Hoa Kỳ: Giá dầu lần đầu tiên vượt mức 90 USD/thùng trong năm 2023, làm dấy lên những lo ngại về lạm phát
Giá dầu tăng dự kiến sẽ đẩy giá xăng lên cao hơn nữa và khiến tỷ lệ lạm phát vốn đã tăng cao trên khắp nền kinh tế thêm phần nghiêm trọng.
Giá dầu Hoa Kỳ tăng vọt lên trên mức 90 USD/thùng lần đầu tiên sau mười tháng, một dấu hiệu xấu đối với Hệ thống Dự trữ Liên bang (Fed).
Giá dầu tăng dự kiến sẽ đẩy giá xăng lên cao hơn nữa và khiến tỷ lệ lạm phát vốn đã tăng cao trên khắp nền kinh tế thêm phần nghiêm trọng.
Đợt tăng giá năng lượng mới nhất đang bắt đầu đảo ngược một số nỗ lực của ngân hàng trung ương trong cuộc chiến chống lạm phát, vốn đã tăng tốc lên 3.7% trong tháng Tám.
Giá tại trạm xăng đang gần đạt mức cao kỷ lục trong năm, mặc dù nhu cầu đã giảm mạnh.
Mặc dù mùa lái xe cao điểm vào mùa hè đã kết thúc, giá xăng, vốn là yếu tố đẩy lạm phát tăng cao trong tháng Tám, có thể sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới do giá dầu tăng đột biến.
Giá xăng tăng khi giá dầu tăng trên 90 USD
Theo AAA, giá xăng thông thường trung bình trên toàn quốc đã tăng lên 3.86 USD một gallon hôm 15/09, tăng 6 xu so với tuần trước và cao hơn 16 xu so với cùng ngày năm 2022.
Cùng ngày, dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu đã giao dịch trên 94 USD/thùng, trong khi dầu thô West Texas Intermediate chạm mốc gần 91 USD/thùng.
Ít nhất hơn chục tiểu bang có giá xăng trung bình từ 4 USD/gallon trở lên, trong đó có Colorado, North Dakota, và California.
Hai biện pháp lạm phát quan trọng trong tuần này được Fed theo sát, đã cho thấy giá nhiên liệu tăng cao hơn dự kiến trong tháng Tám.
Báo cáo Chỉ số Giá Tiêu dùng và Chỉ số Giá nhà Sản xuất của Cục Thống kê Lao động đã tăng trong tháng trước do giá xăng cao hơn.
Chỉ số giá xăng của CPI tăng 10.6% trong tháng Tám, tăng mạnh so với mức tăng 0.2% trong tháng Bảy, do nhu cầu tăng 10.5%.
Chỉ số năng lượng nhìn chung đã tăng 5.6% trong tháng trước.
Trong thông cáo báo chí hôm 13/09, Tổng thống Joe Biden thừa nhận giá xăng đã tăng đột biến.
Tổng thống nói, “Lạm phát tổng thể cũng đã giảm đáng kể trong năm qua, nhưng tôi biết việc giá xăng tăng vào tháng trước đã gây căng thẳng cho ngân sách gia đình. Đó là lý do tại sao tôi vẫn tập trung vào việc cắt giảm chi phí năng lượng, bao gồm cả việc đầu tư vào năng lượng sạch để tăng cường an ninh năng lượng của chúng ta.”
Các chính sách năng lượng xanh của chính phủ Tổng thống Biden đã không giúp được gì khi Tòa Bạch Ốc chấm dứt hợp đồng khoan dầu trên các vùng đất liên bang ở Alaska.
Tuy nhiên, các quan chức chính phủ đã liên lạc với các giám đốc điều hành ngành dầu khí để bảo đảm an ninh nguồn cung.
Người đứng đầu Hội đồng Cố vấn Kinh tế Tòa Bạch Ốc, ông Jared Bernstein, nói với các phóng viên: “Bộ Năng lượng đang liên lạc với các nhà sản xuất và nhà máy lọc dầu để giải quyết mọi vấn đề và cố gắng bảo đảm nguồn cung ổn định.”
Dân biểu Mark Green (Cộng Hòa-Tennessee) nói với Fox Business rằng Tổng thống Biden sẽ phải trả giá cao về mặt chính trị nếu giá xăng tăng trên 4 USD một gallon vào năm 2024.
Các nước OPEC duy trì cắt giảm sản lượng
Nguyên nhân chính khiến giá năng lượng tăng cao là do lo ngại về an ninh nguồn cung dầu toàn cầu.
Saudi Arabia và Nga đã đột ngột gây tác động tiêu cực cho thị trường hơn một tuần trước khi gia hạn việc cắt giảm mạnh nguồn cung cho đến cuối năm, bất chấp dự báo nhu cầu lạc quan của OPEC+.
Saudi Arabia thông báo rằng việc cắt giảm nguồn cung dầu 1 triệu thùng sẽ được kéo dài đến hết năm 2023 và sẽ được xem xét hàng tháng về khả năng tăng hoặc giảm.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết hôm 12/09 rằng Moscow sẽ giảm xuất cảng 300,000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2023.
Thị trường sau đó lại hứng chịu một tin xấu khác khi lũ lụt lớn ở Libya làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ quốc gia xuất cảng dầu mỏ này.
Theo OPEC, Libya sản xuất khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày và là một trong những nhà cung cấp chính cho châu Âu, lục địa vốn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng do các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Báo cáo tháng Chín của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về thị trường dầu dự kiến rằng việc cắt giảm dầu của Saudi Arabia và Nga sẽ khiến thị trường thâm hụt “đáng kể” cho đến quý tài khóa thứ tư của năm 2023.
Báo cáo của IEA cho biết: “Việc ngừng cắt giảm vào đầu năm 2024 sẽ chuyển cán cân sang mức thặng dư.”
“Tuy nhiên, dự trữ dầu sẽ ở mức thấp khó chịu, làm tăng nguy cơ xảy ra một đợt biến động gia tăng khác mà không có lợi cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng, do môi trường kinh tế mong manh,” báo cáo cho biết.
IEA cũng dự báo nhu cầu dầu đạt đỉnh trước năm 2030, dự báo này ngay lập tức bị OPEC bác bỏ.
OPEC cho biết các dự báo nhất quán dựa trên dữ liệu cho thấy nhu cầu dầu đạt đỉnh sẽ không xảy ra trước năm 2030 và bác bỏ mọi tuyên bố về “sự bắt đầu kết thúc của nhiên liệu hóa thạch.”
Trong khi đó, báo cáo sản lượng công nghiệp mới nhất của Trung Quốc cho thấy mức tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong tháng Tám có thể dẫn đến mất cân bằng hơn nữa giữa cung và cầu.
Các chuyên gia ngành năng lượng vẫn lạc quan
Các nhà phân tích ngành vẫn hy vọng rằng đợt giảm sản lượng lọc dầu ngắn hạn trong vài tháng qua dường như đã kết thúc trong khi quốc gia này chuẩn bị chuyển sang sử dụng khí đốt và dầu diesel loại rẻ hơn vào mùa đông.
Ông Patrick De Haan, người đứng đầu bộ phận phân tích xăng dầu tại GasBuddy, cho biết, “Mức trung bình toàn quốc đã gặp phải một số khó khăn trong tuần qua sau khi bắt đầu giảm vào đầu tuần. Nửa cuối năm đã chứng kiến mức tăng trung bình toàn quốc khi giá xăng ở Vành đai Bắp (khu vực Trung Tây Hoa Kỳ, chuyên sản xuất bắp) bắt đầu tăng vọt, kéo theo giá trung bình ở Hoa Kỳ tăng theo.”
Mặt khác, ông De Haan đã đăng trên X, nền tảng trước đây gọi là Twitter, rằng ông không đồng ý với các ước tính khác rằng “mức giá trung bình quốc gia ‘sẽ vượt trên 4 USD’ trong thời gian còn lại của năm 2023. Có thể là vào năm tới.”
Ông nói với Fox Business rằng ông vẫn hy vọng Hoa Kỳ “cuối cùng sẽ chứng kiến một đợt giảm giá” và dự đoán rằng giá xăng trung bình toàn quốc có thể giảm từ 3.35 đến 3.50 USD/gallon vào cuối năm nay.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times