Bắc Kinh đáp trả Hoa Thịnh Đốn
Bắc Kinh đáp trả các hạn chế xuất cảng của TT Biden bằng các hạn chế xuất cảng của riêng mình
Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn dường như đã bước vào một cuộc cạnh tranh ăn miếng trả miếng về thương mại. Cuối năm ngoái, chính phủ ông Biden đã đặt ra các hạn chế đối với việc xuất cảng thiết bị sản xuất chất bán dẫn tân tiến sang Trung Quốc, đồng thời công bố trợ cấp cho ngành sản xuất chất bán dẫn trong nước. Hoa Thịnh Đốn thậm chí còn đưa Nhật Bản và Hà Lan tham gia lệnh cấm xuất cảng này. Giờ đây, ngay trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán cao cấp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về thương mại, Bắc Kinh đã ngăn chặn những hành động này bằng cách áp đặt các hạn chế đối với việc xuất cảng hai kim loại — gallium và germanium — cả hai kim loại này đều cần thiết cho nhiều ứng dụng thương mại và quân sự. Cho đến nay, Hoa Thịnh Đốn vẫn chưa có phản ứng nào trước hành động của Bắc Kinh.
Không còn nghi ngờ gì nữa, nhận thức được các cuộc đàm phán thương mại này, Bắc Kinh đã trì hoãn việc bắt đầu lệnh cấm này đến ngày 01/08. Sự trì hoãn này có lẽ tạo thành một lời mời để Hoa Thịnh Đốn giải giáp các vấn đề bằng cách làm dịu đi những gì đã trở thành một cách tiếp cận ngày càng thù địch với Trung Quốc trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, Bắc Kinh rõ ràng đang chuẩn bị sử dụng vũ khí thương mại này. Nhắc lại chiến thắng năm 2014 của Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi Trung Quốc cấm xuất cảng các nguyên tố đất hiếm, lệnh cấm mới nhất này có một cấu trúc hành chính rất khác. Để khiến việc kiện ra WTO càng khó thắng hơn, Bắc Kinh sẽ không chỉ cấm xuất cảng mà thay vào đó sẽ yêu cầu các nhà sản xuất phải có được một giấy phép đặc biệt để xuất cảng kim loại này. Sau đó, các quan chức có thể cấp các giấy phép này cho từng trường hợp cụ thể theo những gì Bắc Kinh tuyên bố là bảo vệ “an ninh và lợi ích quốc gia.”
Đối với giai đoạn sắp tới, đây không phải là vấn đề nhỏ đối với Hoa Kỳ. Trung Quốc hiện là nhà cung cấp lớn nhất thế giới các kim loại quan trọng này. Khối lượng sản xuất và thương mại là nhỏ, nhưng các kim loại này vẫn cần thiết để sản xuất và bảo trì chất bán dẫn, bộ sạc điện thoại, công nghệ hỏa tiễn, xe điện, hệ thống cáp quang, tấm quang năng, v.v. Hiện tại, khoảng 94% lượng gallium trên thế giới và một phần tương đương nguồn cung germanium trên thế giới đến từ Trung Quốc. Chắc chắn là, không có kim loại nào là đặc biệt hiếm cả. Thật vậy, Hoa Kỳ là nơi có mỏ germanium lớn nhất thế giới. Các khoản trữ lượng lớn cũng tồn tại ở Nga, Bỉ, và Canada. Trữ lượng gallium được tìm thấy ở Nga, Ukraine, Nhật Bản, và Nam Hàn. Nhưng trong những năm qua, Trung Quốc đã giảm giá trong quá trình tinh chế và chiết xuất mà đôi khi là đắt đỏ nên nhiều nguồn tài nguyên này đã rơi vào trạng thái không dùng đến, gồm cả mỏ quặng gallium rất lớn ở Hoa Kỳ.
Mới đây, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã tới Trung Quốc để đàm phán về thương mại. Bà đã chỉ trích các biện pháp kiểm soát xuất cảng đó và lên tiếng hòa giải đối với ảnh hưởng mà mối bang giao này nên tiếp nhận về đặc điểm của “một cuộc chiến mà không bên nào đạt được hết thảy lợi ích.” Mặc dù Bắc Kinh đã dành ra một tháng trước khi sự trả đũa của họ có hiệu lực, bà Yellen có rất ít cơ hội để đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào cho Bắc Kinh để đổi lấy sự thay đổi trong thỏa thuận gallium và germanium được đề xướng này. Với luận điệu chống Trung Quốc trong quá khứ của Hoa Thịnh Đốn và các hành động khác từ chính phủ ông Biden, hầu như bất kỳ sự mềm mỏng nào cũng có thể bị coi là điểm yếu ở Hoa Thịnh Đốn.
Ngay cả khi Bộ trưởng Yellen tìm ra cách nào đó để tháo gỡ thế bế tắc hiện tại, thì mối đe dọa của Trung Quốc về gallium và germanium, cũng như những lời đe dọa cắt đứt nguồn cung cấp nguyên tố đất hiếm trước đó, nên là một hồi chuông cảnh tỉnh cho Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới phát triển. Mỹ quốc, cũng như châu Âu và Nhật Bản, hết sức cần thiết phải đa dạng hóa nguồn cung ứng nguyên liệu thô và sản xuất ra khỏi Trung Quốc, để “giảm thiểu rủi ro,” theo cách gọi ưa thích của Liên minh Âu Châu hơn là “tách rời.” Tại các cuộc họp G-7 mới đây, Nhật Bản đã cảnh báo thế giới về sự nguy hiểm của việc phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn cung cấp của Trung Quốc. Tokyo đã đề xướng một kế hoạch tìm các giải pháp thay thế ở những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như châu Phi, đối với các nguyên tố đất hiếm, và nếu cần, cung cấp tài chính để phát triển. Cho đến nay, không một quốc gia nào khác, kể cả Hoa Kỳ, đã thể hiện nhiều sự nhiệt tình đối với kế hoạch này của Nhật bản, nhưng sự đe dọa mới đây nhất đối với gallium và germanium có thể làm thay đổi mạnh quan điểm ở cả thủ đô Hoa Thịnh Đốn và các thủ đô của Âu Châu.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times