‘Chúng ta đang ở trong một tình trạng khủng bố’: Cựu giám đốc phản gián đề nghị cần chia sẻ mối đe dọa của Trung Quốc với các công ty tư nhân Mỹ
Cuộc chiến kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc với Hoa Kỳ đã “tự biểu hiện thành khuôn khổ của một cuộc khủng bố,” cựu lãnh đạo cơ quan phản gián Hoa Kỳ William Evanina cho biết tại một phiên điều trần của quốc hội hôm thứ Tư (26/07). Ông đề nghị thành lập một tổ chức tình báo về mối đe dọa kinh tế mới sẽ chia sẻ “thông tin về mối đe dọa theo thời gian thực, có thể thúc đẩy hành động” với các công ty tư nhân Mỹ để giảm thiểu rủi ro khi làm ăn với Trung Quốc.
“Tôi đề nghị với ủy ban này rằng chúng ta đang ở trong một tình trạng khủng bố,” ông nói với các thành viên của Ủy ban Đặc biệt về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) của Hạ viện.
Ông nói rằng mối đe dọa của ĐCSTQ đòi hỏi mức độ khẩn cấp và nguồn lực tương tự như các nỗ lực chống khủng bố của Hoa Kỳ trong hai thập niên qua, đồng thời cho biết thêm đây là “một sự kiện diễn ra chậm, có phương pháp, có chiến lược, dai dẳng, và lâu dài, đòi hỏi mức độ khẩn cấp của chính phủ và hành động của doanh nghiệp.”
Theo FBI, chi phí thường niên cho các vụ đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại của ĐCSTQ lên tới 225 tỷ đến 600 tỷ USD. Ông Evanina cho biết phí tổn này tương đương với lượng tài sản bị mất có giá trị sau thuế khoảng 4,000 đến 6,000 USD cho mỗi gia đình Mỹ bốn người.
Ông nói thêm rằng khu vực tư nhân của Hoa Kỳ đã trở thành “chiến trường địa chính trị cho Trung Quốc” vì rất nhiều hoạt động thu thập thông tin tình báo phi truyền thống của ĐCSTQ được thực hiện giữa các hoạt động nghiên cứu và giao dịch kinh doanh.
Phiên điều trần diễn ra khi ủy ban về Trung Quốc của Hạ viện đã tiến hành điều tra các công ty đầu tư mạo hiểm (VC) của Hoa Kỳ hồi một tuần trước vì khoản đầu tư của họ vào các công ty công nghệ Trung Quốc.
Các công ty VC trong cuộc điều tra của ủy ban này đã tài trợ cho các công ty trí tuệ nhân tạo, máy điện toán lượng tử, và chất bán dẫn có trụ sở tại Trung Quốc mà cơ quan quốc hội này coi là “góp phần trực tiếp vào các vi phạm nhân quyền, hiện đại hóa quân sự, bành trướng chủ nghĩa độc tài trên toàn cầu của CHND Trung Hoa, và toàn bộ nỗ lực của CHND Trung Hoa nhằm thay thế vị trí dẫn đầu về công nghệ của Hoa Kỳ,” đề cập đến tên chính thức của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Tại phiên điều trần, thành viên cao cấp của ủy ban Raja Krishnamoorthi (Dân Chủ-Illinois) nhấn mạnh khái niệm về sự kết hợp dân sự-quân sự của ĐCSTQ ở chỗ không có công ty tư nhân thực sự ở Trung Quốc. Ông nói rằng ĐCSTQ không tham gia cạnh tranh kinh tế, mà là tham gia một cuộc chiến để “xác định các giá trị sẽ được đưa vào các công nghệ nền tảng của cuộc sống thường nhật.”
Do đó, theo quan điểm của ông, Mỹ quốc đang ở một “thời điểm thay đổi mạnh mẽ” — sự dẫn đầu về công nghệ của nước này bảo đảm cho công nghệ phục vụ nhân loại. Ông nói rằng nếu không thì sự thống trị về công nghệ của ĐCSTQ có thể ảnh hưởng đến tự do và các cơ hội của người Mỹ.
Ông Evanina cảnh báo ủy ban quốc hội này không nên mong đợi ĐCSTQ đồng ý với Hoa Kỳ về bất kỳ khuôn khổ AI (trí tuệ nhân tạo) nào. Ông cũng bình luận về thỏa thuận của Ford Motor với nhà sản xuất pin xe điện Trung Quốc Contemporary Amperex Technology Company Limited (CATL), gọi đó là “ích kỷ và bị lừa” và “ngờ nghệch trước an ninh quốc gia và lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.”
Hồi tháng Hai, Ford thông báo rằng một nhà máy sản xuất pin xe điện mới trị giá 3.5 tỷ USD sẽ được xây dựng ở Marshall, Michigan, cách Detroit 100 dặm (khoảng 160 km) về phía tây. Ford cho biết một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn sẽ sở hữu nhà máy này và tuyển dụng cônh nhân, trong khi CATL, như một phần của một thỏa thuận cấp phép, sẽ cung cấp công nghệ pin EV, một số thiết bị, và nhân công.
Trả lời câu hỏi của Dân biểu John R. Moolenaar (Cộng Hòa-Michigan) về việc liệu các nhân viên người Trung Quốc của CATL có làm gián điệp cho ĐCSTQ hay không, ông Evanina nói, “Chắc chắn là có.”
Ông nêu ra rằng điều cần thiết là phải phân biệt người dân Trung Quốc với ĐCSTQ; tuy nhiên, ĐCSTQ thường sử dụng các doanh nhân và kỹ sư — những người mà ông gọi là “những nhà sưu tập phi truyền thống” — để tiến hành đấu thầu. Ông cũng cho rằng Bộ Ngoại giao rất khó kiểm tra những cá nhân này trước khi cấp thị thực vì họ thường khai man trong đơn đề nghị cấp thị thực để che giấu mối quan hệ của họ với ĐCSTQ hoặc quân đội của đảng này.
Hôm 20/07, Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), chủ tịch của Ủy ban Đặc biệt về Trung Quốc của Hạ viện, và Dân biểu Jason Smith (Cộng Hòa-Missouri), chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện, đã gửi thư cho Giám đốc điều hành James Farley của Ford và yêu cầu xem xét các chi tiết của thỏa thuận cấp phép đó do lo ngại về an ninh quốc gia và lo ngại về tiềm ẩn có lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của CATL.
Trước đó, Ford thừa nhận đã nhận được bức thư và cho biết họ sẽ sớm trả lời hai vị chủ tịch ủy ban này với hạn chót được đưa ra là ngày 10/08.
Công ty này có một quan điểm khác về thỏa thuận của mình.
“Nói rộng hơn về chủ đề này, đã có rất nhiều thông tin sai lệch về nhà máy pin mới của Ford ở Marshall, Michigan. Đây mới là sự thật: Chỉ có Ford đang đầu tư 3.5 tỷ USD và sẽ sở hữu và vận hành nhà máy này ở Hoa Kỳ thay vì xây dựng một nhà máy sản xuất pin ở nơi khác hoặc độc quyền nhập cảng pin LFP từ Trung Quốc, giống như các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi làm,” một phát ngôn viên của Ford trước đây đã viết cho The Epoch Times trong một phúc đáp qua thư điện tử, đề cập đến pin lithium-iron-phosphate, hay còn gọi là LFP, một loại pin rẻ hơn nhưng ít tiêu tốn năng lượng hơn so với pin niken-coban-mangan hiện đang thống trị thị trường.
“Chúng tôi đang tạo ra 2,500 việc làm mới cho người Mỹ đồng thời giúp củng cố chuỗi cung ứng và sản xuất trong nước và giảm lượng phát thải carbon. Điều này tốt cho đất nước chúng ta, tốt cho hành tinh này, và tốt cho hoạt động kinh doanh của Ford,” bà nói.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times