ra ngoài,” vượt qua rào cản về chủng tộc và ngôn ngữ.
Trong hai bức tranh sơn dầu đầu tiên của mình, cô Giang thể hiện cuộc chiến giữa thiện và ác, ghi lại những sự kiện xảy ra gần đây. Trong tác phẩm “Plum Blossom in the Snow” (Hoa mai nở trong tuyết), cô miêu tả một học viên Pháp Luân Công bị tra tấn. Một vầng trăng tròn chiếm trọn phần trên bức tranh, và một cô gái trẻ bị thương nằm ở phần dưới bức tranh. Đây là hậu quả của việc các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại cô gái này chỉ vì cô tuân theo các nguyên lý của đức tin Pháp Luân Công: chân, thiện, và nhẫn. Nữ học viên nằm bất động sau khi bị trói vào sau một chiếc xe bọc thép và bị kéo lê qua tuyết trong khi tay vẫn ôm chặt một biểu ngữ Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp). Cuộc đàn áp Pháp Luân Công một cách có hệ thống, do nhà nước hậu thuẫn này bắt đầu vào năm 1999 và vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Bất kỳ khán giả Trung Quốc nào thưởng lãm tác phẩm, hoặc những ai hiểu biết về văn hóa Trung Hoa, đều sẽ hiểu tại sao cô Giang lại lựa chọn hoa mai làm tên của họa phẩm. Ở Trung Quốc, hoa mai nở vào mùa đông, bền bỉ chịu đựng mùa khắc nghiệt nhất, và báo hiệu mùa xuân đến. Đối với Khổng Tử, hoa mai tượng trưng cho “những nguyên tắc và giá trị đạo đức.”
Sau khi đạt giải đồng tại NIFPC lần thứ 5 với tác phẩm “Plum Blossom in the Snow” (Hoa mai nở trong tuyết), cô Giang muốn sáng tác một bức tranh “thiêng liêng và tươi sáng” cho tác phẩm tiếp theo của mình. Sau đó các cuộc biểu tình ở Hồng Kông xảy ra và cô cảm thấy buộc phải ghi lại lịch sử một lần nữa. “Tôi thấy rằng người dân Hồng Kông đang bị bức hại bởi cùng một chế độ như các học viên Pháp Luân Công, và người dân Hồng Kông đang bị đàn áp và tước đoạt quyền tự do cũng như tín ngưỡng của họ,” cô cho biết.
Đây là một chủ đề có thể gây đồng cảm cho nhiều người đang chịu cảnh bị đàn áp quyền tự do. “Có nhiều nơi trên thế giới có thông tin bị chặn, và cũng có nhiều phương tiện truyền thông không dám nói ra sự thật,” cô giải thích.
Bức tranh mà cô tham gia NIFPC lần thứ sáu, có tên “Choosing Conscience Amid Political Unrest” (Lựa chọn lương tri giữa thời loạn thế), vẽ một người biểu tình đeo mặt nạ vẫy lá cờ “Free Hong Kong. Revolution Now” (Tự do cho Hồng Kông. Cách mạng ngay bây giờ) lớn ở phía trên. Cảnh sát vũ trang Hồng Kông đã ném một biển hơi cay và những người biểu tình tự bảo vệ mình bằng dù và mũ bảo hộ. Bên dưới người cầm cờ, một người nữ biểu tình nhìn lên trời để cầu xin thần cứu giúp, trong khi cô bám vào người bạn cùng biểu tình với mình. Anh đang làm một cử chỉ chính nghĩa: “Hãy dừng lại” bằng tay và một nhóm cảnh sát Hồng Kông rơi xuống vực thẳm tối tăm ở phần dưới bức tranh. Đó là một bố cục gây tiếng vang xuyên suốt nhiều thế kỷ trong những cảnh như Thánh Michael diệt rồng, nơi cái thiện chiến thắng cái ác.
Ngay cả sau khi vẽ những sự kiện khủng khiếp như vậy, cô Giang vẫn chắc chắn “rằng cái ác không thể chiến thắng cái thiện, bất kể bề ngoài nó biểu hiện như thế nào, [và] một ngày nào đó cái ác sẽ bị phơi bày và trừng phạt.”
Nâng cao đạo đức nhân loại
Cô Giang coi các cuộc thi như NIFPC là cơ hội để hoàn thiện kỹ năng nghệ thuật của mình và bảo đảm rằng họa phẩm tiếp theo của cô thậm chí còn đẹp hơn nữa. Các họa sĩ đến từ hơn 20 quốc gia đã tham gia NIFPC lần thứ sáu, và mặc dù cô không thể giao tiếp với một số họa sĩ tại lễ trao giải do rào cản ngôn ngữ, cô cho biết tình yêu chung của họ dành cho nghệ thuật hiện thực đã vượt qua mọi rào cản: “Chúng tôi có thể khám phá những kỹ pháp vẽ tranh của nhau và vận dụng chúng để hiểu nhau hơn.”
Thiên Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times