Quan chức Tòa Bạch Ốc: Việc Trung Quốc tăng cường năng lực hạt nhân nêu bật sự cần thiết của đối thoại chuyên sâu
Hôm thứ Sáu (21/07), một quan chức hàng đầu của Tòa Bạch Ốc cho biết rằng việc Trung Quốc mở rộng năng lực hạt nhân và một loạt “các dạng vũ khí khá kỳ lạ” đã nêu bật sự cần thiết phải có “cuộc đối thoại chuyên sâu” để giảm thiểu rủi ro hạt nhân.
Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết tại Diễn đàn An ninh Aspen rằng việc Hoa Kỳ và Trung Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán về vũ khí hạt nhân có ý nghĩa “rất quan trọng” để đạt được sự hiểu biết lẫn nhau về các học thuyết, ý định, và phương thức hoạt động tương ứng của cả hai bên.
Ông nói: “Một điều mà tôi đã chỉ ra cho các đối tác Trung Quốc của mình trong hai năm qua là tại nhiều thời điểm khác nhau trong cuộc khủng hoảng Ukraine khi chúng tôi chứng kiến Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, là chúng tôi đã biết cách đối phó với điều đó bởi vì chúng tôi có hàng thập niên rèn luyện thành thục với người Nga trong việc kiểm soát vũ khí chiến lược giảm thiểu rủi ro hạt nhân [và] phát tín hiệu cơ bản.”
“Chúng tôi không có kinh nghiệm đó với Trung Quốc, và điều đó vốn dĩ đang gây bất ổn và là điều mà chúng tôi cần tạo ra thông qua đối thoại chuyên sâu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc,” ông Sullivan nói thêm.
Ông nhắc lại rằng Hoa Thịnh Đốn “về căn bản vẫn sẵn sàng” tham gia vào cuộc trao đổi như vậy và kêu gọi Bắc Kinh làm điều tương tự.
Ông nói: “Chúng tôi hy vọng một lúc nào đó phía Trung Quốc sẽ chọn tham gia cùng chúng tôi trong vấn đề đó bởi vì, một lần nữa, điều này liên quan đến trách nhiệm cơ bản của các cường quốc hạt nhân, và đó là một khả năng mà chúng tôi thấy Bắc Kinh hiện không đẩy mạnh.”
Các báo cáo của Ngũ Giác Đài ước tính rằng Trung Quốc sẽ sở hữu 1,000 vũ khí hạt nhân vào năm 2030 và 1,500 vào năm 2035. Tương tự như vậy, chính quyền này hiện có nhiều bệ phóng hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa từ mặt đất hơn Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã từ chối tham gia các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí với lý do sức mạnh hạt nhân của họ “còn lâu mới sánh ngang với Hoa Kỳ và Nga,” đồng thời hứa sẽ duy trì chính sách hạt nhân phòng thủ của mình.
Khả năng ổn định trong quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc
Trong tháng qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, và đặc phái viên về khí hậu John Kerry đã thực hiện các chuyến đi tới Bắc Kinh, tham gia các cuộc hội nghị với các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ nhằm cố gắng ổn định mối quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Ông Sullivan cho biết ông tin rằng có “khả năng thực sự” để thiết lập mối quan hệ ổn định giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, bất chấp sự cạnh tranh cố hữu giữa hai cường quốc này.
Ông nhận xét: “Tôi thực sự nghĩ rằng việc bày tỏ rõ ràng, thẳng thắn, và đặt cảm xúc, luận điệu cũng như một số khuôn khổ triết học lớn hơn này sang một bên và chỉ đi sâu vào những vấn đề thực tiễn cốt lõi, thì theo tôi sẽ có khả năng thực sự cho một mối quan hệ ổn định.”
“Mặc dù mối quan hệ đó vốn mang tính cạnh tranh và sẽ liên quan đến việc chúng tôi làm những điều mà Bắc Kinh không thích và sẽ liên quan đến việc Bắc Kinh làm những điều mà chúng tôi không thích,” ông nói thêm.
Ông nói: “Nhưng công việc ngoại giao là liên quan đến khả năng quản lý tập hợp các yếu tố khuôn khổ đó, và đó là những gì chúng tôi đang tham gia vào lúc này.”
ĐCSTQ lo ngại rào chắn bảo vệ có thể mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ
Ông Sullivan cho biết ĐCSTQ bác bỏ việc thiết lập “rào chắn bảo vệ” trong quan hệ với Hoa Kỳ, cho rằng làm như vậy tương tự như việc thắt dây an toàn trên xe hơi, điều này sẽ khuyến khích người lái xe tăng tốc và dẫn đến một vụ đụng xe.
Ông Sullivan cho biết, rào chắn bảo vệ nhằm quản lý căng thẳng và thúc đẩy sự ổn định trong mối quan hệ giữa hai cường quốc này. Nhưng ĐCSTQ lo ngại rằng việc có hàng rào bảo vệ có thể cho phép Hoa Kỳ chấp nhận nhiều rủi ro hơn.
Ông nói: “Và những gì chúng tôi đã cố gắng giải thích là dây an toàn thực chất là rất giống như thế bởi vì thắt dây an toàn đã giảm đáng kể chi phí và hậu quả của các vụ tai nạn xe hơi và là một điều vốn dĩ là tốt đẹp trong quan hệ quốc tế cũng như trên đường cao tốc.”
“Hoa Kỳ sẵn sàng tham gia vào mọi cấp độ liên lạc giữa quân đội với quân đội để tránh sai lầm, tính toán nhầm lẫn, sự leo thang, và thẳng thắn mà nói thì CHND Trung Hoa lại không như thế,” quan chức này nói thêm, đề cập đến tên chính thức của Trung Quốc là Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Ông Sullivan cho biết các biện pháp trừng phạt đối với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) không nên là rào cản đối với các cuộc đàm phán quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trước đây đã cảnh báo rằng Trung Quốc là một phần của phong trào rộng lớn hơn của các quốc gia độc tài – bao gồm Nga, Iran, và Bắc Hàn – đang tìm cách gây bất ổn cho cộng đồng quốc tế thông qua hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân.
Vì vậy, ông Stoltenberg nói rằng NATO sẽ cần đẩy lùi những mối đe dọa như vậy trong khi đối thoại với Bắc Kinh để đưa quốc gia này vào bàn đàm phán. Ông nói thêm rằng Trung Quốc đã không minh bạch về mức độ mở rộng hạt nhân của mình.
“Là một cường quốc toàn cầu, Trung Quốc có trách nhiệm toàn cầu. Và Bắc Kinh cũng sẽ được hưởng lợi từ tính minh bạch, khả năng dự đoán, và an ninh ngày càng tăng của các thỏa thuận kiểm soát vũ khí,” ông cho biết hôm 18/04.
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times