Tesla và các đối thủ Trung Quốc báo hiệu kết thúc cuộc chiến giá xe điện bằng cam kết mang các giá trị xã hội chủ nghĩa
Sau một cuộc chiến giá cả kéo dài hàng tháng, Tesla và các đối thủ sản xuất xe điện (EV) của họ ở Trung Quốc đã báo hiệu kết thúc cuộc chiến và đồng ý một cam kết mang “các giá trị xã hội chủ nghĩa.”
Ông Elon Musk, Tổng giám đốc (CEO) Tesla kiêm chủ sở hữu của Twitter và SpaceX, cùng với các CEO của các hãng sản xuất xe hơi Trung Quốc, đã đồng ý tuân thủ một cam kết mang “các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi” và cạnh tranh công bằng trên thị trường xe điện của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh ra lệnh cho các công ty trong ngành này kiềm chế sự xung đột của họ.
Các công ty xe hơi này cũng cho biết họ sẽ tránh “việc định giá bất thường,” mà điều này có thể báo hiệu sự kết thúc của cuộc chiến giá cả năm 2023 đã gây gián đoạn ngành công nghiệp xe hơi ở Trung Quốc.
Các nhà sản xuất xe hơi này tiếp tục cam kết không lừa dối người tiêu dùng và tuyên bố sẽ giúp ổn định tăng trưởng và tránh rủi ro ở Trung Quốc.
Trớ trêu thay, Twitter lại bị cấm ở Trung Quốc, và vị CEO của Tesla đã bị cấm sử dụng nền tảng của chính mình trong chuyến thăm đó.
Là một người ủng hộ tự do ngôn luận ở phương Tây, ông Musk đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ các nhóm nhân quyền với những cáo buộc về việc tuân thủ sự kiểm duyệt của ĐCSTQ và việc ông ký cam kết mang “các giá trị xã hội chủ nghĩa.”
ĐCSTQ ban hành thỏa thuận giữa các nhà sản xuất xe điện
Bốn điều khoản chính trong thỏa thuận chung này, do Bloomberg biên dịch, có nội dung như sau:
“Tuân thủ các quy tắc và quy định của ngành, điều chỉnh các hoạt động tiếp thị, duy trì sự cạnh tranh công bằng và không phá vỡ sự cạnh tranh công bằng bằng cách định giá bất thường.”
“Hãy chú ý đến các phương pháp tiếp thị và quảng cáo, không phóng đại hoặc sử dụng quảng cáo sai sự thật để thu hút sự chú ý hoặc có được các khách hàng mới.”
“Đặt chất lượng lên hàng đầu, và cải thiện cuộc sống bằng các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao.”
“Phát huy các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội, và gánh vác trách nhiệm nặng nề là duy trì tăng trưởng ổn định, củng cố lòng tin và ngăn ngừa các rủi ro.”
Bắc Kinh kêu gọi chấm dứt cuộc chiến giá xe hơi ở Trung Quốc
Thỏa thuận chung này được đưa ra theo lệnh của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) của ĐCSTQ. Cơ quan này đã gửi một bức thư khuyến khích các nhà lãnh đạo ngành EV đình chiến.
Hôm 06/07, các giám đốc điều hành của 16 nhà sản xuất xe hơi đã tham dự lễ ký kết tại Diễn đàn Xe hơi Trung Quốc ở Thượng Hải để thừa nhận và cam kết thực hiện bốn điều khoản được đưa ra trong cam kết không ràng buộc này.
Các bên ký kết chính bao gồm BYD, Nio, Xpeng, Geely và Chery Automobile, và Tesla.
Các công ty khác có liên quan bao gồm Tập đoàn Xe hơi Đệ nhất (FAW Group), Tập đoàn Xe hơi Bắc Kinh (BAIC Group), Công ty Xe hơi Giang Hoài (JAC Motors), Tập đoàn Xe hơi Đông Phong (Dongfeng Motor), Tập đoàn Xe hơi Quảng Châu (GAC Group), Tập đoàn Xe hơi Thượng Hải (SAIC Motor), Công ty Sinotruk, Công ty Xe hơi Trường Thành (Great Wall Motor), và Công ty Xe hơi Trùng Khánh Trường An (Chongqing Changan Automobile).
Tesla là nhà sản xuất xe hơi ngoại quốc duy nhất ký cam kết của ĐCSTQ.
Ông Miêu Vu (Miao Wei), người đứng đầu MITT của ĐCSTQ, cho biết tại sự kiện ở Thượng Hải rằng MIIT đã chỉ thị Hiệp hội các Nhà sản xuất Xe hơi Trung Quốc tập hợp 16 công ty này lại với nhau để ký thỏa thuận nêu trên.
Theo The Financial Times, ông Miêu Trường Hưng (Miao Changxing), một thanh tra cao cấp của MIIT, nói rằng ngành công nghiệp xe hơi của Trung Quốc cần tránh việc giảm giá “liều lĩnh.”
Cam kết nêu trên là một ví dụ về cách mà ông Musk đang cố gắng điều hướng mối quan hệ kinh doanh ngày càng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khi hai cường quốc đối thủ này cạnh tranh trên thị trường xe điện lớn nhất thế giới.
Tesla giảm giá trong khi thị trường xe hơi Trung Quốc chậm lại
Cuộc chiến giá xe điện đã bắt đầu sau khi Tesla giảm giá xe Model 3 và Model Y của họ vào tháng Mười năm ngoái (2022) trước sự cạnh tranh gia tăng trong nước ở Trung Quốc, khiến các thương hiệu khác ở nước này phải giảm giá mạnh trong đầu năm 2023 để thu hút khách hàng trong khi doanh số bán hàng chậm lại.
Hồi tháng Ba, một số mẫu xe được sản xuất tại nhà máy Tesla ở Thượng Hải đã rẻ hơn 14% so với năm 2022.
Thị trường Trung Quốc chiếm gần một phần ba doanh thu thường niên của Tesla, khiến nơi đây trở thành một trong những thị trường sinh lợi nhất của họ.
Một phần lý do khiến nhu cầu xe hơi ở Trung Quốc không nhiều là do ảnh hưởng của đại dịch và do có dự báo cho rằng giá xe điện sẽ bắt đầu giảm sau khi lượng hàng tồn kho gần đây tăng cao.
Tại Bắc Kinh, nơi đang đang cố gắng khuyến khích sử dụng xe điện ở các vùng nông thôn nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp xe hơi trong nước và tăng nhu cầu của người tiêu dùng, việc tích tụ hàng tồn kho sau đó đã dẫn đến việc giảm giá đáng kể cho xe điện và làm dấy lên các mối lo ngại.
Theo The Straits Times, việc giảm giá này khiến một số khách hàng đã mua xe ở Trung Quốc tức giận, bao gồm cả những chủ sở hữu xe Tesla.
Những chủ sở hữu xe Tesla ở Trung Quốc đã khiếu nại tại các cửa hàng và trung tâm phân phối, thậm chí một số người còn phá phách một trong các Trung tâm Trải nghiệm của công ty này.
Tesla và đối thủ chính của họ ở Trung Quốc, BYD, vốn được hậu thuẫn bởi một tỷ phú người Mỹ khác, ông Warren Buffett, đã đi đầu trong cuộc xung đột này bằng cách giảm giá trung bình 6% trong 5 tháng đầu năm 2023.
Tesla và BYD, thương hiệu xe hơi lớn nhất của Trung Quốc, đã trở thành những bên hưởng lợi chính từ cuộc chiến này và thúc đẩy doanh số bán hàng trước sự thiệt hại của các đối thủ nhỏ hơn và các thương hiệu ngoại quốc khác.
Theo The Financial Times, cả hai công ty đều báo cáo doanh thu kỷ lục trong quý 2 năm nay.
Ông Musk thực hiện nhiều thỏa thuận hơn với Bắc Kinh để bán xe hơi
Tuy nhiên, hồi tuần trước (26/06-02/07), những dấu hiệu cho thấy xu hướng giảm giá này đã giảm bớt trước khi thỏa thuận đó được ký kết, khi giá xe điện được điều chỉnh tăng lên khi doanh số bán hàng lấy lại đà tăng.
Tổng thư ký Hiệp hội Xe khách Trung Quốc Thôi Đông Thụ (Cui Dongshu) nói với Bloomberg rằng: “Thỏa thuận này được đưa ra vào thời điểm cuộc chiến giá cả đã đến điểm tạm dừng.”
Theo Bloomberg, lượng giao hàng từ nhà máy của Tesla ở Thượng Hải trong tháng Sáu đã tăng gần 20% so với một năm trước đó.
Các lô hàng từ các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc như BYD và Li Auto cũng tăng vọt, và các quan chức của ĐCSTQ ước tính rằng doanh số bán xe năng lượng mới trong tháng Sáu đã tăng 30% so với cùng tháng vào năm 2022.
Hồi tháng Sáu, ông Musk đã tới Trung Quốc để gặp bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng thương mại và công nghiệp của ĐCSTQ, cùng với ông Tăng Dục Quần (Robin Zeng), Nhà sáng lập và Chủ tịch của CATL, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới.
Các nhà phân tích cho hay cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo ĐCSTQ có thể mở đường cho Tesla trong việc đạt được sự chấp thuận theo quy định tại Trung Quốc đối với các tính năng tự lái trên xe hơi sản xuất trong nước của quốc gia này.
Trong một video tuyên bố khác tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới ở Thượng Hải hôm 29/06, ông Musk dự đoán rằng ngành công nghiệp xe điện sẽ có gần như toàn bộ khả năng tự lái vào cuối năm nay.
Việc phê chuẩn các tính năng mới sẽ mang lại cho Tesla một lợi thế lớn so với các đối thủ cạnh tranh của họ trong thị trường xe điện Trung Quốc khắc nghiệt.
Ông Musk cũng hy vọng rằng người Trung Quốc sẽ cải thiện khả năng của họ về trí tuệ nhân tạo đồng thời kêu gọi giám sát theo quy định đối với công nghệ mới này.
Ông Musk nói: “Miễn là người Trung Quốc quyết định làm tốt một việc nào đó, thì họ nhất định sẽ làm tốt, kể cả AI.”
Trong khi đó, những hành động gần đây của ông Musk ở Trung Quốc đã cho thấy những nỗ lực hạn chế tự do ngôn luận, vốn đã gia tăng ở Trung Quốc và Hoa Kỳ, dưới thời chính phủ ông Biden.
Bà Vương Á Thu (Yaqiu Wang), nhà nghiên cứu cao cấp về Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), nói rằng việc ông Musk ký vào bản cam kết này đã làm suy yếu vị thế đạo đức của ông.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times