Ông Kissinger gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng tại Trung Quốc
Hôm 20/07, cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger đã gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc tại Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng.
Năm nay, ông Kissinger đã 100 tuổi, được tôn kính ở Trung Quốc vì đã thiết lập việc mở ra mối bang giao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Hoa Thịnh Đốn dưới thời Tổng thống Richard Nixon trong Chiến tranh Lạnh vào đầu những năm 1970.
Ông Kissinger đã có một cuộc gặp với ông Tập tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài hôm 20/07, nhưng chính phủ Hoa Kỳ không đưa ra tuyên bố chính thức nào vì đây được xem là chuyến thăm cá nhân của một công dân Hoa Kỳ.
Nhà lãnh đạo ĐCSTQ bày tỏ sự cảm kích của Trung Quốc dành cho ông Kissinger, nói rằng chính quyền này “sẽ không bao giờ quên người bằng hữu cũ của chúng tôi và đóng góp lịch sử của ông để thúc đẩy phát triển mối bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ.”
“Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho hai nước, mà còn thay đổi thế giới,” ông Tập nói. “Trung Quốc và Hoa Kỳ một lần nữa đứng trước ngã ba đường, và hai bên cần đưa ra lựa chọn khác.”
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập nói rằng Bắc Kinh sẽ sẵn sàng thảo luận với Hoa Thịnh Đốn về cách hai nước có thể “hòa hợp một cách đúng đắn” và thúc đẩy sự phát triển ổn định trong mối bang giao của hai nước.
“Nhìn về tương lai, Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể đạt được thành công và thịnh vượng chung. Điều quan trọng là tuân theo ba nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình, và hợp tác cùng có lợi,” ông Tập nói.
Hôm 18/07, ông Kissinger cũng đã gặp ông Lý, một diễn biến đáng chú ý vì trước đó ĐCSTQ đã từ chối yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin để được gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, trong cuộc gặp với ông Kissinger, ông Lý nói rằng “một số người ở Hoa Kỳ đã không thỏa hiệp với Trung Quốc, khiến mối bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ ở trong một mức thấp.”
Ông Lý, được bổ nhiệm hồi tháng Ba, vẫn bị Hoa Kỳ trừng phạt vì vai trò của ông trong thương vụ mua vũ khí của Nga năm 2017. Các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng họ muốn các lệnh trừng phạt đó được dỡ bỏ để tạo thuận tiện cho các cuộc thảo luận.
Tòa Bạch Ốc thất vọng với việc ĐCSTQ chú ý tới ông Kissinger
Chuyến thăm Bắc Kinh của ông Kissinger diễn ra trong bối cảnh chính phủ Tổng thống Biden nỗ lực cải thiện bang giao với Trung Quốc. Ba nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ — Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen, và đặc phái viên về khí hậu John Kerry — cũng đã đến Bắc Kinh để gặp gỡ các quan chức Trung Quốc nhằm theo đuổi kết nối ngoại giao.
Đầu tháng này, khi ở Bắc Kinh, bà Yellen và ông Kerry đã không gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Blinken đã có cuộc gặp kéo dài 35 phút với ông Tập trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng Sáu.
Tòa Bạch Ốc thể hiện sự tiếc nuối về việc ông Kissinger được tiếp cận nhiều hơn ở Bắc Kinh so với một số quan chức Hoa Kỳ đương nhiệm đã cố gắng liên lạc với quân đội ĐCSTQ.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với các phóng viên: “Thật không may khi một công dân có thể gặp Bộ trưởng Quốc phòng và có sự liên lạc còn [chính phủ] Hoa Kỳ thì không thể.”
“Đó là điều mà chúng tôi muốn giải quyết. Đây là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục cố gắng mở lại các đường dây liên lạc quân sự, bởi vì khi những đường dây này không mở và quý vị gặp phải thời điểm như thế này khi căng thẳng lên cao, lại còn tính toán sai lầm, thì rủi ro sẽ tăng cao.”
Ông Kirby nói rằng các quan chức chính phủ “mong muốn được nghe Bộ trưởng Kissinger khi ông ấy trở về, để nghe những gì ông ấy đã nghe, những gì ông ấy đã tìm hiểu được, những gì ông ấy đã thấy.”
Đại úy đã về hưu James E. Fanell, cựu giám đốc hoạt động tình báo và thông tin của Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, cho biết ĐCSTQ đang hy vọng chính phủ TT Biden sẽ khôi phục chính sách kết giao chiến lược lâu đời của ông Kissinger.
Ông Fanell nói với chương trình Focus Talk của NTD hồi tháng 12/2020, rằng: “Tôi không chút mảy may nghi ngờ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn ứng cử viên Joseph Biden làm tổng thống.”
Theo ông, ĐCSTQ không “hài lòng khi có Tổng thống Trump” làm lãnh đạo Hoa Kỳ vì chính phủ của ông đã chấm dứt và đảo ngược chính sách kết giao chiến lược lâu đời mà ông Kissinger thiết lập và được các chính phủ kế tiếp của Hoa Kỳ chấp nhận với hy vọng khuyến khích cải tổ kinh tế và chính trị ở Trung Quốc.
“Chúng ta chỉ biện hộ rằng nếu như chúng ta hoàn toàn giao kết, thì mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn. Và trong 40 năm, chúng ta đã làm điều đó,” ông Fanell nói.
Bản tin có sự đóng góp của Bill Pan, the Associated Press, và Reuters
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times