PHÂN TÍCH: Trung Quốc dự trữ vàng, dầu thô trong bối cảnh nền kinh tế chậm trễ hậu đại dịch
Cho đến nay, sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của Trung Quốc trong năm nay đã không đạt được kỳ vọng của các nhà kinh tế, với nhiều số liệu cho thấy một bối cảnh kinh tế đình trệ. Bất chấp những dữ liệu đáng thất vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, quốc gia này vẫn dự trữ vàng và dầu thô như thể đang trải qua giai đoạn tăng trưởng thần tốc.
Vàng lấp lánh ở Trung Quốc
Tuần lễ từ 31/07 đến 06/08, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo họ đã tăng dự trữ vàng của nước này trong tháng thứ chín liên tiếp vào tháng Bảy. Ngân hàng trung ương đã bổ sung 23 tấn vào tháng trước, nâng tổng khối lượng dự trữ vàng lên 2,137 tấn.
Nhập cảng vàng vào Trung Quốc đạt tổng cộng 792 tấn trong nửa đầu năm 2023, tăng 98% so với năm trước. Tuy nhiên, nhập cảng vàng đã chậm lại so với tháng trước trong tháng Sáu, giảm 29% xuống còn 98 tấn.
Trung Quốc đã mua vàng ồ ạt kể từ tháng 11/2022, thêm 103 tấn vào kho dự trữ vàng của họ trong nửa đầu năm nay. Các nhà phân tích của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết xu hướng mua này sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm.
Tổ chức chuyên ngành này cũng dự đoán rằng các ngân hàng trung ương khác, vốn là một trong những bên mua vàng lớn nhất trong 18 tháng qua, sẽ tiếp tục tăng lượng hàng tồn kho kim loại màu vàng của họ.
Theo Khảo sát Dự trữ Vàng của Ngân hàng Trung ương hàng năm lần thứ sáu của WGC, tâm lý đối với kim loại quý này vẫn tích cực.
“Cứ mười người được hỏi thì có bảy người tin rằng dự trữ vàng toàn cầu sẽ tăng trong 12 tháng tới, một mức tăng đáng kể so với cuộc khảo sát năm ngoái,” tổ chức này cho biết. “Do đó, chúng tôi vẫn lạc quan về nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương trong các quý tới, mặc dù nhu cầu này khó có thể theo kịp với mức nhu cầu đã thấy trong nửa cuối năm ngoái (2022).”
Các nhà phân tích của ING cho rằng PBoC và các ngân hàng trung ương khác đã mua vàng vì đây là một tài sản hấp dẫn “trong thời kỳ bất ổn.”
Chiến lược gia hàng hóa của ING, ông Ewa Manthey, cho biết trong một báo cáo, “Chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ vẫn là các bên mua vào, không chỉ do căng thẳng địa chính trị mà còn do tình hình kinh tế.”
Trong khi đó, Bắc Kinh đã bổ sung cho cơn say mua vàng của mình bằng sản lượng khai thác mạnh mẽ hơn.
Trong quý đầu tiên của năm 2023, sản lượng khai thác vàng của Trung Quốc đã tăng 3% so với cùng thời kỳ năm ngoái “do sự kết hợp của nhiều yếu tố.”
“Không có gián đoạn do COVID trong quý 1/2022, và có vẻ như sản lượng ít chịu gián đoạn do các yếu tố theo mùa hơn trong năm nay,” WGC giải thích. “Quá trình hợp nhất diễn ra liên tục của ngành khai thác mỏ Trung Quốc đang dẫn đến các thông lệ vận hành tốt hơn, giảm thiểu tác động của thời tiết mùa đông khắc nghiệt đối với hoạt động khai thác mỏ.”
Nhìn chung, nhu cầu ở Trung Quốc và các quốc gia Á Châu khác là rất lớn, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ chiếm khoảng 50% lượng tiêu thụ vàng.
Bloomberg đưa tin vào tháng 10/2022 rằng một lượng lớn vàng đã được rút khỏi New York và các trung tâm tài chính phương Tây khác và được vận chuyển về phía đông để đáp ứng nhu cầu trên thị trường vàng Thượng Hải.
Cũng có suy đoán rằng Trung Quốc đang mua vàng để chuẩn bị cho chiến tranh.
Và Nga, sau cuộc xâm lược năm 2014 vào Crimea dẫn đến các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ lãnh đạo, đã tích lũy một lượng vàng rất lớn và đã khởi xướng một chiến dịch phi dollar hóa. Với việc vàng chiếm một tỷ trọng lớn trong ngân quỹ chiến tranh của Moscow, Điện Kremlin đã có thể xoa dịu nỗi đau bị cô lập khỏi thị trường tài chính quốc tế.
Phía Trung Quốc có thể đang chuẩn bị cho tình huống này, đặc biệt là sau khi lãnh đạo Tập Cận Bình nói với Quân Giải phóng Nhân dân rằng “hãy tập trung toàn bộ sức lực vào chiến đấu” trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Trung Quốc nhấm nháp trà Texas
Bất chấp nền kinh tế trì trệ — GDP quý 2 đã ở mức 6.5% thấp hơn dự kiến, và lĩnh vực sản xuất đã bị mắc kẹt trong vùng thu hẹp trong bốn tháng liên tiếp — Trung Quốc vẫn đẩy mạnh mua dầu mỏ.
Hồi tháng Bảy, Trung Quốc đã nhập cảng trung bình 10.29 triệu thùng dầu mỗi ngày (bpd), tăng 17% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Trên cơ sở hàng tháng, con số này đã giảm so với tháng trước. Tuy nhiên, nhập cảng dầu thô trong tháng Sáu đạt tổng cộng 12.67 triệu thùng/ngày, tăng hơn 45% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Trong sáu tháng đầu năm 2023, tổng nhập cảng dầu nhiên liệu tăng gần 155% so với cùng thời kỳ năm ngoái, theo S&P Global Commodity Insights.
Nguồn cung xăng trong nước giảm khoảng 3% từ tháng Sáu đến tháng Bảy và dự trữ dầu diesel tăng khoảng 2% trong khoảng thời gian này.
Trung Quốc tiếp tục nhập cảng một lượng lớn dầu thô từ Nga. Với giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) và dầu Brent ổn định trên 80 USD/thùng, Bắc Kinh đã có thể duy trì việc mua dầu Ural của Nga khi mặt hàng này đang giao dịch ở mức khoảng 73 USD/thùng, cao hơn mức trần 60 USD/thùng do G7 và các nước Liên minh Âu Châu áp đặt.
Mặc dù Trung Quốc là nhà nhập cảng ròng về dầu mỏ từ năm 1994, nhưng Bắc Kinh đang tìm cách thúc đẩy sản xuất trong nước. Viện Nghiên cứu Năng lượng (IER) ước tính, sản lượng trong nước của Trung Quốc chiếm 29% tổng lượng tiêu thụ dầu thô cả nước.
IER viết: “Mặc dù lợi nhuận chậm lại từ các đợt phong tỏa do COVID và nhu cầu tổng thể thấp, nhưng Trung Quốc đang nhập cảng dầu ở mức gần kỷ lục và tăng sản lượng dầu trong nước lên gần mức kỷ lục, cả hai đều để bảo đảm an ninh năng lượng.”
Khí đốt tự nhiên cũng đóng một vai trò không thể thiếu trong các nỗ lực bảo đảm an ninh năng lượng của quốc gia này. Trung Quốc đã sẵn sàng trở thành nhà nhập cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới trong năm nay khi các công ty dự định mua thêm mặt hàng năng lượng này trong dài hạn.
Theo Rystad Energy, Trung Quốc đã và đang xây dựng hàng chục kho cảng nhập cảng mới, điều có thể dẫn đến việc nhập cảng LNG tăng gấp đôi so với mức hiện tại lên 138 triệu tấn vào năm 2033.
Tuy nhiên, việc tăng nhu cầu của Trung Quốc có thể gây đau đầu cho các thị trường LNG khác, đặc biệt là châu Âu.
Bà Xi Nan, phó chủ tịch cao cấp của nhóm nghiên cứu thị trường LNG của Rystad, cho biết: “Chúng tôi cho rằng thị trường về căn bản sẽ khan hiếm trong ba năm tới, trong lúc chờ đợi nguồn cung cấp LNG mới từ các dự án bị trừng phạt gần đây tham gia vào thị trường.”
“Điều này có nghĩa là chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ biến động trong tương lai và phản ứng trước các sự kiện hoặc tác động tiêu cực mà sẽ phản ánh vì có Trung Quốc trong thị trường LNG, rồi các ngành công nghiệp Âu Châu, hoặc có sự cố ngừng LNG.”
Sự đình trệ
Kể cả với việc mua năng lượng và kim loại rất lớn, các nhà phân tích thị trường dự đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn có thể đình trệ vào năm 2024.
Bà Ipek Ozkardeskaya, một nhà phân tích cao cấp tại Swissquote Bank, cho biết trong một ghi chú nghiên cứu hàng ngày: “Niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng bị suy giảm, dân số bị thu hẹp, khủng hoảng địa ốc, và giảm phát cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có thể đang trên con đường dẫn đến một giai đoạn trì trệ kinh tế dài hơn. Do đó, chúng ta có thể thấy sự lạc quan của nhà đầu tư đối với các biện pháp kích thích và hiệu quả của các biện pháp kích thích này sẽ giảm nhanh chóng.”
Theo Ước tính về Hoạt động của Trung Quốc (China Activity Proxy) của Capital Economics, tốc độ tăng trưởng theo xu hướng của Trung Quốc đã giảm xuống 3% trong năm nay, giảm từ mức 5% trước đại dịch.
“Đây là một mức giảm tốc mạnh hơn so với những năm trước khi COVID-19 xuất hiện,” ông Julian Evans-Pritchard, người đứng đầu bộ phận Kinh tế Trung Quốc, cho biết trong một báo cáo. “Dữ liệu GDP chính thức, tuy không phản ánh đầy đủ mức độ yếu kém gần đây, nhưng cũng nhất quán với một xu hướng giảm tăng trưởng rõ rệt. Nguyên nhân chính không phải do đại dịch mà do sự chuyển dịch cơ cấu trong lĩnh vực địa ốc. Sự phục hồi kém ấn tượng của năm nay một phần là do hậu quả của diễn biến chậm lại này.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times