Hoa Kỳ và Trung Quốc thông qua luật kìm hãm thương mại và đầu tư
Trong khi các nhà lãnh đạo nói về việc hàn gắn, thì cả hai bên đều áp đặt các luật và hạn chế
Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn dường như đang đi trên hai con đường song song. Cả hai đều nói về việc cải thiện mối bang giao trong khi theo cách riêng của mình, mỗi quốc gia đều áp đặt các quy tắc kìm hãm thương mại và đầu tư vào quốc gia còn lại.
Luật Phản gián và Luật Quan hệ với Ngoại quốc mới của Bắc Kinh sẽ khiến việc đầu tư vào Trung Quốc hoặc kinh doanh ở đó của các công ty ngoại quốc trở nên nguy hiểm hơn. Đạo luật Vi mạch cho Hoa Kỳ (Chips for America) của Hoa Thịnh Đốn hạn chế xuất cảng — chủ yếu là công nghệ — sang Trung Quốc, trong khi chính phủ dự định công bố các hạn chế đầu tư vào cuối mùa hè này. Tất cả những biện pháp này sẽ bóp nghẹt trao đổi kinh tế giữa hai quốc gia nhiều hơn so với những tuyên bố hay những mong đợi của chính phủ hai bên. Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn Hoa Kỳ.
Các quan chức của cả hai bên, cũng như nhiều luật sư liên quan, cho rằng những luật này sẽ chỉ có tác dụng hạn chế đối với hoạt động kinh doanh. Điển hình là nhận định của ông Jeremy Daum, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai thuộc Trường Luật Yale. Ông tuyên bố rằng “những thay đổi về luật pháp của Bắc Kinh không làm tăng rủi ro cho các doanh nghiệp ngoại quốc tại Trung Quốc.” Về phía Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen khẳng định rằng các quy tắc mới của Hoa Thịnh Đốn — cả những quy định hiện hành cũng như các quy định sắp được công bố — sẽ không “làm gián đoạn trên diện rộng” thương mại giữa hai nước.
Hai người này đều đã nhầm. Các doanh nhân biết rằng cho dù một luật được viết chặt chẽ đến đâu, thì bên trong vẫn chứa đựng những điều mơ hồ để các cơ quan chính phủ có thể diễn giải. Khoảng trống đó gây rủi ro cho bất kỳ doanh nghiệp nào, thậm chí kể cả các công ty chỉ là kinh doanh tiệm cận với các hoạt động bị pháp luật cấm. Ông Michael House từ công ty luật Perkins Coie đã tóm gọn những lo sợ như vậy theo cách này: “Môi trường hiện tại phù hợp với những dịp mà khi một cơ quan quản lý hoặc ai đó trong chính phủ … có thể chọn thực hiện hành động không minh bạch.”
Doanh nghiệp Mỹ sẽ đánh giá những rủi ro tiềm ẩn và tự giác không tham gia các hoạt động mà, nói một cách chặt chẽ thì, thậm chí không được đề cập trong các quy tắc mới của Bắc Kinh hoặc Hoa Thịnh Đốn. Không ai muốn đầu tư một số tiền lớn vào một dự án kinh doanh mà việc diễn giải luật của một quan chức có thể khiến dự án đó đóng cửa hoặc phải chịu chi phí cho một hành động pháp lý lớn để giữ cho nó tiếp tục hoạt động.
Ở cả hai phía, những luật này là đặc biệt nguy hiểm đối với hoạt động kinh doanh vì những tuyên bố tương ứng của các luật này là phục vụ “an ninh quốc gia.” Đặc biệt là ở Trung Quốc cũng như ở Hoa Kỳ, an ninh quốc gia có thể được diễn giải theo cách rộng. Luật mới của Trung Quốc chắc chắn có vẻ rộng. Luật Phản gián áp dụng cho bất kỳ ai “tìm cách liên kết với một tổ chức gián điệp” hoặc lấy “các văn bản, dữ liệu, tài liệu, hoặc vật phẩm liên quan đến an ninh hoặc lợi ích quốc gia.” Hơn nữa, theo bản dịch của công ty luật Perkins Coie, luật kêu gọi “tất cả các cấp” chính phủ đào tạo và quản lý các biện pháp phòng ngừa an ninh có liên quan.
Luật Quan hệ với Ngoại quốc có thể phạt một công ty ngoại quốc và bắt giữ nhân viên của công ty đó nếu, theo đánh giá của một quan chức chính phủ, công ty này “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc, làm tổn hại đến lợi ích công cộng của xã hội hoặc, làm suy yếu trật tự công cộng của xã hội.” Kiểu ngôn ngữ rộng rãi này là một kiểu mời gọi dẫn đến các quan chức làm việc thất thường.
Như thể để nhấn mạnh mối nguy hiểm đối với các công ty ngoại quốc, chính quyền Trung Quốc đã truy quét các công ty Mỹ và các công ty ngoại quốc khác theo các luật mới này. Các sĩ quan an ninh Trung Quốc đã đến công ty thẩm định Mintz Group của Hoa Kỳ mà không báo trước và bắt giữ một số nhân viên. Tương tự, họ đã thẩm vấn nhân viên của công ty tư vấn Hoa Kỳ Bain & Co. tại văn phòng của công ty này ở Thượng Hải. Các quan chức cũng đã điều tra công ty tư vấn quốc tế Capvision. Nhà chức trách đã không đưa ra một lời giải thích nào ngoài tuyên bố “lợi ích quốc gia.” Cho đến nay, không ai ở Bắc Kinh tiết lộ những gì các công ty này đã làm để gây ra những hành động này. Từ quan điểm của một doanh nhân ngoại quốc, tin tức này là một lý do để tránh xa bất cứ điều gì kể cả chỉ là hao hao giống với các công ty lẽ ra là rất có danh tiếng này hoặc chỉ đơn giản là hoàn toàn tránh xa Trung Quốc.
Về phía Hoa Kỳ, mọi thứ ít đáng ngại hơn, nhưng dù sao thì các quy tắc cũng mang tính hạn chế. Đạo luật Vi mạch cho Hoa Kỳ, được thông qua hồi năm ngoái (2022), cấm bán vi mạch bán dẫn cao cấp cũng như thiết bị sản xuất vi mạch máy điện toán cho Trung Quốc. Theo bà Yellen, các hạn chế đầu tư đang chờ thông qua sẽ tập trung vào các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, điện toán lượng tử, và trí tuệ nhân tạo, chú trọng vào “an ninh quốc gia.”
Bài viết này không gợi ý về sự tương đồng ở đây. Ở Hoa Kỳ, không giống như Trung Quốc, những người phải tuân theo những luật như vậy đang viện đến các tòa án mà có thể ra phán quyết có lợi cho họ. Tuy nhiên, từ quan điểm kinh doanh, thì việc được phép làm như vậy chỉ là một tiện nghi nhỏ nhoi. Một cuộc chiến pháp lý sẽ gây ra chi phí đáng kể và tiêu tốn nhiều thời gian, mà trong khoảng thời gian đó hoạt động kinh doanh sẽ phải đối mặt với sự gián đoạn và mất lợi nhuận đối với những gì có thể là một khoản đầu tư lớn. Các ban quản trị có thể kết luận rằng phán đoán tốt hơn sẽ là tránh xa bất cứ thứ gì gần với hoạt động bị cấm.
Trong cuộc ban hành hạn chế qua lại này, Trung Quốc có nhiều thứ để mất hơn là Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Mỹ cũng sẽ bỏ lỡ các cơ hội sinh lời ở một nền kinh tế lớn khác, có thể là những khoản tiết kiệm và những hiệu quả mà một hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc có thể mang lại. Ngược lại, Trung Quốc muốn và cần chuyên môn và công nghệ do đầu tư ngoại quốc và các mối bang giao với ngoại quốc mang lại. Bắc Kinh đã nói rõ điều đó.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times