Tỷ phú Elon Musk thúc đẩy chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc
Ông Elon Musk, Tổng giám đốc tài danh và là nhà đồng sáng lập Tesla và SpaceX, đang tham gia vào những cuộc chơi đầy nguy hiểm. Hôm 20/06, ông đã đề nghị một “trận tỉ thí trong lồng sắt” với người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, người đã nhận thách đấu, mặc dù vẫn chưa xác định được ngày nào. Cả hai đại tài danh công nghệ này đều là những tay đam mê võ thuật.
Địa điểm thi đấu đang được thảo luận, với Las Vegas và Đấu trường La Mã ở Rome là những lựa chọn hàng đầu. Một trận khẩu chiến trước trận tỉ thí, toàn bằng những lời lăng mạ hèn hạ, hiện đang chạm tới mức ông Musk đe dọa sẽ kiện ứng dụng Threads mới của ông Zuckerberg vốn bắt chước một số tính năng của Twitter.
Tuy nhiên, trò chơi nguy hiểm nhất của ông Musk lại nằm ở xa về phía đông của Las Vegas. Đó chính là Bắc Kinh. Ở đó, thách thức đó nghiêm trọng đến mức Nam nhân Tesla này dường như bị buộc phải công khai tán thành hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa để theo đuổi dự án kinh doanh mạo hiểm trị giá hàng tỷ dollar của mình.
Đến bây giờ, dự án này gần như đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc và các công ty của họ kiểm soát. Nhưng mà này, nhà tư bản chân chính nào lại không biến thành một người theo chủ nghĩa xã hội để có cơ hội kiếm thêm vài tỷ dollar, chừng nào cái đảng này vẫn còn tồn tại?
Hồi năm 2018, ông Musk đã nói trên Twitter, “Nhân tiện đây, tôi thực sự là một người theo chủ nghĩa xã hội. Không phải kiểu chuyển tài nguyên từ hiệu quả nhất sang kém hiệu quả nhất, giả vờ làm điều tốt trong khi thực sự gây hại. [Mà là] chủ nghĩa xã hội đích thực tìm kiếm điều tốt đẹp vĩ đại nhất cho tất cả mọi người.”
Ông Musk tự mô tả mình là “người theo chính thể chuyên chế về tự do ngôn luận,” tuy nhiên, Sếp Twitter thường nhật của chúng ta đã hoàn toàn im lặng trên nền tảng trị giá 44 tỷ USD của chính ông khi đến thăm Trung Quốc vào mùa hè này. Việc tự kiểm duyệt bất thường này của ông có thể là để tôn trọng luật lệ của Bắc Kinh vốn chống lại công ty truyền thông xã hội này.
Kể từ khi được ông nắm quyền, Twitter của ông Musk đã tuân thủ hơn 800 yêu cầu kiểm duyệt của chính phủ, chỉ chống lại 20% so với 50% trước thời ông Musk.
Hôm 06/07, ông Musk một lần nữa tỏ ra phấn khích trước năng lực kinh tế và công nghệ của Trung Quốc. Ông đã bỏ qua những sự so sánh bất tiện như với Nhật Bản, Nam Hàn, và Đài Loan.
Ông nói tại một hội nghị AI ở Thượng Hải qua liên kết video, “Trung Quốc sẽ rất xuất sắc ở bất cứ thứ gì mà họ đặt tâm trí vào.”
Mặc dù ông Musk sẵn sàng xúc phạm ông Zuckerberg bất kể lý do gì, nhưng ông ít khi thể hiện sự chân thật thẳng thắn đặc trưng của mình trước sự thái quá của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng như về chủ nghĩa toàn trị và nạn diệt chủng. Ông Musk dường như không tỏ ra coi thường kẻ vốn vừa mang lợi ích cho ông lại vừa tiêu diệt ông. Ông đắc lợi. Điều đó đã biến ông thành kẻ đồng lõa.
Theo một bản dịch của Bloomberg, ông Musk trở nên sốt sắng trong thiên hướng chủ nghĩa xã hội của mình chỉ sau Ngày Độc Lập năm nay được hai ngày, ký một cam kết, cùng với các nhà sản xuất xe hơi phụ thuộc vào Trung Quốc khác, để “Tuân thủ các quy tắc và quy định của ngành, điều chỉnh các hoạt động tiếp thị, duy trì cạnh tranh công bằng và không cản trở cạnh tranh công bằng với việc định giá bất thường” cũng như “Thúc đẩy các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi, tích cực hoàn thành trách nhiệm xã hội, và gánh vác trách nhiệm nặng nề trong việc duy trì tăng trưởng ổn định, củng cố niềm tin và ngăn ngừa rủi ro.”
Những bên sản xuất xe điện khác ký cam kết này bao gồm BYD, Nio, và SAIC (Tập đoàn Xe hơi Thượng Hải.)
Thời báo Financial Times lưu ý rằng “Bắc Kinh đã chỉ thị cho ngành này kiềm chế một cuộc chiến giá cả kéo dài hàng tháng trời.”
Tuy nhiên, ông Musk không thiếu gì những chiêu thuật của chủ nghĩa tư bản sau khi tỏ ra đồng ý với một cam kết cố định giá của chủ nghĩa xã hội. Chỉ hai ngày sau khi ký kết, Tesla đã giảm giá bằng tiền mặt cho người tiêu dùng. Tôi đoan chắc rằng Karl Marx đã từng ủng hộ những sự giảm giá bằng tiền mặt.
Có lẽ Tesla đã làm chính xác điều nên làm chứ không phải tinh thần cố định giá? Tuy nhiên, phải có thêm bằng chứng nếu cần thiết, rằng “đạo tặc cũng phải có đạo.”
Trong khi cam kết này đã dường như ủng hộ các nguyên tắc thị trường bằng cách chống lại hành vi phá vỡ “sự cạnh tranh công bằng với việc định giá bất thường,” thì không có gì bất thường về cuộc chiến giá cả trong các hệ thống thị trường trừ phi một nhà bán hàng tìm cách hạ bệ một nhà bán hàng khác đến mức bán dưới giá thành sản xuất, tương đương với việc bán phá giá hàng hóa trên thị trường.
Các doanh nghiệp lớn (và các quốc gia như Trung Quốc) sử dụng hành vi bán phá giá để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh tương đối nhỏ hơn (và các quốc gia khác) ra khỏi hoạt động kinh doanh, tạo ra các điều kiện độc quyền trong quá trình này. Chủ nghĩa tư bản độc quyền, thứ mà Bắc Kinh dường như muốn đưa trở lại từ thế kỷ 19 sau khi đọc tất cả về các gia tộc Rockefeller và Carnegies, không có lợi cho cuộc cạnh tranh cần có trong các thị trường hiện đại thực sự tự do.
Việc Bắc Kinh can thiệp để tăng giá cho người tiêu dùng Trung Quốc sẽ khiến họ cần câu trả lời cho những câu hỏi rõ ràng: Có phải ông Musk và những người khác tham gia vào việc cố định giá theo chỉ thị của ĐCSTQ và bằng cái giá mà người dân Trung Quốc phải gánh chịu? Đó có phải là “chủ nghĩa xã hội đích thực” tìm kiếm “điều tốt đẹp vĩ đại nhất cho tất cả mọi người” theo lời ông Musk không?
Sự đạo đức giả rành rành của ông Musk có thể khiến một số người bối rối, cho đến khi họ nhớ ra rằng ông ấy thực sự là một nhà tư bản đang bòn rút Trung Quốc vì toàn bộ những gì mà Trung Quốc có, đồng thời ông ấy để Trung Quốc bòn rút mình về công nghệ mà ĐCSTQ cần để thúc đẩy việc bành trướng thị trường toàn cầu về xe điện tự lái, đó là chưa nói đến những điều gì khác nữa (hỏa tiễn SpaceX chăng?)
Ông Musk và Bắc Kinh đang trong một thỏa thuận với ma quỷ mà cả hai đều vượt lên dẫn trước, trong khi người tiêu dùng Trung Quốc và Mỹ quốc bị bỏ lại phía sau khi phải trả nhiều tiền hơn cho xe hơi điện, và vấn đề an ninh quốc gia, so với mức họ thực sự nên phải trả. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì ít ra, toàn bộ công dân Trung Quốc đã cho phép bản thân họ bị ĐCSTQ thao khống kể từ những năm 1920. Hiện nay, người dân Mỹ, và công chúng trên toàn cầu, đang chịu rủi ro tương tự.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times