Nhóm y đức được đề cử giải Nobel Hòa bình vì đã nâng cao nhận thức về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc
“Những hành động này thật kinh khủng, tôi cho rằng những hành động này đi ngược lại các quyền căn bản của con người,” người đề cử Thượng nghị sĩ Philip Hunt đến từ vùng King’s Heath nói với The Epoch Times.
Một nhà lập pháp người Anh đã đề cử tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (Doctors Against Forced Organ Harvesting) nhận giải Nobel Hòa bình, trích dẫn vai trò của nhóm y đức này trong việc nêu bật “nỗi kinh hoàng của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức” ở Trung Quốc cộng sản.
Tổ chức bất vụ lợi này được gọi tắt là DAFOH, có trụ sở tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, bao gồm các bác sĩ y khoa trên toàn thế giới. Họ đã dành khoảng 17 năm để nâng cao nhận thức về tình trạng đàn áp trên quy mô lớn này.
Bên cạnh việc phát hành các ấn phẩm nghiên cứu bằng chứng, nhóm này còn thường xuyên tổ chức các hội thảo trực tuyến và thực hiện một cuộc vận động thỉnh nguyện kêu gọi Liên Hiệp Quốc hành động, thu hút được hàng triệu chữ ký trên toàn cầu trong khoảng thời gian khoảng sáu năm.
Vào tháng Một vừa qua, DAFOH đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc thành lập một tòa án hình sự quốc tế về tội cưỡng bức thu hoạch nội tạng của chính quyền Trung Quốc, với sự ủng hộ của hơn 100 nhà lập pháp, học giả, và các nhóm dân sự.
Người đề cử, Thượng nghị sĩ Philip Hunt đại diện cho vùng King’s Heath, đã khen ngợi nhóm vì “công việc phi thường” trong việc đưa ra lý do “tại sao chúng ta cần phải hành động.”
Ông nói với The Epoch Times: “Những hành động này thật kinh khủng, tôi cho rằng những hành động này đi ngược lại các quyền căn bản của con người.”
Tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn ở Trung Quốc khiến rất nhiều người gặp nguy hiểm. Các học viên bị giam giữ của môn tu luyện Pháp Luân Công bị giam giữ, một môn mà theo ước tính có tới 100 triệu người theo học, có thể thiệt mạng vì bị cưỡng bức lấy nội tạng. Tình trạng này cũng xảy ra ở những người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và những tín đồ Cơ Đốc Giáo tại gia. Bị lôi cuốn bởi thời gian chờ đợi vô cùng ngắn tại các bệnh viện Trung Quốc, khách du lịch quốc tế có thể chọn sang Trung Quốc để phẫu thuật cấy ghép nội tạng, từ đó vô tình trở thành đồng phạm trong tội ác này.
Kể từ khi “Tòa án Luận tội Trung Quốc” tại London xác nhận sau cuộc điều tra kéo dài một năm rằng hành động tàn ác này thực sự đã và đang xảy ra ở Trung Quốc và trên “một quy mô lớn,” thì vấn đề này đã tạo ra mối lo ngại ngày càng tăng trên phạm vi quốc tế.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) đã nêu lên vấn đề này và xếp Đảng Cộng sản Trung Quốc vào danh sách “những chế độ áp bức nặng nề nhất trên thế giới” vì đàn áp vi phạm nhân quyền. Năm ngoái (2023), với sự ủng hộ áp đảo, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật nhằm đưa ra các hậu quả hình sự, và Texas đã ban hành một đạo luật tiểu bang cấm các công ty bảo hiểm tài trợ cho hoạt động đến Trung Quốc du lịch ghép tạng. Hồi năm 2022, Nghị viện Âu Châu đã thông qua một nghị quyết lên án “tình trạng tội phạm, vô nhân đạo, và phi đạo đức” này.
Ông Hunt đã nỗ lực vận động thông qua một dự luật của Vương quốc Anh nhằm cấm những người đồng hương của mình tham gia vào chương trình này. Ông đã thấy thất vọng vì cho đến nay vẫn chưa có phản ứng rõ ràng nào từ các cơ quan quốc tế như Liên Hiệp Quốc.
Trong cuộc xem xét gần đây của Liên Hiệp Quốc về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, các nhà phê bình Trung Quốc đã phải dồn những lời nhận xét của họ vào một khoảng thời gian hết sức eo hẹp chỉ 45 giây. Vấn đề thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã không được đề cập đến.
Lần đầu tiên ông Hunt hay biết về vấn đề này là từ những người ủng hộ nhân quyền khoảng năm năm trước, vào lúc ông đang vận động cho một dự luật khuyến khích hiến tạng ở đất nước ông. Kinh hoàng khi biết những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, ông cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp chấm dứt tình trạng bức hại này.
Ông nói: “Thu hoạch nội tạng cưỡng bức là một tội ác vô cùng khủng khiếp,” đồng thời lưu ý đến những vụ sát nhân đằng sau hậu trường nhằm giúp ngành này phát triển.
Ông cho biết, các tù nhân lương tâm, các học viên Pháp Luân Công, và người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương phía tây bắc — những người này “xứng đáng được hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn rất nhiều so với hoàn cảnh khủng khiếp mà họ đang gặp phải.”
Ông nói: “Chúng ta phải làm tốt hơn, chúng ta phải phản đối, chúng ta phải vận động, và cuối cùng chúng ta sẽ thành công trong việc xóa bỏ tình trạng khủng khiếp này”. Và trong đó, ông nói thêm, các tổ chức như DAFOH đóng “một vai trò vô cùng quan trọng.”
Ông Hunt nói: “Tôi bày tỏ lòng tôn trọng đối với họ vì tất cả những gì họ đã làm và tất cả sự giúp đỡ mà họ đã dành cho tôi.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times