PHÂN TÍCH: Cam kết phát thải của Bắc Kinh bị nghi ngờ khi ông Kerry tổ chức các cuộc đàm phán về khí hậu ở Trung Quốc
Đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Joe Biden, ông John Kerry, đã kêu gọi “tiến bộ thực sự” trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc vào cuối năm trong cuộc hội đàm kéo dài 4 giờ với người đồng cấp của ông ở Trung Quốc hôm 17/07.
Tuy nhiên, cuộc họp dường như không đạt được tiến triển nào trong việc giải quyết những lo ngại lâu nay về cam kết của Trung Quốc trong việc giảm lượng phát thải carbon trong khi thúc đẩy nghị trình toàn cầu về khí hậu.
Cuộc họp hôm thứ Hai (17/07) đánh dấu cuộc thảo luận lớn đầu tiên về khí hậu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong gần một năm. Tháng Tám năm ngoái (2022), chính quyền Trung Quốc đã cắt đứt liên lạc với Hoa Kỳ về một loạt vấn đề, bao gồm cả quân sự và biến đổi khí hậu, sau chuyến công du Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện đương thời Nancy Pelosi khiến Bắc Kinh tức giận.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, cuộc hội đàm giữa ông Kerry và đặc phái viên về khí hậu của Trung Quốc, ông Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua), kéo dài “khoảng bốn giờ đồng hồ.”
“Điều cấp thiết là Trung Quốc và Hoa Kỳ phải đạt được tiến bộ thực sự” trong bốn tháng trước Hội nghị Biến đổi Khí hậu lần thứ 28 của Liên Hiệp Quốc (COP 28) tại Dubai, ông Kerry nói khi các đại biểu tập trung tại một phòng hội nghị nhìn ra Tử Cấm Thành của Bắc Kinh sáng hôm thứ Hai.
Ông Kerry kêu gọi hai quốc gia cùng hợp tác để giảm phát thải khí metan và các khí gây hiệu ứng nhà kính khác.
Ông cũng tìm cách thúc đẩy Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào sản xuất năng lượng đốt than. Ông Kerry ca ngợi “công việc đáng kinh ngạc” mà Trung Quốc đã và đang làm trong việc xây dựng năng lượng tái tạo nhưng nói rằng việc xây dựng các nhà máy điện than mới đã làm suy yếu năng lực đó.
Trung Quốc đã đồng ý giảm dần việc sử dụng than từ năm 2026, điều đó có nghĩa là mức tiêu thụ than của nước này sẽ tiếp tục tăng trong hai năm tới. Năm ngoái, các quan chức Trung Quốc đã phê chuẩn nhiều nhà máy than mới hơn bất kỳ thời điểm nào trong bảy năm qua.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết cắt giảm lượng phát thải carbon, nhưng điều đó sẽ không bắt đầu cho đến năm 2030. Ông Tập tuyên bố sẽ đưa đất nước này trở thành “trung hòa carbon” vào năm 2060.
Trước cuộc họp này, cố vấn an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan nói với CNN hôm Chủ nhật (16/07) rằng thế giới nên “gây áp lực buộc Trung Quốc phải có hành động quyết liệt hơn nhiều để giảm lượng phát thải.”
“Họ không thể che giấu đằng sau bất kỳ hình thức tuyên bố nào rằng họ là một quốc gia đang phát triển để thực hiện trách nhiệm của mình,” ông Sullivan nói thêm. “Và trách nhiệm của họ, theo hiệp định khí hậu Paris, là thực hiện hành động quan trọng và đáng kể để giảm lượng phát thải trong một khoảng thời gian xác định trong ngắn hạn.”
Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 27 vào tháng Mười Một năm ngoái (2022), ông Giải đã cho biết các nước phát triển có trách nhiệm đóng góp vào các quỹ khí hậu. Ông nói các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc “không có trách nhiệm” phải đóng góp vào các quỹ tổn thất và thiệt hại để giúp đỡ các quốc gia nghèo.
Đòn bẩy
Ông Kerry đến Bắc Kinh hôm 16/07 để đàm phán trong ba ngày, trở thành quan chức thứ ba của Hoa Kỳ công du Trung Quốc trong vòng chưa đầy hai tháng. Khi căng thẳng tiếp đang tục gia tăng, chính phủ TT Biden tìm cách nối lại đường dây liên lạc giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn.
Tuy nhiên, không có bất kỳ bước đột phá lớn nào sau chuyến công du Trung Quốc của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen. Tháng trước, ông Blinken cho biết Trung Quốc vẫn từ chối nối lại liên lạc quân sự cấp cao mặc dù ông đã nhiều lần yêu cầu trong các cuộc gặp với ông Tập và các nhà ngoại giao hàng đầu khác ở Bắc Kinh.
Trong cuộc gặp hôm thứ Hai, ông Kerry kêu gọi hai nước gác lại những căng thẳng ngoại giao để tập trung vào nghị trình về khí hậu.
“Trong ba ngày tới, chúng tôi hy vọng có thể bắt đầu thực hiện một số bước quan trọng để gửi tín hiệu tới thế giới về mục tiêu nghiêm túc của Trung Quốc và Hoa Kỳ nhằm giải quyết rủi ro, mối đe dọa, thách thức chung đối với toàn nhân loại do chính con người gây ra,” ông Kerry nói.
Ông Giải cũng nói rằng ông hy vọng các cuộc đàm phán của họ có thể cải thiện mối bang giao song phương.
Ông Kerry và ông Giải đã gặp nhau vào tối hôm Chủ nhật trong bữa tối riêng. Ông Kerry chúc mừng ông Giải đã trở lại làm việc sau khi vượt qua bệnh tật. Cả hai gọi nhau là bằng hữu lâu năm.
“Hôm qua, sau khi chúng tôi gặp nhau, tôi đã tính toán một chút,” ông Giải nói hôm thứ Hai. “Tôi đếm được rằng kể từ khi hai chúng tôi được bổ nhiệm làm đặc phái viên, chúng tôi đã gặp nhau 53 lần.”
Bất chấp giọng điệu ấm áp của họ, tờ Global Times, hãng thông tấn nhà nước độc đoán của Trung Quốc, trong một bài xã luận xuất bản hôm 16/07 sau khi ông Kerry đến Trung Quốc, đã làm dập tắt mọi kỳ vọng về bất kỳ bước đột phá có thể xảy ra trong hợp tác song phương về các vấn đề khí hậu.
“Hợp tác khí hậu Trung Quốc-Hoa Kỳ khó có thể đạt được kết quả xoa dịu thực sự chỉ với chuyến công du của ông Kerry,” tờ báo viết, trước khi đặt câu hỏi liệu chính phủ Hoa Kỳ có “chân thành về hợp tác khí hậu” hay không.
Chế độ cộng sản này đã yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận “nguyên tắc một Trung Quốc,” mà họ tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan, đồng thời khẳng định bất kỳ biện pháp nào của Mỹ trợ giúp hòn đảo tự trị này, chẳng hạn như bán vũ khí phòng thủ cho chính phủ Đài Loan, là “can thiệp” vào “công việc nội bộ” của họ.
Trong một cuộc họp riêng hôm thứ Hai, bà Mao Ninh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã cảnh báo Đài Loan là “lằn ranh đỏ” trong mối bang giao Trung-Mỹ khi được hỏi về chuyến công du đến Hoa Kỳ đã được sắp xếp vào tháng tới của Phó Tổng thống, ứng cử viên tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (William Lai).
Không còn nghi ngờ gì nữa, chính phủ TT Biden muốn có sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), với việc ông Kerry nói với các nhà lập pháp trong một phiên điều trần vào tuần trước rằng Trung Quốc “rất quan trọng để chúng ta có thể giải quyết vấn đề [khí hậu] này.”
Đối với chính quyền cộng sản này, bất kỳ hợp tác khí hậu nào với Hoa Kỳ đều có những điều kiện kèm theo. Ông Anders Corr, người đứng đầu công ty tư vấn chính trị Corr Analytics có trụ sở tại New York và là cộng tác viên của The Epoch Times, đã viết trong một bài xã luận xuất bản hôm 14/07 rằng ĐCSTQ đang sử dụng các vấn đề khí hậu làm đòn bẩy để tìm kiếm sự nhượng bộ của Hoa Kỳ, dựa trên kết luận được đưa ra theo các bài tường thuật của truyền thông nhà nước của Trung Quốc và bình luận từ một chuyên gia khí hậu ở Trung Quốc.
“ĐCSTQ sẽ khiến thế giới sôi sục trừ phi chúng ta giao ra Đài Loan. Đó là hành vi tống tiền, rõ ràng và đơn giản,” ông Corr viết. “Đài Loan không phải là sự nhượng bộ duy nhất mà Bắc Kinh tìm kiếm để đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than của họ.”
Ông Corr gợi ý rằng Bắc Kinh cũng muốn chính phủ Hoa Kỳ nới lỏng các lệnh trừng phạt, quan thuế, và hạn chế thương mại đối với Trung Quốc để đổi lấy sự hợp tác của họ trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Tham vọng
Hiệp hội Công nhân Dầu khí (Oil & Gas Workers Association), một hiệp hội thương mại độc lập có trụ sở tại Texas đã thẳng thắn lên tiếng về các mối đe dọa do chế độ cộng sản Trung Quốc gây ra. Hôm 12/07, viết trên Twitter, đồng thời gắn liên kết trương mục của ông Kerry, hiệp hội này đã gợi ý rằng sẽ không có “thỏa thuận” nào về khí hậu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
“Trung Quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh chứ không phải cứu hành tinh này,” hiệp hội viết, trích lời ông Chuck DeVore, giám đốc sáng kiến quốc gia của Quỹ Chính sách Công Texas.
Những bình luận của ông DeVore đã được Fox News đăng tải vào tháng Mười Một năm ngoái. Trong bài xã luận của mình, ông viết, “Người Trung Quốc đã che đậy việc chuẩn bị cho chiến tranh của họ bằng một sự thúc đẩy năng lượng xanh.”
Ông cho biết Trung Quốc đã “đặt nền móng” để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên nhập cảng đồng thời mở rộng việc sử dụng than đá để sản xuất điện. Nói cách khác, Bắc Kinh đang “tăng nhanh công suất than sang nhiên liệu lỏng,” ông nói thêm.
Ông viết: “Nói một cách đơn giản, nỗ lực chuyển than sang nhiên liệu lỏng của Trung Quốc cho phép Trung Quốc vượt qua sự phong tỏa của Hải quân Hoa Kỳ đối với Eo biển Malacca, giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc có phạm vi rộng lớn để theo đuổi hành vi xâm lược quân sự chống lại các nước láng giềng trong khi vẫn duy trì hoạt động kinh tế của mình.”
Theo một báo cáo hồi tháng Hai từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch và Giám sát Năng lượng Toàn cầu, hoạt động dự án điện than của Trung Quốc đã tăng tốc vào năm 2022, với số lượng công trình xây dựng tăng thêm 50% so với năm 2021. Năm ngoái, công suất của các nhà máy điện than bắt đầu hoạt động xây dựng ở Trung Quốc lớn hơn “sáu lần” so với phần còn lại của thế giới cộng lại.
Mặc dù vẫn còn phải chờ xem liệu ĐCSTQ có phát động chiến tranh hay không, nhưng không nghi ngờ gì nữa, chế độ này đang hướng tới việc định hình lại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện hành. Hồi tháng Hai, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ cho biết trong một báo cáo (pdf) rằng Bắc Kinh đang sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và các sáng kiến khác để thúc đẩy một “sự thay thế do Trung Quốc lãnh đạo” đối với trật tự thế giới hiện tại.
Báo cáo giải thích thêm lý do tại sao ĐCSTQ cam kết giải quyết các vấn đề khí hậu trong khi bành trướng BRI trên toàn cầu.