Chính sách về Trung Quốc của TT Biden bị giám sát khi ông Kerry chuẩn bị gặp các quan chức ĐCSTQ
Đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống (TT) Biden, ông John Kerry, đã đến Bắc Kinh hôm 16/07 trong ba ngày đàm phán, trở thành quan chức Hoa Kỳ thứ ba đến Trung Quốc trong vòng chưa đầy hai tháng.
Mặc dù các cuộc đàm phán về khí hậu sẽ chi phối các cuộc thảo luận giữa ông Kerry và các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng vẫn còn phải xem liệu các cuộc đàm phán này có thực sự dẫn đến một sự cải thiện mối bang giao song phương hay không vì chưa có bất kỳ bước đột phá lớn nào sau chuyến công du Trung Quốc của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen.
Ông Kerry nói với Quốc hội rằng biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp bách, đồng thời lưu ý rằng điều quan trọng là Hoa Kỳ và Trung Quốc phải tìm cách cùng nhau giải quyết vấn đề này.
“Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và là quốc gia phát thải lớn nhất thế giới. Điều quan trọng là chúng ta có thể giải quyết vấn đề này,” ông Kerry nói tại phiên điều trần của tiểu ban Đối ngoại của Ủy ban Hạ viện hôm 13/07. Ông nói thêm rằng không cam kết cùng với Trung quốc “sẽ là sai lầm về mặt ngoại giao và chính trị thuộc kiểu tồi tệ nhất.”
Ông Kerry dự kiến sẽ gặp đặc phái viên về khí hậu của Trung Quốc Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua) cũng như các quan chức cao cấp khác của Trung Quốc. Trong các cuộc gặp đó, ông Kerry cho biết ông hy vọng họ có thể đạt được tiến bộ trong việc thuyết phục Bắc Kinh “chuyển đổi khỏi than đá.”
Theo báo cáo năm 2022 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Trung Quốc chiếm hơn một nửa, tức 53%, lượng tiêu thụ than toàn cầu.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết cắt giảm lượng phát thải carbon, nhưng điều đó sẽ không bắt đầu cho đến năm 2030.
“Chúng tôi đặt mục tiêu đạt mức phát thải CO2 cao nhất trước năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia theo đuổi sự phát triển sáng tạo, phối hợp, xanh, và cởi mở cho tất cả,” ông Tập nói tại kỳ họp thứ 75 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.
Mặc dù hoan nghênh cam kết của ông Tập, nhưng các nhà quan sát nghi ngờ liệu quốc gia này có thực sự thực hiện cam kết hay không, thậm chí một số người cho rằng đó dường như là “một lời nói dối.”
“Trung Quốc không hề có ý định khử carbon. Mặc dù họ nói rằng họ sẽ giảm lượng phát thải CO2, nhưng trên thực tế, việc nắm giữ quyền lực của những người Cộng sản sẽ sụp đổ nếu không có sự tăng trưởng kinh tế liên tục mà chỉ nhiên liệu hóa thạch mới có thể mang lại,” các nhà nghiên cứu cho biết trong một báo cáo của tổ chức Quỹ Chính sách Ấm lên Toàn cầu (Global Warming Policy Foundation), một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Vương quốc Anh.
Hiện tại, với nền kinh tế đang chững lại, chính quyền Trung Quốc tiếp tục phê chuẩn các nhà máy nhiệt điện than mới. Theo nghiên cứu mới đây của Greenpeace, trong ba tháng đầu năm 2023, các quan chức địa phương đã phê chuẩn việc xây dựng ít nhất 20.45 gigawatt công suất điện, tăng hơn gấp đôi so với 8.63 gigawatt được phê chuẩn trong cùng thời kỳ năm ngoái.
Để so sánh, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đã đưa ra các quy tắc khắc khe nhất từ trước đến nay đối với các nhà máy điện, yêu cầu hầu hết các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải cắt giảm 90% lượng phát thải carbon trước năm 2035.
TT Joe Biden cho biết Hoa Kỳ sẽ cắt giảm ít nhất 50% lượng phát thải so với mức của năm 2005 vào cuối thập niên này. Ông Biden cam kết sẽ biến Hoa Kỳ thành quốc gia đóng góp “phát thải ròng bằng không” vào biến đổi khí hậu trước năm 2050.
Sự khác biệt về tốc độ cắt giảm phát thải giữa hai quốc gia này đã được chú ý trong phiên điều trần hôm thứ Năm (13/07) tại một hội đồng của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện.
“Hoa Kỳ đang làm gì để buộc Trung Quốc giảm lượng phát thải CO2?” Dân biểu Nathaniel Moran (Cộng Hòa-Texas) hỏi.
Ông Kerry bác bỏ từ “buộc” nhưng không trả lời trực tiếp câu hỏi. “Tôi sẽ đến đó … nhưng tôi không chắc rằng chỉ sự hiện diện đó thôi là đủ để buộc họ hay không,” ông nói, biện hộ rằng Trung Quốc đã khai triển nhiều năng lượng tái tạo hơn.
Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas), chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, lưu ý rằng những lời hứa của chính quyền này thường mâu thuẫn với thực tế.
“Họ không phải là một nhà môi giới trung thực khi đề cập đến vấn đề giảm phát thải,” ông McCaul nói. “Họ đốt một nhà máy than khá nhiều mỗi ngày nếu không muốn nói là hàng tuần.”
Vị nghị sĩ này cũng nêu ra việc chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng họ là một quốc gia đang phát triển và không nên áp đặt họ theo các tiêu chuẩn giống như các nền kinh tế phát triển trong việc giảm lượng phát thải carbon.
Ông McCaul đặt câu hỏi: “Làm thế nào mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại có thể khăng khăng với quý vị và phần còn lại của thế giới một cách thẳng thắn rằng họ là một quốc gia đang phát triển, rồi dành cho họ sự đối xử ưu đãi.”
Ông Kerry nói rằng ông không phản đối việc Đảng Cộng Hòa coi điều này là không công bằng, đồng thời nói thêm rằng điều này sẽ được xem xét lại vào năm tới.
Nhưng về việc liệu ông có thể “xóa bỏ” quy chế quốc gia đang phát triển của Trung Quốc trong chuyến công du này hay không, ông Kerry nói: “Để tôi nói thẳng với quý vị, điều đó sẽ không xảy ra trong chuyến thăm này. Điều đó không phải là một quy định hay biện minh nào cả.
Đảng Cộng Hòa
Trước chuyến công du của ông Kerry, các thành viên Đảng Cộng Hòa và các chuyên gia về Trung Quốc đã chất vấn chính phủ TT Biden về những nỗ lực dai dẳng của họ nhằm cam kết với Trung Quốc, trong khi Đảng Dân Chủ đứng ra bảo vệ ông Biden.
“Tôi vô cùng lo ngại rằng chính phủ tiếp tục cam kết với ĐCSTQ mà không có kết quả thiết thực nào hoặc bất cứ điều gì để thể hiện điều đó,” ông McCaul nói trong phiên điều trần hôm thứ Năm. “Chống lại Trung Quốc và nghị trình thâm độc của họ nên là ưu tiên hàng đầu của Bộ Ngoại giao.”
Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee) đã mô tả cuộc đàm phán về khí hậu này là sự xoa dịu.
Bà Blackburn nói trong một tuyên bố hôm 13/07 rằng, “Chuyến công du do người đóng thuế tài trợ tới Trung Quốc của ông John Kerry là một nỗ lực yếu nhược khác nhằm xoa dịu một chế độ độc tài đang vi phạm nhân quyền trên diện rộng và đàn áp chính người dân của mình.”
“Chính phủ của ông Biden rõ ràng quan tâm đến việc thúc đẩy nghị trình cấp tiến về Thỏa thuận Xanh mới hơn là bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta,” bà Blackburn nói thêm. “Thay vì hợp tác với đối thủ lớn nhất của chúng ta dưới danh nghĩa chống biến đổi khí hậu, Hoa Kỳ nên tập trung vào việc cản trở mục tiêu đạt được sự thống trị toàn cầu của Bắc Kinh.”
Dân biểu Ashley Hinson (Cộng Hòa-Iowa) cũng đưa ra những lời chỉ trích tương tự, nói rằng chuyến công du của ông Kerry là sự nối tiếp “chuyến công du nhằn xoa dịu Bắc Kinh” của ông Biden.
Bà Hinson viết trên Twitter hôm 13/07 rằng, “Chúng ta cần phải đứng lên chống lại ĐCSTQ, chứ không phải tưởng thưởng cho hành vi xấu vẫn còn tiếp diễn.”
Một quan chức thứ tư của Hoa Kỳ có thể sẽ sớm đến thăm Trung Quốc. Theo một báo cáo hôm 13/07 từ Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc, Bộ Thương mại Trung Quốc đã “liên lạc” với phía Hoa Kỳ về chuyến công du Trung Quốc có thể có của Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo.
Hôm 14/07, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan (Cộng Hòa-Alaska) bày tỏ lo ngại về những gì ông Kerry sẽ “trao” cho ĐCSTQ, đồng thời nêu ra cách mà tin tặc Trung Quốc mới đây đã đột nhập vào các trương mục thư điện tử của chính phủ Hoa Kỳ.
“Tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu ông John Kerry từ bỏ sự bảo vệ của Mỹ đối với Đài Loan để đổi lấy thêm những lời hứa suông về khí hậu từ ĐCSTQ,” ông Sullivan viết trên Twitter. “Tôi kêu gọi ông John Kerry và Bộ trưởng Raimondo hủy bỏ các chuyến công du sắp tới của mình tới Bắc Kinh.”
Đảng Dân Chủ
Ông Kerry đã nhận được lời khen ngợi từ Đảng Dân Chủ tại phiên điều trần của tiểu ban Hạ viện hôm 13/07.
Dân biểu Gregory Meeks (Dân Chủ-New York), thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, coi biến đổi khí hậu là một vấn đề an ninh quốc gia, và ông “vô cùng hài lòng” khi thấy chính phủ TT Biden bổ nhiệm ông Kerry làm đặc phái viên về khí hậu.
“Tôi cảm thấy thanh thản khi chứng kiến Hoa Kỳ, cùng với hầu hết các quốc gia trên thế giới, quay trở lại bàn đàm phán, không chỉ trong các cuộc đàm phán về khí hậu, mà còn trong nhiều lĩnh vực ngoại giao khác,” ông Meeks trình bày trong phiên điều trần. “Hoa Kỳ một lần nữa lại dẫn đầu thế giới, ngay cả khi nói đến việc giảm lượng phát thải từ quốc gia phát thải lớn nhất là Trung Quốc, có những lĩnh vực mà chúng ta có thể và phải hợp tác.”
Dân biểu Jason Crow (Dân Chủ-Colorado), thành viên cao cấp của Tiểu ban Giám sát và Trách nhiệm giải trình, đã bảo vệ ông Kerry vì nỗ lực của ông để giải quyết những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra.
“Sẽ là sai lầm khi nói rằng cam kết với thế giới, bao gồm cả với các đối thủ của chúng ta và những quốc gia mà chúng ta không có điểm chung trong mọi lĩnh vực, là thể hiện sự yếu nhược theo bất kỳ cách nào,” ông Chow nói. “Kỳ thực, đó là một sự thể hiện sức mạnh để tham gia cùng với thế giới, và làm như vậy từ một vị thế tự tin.”
Hôm 15/07, ông Matt Stoller, giám đốc nghiên cứu của Dự án Tự do Kinh tế Hoa Kỳ, cho biết chính phủ TT Biden “đã mềm mỏng” đối với việc lựa chọn các quan chức Hoa Kỳ đến Trung Quốc.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times