Đại diện thương mại dưới thời cựu TT Trump đề ra kế hoạch đánh bại Trung Quốc bằng biện pháp của chính nước này
Cuốn sách mới của ông Robert Lighthizer kêu gọi sự tách rời chiến lược khỏi Trung Quốc
Cựu Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer coi thâm hụt thương mại hàng thập niên của Hoa Kỳ với Trung Quốc là một sự “chuyển giao của cải.” Trong cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình “American Thought Leaders” (Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ) của EpochTV, ông đã đề ra một chiến lược để đánh bại Trung Quốc trong trò chơi của chính họ thông qua việc tách rời chiến lược, rất giống với điều mà theo ông Trung Quốc vẫn luôn làm với Hoa Kỳ.
Trong cuốn sách mới của mình “No Trade Is Free: Changing Course, Taking on China, and Helping America’s Workers” (Không Có Thương Mại Nào Là Tự Do: Thay Đổi Hướng Đi, Đối Đầu Với Trung Quốc, Và Giúp Đỡ Người Lao Động Mỹ), ông nhớ lại một cuộc họp mà ông đã tham dự ở Bắc Kinh hồi tháng 11/2017, trong đó ông đã nói với ông Tập Cận Bình, tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), rằng mối quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là không cân bằng.
Và từ đó, ông Lighthizer cho biết ông đã thay đổi giọng điệu của các cuộc đàm phán thương mại vốn chỉ là những vòng cam kết mơ hồ mà không có hành động tiếp theo, vốn được thiết lập lại với mỗi chính phủ mới của Hoa Kỳ.
“Tôi chưa bao giờ quan tâm đến một trong những điều mà trong đó hiện trạng mặc định là có lợi cho phía bên kia,” ông nói với The Epoch Times. “Và miễn là họ có thể trì hoãn, thì họ sẽ duy trì lợi ích đó, sự ưu đãi đó, và trong nhiều trường hợp, là sự chuyển giao của cải đó.”
‘Chuyển giao tài sản ròng’
Đối với ông Lighthizer, không có vấn đề gì khi một quốc gia thâm hụt thương mại với một quốc gia khác trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, hàng thập niên thâm hụt hàng trăm tỷ USD — như trường hợp thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc — về căn bản là một “sự chuyển giao tài sản ròng.”
Theo Cục Phân tích Kinh tế, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã tăng gần gấp bốn lần kể từ tháng 12/2001, khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Tổng thâm hụt thương mại từ năm 2002 đến năm 2022 lên tới hơn 5 ngàn tỷ USD — 1/5 GDP của Hoa Kỳ vào năm 2022.
Trong cùng thời kỳ, vị thế đầu tư ròng của Hoa Kỳ — số tiền mà người Mỹ sở hữu trên toàn thế giới so với số tiền mà phần còn lại của thế giới sở hữu tại Hoa Kỳ — đã tăng gần sáu lần lên mức âm 16 ngàn tỷ USD vào năm 2022.
Ông nói trong cuộc phỏng vấn: “Chúng ta đang mua những chiếc áo T-shirt này và những chiếc tivi thứ ba và thứ tư rẻ hơn, nhưng chúng ta đang trả tiền cho những sản phẩm này bằng cách chuyển tài sản của đất nước chúng ta ra ngoại quốc.”
Ông gọi đó là một “món hời của kẻ ngốc”: “Đó là một giao dịch tệ hại; đó không phải là một giao dịch tốt. Trong nhiều trường hợp, giao dịch kiểu đó là sự tiêu thụ trong hiện tại dẫn đến mất giá trị trong dài hạn.”
Bài tiểu luận “The Free Trade Folly” (Sự Điên Rồ Trong Thương Mại Tự Do) của ông đã tóm tắt vấn đề tương tự vào đầu năm nay: “Chúng ta thực sự đang đánh đổi quyền kiểm soát tương lai của quốc gia chúng ta, sự giàu có của con cháu chúng ta, để đổi lấy tiêu dùng hiện tại — TV và giày thể thao rẻ hơn. Đây đúng là điên rồ.”
Ảo tưởng về thương mại tự do
Ông Lighthizer xem thương mại tự do là một “tôn giáo sai lầm.”
Ông nói thêm, “Không ai thực hành thương mại tự do. Chắc chắn, nếu quý vị nhìn vào các quốc gia lớn có thặng dư lớn, họ không có thương mại tự do. Ở Trung Quốc, không hề có chút nào giống thế. Thương mại tự do thậm chí không phải thuộc chủ nghĩa tư bản. Đức không có thương mại tự do. Châu Âu không có thương mại tự do. Toàn bộ khái niệm này chỉ là một vị sự ngộ nhận giả tạo, và thương mại tự do thực sự không tồn tại.”
Theo ông, Trung Quốc mưu toan đạt được sự thống trị toàn cầu và đã lợi dụng những người ngoại quốc khao khát kiếm tiền ở nước này.
Ông nói, “Chính Trung Quốc là bên quyết định, ‘Tôi sẽ làm cho các vị giàu có bởi vì làm như vậy sẽ giúp cho tôi.’ Những người đó sau đó trở thành những người ủng hộ Trung Quốc. Đó ít nhiều là sự đánh đổi.”
“Khái niệm sử dụng người Mỹ để giúp đỡ một cường quốc ngoại quốc và để các cá nhân kiếm tiền chắc chắn không phải là điều mới mẻ,” ông Lighthizer nói:“Đó chắc chắn không phải là thứ mà người Trung Quốc đã phát minh ra.”
Cẩm nang tách rời chiến lược
Ông Lighthizer nói rằng Hoa Kỳ cần phải tách rời chiến lược với Trung Quốc, “rất giống như người Trung Quốc đã làm với chúng ta.”
Ông nói rằng “giảm thiểu rủi ro”, một chiến lược được các nước G7 áp dụng nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc, là “một bước đi nhỏ theo đúng hướng”, và gọi hành động này là “chiến lược tách rời phiên bản nhỏ.”
Cựu quan chức thương mại này nói, “Tôi nghĩ đó là một cách để cố gắng làm điều đúng đắn, nhưng vẫn khiến toàn bộ các công ty rất giàu có của Hoa Kỳ nhập cảng từ Trung Quốc hài lòng. Họ đang cố gắng đạt được cả đôi đường.”
Sách lược tách rời chiến lược của ông Lighthizer bao gồm các yếu tố sau: đạt được thương mại cân bằng, cắt đứt dòng công nghệ chảy từ Hoa Kỳ sang Trung Quốc, và quản lý các khoản đầu tư ở trong và ngoại quốc.
Để cân bằng thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc, ông Lighthizer cho biết thuế quan của cựu Tổng thống Donald Trump đã phát huy tác dụng. Kể từ khi mức thuế đầu tiên được áp dụng vào tháng 07/2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã giảm cho đến năm 2020. Lời giải thích của ông về thâm hụt thương mại phục hồi vào năm 2021 là sự kết hợp giữa nhu cầu được kích thích bởi các gói cứu trợ đại dịch của chính phủ Hoa Kỳ và việc ngừng hoạt động sản xuất ở trong nước đã thúc đẩy hoạt động mua hàng từ ngoại quốc.
Theo ông Lighthizer, một công cụ khác có khả năng hoạt động để giảm thâm hụt thương mại, là ý tưởng của ông Warren Buffett về chứng chỉ xuất nhập cảng. Trong một bài báo năm 2003, ông Buffett đã minh họa một đề nghị rằng các công ty sẽ nhận được giấy chứng nhận nhập cảng theo giá trị tính bằng USD dựa trên lượng hàng hóa xuất cảng của họ. Do đó, một công ty nhập cảng nhiều hơn xuất cảng sẽ phải mua giấy chứng nhận nhập cảng trên thị trường. Đó là ý tưởng của ông Buffett về việc để thị trường tìm ra cách cân bằng thương mại.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times