Phán quyết về hành động khẳng định của SCOTUS cho thấy người Mỹ nên được đối xử dựa trên tính cách và trách nhiệm cá nhân, chứ không phải chủng tộc
Phán quyết gần đây của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bãi bỏ các chính sách tuyển sinh dựa trên chủng tộc tại các trường đại học Hoa Kỳ—còn được gọi là chính sách hành động khẳng định. Điều này cho thấy người Mỹ nên được đối xử dựa trên tính cách và trách nhiệm cá nhân của họ, chứ không phải chủng tộc của họ, theo nhận định của hai người ủng hộ phán quyết này.
“Tôi thấy phấn khởi. Không cách nào khác diễn tả được điều đó, đây là một quyết định trọng đại,” anh Kenny Xu, thành viên hội đồng quản trị của Tổ chức Tuyển sinh Công bằng cho Sinh viên, nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên chương trình Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ (American Thought Leaders).
“Điều này có nghĩa là người Mỹ có thể an tâm khi biết rằng họ sẽ được đối xử dựa trên phẩm chất tính cách, chứ không phải màu da vào thời điểm quan trọng của cuộc đời mình, đó là tuyển sinh đại học,” anh Xu nói.
“Ít nhất họ sẽ biết là chủng tộc của họ không thể đóng vai trò trợ giúp hay phản lại họ, vốn là điều họ không thể kiểm soát.”
Tổ chức Tuyển sinh Công bằng cho Sinh viên là nguyên đơn mà Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết có lợi trong các vụ kiện với trường Đại học Harvard và Đại học North Carolina. Theo trang web của mình, tổ chức bất vụ lợi này bao gồm những người “tin rằng phân loại và thiên vị chủng tộc trong tuyển sinh đại học là không công bằng, không cần thiết, và vi hiến.”
Phản ứng với tuyên bố của trường Harvard
Khi được hỏi về tuyên bố của trường Đại học Harvard, trong đó nói rằng họ sẽ tuân thủ phán quyết của Tối cao Pháp viện—bao gồm cả việc các trường cao đẳng và đại học “trong các quyết định tuyển sinh có thể cân nhắc ‘một cuộc thảo luận của ứng viên về việc chủng tộc ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như thế nào, có thể là do phân biệt đối xử, cảm nghĩ, hoặc tình huống khác’”—thì anh Xu cho biết anh tin rằng tuyên bố của trường Harvard là “hoàn toàn ngạo mạn” và “dựa trên việc giải thích sai nguyên văn của phán quyết.”
“Nếu quý vị thực sự xem xét phán quyết đó, thì Thẩm phán John Roberts đã viết cụ thể [rằng] các trường đại học không thể sử dụng chủng tộc một cách trực tiếp hoặc gián tiếp trong quyết định [tiếp nhận sinh viên] của họ,” anh Xu nói. “[Ông Roberts] thậm chí còn nói [rằng] một cá nhân có thể viết về chủng tộc của mình hoặc trải nghiệm về phân biệt chủng tộc của mình, nhưng trường đại học thì không thể sử dụng trải nghiệm đó để biện minh cho việc đối xử không công bằng với một người khác đã chọn không nói lên vấn đề phân biệt chủng tộc … Vì vậy, khi trường Harvard chọn làm bất cứ điều gì, thì họ phải tuân theo phán quyết của Tối cao Pháp viện.”
Anh Xu nói thêm: “[Thẩm phán] Roberts phán quyết rằng quý vị phải đánh giá trải nghiệm của một người với tư cách cá nhân. Điều đó có nghĩa là [nếu] họ viết về sự phân biệt chủng tộc, thì cũng tốt thôi, nhưng quý vị phải đánh giá điều đó dựa trên chất lượng bài viết của họ. Quý vị không thể nói, ‘Họ đã viết về phân biệt chủng tộc, thế nên, tôi sẽ cộng thêm điểm cho họ;’ quý vị không thể làm điều đó. Nếu trường Harvard cố gắng làm điều đó, thì họ đã sai, và họ nên bị kiện vì hành động đó.”
Người từng là nhà hoạt động dân quyền: Phán quyết chấm dứt giả thuyết rằng người Mỹ gốc Phi Châu ‘kém cỏi về mặt trí tuệ’
Ông Bob Woodson—người từng là nhà hoạt động dân quyền, đồng thời là người sáng lập kiêm chủ tịch của Trung tâm Woodson, một tổ chức bất vụ lợi chuyên giúp đỡ cư dân ở các khu vực có thu nhập thấp—đã chia sẻ với chương trình Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ về lý do tại sao ông cảm thấy “hoàn toàn hài lòng với phán quyết của Tối cao Pháp viện.”
“[Phán quyết] chấm dứt giả thuyết rằng người Mỹ gốc Phi Châu kém cỏi về mặt trí tuệ, và bởi vậy mà chỉ có thể thành đạt và thăng tiến nếu các đặc quyền được mở rộng cho chúng tôi,” ông nói. “Tôi thực sự vui mừng vì phán quyết này chấm dứt giả thuyết về sự kém cỏi và mọi việc sẽ quay trở lại với toàn bộ vấn đề về bình đẳng cơ hội.”
“Hành động khẳng định là một phần của toàn bộ câu chuyện về bất bình chủng tộc. Giả thiết là để người người Mỹ gốc Phi Châu đạt được thành tựu, thì chúng ta phải hạ thấp các tiêu chuẩn đầu vào,” ông nói.
Ông Woodson cho rằng trái ngược với ý định rằng hành động khẳng định sẽ giúp ích cho người Mỹ gốc Phi Châu, thì nó thường đạt được điều ngược lại. Ông nói: “Bất cứ khi nào quý vị khái quát hóa về một nhóm người rồi sau đó cố gắng áp dụng các biện pháp khắc phục cho nhóm đó, thì điều đó luôn giúp ích cho những người ở trên cao nhất và gây bất lợi cho những người ở dưới đáy.”
Ông Woodson cho biết trước đây, các chương trình dành riêng của chính phủ, vốn yêu cầu phân bổ các vị trí được dành cho các nhóm người ít được đại diện, đã thay thế cho kỷ luật và làm việc chăm chỉ. Điều này đã gây hại cho các cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu.
Trách nhiệm cá nhân
Khi được hỏi về việc các trường đại học hiện nay dường như cho rằng họ có thể tìm cách lách phán quyết của Tối cao Pháp viện để vẫn áp dụng các chính sách hành động khẳng định, ông Woodson cho biết làm như vậy sẽ giống như “tiếp tay cho việc tiếp tục gây tổn thương.”
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng sự cố chấp kiểu cũ còn lành mạnh hơn là bàn tay chiếu cố của những người da trắng nghĩ rằng họ có thể giúp đỡ người Mỹ gốc Phi Châu, bằng cách làm cho người Mỹ gốc Phi Châu những việc mà người da trắng từ chối làm cho chính mình.”
“Tôi thà bị ghét còn hơn là được chiếu cố. Cố chấp là bên ngoài, chiếu cố là bên trong. Có hai cách mà quý vị có thể ngăn ai đó cạnh tranh. Đầu tiên là từ chối chúng theo luật, điều mà chúng ta đã từng làm dưới thời ông Jim Crow. Cách thứ hai thâm hiểm hơn nhiều, là nói với mọi người rằng ‘vì lịch sử của quý vị, quý vị không cần phải cạnh tranh, tất cả những gì quý vị phải làm là xuất hiện, quý vị không cần phải làm việc chăm chỉ.’ Trên thực tế, chúng ta không được phép thảo luận về trách nhiệm cá nhân.”
“‘Ồ, quý vị đang đổ lỗi cho nạn nhân’—nhưng đó là trách nhiệm cá nhân, làm việc chăm chỉ, đức tin tôn giáo của chúng ta, cam kết của chúng ta đối với gia đình hạt nhân; tất cả những điều này dùng để bảo vệ cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu trong những thời kỳ nô lệ, và Jim Crow,” ông Woodson nói.
“Tuy nhiên, trong 50 năm qua, chúng ta có số người Mỹ gốc Phi Châu sát hại những người cùng màu da với mình trong một năm nhiều hơn số người Klan [người Mỹ theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng] đã sát hại họ trong 50 năm. Hãy cho tôi biết hành động khẳng định và các loại chương trình chiếu cố kiểu này sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng đó như thế nào?”
Thay cho các chính sách hành động khẳng định, ông Woodson đã chia sẻ các ví dụ về những nhóm cộng đồng đã và đang làm việc để cung cấp cho những người Mỹ có hoàn cảnh khó khăn, bao gồm cả người Mỹ gốc Phi Châu, sự cố vấn và cơ hội, và gợi ý rằng các trường đại học và cao đẳng có thể xem xét trợ giúp hoặc bắt đầu các sáng kiến tương tự để giúp xây dựng khả năng phục hồi và sự kiên trì cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Chế độ nhân tài
Anh Xu cho biết anh phản đối cả hành động khẳng định cũng như tuyển sinh kế thừa, vốn là thông lệ ưu tiên những ứng viên có quan hệ gia đình với cựu sinh viên. “Tôi phản đối bất kỳ loại quy trình hoặc hệ thống nào cố gắng làm chúng ta xa rời nguyên tắc phẩm chất xứng đáng mà đất nước chúng ta được xây dựng, thiết lập dựa trên sự xuất sắc.
“Đó chính là giấc mơ Mỹ. Nhiều người nhập cư đến đất nước này với niềm tin rằng họ sẽ không bị đánh giá dựa trên lý lịch mà dựa trên nội dung tính cách của họ, chứ không phải màu da của họ—đó là châm ngôn phổ quát mà chúng ta nên cố gắng thực hiện.”
Anh Xu cho biết dựa trên dữ liệu từ Tổ chức Tuyển sinh Công bằng cho Sinh viên, một người Mỹ gốc Á phải đạt điểm SAT cao hơn 273 điểm để có cơ hội được nhận vào tương tự như một người Mỹ gốc Phi Châu, điều này có nghĩa là tiêu chuẩn đã được hạ thấp đối với các ứng viên người Mỹ gốc Phi Châu.
Phán quyết của Tối cao Pháp viện “sẽ giúp ích cho các sinh viên người Mỹ gốc Phi Châu,” anh nói thêm. “Tôi nghĩ mọi người thực sự ủng hộ điều này: ‘Điều này sẽ làm giảm tỷ lệ các em học sinh người Mỹ gốc Phi Châu ở Harvard.’ Được rồi, vậy quý vị đến một ngôi trường phù hợp hơn với mình về mặt học thuật, nơi quý vị thực sự có thể tốt nghiệp ở nhóm 25 phần trăm hàng đầu, hoặc quý vị không phải lo lắng về việc bị gọi là ‘sinh viên tốt nghiệp nhờ hành động khẳng định.’
“Đôi khi đó là điều phù hợp hơn … hành động khẳng định, tất cả những gì mà nó thực hiện là đặt học sinh vào nhầm chỗ trong khi các em có thể phát triển năng lực trong một ngôi trường khác. Đó không phải là vấn đề uy tín của trường của quý vị. Hầu hết các nhà giáo dục, kể cả bên cánh tả, đều biết rằng vấn đề ở đây là quý vị làm gì với điều đó.”
Anh Xu đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ chế độ nhân tài. “Chế độ nhân tài là một ý tưởng mà cánh tả vốn dĩ không thích vì ý tưởng này ám chỉ những kết quả bất bình đẳng là hợp lý, nhưng đó là cách con người và bản chất con người vận hành.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times