Tối cao Pháp viện bác bỏ tranh tụng của Elon Musk về những hạn chế của SEC đối với phát ngôn của ông
Nỗ lực của ông Musk nhằm bác bỏ quy định về ‘người giám sát Twitter’ do Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch áp đặt đã thất bại.
Hôm 29/04, Tối cao Pháp viện đã bác bỏ nỗ lực của doanh nhân tỷ phú Elon Musk nhằm tranh tụng một thoả thuận mà ông đã đạt được với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), trong đó yêu cầu một người giám sát pháp lý xem xét các bài đăng trên mạng xã hội của ông.
Ông Musk tuyên bố trong các tài liệu tại tòa án rằng SEC đã tham gia vào một “chiến dịch đang diễn ra” nhằm chống lại ông.
Ông Musk, Tổng giám đốc của Tesla và SpaceX đồng thời là chủ sở hữu của nền tảng truyền thông xã hội X, trước đây là Twitter, cáo buộc rằng SEC đã áp đặt một cách trái phép cái gọi là điều khoản “người giám sát Twitter.”
Cơ quan liên bang này đã truy đuổi ông Musk sau khi ông đăng trên Twitter vào năm 2018 rằng ông đã có đủ tài chính để chuyển Tesla thành tư nhân với mức giá 420 USD một cổ phiếu. Tuyên bố bất ngờ của ông đã khiến cổ phiếu Tesla tăng vọt, nhưng SEC cho biết các bài đăng này đã vi phạm luật chứng khoán vì “sai sự thật và gây hiểu lầm.”
Ông Musk đã dàn xếp một vụ kiện dân sự mà SEC đưa ra, trong đó đã có thỏa thuận về việc giám sát mạng xã hội này. Năm ngoái, một cách độc lập, một bồi thẩm đoàn đã nhận thấy rằng ông Musk không phải chịu trách nhiệm về việc đánh lừa các nhà đầu tư tiềm năng.
Ông Musk hiện tuyên bố rằng những hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận của ông là vi phạm Tu chính án thứ Nhất và ông đã bị ép buộc phải tham gia vào thỏa thuận này.
Các luật sư của ông cho biết trong hồ sơ tòa án rằng, điều khoản giám sát “hạn chế ngôn luận của ông Musk ngay cả khi ngôn luận đó là trung thực và chính xác.”
“Điều khoản này mở rộng đến cả những ngôn luận không thuộc luật chứng khoán và không liên quan đến hành vi đằng sau vụ kiện dân sự của SEC đối với ông Musk.”
Họ nói rằng, điều khoản này yêu cầu ông Musk “phải đồng ý với sự hạn chế sâu rộng trong phát ngôn của mình: ông ấy phải có được ‘sự chấp thuận trước’ rõ ràng trước khi tiến hành ‘giao tiếp bằng văn bản’ về nhiều chủ đề.”
Các luật sư của ông lập luận rằng điều khoản này là một hạn chế vi phạm thuyết các điều kiện vi hiến, theo đó quy định rằng chính phủ không được trừng phạt một cá nhân vì thực hiện quyền theo Hiến Pháp. Cụ thể, chính phủ không được áp đặt các điều kiện về việc cung cấp lợi ích của chính phủ để đổi lấy sự đồng ý từ bỏ việc thực hiện quyền như thế của một cá nhân.
SEC lập luận rằng ông Musk đã từ bỏ quyền tranh chấp các điều khoản này khi ký thỏa thuận dàn xếp.
Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ Khu vực Hai đứng về phía SEC, nhận thấy rằng ông Musk không thể tranh tụng, vì ông đã chấp thuận các yêu cầu của cơ quan này.
Một hội đồng gồm ba thẩm phán của tòa án khu vực đã ra phán quyết, “Chúng tôi không thấy bằng chứng nào trợ giúp cho lập luận của ông Musk rằng SEC đã sử dụng nghị định về sự đồng ý để tiến hành các cuộc điều tra mang tính chất tiêu cực, quấy rối đối với ngôn luận được bảo vệ của ông.”
“Nếu ông Musk từng muốn bảo vệ quyền tweet của ông ấy mà không cần sự giám sát nội bộ hạn chế liên quan đến một số chủ đề nhất định về Tesla, thì ông đã có ‘quyền kiện tụng và bào chữa trước các cáo buộc [của SEC]’ hoặc đàm phán một thỏa thuận khác — nhưng ông đã chọn không làm như vậy.”
Nhưng ông Musk đã tuyên bố trong đơn kiện của ông rằng, “[Phán quyết của tòa án cấp dưới] hoàn toàn mâu thuẫn với luật về các điều kiện vi hiến của Pháp viện, và trao cho các cơ quan hành chính quyền lực không thể dung thứ để ép buộc các bên tư nhân từ bỏ các quyền theo Hiến Pháp của họ.”
“Tòa án nên y chuẩn việc xem xét lại để làm rõ phạm vi thích hợp của thuyết các điều kiện vi hiến và để ngăn chặn sự xâm phạm quá mức của SEC.”
Tòa án khu vực kết luận rằng ông Musk phải bỏ qua việc dàn xếp với SEC hoặc từ bỏ quyền thách thức tính hợp hiến đối với các yêu cầu của SEC.
Bản kiến nghị cho rằng loại kết quả này không thể phù hợp với phán quyết năm 2013 của Tối cao Pháp viện trong vụ Koontz kiện Thủy Khu Quản lý Nước sông St. John về các điều kiện vi hiến, trong đó “cấm tạo gánh nặng cho các quyền được liệt kê trong Hiến Pháp thông qua việc cưỡng bức thu hồi lợi ích từ những người thực hiện các quyền đó.”
Bản kiến nghị nêu, chính phủ “không được từ chối lợi ích của một người trên cơ sở vi phạm các lợi ích được Hiến Pháp bảo vệ của người đó — đặc biệt là lợi ích của người đó về quyền tự do ngôn luận,” trích dẫn vụ Perry kiện Sindermann (1972).
Ông Musk cho biết trong đơn kiến nghị của mình rằng ông đã tìm cách từ chối điều khoản giám sát sau khi SEC đã yêu cầu ông “kiềm chế vô thời hạn việc đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào về nhiều chủ đề trừ phi ông đã có được sự chấp thuận của một luật sư chứng khoán trước tiên.”
Nhiều tháng sau, SEC đã cố gắng cáo buộc ông Musk tội khinh thường tòa án do không đạt được sự chấp thuận trước cho một bài đăng trên Twitter.
Bản kiến nghị viết, “Trên thực tế, SEC đã tìm kiếm các biện pháp trừng phạt dành cho tội khinh thường — lên tới và bao gồm cả hình phạt bỏ tù — đối với việc ông Musk thực hiện các quyền theo Tu chính án thứ Nhất của ông. Điều khoản phê chuẩn trước … là một hạn chế trước trọng yếu mà luật pháp nghiêm cấm.”
“Và họ khiến ông Musk e ngại phát ngôn thông qua việc không ngừng đe dọa buộc tội khinh thường, phạt tiền, hoặc thậm chí bỏ tù vì những gì ngoài ngôn luận được bảo vệ khi không được SEC hoặc tòa án chấp thuận trước.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times